Phiên tòa lịch sử xét xử mafia

Một tòa án ở Italy đã kết án hơn 200 tên tội phạm và những đối tượng liên quan, trong vụ xét xử băng đảng mafia khét tiếng N’drangheta của nước này diễn ra gần đây. Tổng cộng bản án lên tới hơn 2.200 năm tù, là phiên tòa xét xử mafia lớn nhất ở Italy trong hơn 30 năm qua.
0:00 / 0:00
0:00
Hàng trăm luật sư và nhân viên an ninh có mặt tại phiên tòa. Ảnh: REUTERS
Hàng trăm luật sư và nhân viên an ninh có mặt tại phiên tòa. Ảnh: REUTERS

Phiên tòa của những kỷ lục

Theo CNN, phiên tòa đầu tiên xét xử vụ án băng đảng mafia N’drangheta đã bắt đầu từ tháng 1/2021 ở thị trấn Lamezia Terme, miền nam Italy. Hơn 400 luật sư đại diện cho các bị cáo và khoảng 900 nhân chứng được yêu cầu lấy lời khai. Đến phiên xét xử cuối cùng vào ngày 16/10, hội đồng xét xử đã lắng nghe tổng cộng 338 bị cáo trình bày. Hãng tin Ansa của Italy đưa tin, chủ tọa phiên tòa phải mất 1 giờ 40 phút để đọc hết bản phán quyết. Khoảng 207 bị cáo chịu án phạt tù, hơn 100 bị cáo được tuyên trắng án. Trong số những người bị xét xử có 42 phụ nữ - một kỷ lục trong một phiên tòa xét xử mafia, trong đó có 39 người bị kết án.

Từ những lời khai được đưa ra trong phiên tòa, có những bị cáo với biệt danh nổi bật bao gồm “The Wolf” (Con sói), hay “Lamb Thigh” (Đùi cừu). “Fatso” (Tên mập), “Sweetie” (Cục cưng)… đã xướng tên khoảng hơn 24.000 lần trong các đoạn ghi âm từ máy nghe lén. Đây cũng là lần đầu trong những phiên tòa xét xử mafia ở Italy, danh sách bị cáo bao gồm nhiều đối tượng không phải là thành viên mafia mà có cả cảnh sát, công chức và những người làm liên lạc, đưa tin khác. Tòa án đã tuyên án 10 năm tù cho một nhân viên cảnh sát tài chính cấp cao làm việc trong cơ quan chống mafia của Italy vì tiết lộ các chi tiết từ cuộc điều tra tư pháp cho băng đảng N’drangheta.

Theo tài liệu tuyên án mà báo chí có được, những quan chức chính phủ bị kết án bao gồm nhà lập pháp thuộc đảng “Tiến lên Italia” (Forza Italy), ông Giancarlo Pittelli; cựu cảnh sát trưởng Giorgio Naselli; cựu cảnh sát tài chính Michele Marinaro; cựu Thị trưởng Gianluca Callipo và các cựu Ủy viên Hội đồng khu vực Luigi Incarnato và Pietro Giamborino. Ngoài ra, các thành viên mafia khác bị kết tội tống tiền, hối lộ và 5 vụ giết người. Tổng thời gian ngồi tù bao gồm 5 bản án chung thân và 3 bản án 30 năm, hàng trăm mức án từ 30 năm đến vài tháng. Chủ tọa phiên tòa Brigida Cavasino đã đọc đều đặn tên những kẻ có tội và mức án của họ trong hơn một tiếng rưỡi. Vài chục người trong gia đình ngồi phía sau phòng xử án rộng và hẹp, nheo mắt nhìn màn hình tivi để nhìn bóng dáng người thân trong phiên tòa, thỉnh thoảng lại òa khóc sung sướng trước một bản án nhẹ, theo AFP.

Trước đó, các công tố viên đã yêu cầu mức án tổng cộng gần 5.000 năm cho 322 thành viên mafia bị buộc tội hoạt động ở tỉnh Vibo Valentia, vùng Calabria và những kẻ cộng tác với chúng. Sau thời gian xét xử và tổ chức các phiên tòa kéo dài 2 năm 9 tháng, tòa án tuyên mức án bằng khoảng một nửa tổng thời gian đó. Các bản án đã kết thúc phiên tòa xét xử mafia lớn nhất ở Italy trong nhiều thập kỷ và đánh dấu đòn giáng mạnh nhất cho đến nay đối với một trong những băng đảng tội phạm có tổ chức hùng mạnh nhất thế giới.

Ông Giuseppe Borrello, đại diện của hiệp hội chống mafia ở một địa phương của Italy cho biết, phán quyết cho thấy nỗ lực của các công tố viên đang có hiệu quả, ngay cả khi cuộc điều tra không thể tìm được tất cả nghi phạm. Borrello nói: “Con đường vẫn còn dài nhưng cuộc chiến chống mafia đã được vạch ra, đó là điều quan trọng nhất”.

Phiên tòa lịch sử xét xử mafia ảnh 1

Phiên tòa được bảo đảm an ninh nghiêm ngặt. Ảnh: CNN

Nhóm mafia “máu mặt” nhất Italy

Tổng cục chống mafia (DIA) của Italy cho hay, có trụ sở tại vùng Calabria ở phía nam Italy, N’drangheta được coi là nhóm mafia hùng mạnh nhất nước này và là một trong những tổ chức tội phạm quyền lực nhất thế giới, với hàng nghìn thành viên và chi nhánh trên toàn cầu. Theo Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol), N’drangheta độc quyền buôn bán ma túy ở châu Âu.

