Ngay trong sáng 8/9, sau khi bão số 3 tan, các địa phương cùng các lực lượng chức năng khẩn trương huy động nhân lực, thiết bị khắc phục thiệt hại.
Chống bão từ xa, từ sớm, từ cơ sở
Xác định đây là cơn bão lớn nhất trong nhiều năm qua, có cường độ tăng nhanh và duy trì cấp siêu bão trong thời gian dài, tỉnh Quảng Ninh đã nhanh chóng, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, ứng phó bão và những tác động của bão theo phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, “từ xa, từ sớm, từ cơ sở”.
Tỉnh yêu cầu các địa phương, các ngành và lực lượng quân đội, công an triển khai mọi biện pháp thông tin cho chủ phương tiện, ngư dân, các nhà bè, người có hoạt động sản xuất trên biển về diễn biến bão số 3; tổ chức di dời người và phương tiện vào khu vực tránh trú an toàn. Các đơn vị đã kiểm tra, rà soát và kiểm soát chặt chẽ những vị trí xung yếu tại các tuyến đê kè biển, khu neo đậu, khu nuôi trồng thủy sản, vùng có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, nhất là nhà tạm, nhà cạnh các khai trường, hạ lưu hồ chứa... và kiên quyết di dời người dân đến nơi an toàn, “tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người” và giảm thiểu tối đa thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Từ trước khi bão đổ bộ, Hà Nội đã chủ động triển khai các phương án phòng, chống. Các quận, huyện đã kịp thời di dời gần 400 hộ dân với gần 1.000 người ra khỏi các khu nhà cũ nguy hiểm, nhà yếu, có nguy cơ đổ sập; bố trí nơi tránh trú an toàn và các nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ người dân. Thành phố bố trí các lực lượng ứng trực kịp thời xử lý các sự cố, hỗ trợ người dân trong mưa bão; duy trì thông suốt các cơ sở hạ tầng thiết yếu; bảo đảm an ninh an toàn… Hà Nội cũng đã sử dụng hệ thống công nghệ thông tin, mạng xã hội khuyến cáo người dân về sức tàn phá của bão số 3 và được người dân thực hiện nghiêm túc việc không ra đường trong lúc mưa bão, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người.
Các lực lượng chức năng thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3. Ảnh: QUANG THỌ |
Đưa các hoạt động của xã hội trở lại bình thường
Bão số 3 đã gây ra những thiệt hại lớn, nhưng có thể thấy rõ quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến các địa phương, ban, ngành, lực lượng vũ trang, đặc biệt là ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong việc phòng, chống bão đã được nâng cao hơn bao giờ hết. Chị Vũ Thu Hà ở TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) cho biết: Được các cấp tuyên truyền, mọi người dân đã sát cánh cùng với chính quyền thực hiện các biện pháp phòng, chống bão với quyết tâm cao nhất và sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau trước, trong và sau khi bão tan.
Trước mắt, tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các địa phương, các lực lượng nhanh chóng khắc phục hậu quả của bão số 3, ổn định đời sống cho người dân trên địa bàn, khẩn trương ổn định và duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại bình thường. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho biết: Tỉnh đã đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư tiếp tục hỗ trợ Quảng Ninh khắc phục thiệt hại; bố trí máy bay trực thăng tìm kiếm cứu nạn trên vùng biển vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long. Sớm nâng cấp đê Hà Nam hiện đang xuống cấp để bảo đảm an toàn cho hơn 60 nghìn hộ dân thuộc 8 xã của thị xã Quảng Yên, sớm ban hành tiêu chuẩn quy chuẩn đối với các công trình trên biển, trên đất liền có thể chịu đựng được cấp bão cao như cơn bão số 3, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Riêng Hà Nội đã có hơn 6.200 ha lúa và hoa màu bị ngập và ảnh hưởng gió mạnh bị ngã đổ, thiệt hại khá lớn vì chỉ còn nửa tháng nữa diện tích này sẽ bước vào thu hoạch. Công tác khắc phục hậu quả bão lũ gặp khá nhiều khó khăn khi diện tích lúa bị đổ đang gia tăng trong khi mưa vẫn tiếp diễn và tình trạng mất điện khiến việc dùng máy rút nước gặp trở ngại. Hà Nội đã vận hành 24 trạm bơm tiêu với 62 máy bơm và tổng lượng bơm tiêu là gần 200 nghìn m3/giờ. (An Như)
Ngay sáng 8/9, khi bão vừa dứt, lãnh đạo TP Hải Phòng đã họp khẩn với các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan để triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả. Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu khẳng định, thành phố đã nỗ lực giảm thiểu tới mức thấp nhất những thiệt hại, tổn thất do cơn bão số 3 gây ra. Đặc biệt là công tác dự báo, kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú và kiên trì vận động, kiên quyết đưa người dân tại các khu nhà cũ, nguy hiểm, vùng trũng thấp đến nơi an toàn tránh bão. Nhiều địa phương còn chuẩn bị tốt các điều kiện sinh hoạt, ăn uống cho người dân nơi tạm lánh bão.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị triển khai ngay các biện pháp khắc phục hậu quả, ổn định đời sống và hoạt động sản xuất. Trong đó, cùng với việc thống kê thiệt hại, các địa phương, các ngành tập trung chăm lo, hỗ trợ các gia đình có người bị thiệt mạng, bị thương do bão. Ngành y tế cần xem xét miễn viện phí điều trị cho những người bị thương do bão đang phải chữa trị… Các cấp, các ngành, các địa phương cần tập trung cao cho việc khôi phục hệ thống điện, nước, viễn thông và vệ sinh môi trường, mạng lưới giao thông kết nối, hệ thống thông tin liên lạc; huy động mọi người dân tham gia thu dọn, vệ sinh môi trường... để cuộc sống trở lại bình thường.
