Sự phát triển ngân hàng số tại châu Á

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tâm lý tiêu dùng thay đổi cùng với sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã tạo động lực thúc đẩy “chuyển đổi số” trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, đặc biệt tại các quốc gia châu Á, với sự phát triển của các công ty công nghệ. “Ngân hàng số” giúp ngân hàng tiết kiệm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, cũng như mang lại những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.
0:00 / 0:00
0:00
Ngân hàng số đang đem lại nhiều tiện ích hơn cho khách hàng. Ảnh: TECH WIREASIA
Ngân hàng số đang đem lại nhiều tiện ích hơn cho khách hàng. Ảnh: TECH WIREASIA

Lợi ích của ngân hàng số

Theo Kyodo News, “ngân hàng số” (digital banking) là sự phát triển cao hơn của “ngân hàng điện tử”, là mô hình kinh doanh mới khác hoàn toàn mô hình truyền thống. Có nhiều cách lý giải khác nhau về ngân hàng số, nhưng về cơ bản ngân hàng số là việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng công nghệ số; có đầy đủ chức năng của một ngân hàng, từ cơ cấu tổ chức đến quy trình làm việc, sản phẩm dịch vụ, chứng từ và phương thức giao dịch với khách hàng.

Ngân hàng số có các đặc điểm như giao diện người dùng và hoạt động trên nền tảng kỹ thuật số; cung cấp trải nghiệm và giao diện chất lượng cao; hỗ trợ kinh doanh cốt lõi dựa trên kỹ thuật số; thiết lập và điều hành ngân hàng số như một công ty công nghệ. Trong bối cảnh các nền tảng công nghệ số đang làm thay đổi toàn diện mọi mặt của đời sống - xã hội, xu thế số hóa hoạt động ngân hàng đang diễn ra ngày càng rõ nét, từ quy trình cung cấp sản phẩm dịch vụ, đổi mới hệ thống kênh phân phối, mở rộng danh mục sản phẩm, cung cấp dịch vụ cho một phạm vi khách hàng rộng lớn hơn với chi phí thấp hơn.

Việc phát triển ngân hàng số mang lại lợi ích đa chiều không chỉ với ngân hàng mà cả khách hàng và tổng thể nền kinh tế. Đối với ngành ngân hàng, ngân hàng số giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, tiết kiệm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh. Ngân hàng có thể tăng tỷ suất lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay (EBITDA) lên tới 40% bằng cách triển khai mô hình ngân hàng số, hỗ trợ ngân hàng tiếp cận cơ sở khách hàng rộng hơn, tăng tương tác, hiểu sâu hơn về đặc điểm, hành vi tiêu dùng của khách hàng để mang lại trải nghiệm tốt nhất.

Các tính năng của ngân hàng số cũng giúp ngân hàng dễ thích ứng trong điều kiện biến động. Hơn hai năm bùng phát đại dịch Covid-19 cho thấy giao dịch bằng hình thức kỹ thuật số là biện pháp hiệu quả, bảo đảm hoạt động ngân hàng được an toàn không bị gián đoạn. Đặc biệt, phát triển ngân hàng số giúp hệ thống ngân hàng có thể duy trì được vị thế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự tham gia của công nghệ tài chính (Fintech), hãng công nghệ lớn (Big Tech) khiến sức ép cạnh tranh trong lĩnh vực tài chính ngày càng lớn.

Đối với khách hàng, ngân hàng số giúp tăng sự lựa chọn dịch vụ, chi phí rẻ đồng thời giúp giảm thiểu các rào cản tương tác giữa khách hàng và ngân hàng như khoảng cách địa lý, thủ tục hành chính, giấy tờ…, khi khách hàng có thể truy cập 24/7 qua thiết bị số tất cả mọi dịch vụ ngân hàng. Nhờ tiếp cận dễ dàng, khách hàng cũng có thể lựa chọn và thay đổi tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính đáp ứng được các nhu cầu đa dạng của cá nhân với chi phí hợp lý nhất. Ngoài ra, ngân hàng số còn giúp các khách hàng của mình có được những trải nghiệm sử dụng dịch vụ tốt hơn, các sản phẩm dịch vụ được cá nhân hóa mang lại lợi ích tối đa cho khách hàng.

Đối với nền kinh tế, hệ thống ngân hàng số giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi “kinh tế số”, hỗ trợ khách hàng nhanh chóng chuyển đổi trạng thái giữa tiền mặt và tiền điện tử liên thông từ hệ thống ATM đến đại lý ngân hàng, cửa hàng bán lẻ, cửa hàng tiện lợi... Nhờ đó làm giảm lượng tiền mặt lưu thông trong nền kinh tế; thúc đẩy tài chính toàn diện; tạo sự kết nối giữa các tổ chức tài chính; tạo điều kiện cho các dịch vụ tài chính kỹ thuật số và các hoạt động kinh tế số khác có cơ sở để phát triển. Đáng chú ý, ngân hàng số cũng giúp tăng cường sự kết nối giữa quốc gia và thế giới.

Tiềm năng phát triển ở châu Á

Theo TASS, châu Á hiện sở hữu khoảng một phần năm diện tích đất toàn cầu, cùng với dân số đông nhất (hơn 4,3 tỷ dân), có độ tuổi trung bình của người dân là 30,2, GDP của khu vực này đã tăng khoảng 60% từ năm 2010 đến năm 2019. Dù vậy, sự tiếp cận tài chính ở đây vẫn còn hạn chế, ước tính hơn 1 tỷ người trong khu vực không được tiếp cận các dịch vụ tài chính chính thức, trong đó 75% dân số ở Đông Nam Á gặp hạn chế hoặc hoàn toàn không có giao dịch với ngân hàng.

