Mối đe dọa khủng bố từ IS-Khorasan

Nhánh của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS), được gọi là IS-Khorasan hoặc IS-K đã nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công vào tổ hợp thương mại Crocus Cty Hall ở thành phố Krasnogorsk, ngoại ô Thủ đô Moscow (Nga) ngày 22/3 vừa qua, khiến hơn 140 người chết và hàng trăm người bị thương. Các vụ khủng bố trước đó diễn ra ở Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức và Thụy Điển cho thấy sự thay đổi trong chiến lược của IS-K, vốn tập trung vào Afghanistan.
0:00 / 0:00
0:00
Một nhóm tay súng IS-Khorasan tại Afghanistan. Ảnh: REUTERS
Một nhóm tay súng IS-Khorasan tại Afghanistan. Ảnh: REUTERS

Tổ chức khủng bố khét tiếng

Theo The Economist, IS-Khorasan là tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan được thành lập vào tháng 1/2014 với tư cách là một trong những nhánh khu vực của IS từng hoạt động ở Syria và Iraq. Ban đầu, IS-K tập trung vào việc tổ chức đưa các máy bay chiến đấu đến Syria và sau đó tạo ra một “cơ cấu tự trị” ở Afghanistan.

IS-K được xây dựng trên cơ sở giới bất đồng chính kiến ​​​​của người Afghanistan (gồm cả lực lượng Taliban) và những người cấp tiến ở Pakistan. Thành phần chính ban đầu của IS-K gồm những người nước ngoài chiến đấu ở Afghanistan (cả người từ phong trào Hồi giáo Uzbekistan và Liên minh Thánh chiến Hồi giáo, những tình nguyện viên từ Nam Á) và đại diện các nhóm dân tộc Afghanistan. Giống các tổ chức khủng bố Hồi giáo khác, IS-K hoạt động trong một hệ sinh thái gồm các nhóm cực đoan có liên kết và tự trị nhỏ hơn, chiến đấu để giành quyền kiểm soát lâu dài.

Giới chuyên gia chỉ rõ, sau khi IS bị liên minh do Mỹ dẫn đầu đánh bại tại Iraq và Syria, IS-K xuất hiện và quy tụ nhiều thành viên của Taliban tại Afghanistan, Tehrik-e-Taliban ở Pakistan và thậm chí cả mạng lưới khủng bố toàn cầu al-Qaeda, lập địa bàn chính tại Afghanistan. IS-Khorasan trước đây từng nhiều lần nhắm mục tiêu tấn công vào Đại sứ quán Nga ở Thủ đô Kabul (Afghanistan), đe dọa thực hiện các cuộc tấn công bên trong nước Nga. Theo AP, IS-Khorasan thậm chí đã lên kế hoạch đặt bom và bắt cóc các máy bay của Mỹ thông qua chi nhánh của al-Qaeda tại Yemen. Tổ chức này còn tích cực tuyển mộ những công dân Mỹ và châu Âu với hộ chiếu sở tại để có thể lên máy bay vào những nước này một cách dễ dàng.

IS-Khorasan ban đầu đặt các căn cứ địa tại các vùng lãnh thổ nhỏ ở miền đông và miền bắc Afghanistan như một phần trong mục tiêu mở rộng hơn của IS ra khắp khu vực Nam Á và Trung Á. Năm 2019, phiến quân IS-K âm thầm rút khỏi các cứ địa ở Afghanistan trong bối cảnh liên tục hứng chịu các đòn tấn công ngày càng tăng từ các lực lượng phương Tây, quân đội chính quy Afghanistan và thậm chí Taliban, một lực lượng “không đội trời chung” với IS-K.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, IS-K đã xảy ra các mâu thuẫn, xung đột với lực lượng Taliban, cùng tranh giành lãnh thổ ở miền đông Afghanistan. IS-K nhiều lần lên tiếng chỉ trích Taliban thiết lập quan hệ ngoại giao với các quốc gia không theo đạo Hồi, trong đó có Mỹ và Nga; quy chụp rằng, đó là sự phản bội đối với cuộc đấu tranh thánh chiến toàn cầu.

Trong một báo cáo vào tháng 6/2023, Hội đồng Bảo an LHQ cho hay, các tay súng IS-K gồm các công dân Pakistan, Iran, Azerbaijan, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Tajikistan, Uzbekistan và một số chiến binh Arab gốc Syria. Số chiến binh IS-K ở Afghanistan được ước tính khoảng từ 4.000 đến 6.000. Không chỉ tấn công quân đội chính quy của Afghanistan, lực lượng quốc tế cũng như Taliban, IS-K còn nhắm mục tiêu vào các nhóm tôn giáo thiểu số ở Afghanistan. Năm 2018, IS-K trở thành một trong bốn tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất thế giới, theo Chỉ số khủng bố toàn cầu của Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP) có trụ sở chính tại Australia.

