Phát triển nghệ thuật xiếc trong bối cảnh mới (kỳ 2)

Kỳ 2: Xiếc Việt trước những khoảng trống
0:00 / 0:00
0:00
Theo nghề xiếc phải đối mặt nhiều vất vả, hiểm nguy nên đây là một ngành vẫn kén người học. Ảnh: Trường trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam
Theo nghề xiếc phải đối mặt nhiều vất vả, hiểm nguy nên đây là một ngành vẫn kén người học. Ảnh: Trường trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam

Xiếc Việt Nam đang đứng trước những thách thức và cơ hội mới. Từ những sân khấu đơn sơ, xiếc đã dần hiện đại hóa với sự kết hợp của công nghệ, tạo ra những màn trình diễn mãn nhãn. Tuy nhiên, để tồn tại và phát triển trong giai đoạn mới, xiếc Việt cần phải không ngừng đổi mới, sáng tạo, tìm tòi những hình thức biểu diễn mới lạ, hấp dẫn hơn.

Chọn cái khác chứ không chọn xiếc

Nghệ thuật xiếc đang bị lấn át bởi sự đa dạng của các hình thức giải trí hiện đại khác. Những buổi biểu diễn đầy mầu sắc và âm nhạc, những tiếng cười hòa vào tiếng vỗ tay, tất cả đã mờ đi sau màn hình chiếu phim và công nghệ thực tế ảo. Thống kê từ lượng vé bán ra tại Rạp xiếc T.Ư, không có nhiều những buổi biểu diễn được lấp đầy khán giả, cao điểm trong năm chỉ có dịp 1/6, Tết Trung thu và một vài chương trình đặc biệt dịp lễ kỷ niệm.

Sự bùng nổ các hình thức giải trí hiện đại như phim ảnh, âm nhạc, game online... đã thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Họ có thể say mê với những thước phim đầy kỹ xảo, những giai điệu sôi động và những trò chơi hấp dẫn thay vì đến tận rạp xem xiếc. Bạn Nguyễn Trường Nhật (20 tuổi) chia sẻ, nếu để bỏ 150 nghìn đồng mua vé xem xiếc thì em sẽ thêm một chút để mua một tấm vé cho show ca nhạc nào đó, dù đắt hơn nhưng vẫn hấp dẫn hơn là đi xem xiếc.

Xiếc có phần lép vế, ít giành được sự chú ý. Hạn chế trong các chiến dịch truyền thông như vẫn làm theo cách truyền thống, hình ảnh chưa được đầu tư kỹ lưỡng, những tấm áp phích sơ sài, trang Fanpage hay Website còn chưa được nâng cấp chỉn chu…, đó là những yếu tố khiến xiếc chưa theo kịp với thời đại.

Phát triển nghệ thuật xiếc trong bối cảnh mới (kỳ 2) ảnh 1

Diễn viên phải nhận thêm chương trình ngoài để cải thiện thu nhập. Ảnh: VIỆT CƯỜNG

Đau đáu nguồn nhân lực

Một thực tế đáng lo lắng tại Liên đoàn Xiếc Việt Nam (LĐXVN) - “thánh đường” biểu diễn của nghệ thuật xiếc nước nhà mà Giám đốc Liên đoàn - NSND Tống Toàn Thắng phải thừa nhận, đó là “chảy máu nhân lực” do sự cạnh tranh gay gắt của các đơn vị tư nhân. Nguyên nhân chủ yếu đến từ thu nhập khi các hợp đồng lao động bên ngoài thường cao hơn rất nhiều so chế độ của diễn viên hợp đồng, cả diễn viên thuộc quản lý của Nhà nước. Ngoài ra, cơ hội biểu diễn cũng là một nguyên cớ. Vòng luẩn quẩn vẫn lặp lại khi LĐXVN có số buổi biểu diễn hạn chế, dẫn đến việc một số diễn viên không có cơ hội biểu diễn thường xuyên, không có thêm thu nhập, dẫn đến việc nhận thêm show diễn bên ngoài với tần suất nhiều hơn.

Hậu quả là các nghệ sĩ xiếc tài năng “chảy” sang các đơn vị tư nhân, LĐXVN và các đơn vị công lập khác sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm và đào tạo đội ngũ giáo viên, huấn luyện viên có chuyên môn cao để truyền đạt kiến thức và kỹ năng cho thế hệ kế cận, gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng diễn viên trong mỗi đoàn xiếc. Học viên không được học tập từ những nghệ sĩ xiếc dày dặn kinh nghiệm, dẫn đến thiếu hụt kỹ năng và khả năng biểu diễn chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, thiếu diễn viên xiếc tài năng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng các chương trình biểu diễn. Các chương trình sẽ trở nên thiếu sức hấp dẫn dù cho có kịch bản hay đến mấy.

Ngành xiếc còn đang phải đối mặt với thực tế “già hóa” nguồn nhân lực khi thế hệ trẻ ra trường có rất nhiều sự lựa chọn với mức thu nhập cao ở các môi trường khác nhau thay vì chỉ có một lựa chọn vào các đơn vị công lập. Tình trạng các công ty tư nhân chèo kéo diễn viên từ các đoàn xiếc công vẫn xảy ra liên tục do nền kinh tế thị trường có nhu cầu. Nhắm đến tâm lý nguồn thu nhập tốt, đối tượng là những diễn viên hợp đồng chưa vào biên chế, những sinh viên mới ra trường, các vị tư nhân đưa ra những điều khoản nhằm lôi kéo diễn viên như lương cao, nhân lực không cần quá chuyên nghiệp, chỉ cần đủ để diễn những hoạt động cơ bản tại các sự kiện trong khuôn khổ.

