Hướng đi mới trong ứng phó biến đổi khí hậu

Đặc phái viên khí hậu Mỹ John Podesta mới đây cho biết, Nhà trắng sẽ thành lập Lực lượng đặc nhiệm thương mại và khí hậu, có nhiệm vụ hoạch định các chính sách thương mại bền vững hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) như hiện nay. Động thái này tiếp tục cho thấy tham vọng khẳng định vị thế “đầu tàu” của Mỹ trong hai lĩnh vực này.
0:00 / 0:00
0:00
Phát thải carbon gây biến đổi khí hậu nghiêm trọng. Ảnh: WE FORUM
Phát thải carbon gây biến đổi khí hậu nghiêm trọng. Ảnh: WE FORUM

Mục tiêu rõ ràng

Theo Reuters, ngày 16/4 vừa qua, phát biểu ý kiến tại Hội nghị cấp cao về năng lượng toàn cầu tại Trường đại học Columbia, thành phố New York (Mỹ), Cố vấn cấp cao về thực hiện và đổi mới năng lượng sạch của Nhà trắng, ông John Podesta cho biết: “Thương mại toàn cầu là tác nhân lớn gây ra vấn đề khí hậu. Khí thải từ vận chuyển hàng hóa và hàng không là một trong những yếu tố chính góp phần vào phát thải carbon. Trong khi đó, các chính sách thương mại quốc tế hiện tại chưa có những quy định rõ rệt trong việc kiểm soát lượng khí thải trong việc sản xuất, vận chuyển và xuất, nhập khẩu hàng hóa. Chúng ta phải xem xét nghiêm túc các hệ thống kinh tế quốc tế, bao gồm cả thương mại và khai thác chúng cho hành động vì khí hậu”.

Nhận thức vấn đề trên, chính quyền Mỹ quyết định thành lập một lực lượng đặc nhiệm thương mại mới. Lực lượng đặc nhiệm này sẽ giúp “đẩy nhanh tiến độ hiện thực hóa các cuộc đối thoại về những công cụ và chính sách thương mại nhằm giảm thiểu tác hại của tình trạng BĐKH”. Nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên của nhóm là xây dựng bộ công cụ chính sách thương mại và khí hậu, trong đó xem xét những cách tiếp cận hiệu quả nhằm giải quyết vấn đề khí thải carbon, rút kinh nghiệm từ những cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ về Thỏa thuận toàn cầu về thép và nhôm bền vững.

Lực lượng này cũng tập trung thu thập dữ liệu chi tiết và đáng tin cậy nhằm mục đích thực hiện các chính sách thương mại và khí hậu thông minh, hợp tác với các đối tác thương mại để phát triển các phương pháp đo lường lượng khí thải nhằm thúc đẩy sản xuất sạch. Bên cạnh đó, lực lượng này cũng xác định những chính sách, việc cần làm để giúp các nhà sản xuất trong nước cũng hướng tới mục tiêu thương mại bền vững gắn với khí hậu.

Bằng cách cho ra đời lực lượng đặc biệt nói trên, Mỹ muốn “giúp phát triển một hệ thống thương mại toàn cầu” có thể giảm thiểu ô nhiễm, tạo ra một sân chơi công bằng và bình đẳng, hạn chế thấp nhất việc thải carbon, hỗ trợ việc làm và cơ hội kinh tế...

Reuters cho hay, việc phát triển Lực lượng đặc nhiệm về thương mại và khí hậu của Mỹ diễn ra khi nước này đang hướng tới mở rộng triển khai công nghệ năng lượng sạch và sản xuất trong nước. Ông Podesta khẳng định, lực lượng đặc nhiệm cũng sẽ bảo đảm dữ liệu về lượng khí thải carbon để thực hiện các chính sách thương mại và khí hậu của Mỹ, bao gồm thực hiện các bước để thúc đẩy đo lường chung và tiêu chuẩn cao về lượng khí thải trong vòng đời.

Đặc phái viên khí hậu Mỹ đồng thời nhấn mạnh, nhóm đặc nhiệm sẽ tăng cường đối thoại với Anh, Australia, EU và các đối tác, đồng minh khác trên khắp thế giới. “Chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với các đối tác thương mại để phát triển các phương pháp đo lường lượng khí thải được tiêu chuẩn hóa và có thẩm quyền để mỗi quốc gia có thể khai thác lợi thế so sánh trong sản xuất sạch”, ông Podesta chia sẻ.

Hướng đi mới trong ứng phó biến đổi khí hậu ảnh 1

Mưa lũ gây sạt lở đường tại bang Kentucky của Mỹ. Ảnh: GETTY IMAGES

Nguy cơ chiến tranh thương mại do BĐKH

Theo The New York Times, việc Mỹ thành lập Lực lượng chuyên trách về thương mại và khí hậu diễn ra trong bối cảnh thế giới đối mặt những hậu quả nghiêm trọng do BĐKH những năm gần đây. Trên thực tế, tại châu Á, lượng phát thải carbon liên quan sản xuất đã tăng gần gấp ba lần trong giai đoạn 1995-2019. Các nhà khoa học cảnh báo, châu Á - Thái Bình Dương đang ấm lên nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Gần 40% thiên tai của thế giới diễn ra trong khu vực này và hơn 70% số người bị ảnh hưởng bởi thiên tai sống tại châu Á - Thái Bình Dương.

