“Thỉnh thoảng đâu đó lại có thông tin những vụ lật tẩy hoặc xử lý chuyện thực phẩm mất vệ sinh, nhưng đừng thấy vậy mà xa lánh những hàng quà vặt, món ăn có tính địa phương. Ăn quà ở chợ cho ta tiếp cận người sở tại, ít nhiều có thêm trải nghiệm...”, anh Dũng, một hướng dẫn viên đến từ TP Hồ Chí Minh cho biết. Những món quà vặt được sản xuất từ những gia đình có nghề truyền thống hoặc từ người nghèo mưu sinh, tuy ngồi bày bán trong không gian chật chội nhưng trân trọng khách hàng để giữ uy tín chung của chợ. Chị Nguyễn Thị Bé Em bán nộm đu đủ xanh cho hay, nghề bán hàng ăn thì có hôm đắt, hôm ế. “Ế thì mình ăn, nên khi làm cũng cần bảo đảm vệ sinh để khách ăn, mình ăn mà không bị sao”, chị nói.
Chợ Cồn hình thành năm 1940, nằm ngã tư đường Ông Ích Khiêm - Hùng Vương. Chợ họp từ 6 giờ sáng đến 19 giờ tối và tên gọi của chợ gắn với xuất xứ chợ được hình thành trên một cồn đất. Chợ Cồn có hai khu bán quà vặt. Một khu có lối đi rộng, hàng bày như kiểu chợ quê. Một khu nằm trong các ki-ốt giữa chợ, ghế cao, tủ kính ngăn nắp. Khách ăn uống ở đây phần lớn là người Việt Nam và người châu Á đi du lịch, còn khách phương Tây chỉ tham quan, chụp ảnh là chính. Đúng giờ dọn hàng là món ăn được các chị, các cô bày biện bắt mắt khiến người đi ngang qua khó lòng làm ngơ.
“Ở chợ, chỉ sà vào là ăn. Thứ chi cũng có”, nhận xét của chị Loan, một người dân địa phương ưa thích quà vặt ở chợ Cồn cho hay. Được biết, đồ ăn ở chợ đều chuẩn bị trước ở nhà rồi mang ra chợ với thời lượng bán chỉ kéo dài trong vài giờ đồng hồ. Khách qua lại tuy không đói nhưng thấy người ta ăn cũng muốn thử, tạo nên một sự nhộn nhịp trong khu vực hàng ăn. “Ra chợ một buổi, mình đã có một bảng danh sách các quán, món để giới thiệu bạn bè mà không cần mất nhiều thời gian tìm kiếm trên các con phố”, Tú Lan, sinh viên ĐH Đà Nẵng cho hay.