Trong tầm kiểm soát

Chính sách thuế mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump như một “quả bom nguyên tử” gây chấn động toàn thế giới. Ngay lập tức, Việt Nam đã có một số biện pháp ứng phó.
0:00 / 0:00
0:00
Chính sách thuế mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump như một “quả bom nguyên tử” gây chấn động toàn thế giới. Ngay lập tức, Việt Nam đã có một số biện pháp ứng phó.
Chính sách thuế mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump như một “quả bom nguyên tử” gây chấn động toàn thế giới. Ngay lập tức, Việt Nam đã có một số biện pháp ứng phó.

Ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế nhập khẩu đối với hàng chục nền kinh tế, trong đó có Việt Nam. Mức thuế 46%, nằm trong nhóm các quốc gia bị áp thuế cao nhất cùng với Trung Quốc, Campuchia, Indonesia và Myanmar, vượt xa mọi dự liệu của mọi giới.

Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ gặp bất lợi do giá cao hơn so với hàng hóa nội địa hoặc sản phẩm từ các quốc gia có thuế thấp hơn. Những ngành chịu ảnh hưởng nhất bao gồm điện tử, dệt may, đồ nội thất… đều là những lĩnh vực chủ chốt trong xuất khẩu. Tuy nhiên thời điểm chính sách mới được áp dụng là ngày 9/4. Vẫn còn thời gian cho các quốc gia chủ động với những phương pháp ứng phó của riêng mình.

Chủ động tháo “ngòi nổ”

Ngay sau khi Mỹ tuyên bố mức áp thuế mới, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu đánh giá toàn diện tác động, gồm cả trực tiếp và gián tiếp, cả trước mắt và lâu dài..., đồng thời chỉ đạo xây dựng các kịch bản ứng phó linh hoạt. Cùng với đó, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đã có Công hàm đề nghị phía Mỹ tạm hoãn quyết định áp thuế để dành thời gian trao đổi, tìm giải pháp hợp lý cho cả hai bên.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald J.Trump về quan hệ Việt Nam - Mỹ tối 4/4, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Mỹ để đưa mức thuế nhập khẩu về 0% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, đồng thời đề nghị Mỹ áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, tiếp tục nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Mỹ mà Việt Nam có nhu cầu và khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các công ty từ Mỹ tăng cường đầu tư hơn nữa vào Việt Nam. Cuộc điện đàm bước đầu đã đem lại những phản ứng tích cực. Tổng thống Mỹ đã thể hiện thái độ lạc quan trước sự chủ động của Việt Nam.

Trên thực tế, Việt Nam đã dùng nhiều kênh, nhiều biện pháp khác nhau nhằm cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước. Cụ thể, Bộ trưởng Công thương đã đại diện Chính phủ Việt Nam sang Mỹ để ký kết nhiều hợp đồng kinh tế, thương mại lên đến 90 tỷ USD. Gần đây nhất, Chính phủ Việt Nam cũng ban hành chính sách giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) theo Nghị định 73, có hiệu lực từ ngày 31/3.

Theo TS Nguyễn Thái Chuyên, giảng viên ngành kinh doanh quốc tế, Đại học RMIT Việt Nam, việc giảm thuế nhập khẩu này có thể khuyến khích nhập khẩu từ Mỹ, giảm áp lực từ yêu cầu “cán cân thương mại hài hòa và bền vững” mà Mỹ đặt ra từ năm 2019. Ngoài Mỹ, các nước khác cũng được hưởng lợi do quy tắc MFN, giúp Việt Nam duy trì quan hệ công bằng với các đối tác chiến lược như Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc.

Cùng với đó, Chính phủ Việt Nam cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn Mỹ đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao và năng lượng như giảm thời gian xử lý hành chính và chi phí hải quan, hay đơn giản hóa thủ tục cấp phép lao động. Đầu tư từ Mỹ không chỉ tăng kim ngạch nhập khẩu thiết bị mà còn nâng cao giá trị xuất khẩu, giúp cân bằng thương mại gián tiếp.

Ngoài ra, Việt Nam đang giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) đến giữa năm 2025 và đang đề xuất tiếp tục giảm đến cuối năm 2026. Chính sách này nhằm kích cầu tiêu dùng trong nước và gián tiếp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu bằng cách giảm chi phí sản xuất.

Đồng thời, đàm phán song phương với Mỹ về tỷ giá và thỏa thuận thương mại cũng được đẩy mạnh để tránh bị liệt vào danh sách thao túng tiền tệ. Các chính sách này cho thấy sự chủ động trong việc cân bằng thương mại với Mỹ, đặc biệt khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Các biện pháp này mang tính bổ trợ, giúp giảm áp lực thương mại từ Mỹ một cách toàn diện hơn, dù chưa thể xóa bỏ hoàn toàn thặng dư thương mại trong ngắn hạn.

