Xây dựng thế hệ thanh niên tiên phong

Trong kỷ nguyên số bùng nổ, khi trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa định hình lại thế giới, tương lai đất nước phụ thuộc rất nhiều vào việc chuẩn bị một thế hệ trẻ không chỉ giỏi tri thức mà còn mạnh về thể chất, vững về bản lĩnh và giàu bản sắc văn hóa. Đầu tư cho thế hệ trẻ là nền tảng chiến lược để đưa đất nước bứt phá, vươn lên mạnh mẽ. Trên tinh thần đó, cuối tuần qua, Báo Nhân Dân đã phối hợp với Tập đoàn TH tổ chức hội thảo “Tương lai cho thế hệ vươn mình”.
0:00 / 0:00
0:00
Anh hùng Lao động Thái Hương phát biểu tại hội thảo. Ảnh: KHẮC TRƯỜNG
Anh hùng Lao động Thái Hương phát biểu tại hội thảo. Ảnh: KHẮC TRƯỜNG

Tạo môi trường cho tài năng trẻ phát triển

Là một nghệ sĩ trẻ nhưng ca sĩ Hà Myo (Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam) lại chọn cho mình một hướng đi riêng khi chuyên tâm tìm tòi, học hỏi các làn điệu dân gian. Ước mong của cô là tạo nên những sản phẩm nghệ thuật kết nối khán giả ba miền, lan tỏa giá trị di sản, làm sống lại những âm thanh truyền thống trong đời sống đương đại. Tuy nhiên, để hiện thực hóa các dự án âm nhạc mang tầm quốc gia và quốc tế, người trẻ không thể chỉ dựa vào nội lực.

“Chúng tôi rất mong nhận được sự tin tưởng, ủng hộ để có thể mạnh dạn hơn với những ý tưởng lớn, mang âm nhạc dân tộc vươn ra thế giới”, ca sĩ Hà Myo bày tỏ.

Từng giành nhiều thành tích quốc tế ở bộ môn bắn súng, vận động viên Trịnh Thu Vinh chia sẻ: Thanh niên, đặc biệt là vận động viên trẻ, luôn sẵn sàng cống hiến cho đất nước nếu được định hướng đúng và tạo điều kiện phát triển. Tuy nhiên, hiện vẫn còn khoảng trống trong việc xây dựng tâm thế, khơi dậy khát vọng để các tài năng trẻ phát huy trọn vẹn khả năng. “Chỉ khi dám nghĩ đến vinh quang, chúng ta mới dám hành động vì nó. Chúng em chưa dám mơ đến huy chương Olympic, vì còn thiếu tự tin, thiếu điều kiện”, Thu Vinh thẳng thắn.

Đào tạo vận động viên trẻ có năng khiếu là yêu cầu cấp thiết trong chiến lược phát triển thể thao thành tích cao. Tuy nhiên, theo HLV trưởng Đội tuyển Thể dục dụng cụ nam quốc gia Trương Minh Sang, công tác này còn nhiều khó khăn do hạn chế về cơ sở vật chất, rào cản tâm lý và thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng.

Cùng chung trăn trở phát triển nguồn nhân lực trẻ cho tương lai đất nước, PGS, TS Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), cho rằng: Trong lĩnh vực y tế, muốn xây dựng đội ngũ y, bác sĩ trẻ vừa giỏi chuyên môn, vừa giàu y đức, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực. Trong đó, ưu tiên hoàn thiện hành lang pháp lý đặc thù cho đào tạo ngành y; đổi mới chương trình, tăng cường đào tạo thực hành và kiểm định chất lượng giáo dục.

Xây dựng thế hệ thanh niên tiên phong ảnh 1

Say mê nghiên cứu khoa học giúp các bạn trẻ đạt nhiều thành công trong sự nghiệp. Ảnh: GIANG ANH

Xây dựng luật dinh dưỡng học đường

Trong bài viết “Tương lai cho thế hệ vươn mình”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Trí tuệ thôi là chưa đủ. Thể chất khỏe mạnh và bản lĩnh vững vàng cũng là điều kiện không thể thiếu để thế hệ trẻ có thể thích nghi và phát triển trong môi trường toàn cầu cạnh tranh ngày càng khốc liệt”.

