Định giá carbon xuyên biên giới
Theo TASS, tháng 10/2023, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã thành lập nhóm chuyên trách xây dựng phương pháp định giá carbon toàn cầu. Động thái trên được giới chuyên gia kỳ vọng sẽ giúp các quốc gia có thể từng bước xây dựng thị trường carbon riêng, bảo đảm tính công bằng trong áp thuế carbon xuyên biên giới. Cũng trong tháng 10/2023, EU đã khởi động tiến trình đánh thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu theo Cơ chế Điều chỉnh biên giới carbon (CBAM - được thiết kế để tương thích với quy định của WTO) nhằm ngăn chặn “rò rỉ” carbon.
EU bắt đầu áp dụng thí điểm cơ chế CBAM giai đoạn một, từ ngày 1/10/2023. Theo đó, tất cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường hơn 500 triệu dân ở thị trường EU sẽ bị đánh thuế carbon dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại. Ban đầu, CBAM sẽ áp dụng đối với việc nhập khẩu một số hàng hóa có quá trình sản xuất phát thải nhiều carbon và có nguy cơ “rò rỉ” carbon cao như xi-măng, sắt và thép, nhôm, phân bón, điện và hydrogen.
Do là cơ chế đánh thuế carbon đầu tiên trên thế giới đối với hàng hóa nhập khẩu, CBAM hiện vấp phải một số ý kiến trái chiều. Tổng Giám đốc WTO cho biết, một số nước thành viên của tổ chức này xem việc đánh thuế carbon xuyên biên giới là “biện pháp bảo hộ”. Trong khi đó, nhiều quốc gia gặp khó khăn khi không có công cụ định giá carbon cho hàng hóa xuất khẩu. Đây không phải lần đầu việc định giá carbon toàn cầu được đề cập. Trước đó, tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27), Canada đã phát động “Sáng kiến định giá carbon toàn cầu”. Thông qua sáng kiến này, các quốc gia thành viên có nhiệm vụ trao đổi các thông tin, chia sẻ kinh nghiệm nhằm hỗ trợ triển khai các công cụ định giá carbon, hướng đến mục tiêu giảm phát thải ròng về mức “0” vào năm 2050.
Theo thống kê, đến nay đã có khoảng 10 quốc gia tham gia sáng kiến trên như Na Uy, Chile, New Zealand, Đan Mạch, Anh, Hàn Quốc và Đức. Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) K.Georgieva nhấn mạnh, định giá carbon toàn cầu là giải pháp hữu hiệu, bảo đảm sự công bằng trong ứng phó với biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp, khó lường hiện nay. Các quốc gia phát thải nhiều phải đóng góp nhiều hơn cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, trong khi các nước đang phát triển đóng góp dựa trên thực tiễn phát thải khí nhà kính.
Việc định giá carbon thu hút sự quan tâm của nhiều nước bởi đây được xem là công cụ để kiểm soát ô nhiễm môi trường và tiềm năng của thị trường này rất lớn. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2022, các nước thu được 95 tỷ USD tiền phí phát thải carbon, tăng mạnh so với mức 84 tỷ USD vào năm 2021. Thông tin từ Công ty Phân tích dữ liệu tài chính Refinitiv (Anh) cho thấy, tổng giá trị thị trường carbon toàn cầu năm 2021 tăng lên mức 760 tỷ euro (gần 851 tỷ USD) từ 288 tỷ euro vào năm 2020, tăng 164%. Tăng trưởng phần lớn đến từ Hệ thống Giao dịch phát thải (EU ETS) - thị trường mua bán phát thải đầu tiên lớn nhất, thành công nhất thế giới, chiếm khoảng 90% tổng giá trị thị trường phát thải toàn cầu. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, EU ETS giúp giảm 35% lượng khí thải của khối kể từ năm 2005 và tạo ra doanh thu hơn 152 tỷ euro. Bên cạnh đó, định giá carbon cũng là công cụ quan trọng giúp các nước cân bằng giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế.
Mặc dù là mục tiêu của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế, song việc định giá carbon toàn cầu hiện cũng đối mặt nhiều thách thức. Các chuyên gia khí hậu cho rằng cần giảm một phần hai mức ô nhiễm carbon trong 10 năm tới mới có thể thực hiện mục tiêu hạn chế Trái đất nóng lên, tránh các hiện tượng thời tiết cực đoan. Tuy nhiên, theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu môi trường và Khí hậu quốc tế Oslo (Na Uy), lượng phát thải có xu hướng tăng lên, khoảng 0,5 - 1,5% trong năm 2023 và có thể chạm mức kỷ lục mới. Trước bối cảnh đó, việc xây dựng phương pháp định giá carbon toàn cầu trở nên “cấp thiết hơn bao giờ hết”, giúp các nước đẩy nhanh hơn quá trình “chuyển đổi xanh” và giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính.
