Dịp cuối năm, nhất là Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới, khi người dân đi lại nhiều hơn, là quãng thời gian dịch bệnh rất dễ lây lan, bùng phát.
"Nợ miễn dịch", và những ẩn họa khác
Trong mùa đông-xuân, thời tiết lạnh ẩm là yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của các loại virus, vi khuẩn gây bệnh như Adenovirus, Rotavirus, virus cúm… BS CKII Mã Thanh Phong, Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh cho biết: "Giai đoạn này, không chỉ trẻ em mà nhiều người lớn tuổi nhập viện được ghi nhận tình trạng bội nhiễm, kháng kháng sinh khiến bệnh nặng hơn. Nhiều người, khi có hiện tượng cảm sốt, sau một vài lần đầu uống thuốc có kháng sinh mua ở hiệu thuốc tây thấy triệu chứng đỡ nên duy trì việc đó thành thói quen; hoặc có đến khám ở bệnh viện được bác sĩ kê đơn thuốc nhưng tự động ngưng thuốc không uống đủ liều hay kéo dài đơn thuốc… những điều này vô tình kéo dài liều kháng sinh bừa bãi".
Còn theo nhìn nhận của PGS, TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế: Tình trạng dịch chồng dịch trong thời gian qua có một phần nguyên nhân là do "nợ miễn dịch", hay nói đúng hơn là do "khoảng trống miễn dịch" trong cộng đồng, sau thời gian giãn cách xã hội và giảm tiếp xúc trong đại dịch Covid-19 trước đó.
"Một bệnh truyền nhiễm mà lây truyền từ người này sang người khác thì phải có nguồn lây. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 cho đến đầu năm nay, chúng ta đã nhiều lần thực hiện giãn cách xã hội và phong tỏa để phòng, chống dịch Covid-19. Do đó, sự tiếp xúc giữa người bệnh với người lành cũng như với các yếu tố môi trường mang mầm bệnh rất hạn chế. Khi không có nhiều người mắc bệnh, nghĩa là tỷ lệ miễn dịch của cộng đồng với bệnh đó không đạt như trước kia. Mặt khác, một số bệnh theo chu kỳ cứ 3-5 năm quay trở lại một lần, đáng lẽ nó sẽ bùng lên trong giai đoạn 2020-2022. Các biện pháp mà chúng ta đã thực hiện nhằm phòng, chống dịch Covid-19 đồng thời cũng đã giúp kiềm chế hiệu quả các dịch bệnh khác" - PGS, TS Trần Đắc Phu giải thích, và khẳng định: "Nợ miễn dịch" không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến sự gia tăng số lượng người mắc các bệnh truyền nhiễm trong thời gian gần đây. Một yếu tố rất quan trọng đó là sự lơ là, chủ quan trong phòng bệnh của cộng đồng.
Từ góc độ dinh dưỡng, TS, BS Phan Bích Nga, Trưởng khoa Khám Trẻ em, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng: "Khả năng tăng cường miễn dịch được chi phối bởi một số yếu tố, nhưng quan trọng nhất là yếu tố về dinh dưỡng, bởi các vitamin, khoáng chất tham gia vào hệ thống miễn dịch cơ thể (đặc biệt là vi chất sắt và kẽm) có vai trò vô cùng quan trọng. Việt Nam đã có chương trình phòng, chống thiếu máu, thiếu sắt do Viện Dinh dưỡng Quốc gia chủ trì và triển khai từ những năm 80 thế kỷ trước. Tuy nhiên, tỷ lệ thiếu sắt và thiếu kẽm ở trẻ em Việt Nam, nhất là trẻ dưới 5 tuổi, vẫn tồn tại ở mức cao. Trong khi đó, trẻ em lại là đối tượng có hệ miễn dịch còn non yếu và là đối tượng rất dễ bị tổn thương".
Nguy cơ nguồn lây từ động vật
Tại Hội nghị khoa học nghiên cứu và ứng dụng trong y học, diễn ra tại Hà Nội mới đây, GS Nguyễn Văn Kính, Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, cho biết: "Từ năm 1980, khi căn bệnh HIV/AIDS xuất hiện, bệnh truyền nhiễm mới nổi đã được nêu lên rất nhiều trong y văn thế giới. Đặc biệt, người ta thấy rằng hầu hết các bệnh mới nổi đều bắt đầu từ động vật rồi lây cho người (chiếm tới hơn 60%). Sau khi xuất hiện ca nhiễm HIV đầu tiên, thế giới ghi nhận SARS (2003), SARS-CoV-2 trong hai năm qua, hay cúm H5N1...". Ông đánh giá: "Xu thế xuất hiện của các bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi hiện nay ở Việt Nam và thế giới phần nhiều tập trung vào các bệnh do virus, bệnh giun sán, bệnh do nấm, bệnh do đơn bào. Trong đó, bệnh do giun sán, sinh vật đơn bào lâu nay đã bị Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phân loại thành nhóm "các bệnh bị lãng quên", trong khi các bệnh do vi khuẩn thì vẫn đang gia tăng".
Để phòng bệnh, PGS, TS Trần Đắc Phu khuyến cáo: Người dân cần đi tiêm vaccine phòng cúm, vaccine phòng Covid-19 mũi nhắc lại, vaccine sởi và DPT (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván) và vaccine ngừa các bệnh dễ lây lan, gây dịch cho trẻ em… nhằm phòng các tình trạng nặng, tử vong khi mắc bệnh. Quan trọng nhất là phải có một cơ thể khỏe mạnh để hệ miễn dịch được khỏe mạnh. Theo đó, cần phải bảo đảm có một chế độ dinh dưỡng tốt, luyện tập thể thao đều đặn để tăng cường sức đề kháng và quan trọng là từ bỏ những thói quen không tốt cho sức khỏe như uống rượu bia quá mức, thức khuya, hút thuốc lá… Bảo đảm môi trường sống chung quanh sạch sẽ để giảm những mầm bệnh có khả năng gây dịch tồn tại trong môi trường. Khi phát hiện những người đang mang trong mình mầm bệnh truyền nhiễm cần có phương pháp cách ly và báo ngay cho cơ sở y tế.