Ứng dụng công nghệ blockchain tại các ngân hàng

Việc ứng dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain) trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng đang là xu thế phát triển chung trên toàn thế giới, thu hút được sự quan tâm lớn từ phía các tổ chức tín dụng, công ty công nghệ tài chính (Fintech), khởi nghiệp (start-up)... cùng tham gia. Công nghệ blockchain được kỳ vọng có thể giúp ngành ngân hàng “hóa giải” những khó khăn, thách thức hiện tại nhờ giảm chi phí và tăng tính minh bạch trong giao dịch.
0:00 / 0:00
0:00
Ứng dụng công nghệ blockchain trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng đang được đẩy mạnh. Ảnh: GETTY IMAGES
Ứng dụng công nghệ blockchain trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng đang được đẩy mạnh. Ảnh: GETTY IMAGES

Chìa khóa trong ngành tài chính

Theo Gazeta.ru, công nghệ chuỗi khối đầu tiên cơ bản nhất được giới thiệu bởi lập trình viên Satoshi Nakamoto vào năm 2008 (khi cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu đang diễn ra) dưới dạng hệ thống tiền điện tử, sổ cái phân tán sau các giao dịch bitcoin (đồng tiền kỹ thuật số có giá trị cao nhất hiện nay), với mong muốn phát triển một loại tiền tệ không bị “thao túng” hay can thiệp bởi bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào.

Blockchain là chìa khóa trong chuyển đổi số của ngành tài chính, ngân hàng. Theo khảo sát của Tập đoàn IBM (Mỹ) trên 200 ngân hàng từ 16 quốc gia trên thế giới từ năm 2020, khoảng 66% ngân hàng đã áp dụng công nghệ blockchain để thực hiện các chức năng. Hiện, 3 ứng dụng blockchain chính được triển khai trong ngành ngân hàng là tiền điện tử (crypto) và các nền tảng giao dịch Binance, Coinbase, Kucoin, OKEX, Huobi, Bitmex, BingX...; đăng ký và quản lý tài sản kỹ thuật số; thanh toán xuyên biên giới.

Các ngân hàng, định chế tài chính thế giới ngày càng nhìn nhận nghiêm túc, thậm chí đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ blockchain. Năm 2023, một số ngân hàng lớn tại Mỹ, châu Âu như Silvergate, Signature, SVB, Credit Suisse sụp đổ, làm “nóng” cuộc tranh luận về việc cần cải tổ hệ thống tài chính-ngân hàng truyền thống khi từ lâu đã bộc lộ một số vấn đề, hạn chế như tốc độ xử lý chậm, chi phí cao cho nhiều khâu trung gian, dễ xảy ra sai sót; tình trạng rửa tiền xảy ra thường xuyên; thiếu minh bạch, tính tập trung cao khiến sai lầm của một vài cá nhân, tổ chức có thể gây hậu quả lớn cho cả nền kinh tế.

Công nghệ blockchain dần khẳng định được vai trò ở sàn giao dịch tiền mã hóa, hệ thống thanh toán xuyên biên giới, nhận diện khách hàng (KYC), tài trợ thương mại, bảo hiểm, hợp đồng thông minh, đấu giá... Các quốc gia hàng đầu về công nghệ như Mỹ, Anh, Canada, Australia, Hàn Quốc, Israel, Nga... đều có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp, khởi nghiệp đầu tư vào phát triển ứng dụng blockchain. Các công ty, tổ chức tài chính hàng đầu đang ứng dụng chuỗi khối vào hoạt động tài chính, ngân hàng gồm: Amazon WebServices (AWS, công ty con của Amazon), Microsoft, IBM, Intel, JP Morgan, PwC, Deloitte, R3, Oracle...

Trong đó, Deloitte phát triển các giải pháp KYC, xác minh danh tính thời gian thực (real-time). R3 làm việc trên một kiến trúc chuẩn hóa cho sổ cái riêng giúp giảm thời gian để giải quyết các giao dịch… Theo Công ty Nghiên cứu và tư vấn Gartner, ứng dụng blockchain vào thị trường dịch vụ tài chính, ngân hàng trong năm 2022 đạt 1,89 tỷ USD, dự báo tạo giá trị kinh doanh hằng năm đạt hơn 175 tỷ USD vào năm 2025 và khoảng 3.000 tỷ USD vào năm 2030. Bắc Mỹ là khu vực lớn nhất trong thị trường tài chính, ngân hàng blockchain, tuy nhiên châu Á-Thái Bình Dương sẽ là khu vực phát triển nhanh nhất trong những năm tới.

Blockchain giúp hệ thống ngân hàng, tài chính thế giới hóa giải các thách thức hiện tại nhờ ưu điểm chi phí thấp, minh bạch, giao dịch nhanh, ổn định, bảo mật cao, song cũng tiềm ẩn nguy cơ rửa tiền kỹ thuật số. Blockchain có thể giảm 30% chi phí cơ sở hạ tầng cho các ngân hàng, giúp tiết giảm chi phí từ 15-20 tỷ USD/năm thông qua việc loại bỏ các bước trung gian và các khoản phí. Về bản chất, blockchain là số cái phi tập trung gồm các bản ghi, cơ sở dữ liệu công khai được chia sẻ giữa những người dùng khác nhau, tạo ra một bản ghi không thể thay đổi về các giao dịch. Các giao dịch này được bảo mật bằng mật mã để bảo đảm chống các thao tác giả mạo.