Trong tầm kiểm soát ảnh 1

Doanh nghiệp Dệt may đã thực hiện đa dạng hóa thị trường để giảm dần phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Ảnh: BẮC SƠN

Doanh nghiệp chủ động giảm phụ thuộc

Sự chủ động của Việt Nam không chỉ được thể hiện qua hành động của các nhà lãnh đạo, mà còn từ chính sức mạnh nội tại của các doanh nghiệp. Cụ thể, với 60% thị phần xuất khẩu vào Mỹ, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Giám đốc điều hành Tổng công ty May 10 cho biết, việc áp thuế lớn với các sản phẩm dệt may sẽ khiến giá cả tăng, sức mua giảm và ảnh hưởng đến đơn hàng. Dự kiến, thời gian tới, đơn hàng của doanh nghiệp vào thị trường này có thể giảm tới 10%.

Tuy vậy, trước đó, doanh nghiệp đã thực hiện đa dạng hóa thị trường để giảm dần phụ thuộc vào thị trường Mỹ và đa dạng hóa nguồn cung để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đẩy mạnh đầu tư về thiết bị công nghệ để tăng năng suất, bảo đảm chất lượng sản phẩm và giảm chi phí sản xuất.

Theo ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, dù không nằm trong nhóm ngành bị áp thuế 46%, song do lo ngại rủi ro thuế quan - một số khách hàng Mỹ đã ngập ngừng ký hợp đồng nhập khẩu các sản phẩm của Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp gỗ đã và đang nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sang các nước như Australia, Trung Đông và New Zealand nhằm tránh “bỏ trứng vào một giỏ”.

Đánh giá mức thuế quan mới sẽ đặt ra thách thức đối với các nhà xuất khẩu Việt Nam, TS Scott McDonald, giảng viên ngành quản lý chuỗi cung ứng và logistics, Đại học RMIT cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam có thể cân nhắc nhiều cách tiếp cận khác nhau để điều hướng môi trường thuế quan mới này. Họ có thể đẩy nhanh nỗ lực đa dạng hóa thị trường để giảm sự phụ thuộc vào hàng xuất khẩu sang Mỹ. Việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do mang lại những giải pháp thay thế tiềm năng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể đánh giá liệu sản phẩm của họ có thể được phân loại lại theo các mã thuế quan khác, hoặc có thể điều chỉnh nguồn cung ứng linh kiện để giảm tác động từ biện pháp thuế quan của Mỹ hay không. Các doanh nghiệp cũng có thể tìm hiểu và thiết lập quan hệ đối tác sản xuất ở các quốc gia chịu mức thuế thấp hơn hoặc được miễn khỏi khuôn khổ mới.

Kỳ vọng lạc quan

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc sẽ lên đường sang Mỹ. Chuyến đi này được cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam và Mỹ đạt được thỏa thuận công bằng hơn, giảm thiệt hại cho doanh nghiệp trong bối cảnh đầy thử thách hiện nay.

Mỹ đang là Đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam. Cả hai bên đang duy trì các kênh liên lạc đủ để thông suốt mong muốn của chính phủ. Mức thuế 46% chỉ là con số dựa trên công thức chung tính cho các quốc gia. Tùy từng cuộc đàm phán song phương, rất có thể kết quả cuối cùng sẽ rất khác biệt.

Đầu năm 2025, Mỹ từng tuyên bố áp thuế 25% lên các mặt hàng của Mexico. Tuy nhiên sau đó chính sách này đã được tạm hoãn 1 tháng để hai bên đàm phán thêm. Việt Nam đang lên những phương án cần thiết để có thể đàm phán hiệu quả. Với mức thặng dư lớn, cơ bản sẽ có sự nhượng bộ của Việt Nam cũng như phía Mỹ trong việc giảm mức thuế dự kiến.

Theo ông Đỗ Ngọc Hưng, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, Việt Nam đã có cách ứng xử kịp thời trước quyết định áp thuế của Mỹ. Các tổ chức như Phòng Thương mại Mỹ (USCC), Hiệp hội Dệt may và giày dép Mỹ (AAFA), Hiệp hội Phân phối và bán lẻ giày dép Mỹ (FDRA) cho biết, doanh nghiệp của họ cam kết duy trì hoạt động tại Việt Nam, nhưng sẽ theo dõi sát các thay đổi chính sách.