Hành động của lực lượng Houthi tại Biển Đỏ

Hòa bình, hợp tác đã trở thành xu hướng của thế giới qua nhiều năm. Khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, thế giới chợt nhận ra những mâu thuẫn vẫn đang âm ỉ chờ cơ hội bùng phát. Tình hình ổn định địa - chính trị khắp các châu lục bỗng nhiên bị phá vỡ. Người ta đang tự hỏi đâu là giá trị đích thực mà các dân tộc, quốc gia đang hướng tới. Đôi khi là độc lập tự do, đôi khi lại là một hành động thể hiện tính chính nghĩa, hay cuối cùng chỉ là không gian sinh tồn…?
0:00 / 0:00
0:00
Một nhóm tay súng Houthi tại Thủ đô Sana’a của Yemen. Ảnh: GETTY IMAGES
Một nhóm tay súng Houthi tại Thủ đô Sana’a của Yemen. Ảnh: GETTY IMAGES

Lai lịch phức tạp

Ngày 7/10/2023, cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas nổ ra ở Dải Gaza, kéo theo những hành động quyết liệt của một lực lượng tại Yemen. Những người Houthi đứng về phía người Palestine. Họ phong tỏa tuyến hàng hải huyết mạch qua Biển Đỏ, hầu như tuyên chiến với tất cả các nước phương Tây.

Theo Brookings.edu, người Houthi là người thiểu số Zaydi của người Hồi giáo dòng Shi’ite. Điều này dẫn đến khác biệt đáng kể về học thuyết và tín ngưỡng với những người Shi’ite hiện diện nhiều ở Iran, Iraq và các nơi khác. Những người Zaydi đã thành lập ở vùng núi hiểm trở phía bắc Yemen vào thế kỷ thứ 9. Trong 1.000 năm tiếp theo, người Zaydi đấu tranh để giành quyền kiểm soát Yemen. Họ đã chiến đấu chống lại cả người Ottoman và người Wahhabis trong thế kỷ 18 và 19.

Sự sụp đổ của Đế chế Ottoman vào năm 1918, chế độ quân chủ Zaydi lên nắm quyền ở bắc Yemen được gọi là Vương quốc Mutawakkilite. Người cai trị (imam), vừa là người cai trị thế tục vừa là người lãnh đạo tinh thần. Vương quốc của họ tiếp tục chiến đấu và thua trong cuộc chiến tranh biên giới với Saudi Arabia vào những năm 30 thế kỷ trước. Mặc dù vậy họ cũng được quốc tế công nhận là chính phủ hợp pháp của bắc Yemen, với Thủ đô là Taiz.

Năm 1962, một nhóm quân sự cách mạng do Ai Cập hậu thuẫn đã lật đổ vua Mutawakkilite và thành lập một chính phủ dân tộc có thủ đô ở Sana’a. Ai Cập đã gửi hàng chục nghìn quân tới hỗ trợ cuộc đảo chính của phe quân sự.

Những người theo chủ nghĩa bảo hoàng Zaydi chạy trốn đến những ngọn núi dọc biên giới Saudi Arabia. Saudi Arabia ủng hộ phe bảo hoàng chống lại Ai Cập, trong khi Israel cũng bí mật ủng hộ phe bảo hoàng Zaydi, khiến Yemen rơi vào một cuộc nội chiến. Một vị tướng quân đội của người Zaydi tên là Ali Abdullah Saleh đã lên nắm quyền vào năm 1978. Ông thống nhất miền bắc và miền nam Yemen vào năm 1990, nghiêng về Iraq trong cuộc chiến với Kuwait năm 1991.

Người Houthi, do nhà lãnh đạo Hussein al Houthi, nổi lên chống lại Tướng Saleh vào những năm 90. Họ buộc tội Saleh tội tham nhũng nghiêm trọng. Đồng thời đánh cắp tài sản của quốc gia nghèo nhất thế giới Arab cho gia đình ông. Họ cũng chỉ trích sự ủng hộ của Saudi Arabia và Mỹ đối với Tướng Saleh.