Những công cụ kiềm chế phát thải CO2
Xác định trao đổi carbon là một trong những công cụ quan trọng nhất trong giảm khí phát thải. Việc mua bán phát thải khí CO2 trên thị trường được thực hiện thông qua giao dịch “tín chỉ carbon”. Tín chỉ carbon là thuật ngữ chung cho tín chỉ có thể kinh doanh hoặc giấy phép đại diện cho 1 tấn CO2. Thông qua cơ chế thị trường giao dịch tín chỉ carbon, các bên tham gia tăng cường giảm phát thải khí nhà kính hiệu quả và tiết kiệm. Nguyên tắc là bên phát thải lớn sẽ trả phí để nhận thêm các tín chỉ, hạn ngạch phát thải nhằm đạt được các mục tiêu giảm nhẹ.
Ngoài ra, cơ chế vận hành cho thị trường carbon bắt buộc là thông qua thiết lập Hệ thống giao dịch phát thải (ETS). Chính phủ các nước có chức năng phân bổ, giao bán một số lượng hữu hạn các tín chỉ, giấy phép phát thải lượng carbon nhất định (1 tấn CO2) trong một khoảng thời gian. Bên phát thải chỉ có quyền phát thải tương đương số lượng tín chỉ hoặc giấy phép đang sở hữu. Các doanh nghiệp phát thải có nguyện vọng tăng lượng phát thải, tương ứng tăng lượng sản xuất sẽ phải mua tín chỉ từ những bên có nguyện vọng bán lại.
Tại EU, EU ETS là thị trường giao dịch carbon đa quốc gia lớn nhất thế giới, hoạt động theo nguyên tắc “hạn mức, thương mại”. Việc giao dịch hạn ngạch phát thải, tín chỉ carbon được quản lý theo các quy tắc của thị trường tài chính, pháp luật có liên quan khác như chống gian lận và minh bạch thị trường. Quy định này là cần thiết để ngăn chặn các rủi ro về thao túng, giao dịch nội gián, thông tin sai lệch, tin đồn thất thiệt... Qua đó, bảo đảm việc giao dịch hạn ngạch phát thải và tín chỉ carbon trên thị trường carbon tại EU thông suốt, an toàn, minh bạch và hiệu quả, nâng cao niềm tin của các chủ thể vào thị trường carbon.
Tại Trung Quốc, năm 2011, chính phủ nước này đã triển khai thí điểm 7 thị trường carbon. Giai đoạn 2013-2014, 7 thị trường carbon được thử nghiệm tại 5 thành phố và 2 tỉnh với 57 triệu tấn carbon giao dịch. Mỗi thị trường thử nghiệm được xây dựng bằng cách liên kết, phối hợp các cơ quan cấp tỉnh, thành phố và thiết lập các sàn giao dịch khí phát thải tại địa phương. Tất cả 7 tỉnh đặt mục tiêu giảm phát thải ở các nhà máy khoảng 15-20% trong tất cả các giai đoạn. Năm 2021, Trung Quốc triển khai thị trường carbon quốc gia đối với ngành điện, hoạt động dựa trên cơ chế “hạn mức và thương mại”. Trung Quốc điều chỉnh quyền phát thải dựa trên sản lượng hàng, cung cấp hạn ngạch dựa trên mức hoạt động bình thường, phụ thuộc vào tình hình hoạt động của các doanh nghiệp hàng đầu trong từng lĩnh vực, thiết lập “Quỹ dự trữ thị trường” để mua quyền phát thải khi dư thừa và bán khi thiếu.
Tại New Zealand, thị trường carbon nước này hoạt động từ năm 2008, gồm hầu hết các lĩnh vực trong nền kinh tế quốc gia. Chính phủ New Zealand hai lần rà soát và điều chỉnh thị trường carbon. Điểm đặc biệt của thị trường carbon nước này là bao gồm cả lâm nghiệp - lĩnh vực chủ yếu hấp thụ khí nhà kính thay vì phát thải. Phương thức vận hành thị trường là hạn mức và thương mại. Các tín chỉ hoặc giấy phép phát thải sẽ được phân bổ miễn phí hoặc theo cơ chế đấu giá. Chính phủ yêu cầu tất cả các ngành phải báo cáo lượng phát thải hằng năm để mua hoặc nộp lại theo hạn mức chính phủ đề ra.
Ngoài ra, New Zealand cũng áp dụng các mức phạt cho các tổ chức không hoàn thành nghĩa vụ về thu thập số liệu hoặc cố tình chỉnh sửa sai sót thông tin báo cáo. Trong giai đoạn đầu, thị trường giao dịch phát thải được xây dựng để liên kết với thị trường carbon quốc tế theo Nghị định thư Kyoto. Tuy nhiên, từ năm 2015, New Zealand chỉ tập trung vào thị trường nội địa và các tín chỉ theo thị trường quốc tế sẽ không được công nhận. Tính đến năm 2023, đã có hơn 2.360 tổ chức và doanh nghiệp đăng ký, chiếm 52% tổng lượng phát thải toàn quốc.