Điều này không thể tránh khỏi do cơ chế thị trường và nhu cầu bảo đảm thu nhập nhưng cũng đem lại trăn trở rất nhiều về tương lai của cả một ngành nghệ thuật.

Cơ sở đào tạo và nguồn nhân lực hạn chế cũng là một lý do khiến ngành xiếc gặp nhiều bất cập trong công tác tuyển sinh. Hiện nay, Trường trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam (Hà Nội) là cơ sở duy nhất đào tạo diễn viên xiếc và tạp kỹ chuyên nghiệp nên nhiều thí sinh tại các khu vực khác gặp khó khăn trong việc tiếp cận môi trường giáo dục bài bản. Với đặc thù của ngành, công tác tuyển sinh không dừng ở việc thông báo, quảng bá mà buộc phải đến tận trường sở tại, gặp gỡ và thăm dò nhu cầu học sinh.

Nhọc nhằn chiêu sinh

Thách thức lớn nhất đối với ngành xiếc chắc chắn đến từ bước tuyển sinh học viên. Theo Hiệu trưởng Trường trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam Ngô Lê Thắng, độ tuổi để chiêu sinh những mầm non ngành xiếc là từ 11 đến 15 tuổi, đối với nam giới thì lớn nhất cũng chỉ 18 tuổi. Đây là giai đoạn “vàng” để các em bắt đầu hành trình trui rèn ý chí, rèn luyện sức khỏe và phát triển kỹ năng cần thiết cho một nghệ sĩ xiếc chuyên nghiệp.

Ở độ tuổi này, các em có thể tiếp thu nhanh chóng, có sự dẻo dai, linh hoạt của cơ thể và đặc biệt là giữ được lòng đam mê cháy bỏng với nghệ thuật xiếc. Nghịch lý thay, độ tuổi “đẹp nhất” để bắt đầu học cũng là lúc các em còn quá non nớt trong suy nghĩ, chưa định hình được tương lai bản thân và còn phụ thuộc đến 90% quyết định từ gia đình. Với đặc thù ngành học, các em sẽ được học nội trú tại trường. Đặt ở vị trí là một phụ huynh, để con em mình xa nhà từ lúc 11 tuổi, học một ngành đầy những vất vả, tai nạn rình rập là một quyết định không mấy dễ dàng.

Những ngày tháng 3 năm nay, đoàn tuyển sinh của trường lại rong ruổi đến khắp các trường trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận để gặp gỡ, giao lưu và chiêu sinh những tài năng trẻ. Có những năm, đoàn đã đi đến hơn 300 trường, hồ sơ nộp vào lên tới 10 nghìn bộ nhưng vào đến vòng chung tuyển chỉ có khoảng vài chục người. Thực tế có rất nhiều “lý do không tên”, học bạ đã rút từ trường phổ thông về rồi nhưng đến phút chót, cha mẹ lại thay đổi quyết định, không cho con đi học ngành xiếc.

Thầy Ngô Lê Thắng kể về một trường hợp khi thầy đã thuyết phục được gia đình cho con theo đuổi đam mê: “Xong xuôi hết rồi, gia đình đồng ý, con em phấn khởi, mở tiệc ăn mừng, chia tay để gửi con đi học. Nhưng nghe mỗi câu “nhà túng thiếu hay sao lại gửi con xuống đấy học miễn phí” của ông bà mà gia đình lại gọi điện xin rút hồ sơ”.

Đạp xoay chiếc trống to bằng cả cơ thể trên đôi chân một cách điêu luyện, cô gái 15 tuổi Nguyễn Khánh Huyền (Chương Mỹ, Hà Nội) không nhớ mình đã bị trống rơi vào người, vào mặt bao nhiêu lần. Mỗi lần đó là bấy nhiêu tâm sự của mẹ, rằng nếu vất vả quá thì về đi học nghề khác. Cô gái có vóc dáng nhỏ bé, khuôn mặt rạng rỡ ấy có vô vàn lựa chọn khác giữa cuộc đời nhưng lại quyết định xa nhà từ năm 11 tuổi, học nội trú tại Trường trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam với khát khao sớm được tỏa sáng trên sân khấu, trở thành một diễn viên xiếc chuyên nghiệp, nhận được sự công nhận của khán giả.

Hạn chế về kinh phí tuyển sinh cũng trở thành rào cản trong phạm vi tuyển sinh khi các thầy cô không thể đi nhiều trường hơn ở những vùng xa hơn. Đơn cử như để một đoàn tuyển sinh có 5 thầy cô vào khu vực miền nam - một thị trường phát triển của ngành xiếc để chiêu sinh thì cũng phải mất vé máy bay, phương tiện di chuyển giữa các trường, chi phí ăn nghỉ tại chỗ mà chưa chắc đã đem về được học sinh nào vì khoảng cách để phụ huynh đi cho con em mình đi học là quá xa. Với ngân sách lớn phải bỏ ra và tỷ lệ thành công không cao thì nhà trường cũng như nhiều đoàn xiếc khác cũng không dám duyệt những đề án tuyển sinh như vậy. Rõ ràng, bài toán về ngành nghề đặc thù hiếm, khó tuyển sinh nhưng xã hội vẫn có nhu cầu đến nay vẫn chưa có lời giải nào hợp lý.

Gợn lên trong lòng nhiều diễn viên vẫn đang hăng say với nghề và cả những người yêu thích nghệ thuật xiếc, liệu nghệ thuật sân khấu này sẽ chìm vào quên lãng, trở thành hoài niệm đẹp đẽ trong ký ức của thế hệ trước? Hay xiếc sẽ tìm cách thích nghi, đổi mới để hòa nhập vào dòng chảy giải trí hiện đại?

(Còn nữa)

Phát triển nghệ thuật xiếc trong bối cảnh mới (kỳ 1)