Điểm bùng phát năm 2003

Cuộc chiến tranh Iraq của Mỹ và đồng minh năm 2003 đã khiến phong trào Houthi cực đoan hóa sâu sắc. Khi Hezbollah, phong trào Hồi giáo Shi’ite ở Lebanon trục xuất thành công quân đội Israel khỏi đất nước, họ trở thành hình mẫu lý tưởng cho người Houthi. Bên cạnh đó, Iran là nguồn hỗ trợ tiếp theo cho lực lượng Houthi. Cả người Houthi và người Iran có chung mối lo Saudi Arabia.

Sau năm 2003, Tướng Saleh phát động một loạt chiến dịch quân sự nhằm tiêu diệt lực lượng Houthi. Quân đội và không quân Yemen được huy động để trấn áp cuộc nổi dậy ở vùng cực bắc Yemen, đặc biệt là ở tỉnh Saada. Saudi Arabia tham gia cùng Saleh trong các chiến dịch này. Tuy nhiên, người Houthi đã giành chiến thắng trước cả Tướng Saleh và quân đội Saudi Arabia trong nhiều cuộc đụng độ.

Phong trào “Mùa xuân Arab” lan đến Yemen vào năm 2011. Lực lượng Houthi là một phần của cuộc nổi dậy toàn Yemen chống lại Tổng thống Saleh. Phó Tổng thống Abdrabbuh Mansour Hadi lật đổ Tổng thống Saleh năm 2012. Với sự hỗ trợ của khu vực và quốc tế, một cuộc đối thoại quốc gia đã được thiết lập để quyết định tương lai của Yemen. Tuy nhiên, người Houthi cho rằng, họ bị đối xử bất công khi các phần lãnh thổ được phân chia không công bằng.

Do đó, từ năm 2014, Houthi tìm cách bắt tay với cựu Tổng thống Saleh để chống lại ông Hadi. Đây là một sự đảo ngược liên minh đáng chú ý vào thời điểm đó. Phần lớn quân đội vẫn trung thành với Saleh, nên đây là lựa chọn tốt hơn cho lực lượng Houthi nhằm giành lại quyền lợi của mình.

Năm 2015, vua Salman lên ngôi ở Riyadh (Saudi Arabia). Lúc này người Houthi đã mở giao thông hàng không dân sự trực tiếp giữa Thủ đô Sana’a và Tehran. Iran hứa cung cấp dầu giá rẻ cho Yemen. Tin tức về việc hợp tác Iran - Houthi lan truyền nhanh chóng. Cảng chính ở Hodeidah rơi vào tay lực lượng Houthi và họ bắt đầu tiến hành đánh chiếm thành phố Aden ở miền nam Yemen.

Sự hợp tác giữa Houthi và Iran khiến Saudi Arabia không hài lòng, do sự bất hòa từ trước với Tehran. Saudi Arabia đã chọn tham chiến để hỗ trợ Tổng thống Hadi và ngăn chặn cuộc nổi dậy của lực lượng Houthi-Saleh nhằm củng cố quyền kiểm soát đất nước. Chiến dịch mang tên “Cơn bão quyết định” bắt đầu vào tháng 3/2015. Thái tử Saudi Arabia, Mohammed bin Salman hứa hẹn chiến thắng đến sớm. Riyadh đã thành lập một liên minh hỗ trợ họ gồm Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và các đồng minh truyền thống khác. Hai nước từ chối tham gia là Oman - nước láng giềng của Yemen và Pakistan - nơi quốc hội đã bỏ phiếu nhất trí phản đối chiến tranh.

Gần ba năm sau, cuộc phong tỏa của không quân và hải quân của Saudi vào lãnh thổ do Houthi kiểm soát tại Yemen đã gây ra một thảm họa nhân đạo nghiêm trọng. Ngày 4/12/2017, ông Hadi đã bị ám sát. Người Houthi chiến thắng trong trận chiến giành Sana’a nhưng bị cô lập khỏi phần còn lại của nền chính trị ở Yemen.

Những toan tính nhiều mục đích

Theo USA Today, Houthi đã cố gắng để giành quyền kiểm soát Yemen trong suốt nhiều thập kỷ và giờ đây họ đã dám đối đầu với sức mạnh quân sự áp đảo của Mỹ, Anh và các đồng minh hùng mạnh phương Tây. Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) cho biết, ngày 12/3 vừa qua, lực lượng Houthi đã phóng một tên lửa đạn đạo tầm gần từ các khu vực do lực lượng này kiểm soát ở Yemen về phía tàu chiến USS Laboon của Mỹ ở Biển Đỏ nhưng không trúng tàu.

