Cạm bẫy Đông Dương
Dù đã 70 năm trôi qua, song ký ức của ba cựu chiến binh Pháp về Chiến tranh Đông Dương chưa nguội lạnh. Những vết sẹo trên cơ thể do bị thương trong cuộc chiến vẫn còn đó khi họ kể về những kỷ niệm cũ. William Schilardi, Henri Ploskonka và Alexandre Donoso là những lính dù thuộc binh đoàn Lê dương trong những năm 50 của thế kỷ trước. Ông William Schilardi khẳng định: “Những gì chúng tôi trải qua là ngoài sức tưởng tượng”. Trong quá khứ, những cựu chiến binh này cố gắng chống lại nghịch cảnh, vươn lên trong cuộc sống, dù vậy họ đã bị đẩy đi sai hướng. “Tính hợp pháp của nền độc lập là không phải bàn cãi. Vì vậy, chúng tôi khi đó là những kẻ xấu, “tay sai của chủ nghĩa đế quốc”, “kẻ ăn bám thực dân”, “kẻ hút máu nhân dân”, ông Schilardi thừa nhận. Những cụm từ này đã in sâu vào tâm trí những cựu binh Pháp sau chiến dịch “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Theo Le Monde, ba cựu chiến binh đều xuất thân trong những gia đình nhập cư từ Italy, Ba Lan và Ecuador. Năm 1951, họ đã quyết định gia nhập quân đội Pháp. Trong khi Alexandre Donoso tham gia vào binh đoàn Lê dương, hai thanh niên William Schilardi, Henri Ploskonka khi ấy mới 18 tuổi, theo học khóa đào tạo ở vùng Bretagne (Pháp), rồi trở thành thành viên Tiểu đoàn dù thuộc địa số 6 (6ème BPC), dưới sự chỉ huy của tướng Marcel Bigeard. Họ đều không hề biết, trong số 620 người của tiểu đoàn nói trên đến Đông Dương, chỉ có 120 người trở về. Năm 1952 và 1953, ba chàng lính trẻ lần lượt tới Việt Nam theo sự điều động của quân đội với mục tiêu “giữ chủ quyền của Pháp ở Đông Dương”. “Đây là những gì các nhà lãnh đạo khi đó nói với chúng tôi”, ông Donoso cho biết.
Sau những ngày ở Sài Gòn, Donoso gia nhập Tiểu đoàn dù nước ngoài số 1 (BEP) và nhanh chóng được đưa ra Hà Nội. Một người chỉ huy chào đón họ bằng một bài phát biểu gay gắt: “Các anh đến đây để gây chiến”. “Kể từ đó, tôi biết bản thân chỉ là một con tốt trong ván cờ chiến tranh”, ông Donoso chia sẻ. Những cuộc giao tranh đầu tiên bắt đầu nổ ra.
Bộ hồ sơ của cựu binh Alexandre Donoso trong Chiến tranh Đông Dương. Ảnh: LE MONDE |
“Chúng tôi biết mình sẽ thua”
Ngày 20/11/1953, Henri Ploskonka trên chiếc máy bay Dakota thứ ba cất cánh hướng tới một thung lũng rộng lớn mà mãi khi tới nơi ông mới biết tên: Điện Biên Phủ. Chàng lính 20 tuổi được xếp vào số những người đầu tiên đánh chiếm khu vực. Bộ Tổng tham mưu Pháp có ý định biến lưu vực rộng lớn này thành một cứ điểm kiên cố bảo vệ cho Thượng Lào, gọi là “Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ”. Cuộc hành binh đánh chiếm Điện Biên Phủ có bí danh là “Castor” (Cuộc hành quân Castor), chỉ huy là Tướng Jean Gilles. William Schilardi và Alexandre Donoso nhảy dù xuống Điện Biên Phủ vào ngày hôm sau, 21/11/1953. Ba người lính trẻ tham gia thiết lập hệ thống phòng thủ trên những ngọn đồi khác nhau được đặt tên Pháp: Anne-Marie, Béatrice, Isabelle, Huguette, Eliane, Gabrielle, Claudine, Dominique, Françoise...
