Nội địa hóa dòng cá nước lạnh

Những con cá hồi, cá tầm có nguồn gốc từ châu Âu xa xôi đã trở thành những "cư dân" quen thuộc trên miền cao nguyên xứ lạnh nam Tây Nguyên. Sau Lào Cai, Lâm Đồng là tỉnh thứ hai trong nước di thực và nuôi thành công những loại cá nước lạnh thương phẩm cao cấp này từ mười lăm năm trước. Nhìn lại, đó là một bước đột phá quan trọng của những người làm công tác quy hoạch và nuôi trồng thủy sản…

Cá tầm thương phẩm tại trang trại Thung Lũng Nắng ở huyện Lạc Dương (Lâm Đồng).
Cá tầm thương phẩm tại trang trại Thung Lũng Nắng ở huyện Lạc Dương (Lâm Đồng).

Từ Lào Cai đến Lâm Ðồng

Người trò chuyện cùng tôi về quá trình di thực dòng cá nước lạnh từ châu Âu về Việt Nam trong buổi chiều cuối năm này là tiến sĩ Nguyễn Viết Thùy (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3). Mười sáu năm trước, anh là người phụ trách kỹ thuật khi triển khai thử nghiệm Dự án nuôi cá nước lạnh do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng làm chủ đầu tư tại vùng suối đầu nguồn Bidoup. Nguyễn Viết Thùy nhớ lại: Trước đây, mỗi năm nước ta phải nhập hơn 2.000 tấn cá hồi, cá tầm từ các nước châu Âu. Nhu cầu ngày càng tăng, nên việc đưa con cá nước lạnh về hợp cư với các loài khác trên sông nước xứ ta là mong muốn của những người làm thủy sản. Dự án nuôi thử nghiệm cá hồi tại Sa Pa vào năm 2005 với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Phần Lan và Chính phủ Việt Nam, đơn vị chủ trì là Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, là một bước đi quan trọng. Đó là lần đầu, những con cá hồi vân thương phẩm có xuất xứ châu Âu được "nội địa hóa"…

Từ thành công tại Sa Pa, đã mở ra hướng đi mới cho ngành thủy sản ở các tỉnh có điều kiện tương tự, trong đó có Lâm Đồng. Tiến sĩ Nguyễn Viết Thùy kể: Tháng 4/2006, những con cá giống đầu tiên từ Sa Pa đến với K’Long K’Lanh (Lạc Dương, Lâm Đồng); cuối năm đó, thực đơn các nhà hàng phía nam đã ghi món cá hồi đến từ núi Bidoup. Thành công ngoài mong đợi, nhưng hành trình đưa trứng giống cá hồi từ Phần Lan, một đất nước Bắc Âu cách xa nước ta hàng nghìn cây số để về nhân giống và nuôi thương phẩm thành công là cả một công việc đầy khó khăn.

Cùng với cá hồi, cá tầm Nga cũng được nuôi thử nghiệm thành công tại Lâm Đồng. Vậy rồi, chỉ trong vòng một thời gian ngắn, nhiều doanh nghiệp đã lập dự án kinh doanh cá hồi và cá tầm tại địa phương, như Công ty Cá tầm Việt Nam; Công ty Hoàng Phố; Công ty Hà Quang; Công ty 7-5 (Quân khu 7). Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 cũng đã xây dựng trung tâm nghiên cứu sản xuất các giống cá nước lạnh. Tỉnh Lâm Đồng triển khai đưa cá tầm Nga về nuôi ở vùng K’Long K’Lanh và một số hồ chứa nước lớn như Ka La, Đa Nhim, Tuyền Lâm…

Cá Tây "bén nước" ao Ta

Những năm qua, cá nước lạnh được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Tuy nhiên, để nuôi thâm canh, ứng dụng công nghệ cao thành công cũng không phải là việc dễ dàng. Nuôi cá hồi, cá tầm đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, những điều kiện, kỹ thuật hết sức khắt khe. Cá được nuôi trong môi trường nước chảy, bảo đảm độ sạch; nhiệt độ trong hồ phải luôn được duy trì ở mức 20 độ C; nếu nước có nhiệt độ từ 15-16 độ C thì cá sinh trưởng tốt. Nước hồ dùng để nuôi cá hồi cũng phải đủ hàm lượng oxy hòa tan đạt mức quy định; từ 5,5-7mg/lít là lý tưởng, tối thiểu cũng phải đạt 3,5mg/lít. Loài cá "quý tộc" này cũng đòi hỏi lượng thức ăn có chi phí khá cao, đó là loại cám tổng hợp nhập về từ châu Âu…