Đây là một trong những vụ tấn công có chủ đích của Houthi nhằm vào một tàu chiến Mỹ. Kể từ giữa tháng 11/2023, lực lượng Houthi liên tục tiến hành những cuộc tấn công bằng các thiết bị bay không người lái và tên lửa nhằm vào các tàu vận tải thương mại quốc tế mà lực lượng này cho là liên quan Israel đi qua Biển Đỏ. Các cuộc tấn công của Houthi đã gây tắc nghẽn tuyến hàng hải qua Biển Đỏ.

Họ đôi lúc tấn công các tàu, thuyền ở vùng biển này những năm trước, nhưng các cuộc tấn công đã tăng vọt kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas. Mỹ đáp trả bằng các cuộc ném bom vào các mục tiêu của Houthi, bao gồm radar, đường băng, địa điểm phóng tên lửa và trung tâm hậu cần.

Người Houthi tuyên bố hành động của họ nhằm gây áp lực buộc Israel ngừng cuộc tấn công vào Dải Gaza của người Palestine. Tuy nhiên, AP dẫn lời các chuyên gia Yemen cho rằng, Houthi còn toan tính nhiều mục đích hơn thế.

Giới chuyên gia cho rằng, Houthi là một phong trào chính trị, đồng thời là lực lượng quân sự và một nhóm tôn giáo. Họ đã chiến đấu trong cuộc nội chiến ở Yemen kể từ năm 2014.

Theo chuyên gia Gregory Johnsen thuộc Viện Các quốc gia vùng Vịnh - Arab (Mỹ), người đã nghiên cứu và sống ở Yemen trong vài năm, hệ tư tưởng và nền tảng chính trị của Houthi rất mơ hồ và mâu thuẫn. Ngoài lý do là bảo vệ người Palestine trước cuộc tấn công của Israel ở Dải Gaza, người Houthi còn tìm cách khai thác các cuộc tấn công ở Biển Đỏ vì mục đích chính trị và kinh tế của riêng họ. Kendall, Lackner và các chuyên gia về Yemen khác nói rằng, ngoài mục đích hỗ trợ người Palestine ở Gaza, các cuộc tấn công tàu thương mại quốc tế của Houthi trên Biển Đỏ còn nhằm thể hiện vai trò họ là một lực lượng “đáng gờm” trong khu vực.

Mỹ và Anh đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với một quan chức trong Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và một nhân vật cấp cao của lực lượng Houthi tại Yemen. Brian Nelson, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ phụ trách khủng bố và tình báo tài chính nêu rõ, trong bối cảnh lực lượng Houthi tại Yemen đe dọa đến an ninh thương mại quốc tế, Mỹ và Anh sẽ tiếp tục ngăn chặn các nguồn tài chính cho những hoạt động gây bất ổn này.

Trong khi đó, Chính phủ Anh tuyên bố sẽ trừng phạt nhân vật phụ trách an ninh của Houthi vì “đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định của Yemen khi hỗ trợ các cuộc tấn công nhằm vào các tàu ở Biển Đỏ”. Bộ trưởng Ngoại giao Anh David Cameron coi các cuộc tấn công của Houthi là mối đe dọa đối với tự do hàng hải.

Ngoài việc áp dụng các biện pháp trừng phạt, Mỹ có thể sẽ liệt Houthi vào danh sách các tổ chức khủng bố. Mỹ dự kiến sẽ tăng cường lực lượng quân sự tại khu vực này nhằm mở rộng quy mô hiện diện ở Biển Đỏ, nhưng Mỹ cũng đang gặp khó khăn trong việc huy động các quốc gia khác tham gia vào kế hoạch này. Điều đó về ngắn hạn sẽ chưa thể ngăn Houthi chấm dứt các cuộc tấn công trên tuyến hàng hải huyết mạch này, nên mối đe dọa từ lực lượng Houthi tại Yemen sẽ còn là bài toán khó của phương Tây.