Chậm trễ kéo dài
UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm của TP Thủ Đức. Theo đó, UBND thành phố yêu cầu TP Thủ Đức tổ chức kiểm tra thường xuyên việc quản lý, sử dụng đất đai đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt theo quy định của Luật Đất đai.
Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức cho hay, TP Thủ Đức có diện tích tự nhiên hơn 21.156ha, trong đó đất nông nghiệp 3.367ha, đất phi nông nghiệp 17.619ha, không có đất chưa sử dụng. Theo kế hoạch được duyệt, năm nay, TP Thủ Đức thu hồi 524ha đất nông nghiệp, trong đó có 205ha đất trồng lúa, 240ha đất trồng cây lâu năm, 43ha đất nuôi trồng thủy sản… Đất phi nông nghiệp bị thu hồi là 232ha, gồm cả 110ha đất ở tại đô thị. Về chuyển mục đích sử dụng đất, TP Thủ Đức có 1.020ha đất nông nghiệp đăng ký chuyển sang đất phi nông nghiệp, trong đó đất trồng lúa là 315ha, đất trồng cây lâu năm 454ha. Đất phi nông nghiệp không phải đất ở chuyển sang đất ở 98ha.
Dù đã được thông qua kế hoạch sử dụng đất hằng năm sớm nhất so với các địa phương còn lại trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nhưng TP Thủ Đức vẫn chậm hơn so với quy định tới gần 10 tháng. Đây cũng là thực trạng chung của các quận, huyện trên địa bàn thành phố nhiều năm qua.
Thực trạng này cũng được Trưởng ban Đô thị HĐND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Vân chỉ rõ khi cho biết, kế hoạch sử dụng đất hằng năm của quận, huyện quy định chỉ tiêu sử dụng đất theo diện tích đến từng xã, phường, để địa phương thực hiện thủ tục giao, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng và thu hồi đất trong năm. Theo Luật Đất đai năm 2013, kế hoạch sử dụng đất hằng năm phải được UBND tỉnh, thành phố phê duyệt trước ngày 31/12 của năm trước đó. Thế nhưng, phần lớn kế hoạch sử dụng đất của các quận, huyện và TP Thủ Đức được duyệt vào quý II hoặc quý III hằng năm. Đây là vấn đề nhiều năm qua chưa được khắc phục và tình trạng chậm trễ ngày càng trầm trọng, khi mà đến thời điểm quý IV/2022 kế hoạch sử dụng đất của nhiều địa phương chưa được duyệt.
Do đó, cần phân tích sâu, kỹ lưỡng để tìm ra nguyên nhân mấu chốt, vì các địa phương kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường làm sớm nhưng sở này lại cho rằng các địa phương chuyển kế hoạch sử dụng đất lên chậm, nên kéo theo thẩm định và trình duyệt kéo dài. “Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường ngồi lại với các quận, huyện, TP Thủ Đức và Sở Tài chính để tìm ra giải pháp làm nhanh, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm đúng thời hạn quy định, không thể để dây dưa, kéo dài như thời gian qua”, bà Nguyễn Thị Thanh Vân nhấn mạnh.
Về phía địa phương, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cần Giờ Kha Văn Phước cho rằng, quy trình, thủ tục sử dụng đất tốn rất nhiều thời gian. Trong đó, khâu đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn lập kế hoạch sử dụng đất theo quy định, niêm yết công khai đã hết hai tháng rưỡi. Sau đó lấy ý kiến nhu cầu sử dụng đất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn kéo dài cả tháng chưa xong. Chưa kể, các dự án về quốc phòng-an ninh, công trình trọng điểm, cấp bách của địa phương phải chờ cấp vốn mới đưa vào kế hoạch sử dụng đất. Quá trình lập kế hoạch sử dụng đất phải thông qua tổ liên ngành thẩm định, lại tốn thêm nhiều thời gian nữa.
Còn theo ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch HĐND huyện Củ Chi, nhiều năm nay, người dân phàn nàn về kế hoạch sử dụng đất. Lần nào tiếp xúc cử tri vấn đề này cũng được nêu lên và cử tri bày tỏ bức xúc, muốn kế hoạch sử dụng đất được duyệt đúng thời gian quy định. Một nguyên nhân khác khiến địa phương chậm trình kế hoạch sử dụng đất được Phó Chủ tịch UBND quận 12 Nguyễn Minh Chánh nêu là kế hoạch vốn hằng năm có hai đợt, đầu năm và giữa năm nên các dự án đầu tư công phải chờ ghi vốn. Đơn cử như năm 2021 phải tới tháng 1 vốn mới về địa phương, lúc đó bắt tay vào lựa chọn tư vấn rất khó kịp kế hoạch, nên không thể thực hiện trước ngày 31/12 của năm trước.
