Phát huy giá trị gia đình truyền thống

Đầu năm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ban hành sắc lệnh chọn 2024 là “Năm gia đình”, nhằm quảng bá chính sách bảo vệ gia đình cũng như gìn giữ các giá trị gia đình truyền thống. Phó Thủ tướng Tatyana Golikova là Trưởng Ban tổ chức Năm gia đình 2024, phụ trách triển khai sáng kiến này.
0:00 / 0:00
0:00
Gìn giữ các giá trị gia đình truyền thống là điều quan trọng với người dân Nga. Ảnh: RT
Gìn giữ các giá trị gia đình truyền thống là điều quan trọng với người dân Nga. Ảnh: RT

Theo TASS, bà Golikova nêu rõ các hoạt động trong khuôn khổ Năm gia đình 2024 nhằm tạo điều kiện cho những gia đình trẻ sinh con đầu lòng, tăng cường sức khỏe sinh sản, hỗ trợ các gia đình đông con và gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống. Vừa qua, Chính phủ Nga đã phê duyệt kế hoạch các sự kiện lớn trong Năm gia đình, với ngân sách 490 triệu ruble (khoảng 5,5 triệu USD) cho chuỗi hơn 100 hoạt động kéo dài trong cả năm 2024.

Kết quả một cuộc khảo sát ý kiến cộng đồng ở Nga cho thấy, 70% số người được hỏi đã đồng ý “kết nối gia đình bền chặt là giá trị quan trọng nhất”. “Điều này không phụ thuộc vào trình độ học vấn, tuổi tác hay tình hình tài chính. Những người trẻ từ 18 đến 24 tuổi đặc biệt quan trọng vì họ sẽ bắt đầu có con trong 7 năm tới. Thái độ của họ đối với các giá trị gia đình truyền thống và vai trò làm cha mẹ cũng rất quan trọng, vì những điều này quyết định trách nhiệm xã hội đối với thế hệ mới được sinh ra”, Phó Thủ tướng Tatyana Golikova giải thích.

Vì vậy, một trong những ưu tiên của Năm gia đình 2024 là khôi phục hệ giá trị “đại gia đình” và củng cố các giá trị truyền thống trong mỗi gia đình ở “xứ sở bạch dương”. Theo bản kế hoạch liên bang về việc tổ chức Năm gia đình, những hoạt động này được thực hiện dưới nhiều hình thức, như tổ chức các cuộc thi về ý nghĩa của giá trị gia đình, hỗ trợ vật chất cho gia đình có trẻ em. Đặc biệt, vai trò của báo chí, truyền thông cũng được đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức cho các phụ huynh, bao gồm cả những người sẽ làm cha mẹ trong tương lai.

Để tăng sức lan tỏa, Năm gia đình sẽ được triển khai đến các địa phương trên toàn nước Nga. Dự kiến đến ngày 1/2, tất cả địa phương sẽ phê duyệt kế hoạch hành động khu vực dựa trên kế hoạch liên bang. Bà Tatyana Golikova nhấn mạnh nỗ lực thực hiện mục tiêu này: “Chúng tôi cũng đang tập trung vào một số hướng đi như thu hút các tập đoàn và người sử dụng lao động tham gia chương trình nghị sự quan trọng này. Họ có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ những bậc cha mẹ đang đi làm, các gia đình trẻ và gia đình muốn có con. Chúng tôi sẽ làm việc với người sử dụng lao động và công đoàn để xem xét phương pháp tốt nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như ở cấp địa phương, triển khai sáng kiến”.

Lần gần đây nhất Nga tổ chức Năm gia đình là vào năm 2008. Từ năm 2007, nước này đã thực hiện chính sách khuyến khích tăng tỷ lệ sinh bằng khoản trợ cấp cho những cặp vợ chồng sinh con thứ 2 trở lên và từ năm 2020 thì khoản trợ cấp này dành cho cả người sinh con đầu lòng. Số tiền trợ cấp cũng tăng hằng năm. Từ ngày 1/2 tới, trợ cấp sinh con đầu lòng sẽ tăng lên 631.000 ruble (7.180 USD) và thêm 202.600 ruble (2.300 USD) khi sinh con thứ hai. Tiền trợ cấp này cấp cho cả người nhận nuôi con hoặc bố, mẹ đơn thân nhận nuôi con.

Sáng kiến này được tổ chức nhằm đối phó vấn đề suy giảm dân số đang gây khó khăn cho nền kinh tế Nga. Theo số liệu của Ủy ban Thống kê Nga, trong năm 2023, tỷ lệ sinh tại nước này đã giảm xuống mức thấp nhất trong 15 năm qua, chỉ còn 1,36 trẻ/1 phụ nữ. Trước đó vào năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Nga đã ghi nhận mức giảm dân số tự nhiên cao nhất trong lịch sử, khi dân số giảm tới 1,04 triệu người và năm 2022, tiếp tục giảm 555.000 người.

Là quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới, hiện dân số Nga chỉ ở mức 146,4 triệu dân. Trong khi đó, suy giảm dân số dẫn đến giảm số lượng người lao động. Theo số liệu năm 2022 của Công ty tư vấn Nga FinExpertiza, lao động dưới 30 tuổi tại Nga chỉ còn khoảng 11 triệu người, chiếm 14,9% số người lao động, đồng nghĩa với việc thiếu hụt nhân công. Tính đến năm 2030, Nga sẽ cần thêm 2,5 triệu người lao động.