Hãng tin TASS tiết lộ, IS-K từng thực hiện cuộc tấn công đẫm máu, giết chết 170 thường dân Afghanistan và 13 binh sĩ Mỹ tại sân bay quốc tế Kabul vào tháng 8/2021, sau khi quân đội Mỹ tuyên bố chính thức rút khỏi Afghanistan. Đáng chú ý, sau khi lực lượng Taliban lên nắm quyền tại Afghanistan, IS-K tiếp tục tấn công chính quyền Taliban, công dân và viên chức đại sứ quán nước ngoài, các cộng đồng thiểu số người Shi’ite của Afghanistan và những người bị cho là “không phù hợp” với cách giải thích cực đoan về Hồi giáo.

Ngày 21/3/2024, IS-K đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công bên ngoài một ngân hàng ở thành phố Kandahar, miền nam Afghanistan, khiến ít nhất 21 người thiệt mạng. Điều đáng lưu ý là IS-Khorasan bắt đầu phát động các cuộc tấn công “xuyên biên giới”. Đơn cử như vào tháng 1/2024, IS-K bị cáo buộc sát hại hơn 90 người ở thành phố Kerman ở biên giới với Iran.

Trước đó, vào tháng 9/2022, IS-K tiến hành vụ đánh bom liều chết bên ngoài Đại sứ quán Nga ở Kabul, khiến ít nhất 6 người chết, trong đó có 2 nhân viên đại sứ quán.

Tại sao IS-K tấn công vào Nga?

Người đồng sáng lập và là biên tập viên của trang tin Militantwire.com, Lucas Webber cho biết, ngay từ đầu tổ chức IS đã coi Nga và Mỹ là những “kẻ thù chính”, nhất là từ sau năm 2015, quân đội Mỹ và Nga hiệp lực trong cuộc chiến chống IS tại Syria. Điều này càng trở nên nghiêm trọng khi Nga chính thức can thiệp quân sự vào Syria giữa năm 2015. Tiếp đó, quân đội và nhà thầu quân sự tư nhân Nga Wagner lại hiện diện khắp châu Phi và liên tiếp thực hiện các chiến dịch càn quét IS.

Theo giới chuyên gia, các cuộc tấn công của IS-K gần đây ngày càng thể hiện sự liều lĩnh, với các thủ đoạn tấn công tinh vi, vượt qua được nhiều lớp an ninh bảo vệ. IS-K đã giết chết ít nhất 43 người trong cuộc tấn công vào cuộc tuần hành chính trị ở miền bắc Pakistan tháng 7/2023; sát hại ít nhất 84 người trong hai vụ đánh bom tự sát ở Iran vào tháng 1/2024… Những tháng gần đây, IS-K đã đe dọa tấn công Đại sứ quán Trung Quốc, Ấn Độ, Iran ở Afghanistan.

IS-K được chính quyền Mỹ cho là thực hiện cuộc tấn công khủng bố mới nhất ở Nga hôm 22/3 ở Moscow, khiến hơn 140 người chết và hàng trăm người bị thương. Tuy nhiên, phía Nga không đưa ra bình luận chính thức. Vụ tấn công xảy ra chỉ hai tuần sau khi Đại sứ quán Mỹ tại Nga cảnh báo rằng “những phần tử cực đoan” sắp có kế hoạch tấn công ở Moscow. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã đưa ra khuyến cáo cho các công dân Mỹ ở Nga tránh đến những nơi đông người.

Reuters dẫn lời chuyên gia Colin Clarke thuộc Trung tâm Soufan, một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Washington (Mỹ) cho biết, IS-K đã nhắm mục tiêu vào Nga trong hai năm qua. Trong khi đó, chuyên gia Michael Kugelman thuộc Trung tâm Wilson có trụ sở tại Mỹ cho biết thêm, nhóm này cũng được xem là một phần trong nhóm các tay súng ở Trung Á mang tư tưởng bất đồng với Moscow.

Theo chia sẻ của Riccardo Valle, Giám đốc Nghiên cứu Khorasan Diary, nơi tổng hợp dữ liệu về IS-K có trụ sở tại Islamabad (Pakistan), việc Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan không làm thay đổi mức độ đe dọa mà IS-Khorasan gây ra ở Afghanistan, mà chỉ đơn giản là buộc nhóm khủng bố này thay đổi chiến thuật quân sự. Các chuyên gia cho biết, hiện nay thay vì tổ chức các cuộc tấn công nhỏ lẻ nhằm vào binh sĩ, sĩ quan cảnh sát cấp thấp của Taliban, IS-K chuyển dần trọng tâm sang các cuộc tấn công quy mô lớn, trong lãnh thổ và ngoài biên giới Afghanistan.

Tháng 3/2024, phát biểu ý kiến trước Thượng viện, Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ Avril D.Haines cảnh báo, IS vẫn là mối lo ngại đáng kể của cuộc chiến chống khủng bố. Hầu hết các cuộc tấn công do IS thực hiện trên toàn cầu đều được tiến hành bởi những phân nhánh của chúng, trong đó có IS-K.