Cũng ngay trong sáng 8/9, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hải Phòng cùng các ngành, đơn vị, đoàn thể triển khai các biện pháp huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, gặp khó khăn sau bão, nhất là các gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo với tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau... Ngay trong đêm 7, rạng ngày 8/9, ngành điện lực đã tập trung khắc phục sự cố, đưa 3/5 trạm 220kV và một số trạm 110kV hoạt động và cấp điện trở lại cho 20% khách hàng tại khu vực trung tâm vào 6 giờ sáng 8/9. Điện lực Hải Phòng đang tập trung cao để khắc phục và có thể cấp điện trở lại cho khách hàng vào cuối ngày 8/9. Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng Phạm Văn Tuấn, các đơn vị viễn thông đang khẩn trương khắc phục sự cố tại các trạm thu phát sóng BTS và khôi phục mạng viễn thông trong cuối ngày 8/9. Bí thư Huyện ủy Thủy Nguyên Phạm Hưng Hùng cho biết, cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn trong huyện đang tập trung cao cho việc khắc phục hậu quả gần 100 ngôi trường học, 30 trạm y tế và hàng chục trụ sở cơ quan bị tốc mái, hư hỏng do bão.
Từ trước và trong khi bão đổ bộ vào đất liền, Bộ Công thương đã kiểm tra công tác phòng chống bão tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Công ty vận hành hệ thống điện và Thị trường Quốc gia. Thống kê sơ bộ, đã có tới 2 triệu khách hàng của ngành điện ở 15 tỉnh, thành phố bị mất điện do bão số 3. Bão số 3 đã ảnh hưởng rất lớn đến các tỉnh phía bắc, 4 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh và Thái Bình. Ngay trong sáng 8/9, ngành điện đã tập trung nhân lực, vật lực, máy móc xuống hiện trường để khắc phục hậu quả sau bão. (Minh Tâm)
Sáng 8/9, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã trực tiếp kiểm tra công tác khắc phục hậu quả siêu bão số 3; chỉ đạo các ngành ưu tiên khôi phục giao thông, thu dọn, vệ sinh các trường học ngay trong ngày 8/9, để ngày 9/9, người dân đi làm, học sinh đến trường học tập bình thường. Cũng trong ngày 8/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả siêu bão số 3 tại quận Bắc Từ Liêm và huyện Thanh Oai. Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài yêu cầu các địa phương tập trung khắc phục hậu quả và không lơ là, chủ quan ngay cả khi bão đã đi qua. Trong những ngày tới, diễn biến thời tiết còn phức tạp, khó lường. Vì thế, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, Ban Cán sự đảng UBND thành phố, các quận ủy, huyện ủy, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Thành ủy cần chủ động nắm sát tình hình địa bàn cơ sở; triển khai nghiêm, hiệu quả, chặt chẽ các phương án phòng chống bão, lũ. Tập trung bảo vệ những mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, những địa bàn xung yếu, những nơi có nguy cơ mất an toàn đối với người dân như có thể xảy ra lũ quét, sạt lở đất, nhà cửa có nguy cơ sụt lún, đổ sập.