Blockchain được kỳ vọng sẽ “cách mạng hóa” ngành tài chính, ngân hàng; đồng thời cũng có tiềm năng tạo đột phá trong các lĩnh vực khác như chăm sóc sức khỏe, chính phủ số, bất động sản, hậu cần, giáo dục, bán lẻ... Có thể thấy, công nghệ chuỗi khối đang phát triển nhanh chóng, mang lại những cơ hội tăng trưởng cho ngành tài chính - ngân hàng, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền thông qua các giao dịch tiền mã hóa (ẩn danh) do quy định pháp lý chưa đầy đủ, quy trình chưa hoàn thiện. Theo báo cáo thường niên của Chainalysis (Mỹ), số lượng tiền kỹ thuật số bất hợp pháp được phát hiện trên các sàn giao dịch lên đến 23,8 tỷ USD năm 2022, tăng 68% so năm 2021.

Những xu hướng trọng tâm

Theo Tập đoàn tư vấn Boston (Mỹ), hiện có một số xu hướng chính ứng dụng blockchain trong tài chính - ngân hàng, trong đó có hợp đồng thông minh (số hóa các thỏa thuận pháp lý). Khi một điều khoản trong hợp đồng thông minh thỏa mãn các điều kiện nhất định, hợp đồng sẽ tự động thực hiện các điều khoản. Lợi ích của hợp đồng thông minh là tính minh bạch, mang đến hiệu quả cao, giúp giảm các chi phí phát sinh. Tiếp theo là Quy trình phát hành tiền điện tử (coin) huy động vốn (ICO). Quy trình ICO tương tự quy trình phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) nhưng chưa được pháp luật quốc tế công nhận rộng rãi. ICO đầu tiên xuất hiện vào năm 2013 do nhóm đứng sau tiền mã hóa Mastercoin tiến hành. Sau đó, sự đổ vỡ “bong bóng” ICO giai đoạn 2017-2018 xảy ra, khiến chính phủ các nước quản lý chặt hơn.

Ngoài ra, định danh số (NFT) là những tài sản số được tạo ra trên nền tảng công nghệ blockchain. NFT là token đại diện cho thực thể duy nhất, không thể thay thế như tác phẩm nghệ thuật, danh tính số... Giá trị của NFT phản ánh giá trị của tài sản được liên kết với nó, nhưng tài sản đó không nhất thiết phải bao gồm bản thân tác phẩm nghệ thuật. NFT tạo cơ hội cho nhiều nghệ sĩ, nhà sưu tập mở rộng đối tượng khách hàng tiềm năng trên toàn cầu.

Bên cạnh đó, tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) cũng là xu hướng ứng dụng blockchain trong tài chính - ngân hàng. Theo báo cáo của Công ty kiểm toán PwC (2022), hơn 80% ngân hàng thế giới nghiên cứu CBDC. Ấn Độ đang khởi động thí điểm CBDC bán lẻ (retail) từ ngày 1/11/2022 để giải quyết các giao dịch thị trường thứ cấp nhằm giảm chi phí giao dịch. Tháng 8/2023, Nga phát hành đồng ruble kỹ thuật số, có thể chuyển nhận, thanh toán trực tuyến, ngoại tuyến, không cần sử dụng tổ chức tín dụng làm trung gian. Ứng dụng blockchain còn thể hiện trong lĩnh vực tư vấn tài chính tự động (robo-advisor). Robo-advisor và các ứng dụng tự động sử dụng thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) để theo dõi hoạt động tiền mã hóa, phát hiện các tín hiệu cho thấy cơ hội tốt để mua hoặc bán, thông tin đến cho nhà đầu tư, giúp quản lý danh mục đầu tư cũng như giao dịch theo chương trình. Hầu hết robo-advisor được phát triển ở Mỹ.

Hiện nay, blockchain được ứng dụng ngày càng nhiều trong các lĩnh vực của đời sống - xã hội từ vận tải, logistics, sản xuất, truyền thông, viễn thông, tài chính - ngân hàng, thương mại điện tử, bán lẻ, giáo dục, y tế, du lịch cũng như hỗ trợ quản lý dữ liệu quốc gia. Dù vậy, việc tích hợp các hệ thống kế thừa hiện có với công nghệ blockchain vẫn là một nhiệm vụ đầy khó khăn và phức tạp. Bên cạnh những lợi ích mà công nghệ chuỗi khối mang lại, cũng tồn tại những nguy cơ về mất an ninh, tình trạng rửa tiền kỹ thuật số, đồng thời là các rủi ro tiềm ẩn khi áp dụng, có khả năng làm gián đoạn các hoạt động thực tiễn; thiếu các quy định chặt chẽ, khả năng duy trì bảo mật và quyền riêng tư của dữ liệu chưa bảo đảm hay tiêu tốn nhiều năng lượng.