Ngày cuối năm 2021, ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cung cấp dữ liệu: Sản xuất cá nước lạnh tại địa phương đang ổn định với diện tích 50 ha với 50 trang trại, doanh nghiệp và hộ gia đình; sản lượng đạt 1.300 tấn trong năm nay. Các doanh nghiệp lớn như Công ty Cá tầm Việt Nam, Công ty TNHH Cá suối Đại Dương, Công ty TNHH Phi Huỳnh vừa đầu tư nuôi cá thương phẩm, vừa phát triển giống cá tầm chuyên dụng để chế biến dòng sản phẩm cao cấp là trứng cá đen. Riêng sản lượng trứng cá đen sản xuất tại địa phương ước khoảng 1.500 kg/năm. Theo ông Châu, điều đặc biệt là chuỗi liên kết tổ chức sản xuất và tiêu thụ cá nước lạnh do Công ty TNHH MTV Thủy sản Trường Toản (TP Hồ Chí Minh) chủ trì hoạt động khá hiệu quả. Tham gia chuỗi liên kết, các đơn vị đã hoàn toàn chủ động trong quá trình sản xuất và ổn định thị trường. Bước phát triển quan trọng là chúng ta khá chủ động về nguồn giống cá. Các doanh nghiệp lớn trên địa bàn Lâm Đồng đã đầu tư trang thiết bị, công nghệ để nhập khẩu trứng giống từ Liên bang Nga và Liên bang Đức về nuôi ấp nở, ương dưỡng giống cá bột, sản xuất giống với 2,6 triệu con cá bột mỗi năm để cung ứng cho các doanh nghiệp, hộ nông dân sản xuất cá nước lạnh thương phẩm.

Còn Chi cục Chăn nuôi thú y và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng) cho biết, không chỉ các đơn vị, công ty lớn mà sức hút của con cá nước lạnh cũng đã đến với những người nông dân. Hộ ông Phạm Văn Đa ở thành phố Đà Lạt đã nuôi thành công cá hồi vân và cá tầm trên diện tích 5.000 m2. Con cá nước lạnh cũng đã bén duyên với đồng bào dân tộc thiểu số mà chị Ka Hoa, một phụ nữ Cơ Ho ở buôn Tupoh (xã Đạ Chais, Lạc Dương) là một thí dụ. Chị là người đồng bào bản địa đầu tiên mạnh dạn đứng ra nhận thực hiện dự án thí điểm nuôi cá nước lạnh theo quy mô hộ gia đình của ngành nông nghiệp. "Hiện tượng" Ka Hoa không chỉ giúp gia đình chị mang lại thu nhập cao mà còn có sức lan tỏa đến sự thay đổi cách nghĩ, cách làm của cộng đồng người dân tộc thiểu số trong vùng. Đặc biệt, một người Nga là Vadim Kuznetsov đã đến với vùng núi rừng Đạ Sar (Lạc Dương, Lâm Đồng) lập ra trang trại cá hồi, cá tầm mang tên Thung Lũng Nắng. Người đàn ông trung niên đến từ quê hương của dòng cá nước lạnh đã kinh doanh thành công với quy mô trang trại rộng 8 ha với khoảng 30 nghìn con cá mỗi lần thả; mỗi tháng ông cung ứng ra thị trường mấy tấn cá thương phẩm và một lượng khá lớn trứng cá tầm đen…

Việc di thực thành công con cá hồi, cá tầm xứ lạnh trên vùng cao Lâm Đồng, Lào Cai và một số tỉnh trong nước là thành công rất đáng ghi nhận. Điều này không chỉ góp phần hạn chế nhập khẩu, tiết kiệm ngoại tệ, đưa món cá hồi, cá tầm trở nên "bình dân" mà quan trọng hơn là, tiềm năng thế mạnh đặc thù của các địa phương được khai thác hiệu quả. Lựa chọn này vừa giúp cho các doanh nghiệp đa dạng sản phẩm, vừa tạo điều kiện để người dân tiếp cận tiến bộ kỹ thuật, cách thức sản xuất công nghiệp, qua đó từng bước xây dựng tư duy làm ăn mới. Tuy nhiên, tiếp tục cuộc "định cư" trên quê mới cho dòng cá nước lạnh, hành trình phía trước vẫn còn nhiều điều mà ngành thủy sản và các địa phương cần phải giải quyết…