Ngành điện Hải Phòng khẩn trương khôi phục lưới điện sau bão số 3. Ảnh: NGÔ QUANG DŨNG |
Khôi phục điện, đường, viễn thông
Sáng 8/9, lưới điện miền bắc tại các tỉnh nơi bão đi qua vẫn ngổn ngang. Quảng Ninh và Hải Phòng, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất vẫn chưa thể thống kê chính xác con số thiệt hại. Ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Kế hoạch - Tài chính, Bộ Công thương cho biết, bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề khiến nhiều tỉnh phải ngắt hệ thống điện để bảo đảm an toàn. Đến
6 giờ sáng 8/9, phụ tải không cung cấp được cho miền bắc là 63%, nặng nhất là Hải Dương 98%, Quảng Ninh đến 99%... Ngoài ra, tình trạng mất mạng viễn thông gây khó khăn cho công tác khắc phục sự cố. Bão qua đi, nhiệm vụ quan trọng của ngành điện là nhanh chóng khắc phục sự cố để kịp thời cấp điện trở lại sớm nhất có thể cho khách hàng. Về lưới điện 110kV, điện lực các tỉnh đã khắc phục được một số tài sản để đưa vào vận hành.
Đối với hệ thống mạng viễn thông, trước thời điểm bão đổ bộ vào đất liền, VNPT đã triển khai chạy máy phát điện và 20 xe phát sóng lưu động, bảo đảm thông tin liên lạc mạng di động Vinaphone trong bão. Tại Quảng Ninh, đến trưa 8/9, VNPT xử lý khôi phục hoàn toàn liên lạc trên địa bàn tỉnh. Tại Hải Phòng, do điện lưới mất trên diện rộng, cây đổ và tình trạng ngập diễn ra trên diện rộng nên việc xử lý khôi phục thông tin liên lạc gặp nhiều khó khăn hơn.
“Lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là Bí thư, Chủ tịch địa phương phải bám sát tình hình, quyết liệt, dứt khoát, có trọng tâm, trọng điểm; các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị chấp hành nghiêm chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, chủ động, tích cực, sáng tạo trong phòng chống thiên tai, khắc phục hậu quả”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng dự báo về tính nghiêm trọng của bão Yagi, Viettel đã khẩn trương tập trung nguồn lực để sẵn sàng đối phó với những tình huống xấu nhất. Hơn 5.000 máy phát điện được trang bị cho 14 tỉnh bị ảnh hưởng do bão; 51 link dự phòng sẵn sàng ứng phó trong trường hợp khẩn cấp. Hơn 18 điểm xung yếu trục quốc gia, 49 điểm trục liên tỉnh, 268 trục liên huyện, Viettel cắt cử nhân sự trực ngày đêm. Trong 24 giờ qua, ứng dụng Phòng chống thiên tai của Viettel đã bảo đảm vận hành máy phát điện cho 1.400 vị trí trạm phát sóng di động, hỗ trợ khắc phục gián đoạn thông tin cho 650 vị trí.
Riêng về hệ thống giao thông, theo thông tin từ Cục Đường bộ Việt Nam, trên tuyến quốc lộ cơ bản chưa có thiệt hại lớn. Báo cáo của các Sở Giao thông vận tải cho biết, QL15, QL16, tỉnh Thanh Hóa; QL4B tỉnh Lạng Sơn và một số quốc lộ các tỉnh phía bắc xảy ra sạt lở nhỏ. Trên QL6 địa phận tỉnh Hòa Bình và Sơn La xuất hiện hiện tượng đá lăn, đá lở. Tại một vài tuyến ở một số địa phương, gió mạnh làm đổ biển báo hiệu đường bộ và cây, đứt dây diện, mái tôn nhà dân bay ra đường, nhiều vị trí đèn tín hiệu không hoạt động do mất điện lưới và tốc mái trạm thu phí. Cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị quản lý bảo trì tuyến đường khẩn trương dọn dẹp, cắt cây, lắp đặt biển báo, thực hiện công tác ứng trực, phân luồng giao thông. Tại các vị trí sạt lở có địa hình phức tạp, tổ chức ngay các đoàn công tác đến để khắc phục hậu quả.
Các lực lượng túc trực, bảo đảm an toàn giao thông sau bão. |
Chủ động ứng phó hoàn lưu bão
Sáng 8/9, tại Hội nghị đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, tình hình thiệt hại và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3, với tinh thần khẩn trương, kịp thời xử lý các vấn đề liên quan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu cần rà soát ngay, hỗ trợ cho các địa phương bị thiệt hại, các gia đình có người thiệt mạng. Theo đó, cấp ủy, chính quyền các cấp, các bộ, ngành chủ động, tích cực triển khai các công việc để khắc phục hậu quả bão theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các lực lượng cứu nạn cứu hộ tiếp tục trực để kịp thời ứng phó thiên tai. Chính quyền địa phương, các bộ, ngành theo thẩm quyền sử dụng dự trữ cho phòng chống thiên tai (về tài chính, phương tiện, vật tư…) để khôi phục các hoạt động trở lại bình thường. Các địa phương xuất cấp dự trữ để khắc phục các vấn đề cấp bách về ăn, mặc, ở, học tập, khám chữa bệnh của người dân và đề xuất hỗ trợ của Trung ương từ ngân sách dự phòng. Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì xử lý, quyết định, việc này cần làm ngay và sau đó tiếp tục bổ sung nếu cần thiết.