“Trong tháng 12, chúng tôi cũng chứng kiến hàng nghìn người đàn ông, phụ nữ Việt Nam mở đường trong rừng, sửa chữa chỉ trong vài giờ một cây cầu mà lực lượng không quân của chúng tôi vừa phá hủy. Gọng kìm siết chặt quanh trại của chúng tôi. Ngay tại thời điểm đó, bất kỳ kẻ ngu ngốc nào cũng có thể nhận ra rằng thất bại đang chờ đợi chúng tôi”, ông Donoso thừa nhận.
Ngày 13/3/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo mở cuộc tấn công. Hết tuần này sang tuần khác, dưới làn mưa pháo binh và cả những cơn mưa khiến người và trang thiết bị sa lầy, các đợt tấn công lần lượt hạ gục các tuyến phòng thủ của quân Pháp. Dù sử dụng những trang thiết bị quân sự hiện đại hơn, Donoso không thể ngăn chặn số lượng binh sĩ đối phương liên tục được bổ sung và lao về phía mình. “Họ sẵn sàng hy sinh. Phía sau họ là vũ khí mạnh mẽ nhất: hệ tư tưởng. Chúng ta không thể đấu tranh chống lại hệ tư tưởng”, ông Alexandre Donoso nói.
Những người cựu chiến binh Pháp khẳng định, họ đã cố gắng đẩy lùi các cuộc tấn công của Việt Minh cho đến cùng. Nhưng tất cả là vô ích. Ông William Schilardi chia sẻ: “Người của chúng tôi là những người lính cừ khôi, kiên cường trong chiến đấu và hiểu biết tốt về địa hình. Trong đơn vị của chúng tôi, có những người đã chiến đấu trên các chiến trường khốc liệt khắp thế giới. Nhưng ở Điện Biên Phủ, nhiều người đã bỏ chạy vào thời điểm nguy cấp”.
Từ ngày 1/5/1954, khi lực lượng quân đội của Pháp đã trở nên tuyệt vọng, suy kiệt, lực lượng bổ sung bằng lính dù không còn đủ để duy trì sức chiến đấu và quân Pháp ở Bắc Bộ cũng đã hết lính dù. Quân đội nhân dân Việt Nam dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định tổ chức đợt đánh dứt điểm các quả đồi phía đông nhằm kết thúc chiến dịch. Trận chiến leo thang khốc liệt. “Chúng tôi chiến đấu bằng tất cả sức lực, bằng cả lưỡi lê, thậm chí cả tay đôi. Dù vậy, trước sự tấn công như vũ bão của quân đội Việt Nam với ý chí kiên cường, chúng tôi cuối cùng đã phải đầu hàng”, cựu chiến binh Henri Ploskonka cho biết.
Cuộc giao tranh dừng lại vào ngày 7/5/1954. Người lính Henri Ploskonka, giống như những người lính khác, nhận được lệnh phá hủy vũ khí và đầu hàng. Ước tính trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, hơn 2.000 quân Pháp thiệt mạng, trong khi hơn 11.000 lính bị bắt làm tù binh. Hầu hết trang thiết bị quân sự phía Pháp bị hư hại hoặc phá hủy hoàn toàn.
70 năm đã qua, Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn là những ký ức không thể quên trong lòng những cựu chiến binh Pháp và Việt Nam. Chiến thắng vang dội này là kết quả của sự đồng lòng của nhân dân Việt Nam, là thành quả của sự kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị, quân sự và ngoại giao. Ngày nay, Pháp và Việt Nam đã cùng nhau nỗ lực vượt qua những thăng trầm của lịch sử, hướng về tương lai tươi sáng, cùng xây dựng quan hệ giữa hai quốc gia ngày một vững mạnh hơn.