Nên bỏ kế hoạch sử dụng đất hằng năm
Trước thực trạng nêu trên, mới đây, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo góp ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đại diện các quận, huyện, TP Thủ Đức và các chuyên gia cũng kiến nghị nên bỏ kế hoạch sử dụng đất hằng năm vì nhiều bất cập.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, từ năm 2016 đến nay, HĐND thành phố đã thông qua tổng cộng 1.445 dự án thu hồi đất các loại. Trong số này, 402 dự án đã hoàn thành (28%), 741 đang thực hiện (51%) và 302 dự án vẫn còn trên giấy (21%). Đến nay, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã hủy bỏ 169 dự án quá ba năm đăng ký kế hoạch sử dụng đất nhưng chưa thực hiện. Trong đó, 61 dự án thu hồi và chuyển mục đích đất trồng lúa do HĐND thông qua tại Nghị quyết 84/2020 (dự án đầu tư công); số còn lại được thành phố xóa khỏi kế hoạch sử dụng đất. Dự kiến, năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu chính quyền thành phố hủy bỏ 302 dự án thu hồi đất quá ba năm chưa thực hiện.
Trao đổi ý kiến với Thời Nay, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng, Nhà nước điều tiết nền kinh tế bằng nhiều công cụ, trong đó quy hoạch mới là yếu tố định hướng các mục tiêu phát triển chứ không phải là kế hoạch sử dụng đất. Chỉ nên lập kế hoạch sử dụng đất đối với dự án đầu tư bằng ngân sách nhà nước hoặc tạo quỹ đất để đưa ra đấu giá, đấu thầu.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện có ba bước quy trình về kế hoạch sử dụng đất hằng nằm. Thứ nhất là đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn lập kế hoạch sử dụng đất. Đây là khâu các địa phương thường bị chậm nhất do liên quan đến tài chính nhưng nhiều khi đơn vị thực hiện lại không có chuyên môn. Thứ hai, khi đã chọn được đơn vị tư vấn, một số địa phương phải thông qua Ban Thường vụ hoặc HĐND vì kế hoạch sử dụng hằng năm là cơ sở rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, nên ở bước thực hiện này cũng chậm. Thứ ba là quá trình duyệt, các địa phương cũng phải chờ cấp vốn để đưa vào kế hoạch sử dụng đất. “Với những bất cập, vướng mắc như hiện nay, các khâu chuẩn bị và phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm tốn nhiều thời gian, gần như không bảo đảm hoàn thành vào tháng 12 năm trước như quy định”, ông Nguyễn Toàn Thắng thừa nhận hạn chế trên.
Để sử dụng đất hiệu quả, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết, Sở đã tham mưu UBND thành phố đề xuất Trung ương cho phép bỏ khâu lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm. TP Hồ Chí Minh cũng đã kiến nghị bỏ lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm trong nội dung sửa đổi Luật Đất đai, bởi thành phố đã có quy hoạch xây dựng, kế hoạch sử dụng đất 5 năm và 10 năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND thành phố có thể căn cứ trên các quy hoạch này để kiểm soát việc giao, thuê, chuyển mục đích sử dụng đất. Vì vậy, việc lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm mang tính hình thức. Chưa kể, từ chính quyền thành phố đến sở, ngành và địa phương, mỗi năm đều phải lo tập trung để lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch sử dụng đất, rất mất thời gian, vừa làm xong năm này đã lo chuẩn bị năm sau.
Là cơ quan giám sát thực hiện, Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường nắm chắc và kiểm tra kỹ trước khi tham mưu trình UBND thành phố để trình HĐND thành phố thông qua các danh mục dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng cũng như danh mục hủy bỏ các dự án đã được HĐND thành phố thông qua. Đồng thời, chính quyền các địa phương cần rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh lại báo cáo, bảo đảm thể hiện đầy đủ dự án theo danh mục các dự án đã có nghị quyết của HĐND thành phố thông qua; cần nắm chắc lại tiến độ triển khai, lý do chậm triển khai, không triển khai và đề xuất kiến nghị cụ thể, nhất là kiến nghị, đề xuất hủy bỏ đối với các dự án đã đăng ký kế hoạch sử dụng đất quá ba năm nhưng không thực hiện.