Theo báo cáo của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến 14 giờ ngày 8/9, bão Yagi (cơn bão số 3) đã làm 14 người tử vong, 220 người bị thương và thiệt hại nhiều về tài sản.
Về tài sản: 25 tàu thuyền các loại bị chìm tại nơi neo đậu ở Quảng Ninh; nhiều cột điện và viễn thông bị gãy đổ; hơn 7.300 nhà ở bị hư hỏng; nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cây xanh đô thị bị bật gốc, gãy đổ…
Bão số 3 làm hơn 97 nghìn ha lúa và hơn 11 nghìn ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; gần 7.000 ha cây ăn quả bị hư hại; hơn 1.100 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi (chủ yếu ở Quảng Ninh).
Lốc xoáy làm cây xanh đổ vào nhà dân tại huyện Mường Lát, Thanh Hóa. Ảnh: UBND huyện Mường Lát cung cấp |
Dự báo trước tính chất nguy hiểm của bão số 3, Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp ban hành 3 công điện khẩn để chỉ đạo các bộ, ban, ngành, địa phương. Một khối lượng công việc khổng lồ đã được các ngành, địa phương hoàn thành trước khi bão đổ bộ như: Kiểm đếm, hướng dẫn cho 51.319 tàu cá/219.913 người về nơi tránh trú; tổ chức sơ tán 52.979 người trên lồng bè, chòi canh nuôi thủy sản, trong các nhà yếu đến nơi an toàn; huy động 438.275 người, 6.642 phương tiện các loại để ứng phó với bão; phân công lực lượng ứng trực tại các vị trí xung yếu; chủ động tiêu rút nước giảm ngập; bảo đảm an toàn cho đê điều, hồ đập, bảo vệ sản xuất.
Hiện nay, bão cơ bản đã tan, nhưng theo dự báo, mưa lớn còn kéo dài đến hết 9/9. Ở các tỉnh Bắc Bộ, đặc biệt là khu vực miền núi có nguy cơ xảy ra ngập úng cục bộ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục về các địa phương để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, ứng phó thiên tai sau bão. Theo đó, Thủ tướng nêu năm mục tiêu sắp tới. Thứ nhất là tập trung cao độ cho việc cứu người, rà soát, tìm kiếm người mất tích; cứu chữa những người bị thương, nhất là những người bị thương nặng; lo hậu sự cho những người xấu số. Thứ hai là không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, không có nơi nương tựa; không để các cháu học sinh thiếu lớp, thiếu trường; không để người bệnh không có nơi khám chữa bệnh. Thứ ba là khắc phục các sự cố về điện, nước, viễn thông và các lĩnh vực khác để phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, sản xuất kinh doanh và đời sống người dân. Thứ tư là thống kê thiệt hại chính xác, khách quan để có giải pháp khắc phục phù hợp, hiệu quả, kịp thời. Thứ năm là ứng phó hậu quả hoàn lưu bão như lũ ống, lũ quét, sạt lở, sụt lún…
Không nằm trong tâm bão, nhưng vào đêm 6 và sáng 7/9, huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) đã nhanh chóng sơ tán 10 hộ dân với 40 nhân khẩu, chủ yếu là người già và trẻ em, đến nơi an toàn. Mưa bão đã khiến một người ở xã Xuân Lam, Thọ Xuân bị thương khi cây đổ vào người trong lúc tham gia giao thông. Ngoài ra, mưa lốc cũng làm hư hại 74 ngôi nhà, chủ yếu tại các huyện miền núi như Bá Thước, Cẩm Thủy, Mường Lát và Quan Hóa. Một số nhà bị tốc mái hoàn toàn, buộc phải sơ tán người dân đến nơi an toàn. Huyện Mường Lát và Bá Thước đã ghi nhận gần 35 ha hoa màu, lúa bị thiệt hại. Tại TP Thanh Hóa, 31 cây xanh bị đổ và nhiều tài sản như cột điện, xe máy bị hư hỏng. Các cơ quan, địa phương đã triển khai phương án bảo vệ các công trình thủy lợi và tiêu úng để giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Chính quyền các cấp đã sơ tán 296 hộ dân với hơn 1.100 người ra khỏi vùng nguy hiểm. (Ninh Nguyễn)