THỜI điểm vừa qua, tại hai đô thị lớn nhất cả nước là Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tình trạng khó khăn trong việc đưa xe đi đăng kiểm đã gây nhiều phí tổn và bức xúc cho người dân. Nhiều chủ phương tiện phải xếp hàng nhiều ngày, thậm chí phải mang xe qua vài tỉnh mới có thể đăng kiểm theo đúng niên hạn. Giới chuyên gia đã lên tiếng nhiều về những bất hợp lý trong quy định hiện hành liên quan đến thời hạn đăng kiểm. Trước thực tế này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu sớm sửa đổi Thông tư 16.
Thông tư 02/2023, Bộ chủ quản xây dựng lại trình tự, thủ tục rút gọn về đăng kiểm, giãn thời gian đăng kiểm căn cứ vào đặc thù sử dụng của từng loại xe. Thông tư mới miễn kiểm định lần đầu với xe chưa qua sử dụng. Theo đó, các loại xe gia đình, xe con cá nhân sản xuất dưới bảy năm kiểm định lần đầu sau 36 tháng, định kỳ 24 tháng, tăng sáu tháng mỗi giai đoạn so với hiện nay. Các loại xe cũ, sản xuất hơn bảy năm đến 15 năm (hiện nay là 12 năm) có chu kỳ kiểm định 12 tháng; xe hơn 15 năm giữ nguyên định kỳ kiểm định sáu tháng. Tương tự, xe kinh doanh vận tải hơn chín chỗ sản xuất đến 5 năm được giãn chu kỳ kiểm định lần đầu là 24 tháng, định kỳ 12 tháng, tăng sáu tháng so hiện nay. Các loại xe sản xuất trên 5 năm vẫn áp dụng chu kỳ sáu tháng. Xe trên chín chỗ sau 15 năm giữ nguyên chu kỳ ba tháng.
Quan điểm của Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện chưa có các quy định về niên hạn phụ tùng, phí môi trường, bảo dưỡng với xe cũ nên phương tiện cũ lưu hành khá phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Do vậy, việc nới thời hạn với xe cũ cần được cân nhắc kỹ càng.
Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng thông tin thêm, Ban soạn Thông tư thay thế đã nghiên cứu kỹ để phân loại định kỳ đăng kiểm. Chẳng hạn, loại xe taxi, xe cứu thương được xếp vào nhóm có chu kỳ kiểm định ngắn nhất do tần suất hoạt động cao nên tuổi thọ của linh kiện giảm sút nhanh chóng, tiềm ẩn mất an toàn trong quá trình lưu thông. Tuy nhiên, tại Việt Nam các xe taxi sau khi chuyển đổi thành ô-tô cá nhân lại được áp dụng chu kỳ kiểm định như các loại xe cá nhân khác, cũng là điều bất cập, đòi hỏi có phương án quản lý phù hợp. Ngoài ra, để bảo đảm an toàn, cần biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn các xe cũ (thường được đưa về sử dụng ở vùng nông thôn).
TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia cho rằng, Thông tư 02/2023 đưa ra giải pháp giảm tải cho các trung tâm đăng kiểm là miễn đăng kiểm lần đầu với xe mới và quy định lại mật độ, thời gian đăng kiểm là rất tốt trong thời điểm này. Tuy nhiên, nếu có quy định rõ ràng thời gian đăng kiểm cho xe gia đình, xe chở khách thì tốt hơn, bởi xe gia đình di chuyển ít hơn và cũng được gìn giữ tốt hơn. Với xe gia đình, trước đây phải đăng kiểm theo hạn kỳ sáu tháng/lần, có thể xem xét nâng lên chín tháng; hoặc một năm thành một năm rưỡi. Ở đô thị, thời gian vừa qua, số lượng các phương tiện mới nhiều hơn, chất lượng chung đều tốt lên. Theo đó, chu kỳ kiểm định của Việt Nam có thể tiếp cận thời hạn đăng kiểm giống nhiều nước trên thế giới.
Bàn về Thông tư vừa được ban hành, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải ô-tô Hà Nội cho biết: Suốt những năm qua, chu kỳ kiểm định một chiếc xe ở Việt Nam quá dày đặc. Xe cá nhân chở người ở Việt Nam phải kiểm định lần đầu, rồi 30 tháng sau kiểm định tiếp, sau đó là mỗi kỳ cách nhau 18 tháng. Nhưng từ năm thứ bảy đến năm thứ 12, khoảng cách mỗi kỳ rút xuống còn 12 tháng; từ năm thứ 12 đến 15 là sáu tháng và từ năm thứ 15 trở đi là ba tháng. "Khi đưa Thông tư 02/2023 vào thực thi, cũng cần tiếp tục lắng nghe phản hồi từ thực tế để có sự điều chỉnh cho phù hợp. Chẳng hạn như, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu việc kiểm định xe gia đình, cá nhân bằng số kilomet. Điều này trước đây đã từng có kiến nghị, nhưng cơ quan chức năng không đồng ý vì lo ngại cá nhân có thể tác động, điều chỉnh số kilomet. Song bây giờ chúng ta có các phần mềm hiện đại, có thể kiểm soát được", ông Liên nhấn mạnh.
Theo ông Liên, chúng ta nên học tập kinh nghiệm quốc tế để có thời gian đăng kiểm hợp lý hơn. Chẳng hạn như, ở Nhật Bản và Hàn Quốc, mỗi xe chỉ phải đăng kiểm lần đầu trong thời gian bốn năm kể từ khi mua mới, sau đó cứ hai năm kiểm định một lần. Ở Singapore, sau ba năm kể từ khi mua mới, chủ xe sẽ đăng kiểm lần đầu, sau đó là cứ hai năm một lần và từ năm thứ 10 trở đi, mới phải đăng kiểm hằng năm.
Không ít chuyên gia cũng cho rằng, cần thêm sự phối hợp trong hoạt động đăng kiểm từ phía các trung tâm bảo dưỡng xe của nhà sản xuất với điều kiện: Các trung tâm bảo dưỡng này phải đầu tư trang thiết bị và con người ở mức tương ứng để có thể bảo đảm công việc. Thời gian tới, cần kiện toàn lại lực lượng, phối hợp tốt hơn với lực lượng công an, quân đội, đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng kiểm, trong hoạt động giám sát lực lượng đăng kiểm nhằm ngăn chặn tiêu cực, đồng thời phục vụ người dân tốt hơn.
Dẫu là muộn, song Thông tư mới cũng đã "gỡ" được nhiều phiền hà đối với người dân, giảm được phần nào gánh nặng và chi phí xã hội.