TS Nguyễn Thụy Anh:

Nỗ lực thực hiện lời hứa đưa tiếng Việt đi xa

Hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và văn hóa văn nghệ, là chuyên gia phương pháp giáo dục, đồng thời là người sáng tác, dịch giả, TS Nguyễn Thụy Anh chia sẻ với chúng tôi về quá trình thực nghiệm và tìm tòi hơn mười năm qua để làm ra bộ sách có thể khơi dậy ở các em nhỏ gốc Việt đã bắt rễ vào văn hóa bản địa nước ngoài niềm hứng thú đối với tiếng Việt.
0:00 / 0:00
0:00
TS Nguyễn Thụy Anh (người mặc áo len đỏ) đang dẫn dắt Lớp học Tiếng Việt đi khắp năm châu ở Trường học Phù thủy hay Trại Mùa thu dành cho các em nhỏ gốc Việt được tổ chức ở Stuttgart (Đức) năm 2017. Ảnh: Dương Xuân Trà My
TS Nguyễn Thụy Anh (người mặc áo len đỏ) đang dẫn dắt Lớp học Tiếng Việt đi khắp năm châu ở Trường học Phù thủy hay Trại Mùa thu dành cho các em nhỏ gốc Việt được tổ chức ở Stuttgart (Đức) năm 2017. Ảnh: Dương Xuân Trà My

Mười năm với một ước mơ

- Trước hết, xin chúc mừng chị vừa nhận Giải A Sách Quốc gia năm 2023 với bộ sách "Chào tiếng Việt!" dành cho trẻ em gốc Việt ở nước ngoài. Với bộ sách này, chị muốn các em nhỏ chào tiếng Việt như một người bạn cũ lâu ngày không gặp hay làm quen với một người bạn mới? Cũng xin chị cho biết, nếu không có chủ trương về việc xây dựng chương trình tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài thì bộ sách này có ra đời không?

- Xin cảm ơn lời chúc mừng! Với "Chào tiếng Việt!", tôi muốn các em nhận ra một người thân luôn hiện diện thấp thoáng đâu đó mà mình đôi khi vô tâm ít giao tiếp, chia sẻ. Nhưng nếu có cơ hội trò chuyện, tình thân ấy sẽ khiến các em có thêm những khám phá mới, những cảm xúc thân thương đầy bí ẩn mà nguồn cội sâu xa mang lại.

Tôi ấp ủ dự định viết ra những cuốn sách này từ lâu rồi, và hơn mười năm qua, tôi chuẩn bị cho việc đó. Không có thời gian hơn mười năm va chạm thực tế, hiểu khó khăn của giáo viên, phụ huynh và các em nhỏ, không hệ thống được những rào cản tâm lý của người học thì khó có thể tìm được một cách tiếp cận phù hợp cho đối tượng đặc biệt này: các em nhỏ gốc Việt đã bắt rễ vào văn hóa bản địa nhưng một góc tâm hồn các em vẫn có khả năng cảm nhận dòng chảy nguồn cội qua ngôn ngữ để có thể đến với văn hóa Việt, chỉ cần có cơ hội được nhận ra "người thân" nửa quen nửa lạ ấy.

Qua các trại hè tổ chức thường niên ở Ba Lan, Đức, Pháp và các thông tin được nhận trong quá trình đi thực tế ở các nước, tôi đã xây dựng được hệ thống hoạt động học, lựa chọn được ngữ liệu phù hợp cho người học từ 5 đến 15 tuổi và thiết kế các bài tập ngữ âm phong phú để học sinh phân biệt thanh điệu dễ dàng. Trong hơn mười năm ấy, tôi đã khẳng định được phương pháp tiếp cận của mình - nằm ở điểm giữa của phương pháp dạy tiếng mẹ đẻ và dạy ngoại ngữ, đồng thời dần xác định được các kỹ thuật và bộ công cụ đi kèm.

Đó là lý do vì sao tôi có thể trả lời câu hỏi này: Giả sử không có đề án tiếng Việt nào, bộ sách của tôi vẫn sẽ ra đời, như kết quả của quá trình tôi thực nghiệm và tìm tòi một hướng đi trong những năm qua.

Tôi viết sách với mục đích là hiện thực hóa mơ ước và dự định của chính mình, hoàn thành lời hứa với bà con cộng đồng người Việt ở nhiều nước, rằng nhất định sẽ có tài liệu, giáo trình đồng hành cùng giáo viên, phụ huynh trong việc giữ gìn tiếng mình ở nơi xa.

Thật may, với chủ trương về việc viết giáo trình tiếng Việt theo khung chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhận lời mời của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, tôi có cơ hội sắp xếp, hệ thống, "bày biện" mọi ngữ liệu mình đã thu thập. Tôi rất biết ơn Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam về cơ hội cộng tác tuyệt vời này.

- Cuốn sách đã được đánh giá và công nhận bởi hội đồng của giải thưởng sách quan trọng nhất. Còn trong hơn một năm đưa vào sử dụng, cuốn sách vượt qua sự thẩm định và thử thách bởi thực tế như thế nào? Có điều gì chị tiếc là cuốn sách chưa làm được hoặc muốn chỉnh sửa cho những lần tái bản tới đây không?