Ngoài châu Á - Thái Bình Dương, EU cũng là khu vực hứng chịu những tác động nặng nề của BĐKH. Châu Âu là nhân tố phát thải carbon lớn thứ ba toàn cầu, theo số liệu của LHQ. Những năm gần đây, dù là khu vực ôn đới song EU liên tục ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục lên tới gần 40oC.

Trước tình hình đó, LHQ đưa ra cảnh báo các chính phủ, nhà lãnh đạo doanh nghiệp và ngân hàng phát triển chỉ còn hai năm để hành động nhằm ngăn chặn tình trạng BĐKH trở nên tồi tệ hơn. Quan chức phụ trách BĐKH của LHQ đồng thời nhấn mạnh cần huy động thêm nguồn lực tài chính để đối phó với tình trạng cam go hiện tại, thông qua cơ chế miễn trừ nợ và cấp các khoản vay lãi suất thấp cho các nước nghèo, và các nguồn tài chính quốc tế mới như thuế phát thải đối với ngành vận tải biển…

Quan chức trên cũng nhấn mạnh nhiệm vụ chính của các cuộc đàm phán về khí hậu tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về BĐKH (COP29) ở Baku (Azerbaijan) cuối năm nay là thúc đẩy các quốc gia cùng thống nhất một mục tiêu mới về tài chính khí hậu, qua đó hỗ trợ các nước đang phát triển gặp khó khăn trong việc đầu tư chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch và chống BĐKH hiệu quả hơn.

Trước cảnh báo của LHQ, các quốc gia trên thế giới đang gấp rút hoạch định các chính sách về tài chính, thương mại và môi trường nhằm ứng phó BĐKH, ngăn chặn hoặc giảm thiểu thảm họa môi trường. Trước đó, kể từ tháng 10/2023, EU chính thức áp dụng chính sách nhằm đánh thuế hàng hóa nhập khẩu ô nhiễm. Cụ thể, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) sẽ áp dụng đối với hoạt động nhập khẩu một số hàng hóa và tiền chất trong sáu lĩnh vực phát thải nhiều carbon trong quá trình sản xuất, gồm xi-măng, sắt thép, nhôm, phân bón, điện và hydrogen.

Trong giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 18 tháng bắt đầu từ ngày 1/10/2023, các nhà nhập khẩu của EU trong các lĩnh vực nói trên phải giám sát và báo cáo lượng carbon phát thải trong quá trình sản xuất các hàng hóa mà họ nhập khẩu. Trong giai đoạn chuyển tiếp, họ chưa bị áp thuế carbon đối với những hàng hóa nhập khẩu này, nhưng sẽ phải đối mặt mức phạt từ 10 - 50 euro cho mỗi tấn khí thải không báo cáo.

Trong khi đó, Mỹ đã liên tục đề xuất hoặc ban hành các khoản trợ cấp, thuế quan và chính sách nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng xanh. Ngoài ra, tháng 9/2023, Nhà trắng thông báo sẽ chi 1,2 tỷ USD để phát triển hai cơ sở đóng vai trò tiên phong trong nỗ lực “hút” CO2 khỏi không khí. Công nghệ thu giữ trực tiếp khí phát thải (DAC), còn là Công nghệ loại trừ CO2 (CDR), tập trung xử lý CO2 xả vào không khí. Mỗi dự án của Mỹ được Bộ Năng lượng nước này kỳ vọng sẽ “hút” nhiều gấp 250 lần lượng khí CO2 trong không khí so cơ sở thu giữ khí phát thải lớn nhất hiện hoạt động ở Iceland là Orca. Cơ sở Iceland đạt công suất thu giữ 4.000 tấn CO2/năm.

Trong vài năm trở lại đây, hàng loạt chính sách nhằm ứng phó BĐKH đã được các quốc gia đưa ra. Dù vậy, các chính sách này cũng vấp phải các ý kiến trái chiều. Bên cạnh những người ủng hộ, cũng có ý kiến cho rằng các chính sách thương mại nhằm ngăn chặn BĐKH đã đẩy các quốc gia và công ty nước ngoài vào thế bất lợi, khi chính phủ các nước trợ cấp cho các ngành công nghiệp quốc nội, hoặc tăng thuế đối với các sản phẩm nước ngoài. Điều này có nguy cơ dẫn đến những cuộc cạnh tranh thương mại gay gắt trên quy mô toàn cầu. Do đó, giới phân tích cho rằng, chính phủ các nước cần phải hài hòa lợi ích trong việc tìm kiếm các giải pháp ngăn chặn BĐKH.