Nỗ lực vì mục tiêu Olympic

Olympic Paris là sự kiện quan trọng nhất với thể thao Việt Nam trong năm 2024. Toàn ngành đang nỗ lực, tập trung cao độ để tìm kiếm thêm những chiếc vé dự Thế vận hội được tổ chức tại Pháp.
0:00 / 0:00
0:00
VĐV bơi lội Nguyễn Huy Hoàng đã giành vé tham dự Olympic 2024. Ảnh: LÊ MINH
VĐV bơi lội Nguyễn Huy Hoàng đã giành vé tham dự Olympic 2024. Ảnh: LÊ MINH

Đến thời điểm này, thể thao Việt Nam đã có bốn suất chính thức dự Olympic 2024. Người đầu tiên là cua-rơ Nguyễn Thị Thật, khi cô giành Huy chương vàng nội dung xuất phát đồng hàng nữ (109km) tại Giải xe đạp đường trường châu Á 2023 tại Thailand.

Tiếp đó, xạ thủ Trịnh Thu Vinh và “kình ngư” Nguyễn Huy Hoàng cũng giành vé dự Olympic 2024 sau các thành tích ở Giải vô địch Bắn súng thế giới và ASIAD 19. Xạ thủ Lê Thị Mộng Tuyền là người giành suất chính thức thứ tư cho thể thao Việt Nam, nhờ đạt thứ hạng cao tại Giải vô địch Bắn súng châu Á 2024 (nội dung 10m súng trường hơi nữ) vừa diễn ra tại Indonesia.

Chỉ tiêu của ngành thể dục - thể thao Việt Nam là giành từ 12 đến 15 suất chính thức dự Olympic Paris 2024. Theo ông Đặng Việt Hà, Cục trưởng Thể dục - Thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), toàn ngành đang tập trung để các môn thể thao có vận động viên trọng điểm thi đấu phấn đấu giành thêm vé đến Thế vận hội.

Dự báo, hy vọng được đặt vào môn cầu lông với các tuyển thủ Nguyễn Thùy Linh, Lê Đức Phát. Một số môn như rowing, canoeing, boxing, taekwondo, judo, bắn cung, điền kinh, thể dục dụng cụ, bơi lội cũng có sự chuẩn bị của mình.

Môn bắn súng đang nỗ lực để giành thêm một suất nam và một suất nữ. Trong đó, xạ thủ Phạm Quang Huy, người được bầu là Vận động viên tiêu biểu toàn quốc năm 2023 được trao nhiều kỳ vọng. Anh chính là người giành Huy chương vàng đầu tiên cho bắn súng Việt Nam tại ASIAD kể từ khi chúng ta tham gia đấu trường này năm 1982. Ngoài một Huy chương vàng và một Huy chương đồng ASIAD 19, Phạm Quang Huy còn cùng đồng đội ở đội tuyển bắn súng Việt Nam giành Huy chương đồng tại Giải vô địch Bắn súng châu Á vừa qua.

Tại Olympic Paris, chỉ tiêu giành suất chính thức của thể thao Việt Nam thấp hơn các kỳ Olympic trước. Đây là vấn đề đặt ra đối với những nhà hoạch định chính sách và quản lý, vận hành các cơ sở tuyển chọn, đào tạo vận động viên về hiệu quả của công tác tuyển chọn và đào tạo. Trong năm 2024, “Chiến lược phát triển thể dục - thể thao Việt Nam đến năm 2030, định hướng tới năm 2045” sẽ được ban hành. Đó sẽ là cơ sở để toàn ngành có những đánh giá, điều chỉnh các chương trình đầu tư ngắn hạn, dài hạn, nhất là đối với thể thao thành tích cao để nâng tầm thể thao nước nhà trên trường quốc tế.