N’drangheta đã phát triển vượt xa nơi xuất phát là một khu vực hẻo lánh ở Calabria, mở rộng mạng lưới gần như độc quyền trong việc buôn bán cocaine ở châu Âu và hiện có mặt ở hơn 40 nước trên toàn thế giới. Nhấn mạnh mối quan hệ chặt chẽ của N’drangheta với quan chức chính quyền ở Italy, một trong những bị cáo nổi bật nhất của phiên tòa là cựu nghị sĩ 70 tuổi Giancarlo Pittelli, người bị cáo buộc đã dàn xếp “chạy tội” cho mafia. Ông này nhận bản án 11 năm tù.

Kể từ khi phiên tòa bắt đầu vào tháng 1/2021, cơ quan điều tra đã bỏ ra hàng nghìn giờ lấy lời khai, trong đó có hơn 50 cựu thành viên mafia trở thành nhân chứng, đã cung cấp chi tiết vô số thí dụ về sự tàn bạo của các thành viên N’drangheta, khiến nhiều người không thể thoát khỏi sự kìm kẹp của chúng. Băng đảng này đã nhiều năm liền tổ chức bạo lực, trấn áp các chủ doanh nghiệp, gian lận trong đấu thầu công khai, tàng trữ vũ khí, mua phiếu bầu cho người của chúng lọt vào cơ quan công quyền hoặc chuyển tiền lại quả cho những người cầm quyền. Với mức độ nghiêm trọng của vụ án, riêng thủ lĩnh cầm đầu băng đảng N’drangheta là ông trùm Luigi “The Supreme” Mancuso, 69 tuổi, đã được loại khỏi danh sách bị cáo vào năm ngoái để xét xử riêng.

Lần cuối cùng Italy xét xử hàng trăm nghi phạm mafia cùng một lúc là vào năm 1986 tại Palermo, thủ phủ của vùng Sicily, trong vụ án đánh dấu bước ngoặt trong cuộc chiến chống lại băng đảng Cosa Nostra, đánh dấu khởi đầu cho sự suy thoái mạnh mẽ của nhóm này. Phiên tòa ở Sicily đó có tác động rất lớn vì nó nhắm vào nhiều gia đình tội phạm.

Mafia như một ngành kinh doanh

Phiên tòa tiết lộ cách băng đảng N’drangheta đã bóp nghẹt nền kinh tế địa phương, thâm nhập vào các tổ chức chính quyền địa phương và khủng bố người dân ở đó trong nhiều chục năm qua. Thành viên của N’drangheta thường có quan hệ huyết thống, hoặc được mua chuộc bằng cả tiền và quan hệ. Trong số những thông tin được các nhân chứng kể lại, băng đảng này có thể giấu vũ khí trong các nhà nguyện của nghĩa trang, sử dụng xe cứu thương để vận chuyển ma túy cũng như dùng các khu quy hoạch công của thành phố chuyển sang trồng cần sa. Những người phản đối mafia thì bị hăm dọa bằng cách vứt xác chó con, đầu cá hoặc đầu dê trước cửa nhà. Chúng cũng thường đặt búa tạ trước các cửa hàng kinh doanh hoặc đốt cháy ô-tô như một cách cảnh cáo những người tố giác. Ít may mắn hơn là nhiều người bị đánh đập hoặc bị bắn, có những người mất tích vì không tìm thấy thi thể.

Cùng có mặt tại phiên tòa còn có Rocco Mangiardi, 67 tuổi, một doanh nhân địa phương và là một trong những người đầu tiên tố cáo N’drangheta tội tống tiền ra một tòa án vào năm 2009. Mangiardi đã phải sống trong vòng bảo vệ của cảnh sát kể từ đó đến nay. “Chúng tôi muốn kinh doanh tự do và hợp pháp, không chịu sự kìm kẹp của bạo lực băng đảng nữa. Phiên tòa hôm nay đã gửi đi một thông điệp tốt về chống lại tội phạm mafia”, ông nói với các phóng viên.

Từ một băng đảng trộm gia súc đơn thuần, N’drangheta đã phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm khi chính quyền tập trung nỗ lực chống lại băng đảng Cosa Nostra ở Sicily. Ngày nay, ước tính mafia N’drangheta, bao gồm khoảng 150 gia đình người địa phương và các cộng sự, kiếm được hơn 50 tỷ euro (53 tỷ USD) hằng năm trên khắp thế giới nhờ buôn bán ma túy, cho vay nặng lãi, bòn rút công quỹ và tống tiền.

Dựa vào những công ty bình phong, các công ty vỏ bọc và sự ưu ái từ giới thượng lưu, N’drangheta tái đầu tư những khoản lợi bất hợp pháp vào nền kinh tế, từ đó củng cố quyền lực của mình. Theo các công tố viên chống mafia, N’drangheta đã bén rễ ở vùng Calabria ở miền nam Italy và nắm quyền kiểm soát việc nhập khẩu cocaine vào châu Âu. Hoạt động của băng đảng này cũng có thể được tìm thấy trong nhiều lĩnh vực của đời sống, từ việc chúng sử dụng nghĩa trang công cộng và bệnh viện, hoạt động ở Bắc và Nam Mỹ cũng như hoạt động ở châu Phi. Những người liên quan nhóm này cũng đã bị bắt ở khắp châu Âu, Brazil và Lebanon.