“Đề án hướng tới phục hưng di sản văn hóa truyền thống, đưa di sản ấy vào cuộc sống đương đại và để nó tỏa sáng như đã từng”, TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế chia sẻ.
Theo ông Hải, phục hưng áo dài là mạch nối để phục hưng những ngành nghề khác từ vùng nguyên liệu, dệt vải, nhuộm cho đến thiết kế, đo may, phụ kiện. Không dừng lại đó, còn góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao mức sống của người dân. “Đề án này khẳng định được giá trị, vị trí áo dài Huế trong dòng chảy văn hóa của vùng đất cố đô cũng như văn hóa Việt Nam. Ngoài ra, còn nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản áo dài cho cộng đồng, trong đó chú trọng vào hai thuộc tính nghề may đo và tập quán sử dụng áo dài truyền thống của người Huế”, ông Hải khẳng định.
Theo nhà thiết kế thời trang Quang Hòa, đề án “Huế - Kinh đô áo dài” đã lan tỏa đến với cộng đồng. Tuy nhiên, cần tổ chức nhiều hơn nữa các chương trình, hoạt động để mọi người hiểu đúng tinh thần áo dài truyền thống và áo dài qua các thời kỳ. “Cần quảng bá nhiều hơn nữa đến người dân Việt Nam trong và ngoài nước để hiểu đúng ý nghĩa trang phục từng bối cảnh và thời đại”.
Bên cạnh việc lan tỏa và phát huy giá trị áo dài, nhiều ý kiến cho rằng cần hoàn thiện thể chế cho áo dài. Chủ nhiệm CLB Đình Làng Việt Nguyễn Đức Bình cho hay, hiện nay chưa có văn bản chính thức công nhận áo dài là trang phục đại diện cho dân tộc Việt Nam. Điều này nảy sinh nhiều vấn đề pháp lý khi tà áo dài bị may, mặc sai. Vì thế, việc cần hoàn thiện thể chế cho trang phục áo dài là việc làm cấp thiết bởi nó sẽ giải quyết hành lang pháp lý, tháo gỡ vấn đề bản quyền, tạo chính danh cho áo dài Việt và là động lực trong việc giáo dục, quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.