- Trong hơn một năm đưa vào sử dụng, cho dù việc phát hành không phải dễ dàng do điều kiện địa lý xa xôi, nhưng kết quả tôi cho là đáng vui mừng. Hai cuốn sách trở thành món quà quý được Thủ tướng và các đoàn công tác của Chính phủ lựa chọn đem theo tặng bà con trong các chuyến công du. Với sự kết nối, giới thiệu của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, nỗ lực của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và sự cần mẫn đem sách đến các cộng đồng học của nhóm thầy cô Câu lạc bộ Đọc sách cùng con, "Chào tiếng Việt!" đã có những tiếng vang nhất định.

Vừa rồi, sau khi nhận sách Thủ tướng Chính phủ trao tặng, Tổng hội người Việt Nam tại Vương quốc Bỉ đã đưa sách vào hệ thống thư viện, đồng thời tặng cho dự án giới thiệu sách do Kênh Việt và một số nhà văn, nhà thơ sáng lập. Theo thông tin của nhà thơ Nguyễn Thị Như Quỳnh, bộ "Chào tiếng Việt!" luôn được quan tâm và bán chạy trong các buổi giới thiệu sách.

Đặc biệt, bắt đầu từ tháng 4/2023, khi Ban Đối ngoại Đài Truyền hình Việt Nam (VTV4) phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xây dựng chương trình "Chào tiếng Việt!" phát sóng hằng tuần thì bộ sách được sử dụng bài bản và hiệu quả hơn. Một số thầy, cô giáo ở Ba Lan, Đức, Nga, Hungaria, Romania, Australia… đã liên lạc với tôi và chia sẻ các phương án sử dụng "Chào tiếng Việt!" theo cách của mỗi người. Đó chính là điều tôi mong đợi.

Các cuốn sách giáo khoa và giáo trình nói chung chỉ nên là chỗ dựa, là gợi ý cho giáo viên, còn việc sử dụng sách cần được thực hiện theo cách "mở" - linh hoạt, tùy theo điều kiện của địa phương, gia đình và đặc điểm khác biệt của người học. Các tương tác tôi thực hiện qua màn hình cũng là sự gợi mở để người dùng sách tự tin thao tác theo cách mà mình cho là chạm được đến người học nhiều nhất, hiệu quả nhất.

Tôi rất hài lòng với con đường mình lựa chọn

- Được biết, chị về nước cách đây hơn mười năm với tấm bằng tiến sĩ giáo dục và chọn làm việc tự do, bắt đầu bằng công việc ở Câu lạc bộ Đọc sách cùng con do chị sáng lập, với các hoạt động chính nhằm bồi đắp năng lực đọc và viết cho các bạn nhỏ?

- Tôi rất hài lòng với con đường mình lựa chọn. Với Câu lạc bộ Đọc sách cùng con, tôi tự hào cho rằng, chúng tôi đã đi trên một con đường "chưa có dấu chân in". Khi ấy, năm 2010, Câu lạc bộ ra đời để đáp ứng nhu cầu hỗ trợ động lực đọc trong cộng đồng, xây dựng thói quen đọc, rèn kỹ năng đọc để giữ được nhu cầu đọc tự thân, lâu dài. Mọi lý thuyết sư phạm được áp dụng cho các hoạt động của Câu lạc bộ tôi thấy rất xứng đáng để mình gắn bó. Trên thực tế, tôi vẫn tham gia nhiều dự án giáo dục với tư cách là cố vấn giáo dục, tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng sư phạm cho giáo viên. Tôi tự cho mình là nhà thực hành sư phạm: soi lý thuyết vào thực tế ở những khía cạnh bé nhỏ và tinh tế, để rồi tìm ra quy trình hợp lý cho bối cảnh sư phạm ở Việt Nam.

- Câu hỏi cuối cùng, chị còn được biết đến nhiều với tư cách một nhà thơ. Trải nghiệm sáng tạo ngôn từ hỗ trợ chị như thế nào trong quá trình biên soạn "Chào tiếng Việt!" cũng như một số sách giáo khoa khác?

- Trong bộ sách "Chào tiếng Việt!", tôi đưa vào một lượng lớn ngữ liệu là thơ. Tôi khá tự hào về điều này. Thơ ca giúp hóa giải những vấn đề về ngữ âm và cả các rào cản về tâm lý trong quá trình tương tác với thầy cô, bạn bè.

Còn trong quá trình viết sách giáo khoa, thú thật, khả năng sáng tác không ít lần là yếu tố cản trở công việc. Nhiều người không thích cách nói hình tượng và đòi hỏi một cách diễn đạt "khoa học, tường minh" hơn. Cá nhân tôi lại cho rằng, việc ép cách diễn đạt trong sách giáo khoa phải nhất nhất bám sát câu chữ của yêu cầu cần đạt và không được quyền có những hình ảnh, chi tiết có tính chất biểu tượng - đó là định kiến. Bên cạnh tư duy trực quan, trẻ em cần phát triển tư duy ngôn ngữ-hình tượng. Những trò chơi thiết kế cho trẻ không những nên mà còn cần phải được đặt những cái tên có sức gợi, học sinh sẽ có động lực tham gia và sẽ nhớ lâu hơn.

- Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện

Nguyễn Thụy Anh bảo vệ Tiến sĩ Giáo dục học tại Trường đại học Tổng hợp Sư phạm Moscow (Nga) năm 2002 và về nước vào năm 2009. Những năm gần đây, chị tham gia biên soạn sách giáo khoa, là chủ biên sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm bậc tiểu học thuộc bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống và chủ biên sách giáo khoa tiếng Nga bậc tiểu học.