Tuy nhiên, trong khu vực này, các quốc gia thể hiện mức độ sử dụng điện thoại thông minh và tiếp cận internet tăng lên đáng kể. Tại Indonesia, các giao dịch tiền điện tử ở “quốc gia vạn đảo” tăng 173% vào năm 2020; tại Malaysia, với tỷ lệ 84% dân số sử dụng internet thì tỷ lệ tiếp cận các dịch vụ tài chính là hơn 85% dân số; Thailand có thu nhập bình quân đầu người cao thứ hai Đông Nam Á, có tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh là 65%, tỷ lệ sử dụng internet là 67% và trên 82% dân số tiếp cận được với các dịch vụ tài chính; với 5,8 triệu dân tại Singapore, chỉ có 2% dân số không có tài khoản ngân hàng.

Với điều kiện dân số trẻ với mức thu nhập gia tăng, tốc độ thâm nhập internet và thiết bị di động thông minh cũng như thị trường chưa được khai thác rộng rãi, châu Á được coi là một trong những điểm nóng của cuộc cách mạng về Fintech. Trong giai đoạn 2018-2020, tỷ lệ sử dụng dịch vụ Fintech đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba. Đến nay, châu Á có 68 ngân hàng mới, trong đó Ấn Độ là quốc gia dẫn đầu về sự hiện diện của các ngân hàng mới (14).

Tại Hàn Quốc, nền tảng mạng xã hội Kakao Talk đã ra mắt thành công ngân hàng kỹ thuật số Kakao Bank vào năm 2017, thu hút hơn 1 triệu khách hàng trong tuần đầu tiên ra mắt. Tập đoàn thương mại điện tử Nhật Bản Rakuten cũng đã tham gia thành công vào thị trường cung cấp ngân hàng kỹ thuật số, với các khoản đầu tư vào sản phẩm bảo hiểm. Tại Trung Quốc, Wechat thông qua ngân hàng kỹ thuật số tích hợp We-Bank đã phục vụ hơn 200 triệu người chỉ sau 5 năm ra mắt. Tập đoàn bán lẻ Alibaba (Trung Quốc) với ngân hàng số MyBank, thu hút được 20 triệu khách hàng từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Tại Indonesia, Gojek cùng với ngân hàng Jago, cung cấp các dịch vụ ngân hàng số trên ứng dụng di động Gopay…

Philippines hiện tại cấp phép cho một ngân hàng kỹ thuật số duy nhất là Tonik, chuyên cung cấp các sản phẩm tiền gửi, cho vay, thanh toán và thẻ. Trong năm hoạt động đầu tiên, Tonik đã đạt được khoản tiền gửi là 20 triệu USD. Hoạt động của ngân hàng này dựa trên công nghệ đám mây và phần mềm, tập trung vào phát triển sản phẩm và công nghệ.

Grab đặt trụ sở tại Singapore, hợp tác với SingTel và Kasikorn-Bank tại Thailand, ra mắt ví di động GrabPay. Ví kỹ thuật số này tích hợp dịch vụ đa dạng như giao hàng, thanh toán di động và các dịch vụ tài chính, trao quyền cho người dùng và người bán cho phép họ liên kết thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng với ví nhưng cũng cung cấp thẻ Mastercard trả trước của riêng là GrabPay. TMRW là ngân hàng số chỉ dành cho thiết bị di động ở Thailand và Indonesia, với hơn 300.000 khách hàng tập trung vào sản phẩm tài chính và giáo dục tài chính. TMRW xây dựng dựa trên thông tin chi tiết, được tạo ra từ AI và giám sát hành vi chi tiêu của người dùng.

Trong giai đoạn đầu của sự phát triển, thị trường ngân hàng số tại châu Á đã đối mặt nhiều khó khăn, thách thức khi người dùng thiếu niềm tin đối với các nhà cung cấp mà họ chưa hề quen biết, hoặc người dùng không hiểu về cách thức vận hành của hệ thống ngân hàng số. Đối với khu vực nông thôn, việc tiếp cận ngân hàng số cũng trở nên khó khăn do thiếu cơ sở hạ tầng hoặc hạn chế về tài chính. Tuy nhiên, hiện nay thuật ngữ “ngân hàng số” đang ngày càng phổ biến hơn đối với người dùng. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ “kỹ thuật số” và điện thoại thông minh đã và đang làm thay đổi cách thức thực hiện các giao dịch ngân hàng trên khắp châu Á.

Có thể nói, các tiện ích “ngân hàng số” đang là “cơ hội” cho ngân hàng phục vụ nhu cầu của khách hàng, song đây cũng là thách thức đối với các ngân hàng truyền thống vì khách hàng sẵn sàng sử dụng dịch vụ, sản phẩm của tất cả tổ chức cung cấp, không phân biệt ngân hàng truyền thống hay tổ chức phi ngân hàng. Bối cảnh đó đòi hỏi các ngân hàng truyền thống, nhất là các cơ sở tại châu Á cần thích ứng với những thay đổi của tài chính thế giới nếu muốn tồn tại và phát triển.