Nối nghiệp cha ông

Trà Đông, xã Thiệu Trung (huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) là làng đúc đồng nổi tiếng. Những nghệ nhân, thợ lành nghề nơi đây luôn nhắc nhở nhau tiếp nối nghiệp cha ông, sáng tạo mẫu mã, phát triển và giữ nghề. Nhờ thế Trà Đông không ngừng khẳng định vị thế của mình trong thị trường, được giới chuyên môn đánh giá cao.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Thiều Quang Tùng bên bộ trống Cửu Long.
Ông Thiều Quang Tùng bên bộ trống Cửu Long.

Nỗ lực giữ nghề cổ

Đứng trước tác phẩm trống đồng cỡ lớn đặt trong không gian nhà mình, Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Nguyễn Bá Châu khẳng định: "Làng sẽ mãi phát triển nhờ những người con ưu tú". Điều đó được bảo đảm khi đơn hàng về nhiều và những người thợ đang cần mẫn chế tác sản phẩm mới. Là người đã có năm tác phẩm được xác lập kỷ lục Guinness Việt Nam, NNƯT Nguyễn Bá Châu luôn đau đáu để làng nghề phát triển, vươn xa hơn. Trong xuân mới 2023, ông dự định xây dựng nhà trưng bày, giới thiệu sản phẩm, mở rộng xưởng đúc để khách đến làng hiểu sâu sắc hơn về nghề, về làng quê Trà Đông.

Được người dân ca ngợi là nghệ nhân có "bàn tay vàng", NNƯT Nguyễn Bá Châu thấy tự hào. Song đi liền với đó, ông cũng tự đặt lên vai mình trách nhiệm phải luôn làm tốt, cố gắng hơn nữa trong việc gìn giữ và phát huy giá trị nghề đúc trống đồng của cha ông. Cũng bởi, làng nghề Trà Đông đã có thời gian bị mai một. Năm 1998, ông Châu cùng một số người tâm huyết nghiên cứu, khôi phục nghề xưa, nhưng mấy lần đúc trống bị thất bại, phải đến năm 2000 mới thành công. Ông Châu bày tỏ: "Từ đó, tôi dạy cho nhiều anh em trong làng, rồi được các cơ quan chức năng mời mở lớp đào tạo nghề đúc trống đồng. Có không ít người ở nơi khác đến học tôi và họ cũng thành công".

Trực tiếp xem các công đoạn tại xưởng, nhìn ông Châu và những người thợ làm trống, tôi càng thấy được sự kỳ công của nghề. Tất cả các bước đều tỉ mỉ, công phu, từ chuẩn bị đúc khuôn đến quy trình hoàn thiện sản phẩm. Trước khi tạo khuôn trống, ông phải biết đích xác mẫu trống mà khách muốn đặt thuộc vào thời kỳ lịch sử nào. Chưa kể, có nhiều mẫu trống được pha trộn đặc trưng thời kỳ theo ý của khách, vậy là người thợ phải thiết kế mẫu, tạo khuôn riêng. Tiếp đó là bước tạo hình trên khuôn gỗ, rồi đắp lớp đất chịu nhiệt là loại đất sét nguyên chất, có độ dẻo cao, được trộn với trấu theo một tỷ lệ nhất định. Khuôn được nẹp một lớp đất để tránh cho phần khuôn hoa văn được nung chín mà không bị "cháy" (quá lửa-PV). Khi hoàn thành, khuôn có ba mảnh: hai mảnh thân và một mảnh mặt. Mỗi chiếc trống sẽ có một khuôn riêng; sau khi có trống thành phẩm, khuôn cũng được phá dỡ luôn.

NNƯT Lê Văn Bảy cũng là một người tha thiết mong muốn giữ nghề của cha ông, cho nên đã cùng ông Nguyễn Bá Châu và một số người khác, tìm cách khôi phục lại. Đến nay, ngoài làm thành công trống đồng mang đặc trưng riêng của nền văn hóa cổ xứ Thanh, ông Bảy còn sản xuất, chế tạo nhiều mẫu mã, mặt hàng từ đồng, như: lư hương, tượng đồng, kiếm đồng, tranh tứ linh, tứ quý, chấp kích, bát bửu… với đề tài lấy theo tích truyện cổ hay từ tranh dân gian phong phú và đặc sắc, được nhiều người ưa thích.

Cũng yêu nghề đúc trống, năm 1999, NNƯT Thiều Quang Tùng ở xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn (gần làng Trà Đông) đã đến học nghệ nhân Nguyễn Bá Châu. Người có tâm gặp người có tài. Họ đã giúp đỡ, động viên nhau cùng phát triển nghề. Năm 2022 vừa qua, trong thời gian chuẩn bị tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương tại công trình Đền thờ Vua Hùng (TP Cần Thơ), ông Tùng vinh dự được giao làm chủ sự đúc bộ trống Cửu Long gồm chín trống đồng và một lá đại kỳ hình vuông có cạnh dài 18m. Trong đó, riêng bộ trống Cửu Long được tổ chức đúc ngay tại địa điểm gần Đền thờ Vua Hùng, thu hút nhiều người dân địa phương đến trực tiếp chứng kiến.

Không ngừng phát triển

Hiện, toàn xã Thiệu Trung có 32 hộ đăng ký vào làng nghề đúc đồng truyền thống để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho hàng trăm lao động với thu nhập ổn định. Từ đầu năm 2022 đến nay, xã Thiệu Trung có hai sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao là Trống đồng Bảy Tuyên và Tranh đồng cá chép trông trăng Bảy Tuyên. Người làng Trà Đông đã đúc kết: Một tác phẩm thành công của làng nghề là khi nó đạt được cùng lúc ba tiêu chí: tuân thủ kỹ thuật đúc thủ công truyền thống, thật sự có tính thẩm mỹ, được các nhà chuyên môn đánh giá cao.

Bằng tâm huyết và tài năng, những nghệ nhân như Lê Văn Dương, Lê Văn Bảy, Nguyễn Bá Châu, Đặng Ích Hoàn... đã giúp làng Trà Đông nổi tiếng cả nước với "đặc sản" là các loại trống đồng đa dạng kích cỡ, hoàn thiện hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, được các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá cao. Từ phiên bản trống Ngọc Lũ tỷ lệ 1:1, đường kính mặt trống 79,3cm, cao 63cm (năm 2000) đến phiên bản có kích thước lớn hơn, với đường kính mặt trống 151cm, cao 121cm (năm 2006), năm 2013, các nghệ nhân Trà Đông đã hoàn thiện được phiên bản trống Ngọc Lũ kỷ lục, nặng khoảng 8 tấn, cao 200cm, đường kính mặt trống 270cm... Ngoài ra, NNƯT Nguyễn Bá Châu còn nghiên cứu, in thành sách những mẫu trống đồng ở nhiều thời kỳ, nhiều khu vực trong và ngoài nước để người thợ trong làng có điều kiện tham khảo và tìm phương pháp chế tác.

Nghệ nhân Nguyễn Bá Châu khẳng định: "Các làng nghề nói chung đều phải vượt khó. Nghề đúc đồng đang có ưu thế, nhưng chúng tôi không dừng ở thành quả hiện có. Mỗi nghệ nhân, thợ lành nghề đều phải thức thời, luôn bám nghề, bám sản phẩm. Tôi có khả năng làm trống đồng giả cổ nhưng tôi không bao giờ kiếm tiền từ việc làm giả ấy, không tiếp tay gây nhiễu loạn thị trường đồ cổ, làm giảm giá trị tinh hoa truyền thống của nghề".