Tâm đắc với nhận định trên, Anh hùng Lao động Thái Hương, nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH đề xuất cần sớm ra đời Luật Dinh dưỡng học đường. “Hiện chiều cao trung bình của người Việt vẫn còn thấp so với mặt bằng thế giới, một phần do vấn đề dinh dưỡng chưa được giải quyết triệt để từ tuổi học đường. Mong muốn của tôi và tập đoàn là góp phần xây dựng tiêu chuẩn bữa ăn học đường, cải thiện thể trạng cho học sinh. Để dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên mới, ngoài kinh tế ta cần chú ý tới sự “vươn mình” về chiều cao, hay nói cách khác là tầm vóc của người Việt”, bà Thái Hương nhấn mạnh.

Bảo đảm dinh dưỡng học đường và tăng cường hoạt động thể chất là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi sự vào cuộc của toàn xã hội, từ gia đình, nhà trường đến các cấp chính quyền. Ông Nguyễn Nho Huy, Phó Vụ trưởng Học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng: Bữa ăn học đường với thực phẩm giàu dinh dưỡng, cân đối sẽ góp phần nâng cao sức khỏe học sinh. Bên cạnh đó, việc kết hợp rèn luyện thể chất thông qua các hoạt động giáo dục, vui chơi phù hợp độ tuổi cũng giúp học sinh phát triển hài hòa về thể lực, tinh thần và hình thành lối sống lành mạnh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Theo TS Nguyễn Hồng Trường, Phó Viện trưởng Dinh dưỡng (Bộ Y tế): Dinh dưỡng học đường hiện đang nhận được sự quan tâm lớn. Bộ Y tế đã ban hành nhiều kế hoạch hành động và văn bản hướng dẫn về can thiệp dinh dưỡng trong vòng đời. Hiện Bộ Y tế hiện đang xây dựng Luật Phòng bệnh, trong đó đặc biệt chú trọng đến dinh dưỡng học đường, dự kiến trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 10 năm 2025.

Đặt người trẻ ở vị trí trung tâm

Thanh niên hôm nay đang đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh giá trị xã hội biến đổi nhanh, khoa học - công nghệ phát triển mạnh, trong khi nền tảng đạo đức và tinh thần chưa theo kịp. Dẫn con số 29% số trẻ em Việt Nam có vấn đề về sức khỏe tâm thần, ThS, BS Nguyễn Phương Mai, Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Phổ biến nhất về vấn đề sức khỏe tâm thần chính là rối loạn lo âu do áp lực học tập, kỳ vọng từ cha mẹ... Nhiều trẻ không đến phòng khám tâm thần mà điều trị bệnh lý tiêu hóa do các triệu chứng như đau bụng, rối loạn giấc ngủ. Trầm cảm ở trẻ vị thành niên cũng gia tăng, nhiều em còn lập chi tiết kế hoạch tự sát...

Những khủng hoảng từ gia đình, nhà trường đến xã hội khiến nhiều thanh niên lúng túng, thiếu sự hỗ trợ cần thiết để phát triển toàn diện. PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng: Cần nhìn nhận thanh niên là trung tâm trong quá trình phát triển đất nước. Mọi chiến lược kinh tế - xã hội phải đặt yếu tố văn hóa, con người, đặc biệt là thế hệ trẻ vào trọng tâm. Phải tạo ra môi trường văn hóa, sáng tạo giúp thanh niên phát huy nội lực, từ đó hình thành sức đề kháng trước những tác động tiêu cực.

Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết của các chính sách hỗ trợ tài chính, pháp lý và khởi nghiệp trong lĩnh vực văn hóa, cùng với việc thúc đẩy giao lưu quốc tế do chính thanh niên làm chủ. Quan trọng hơn, cần lắng nghe, trao quyền để thanh niên được thể hiện, được tham gia vào quá trình hoạch định chính sách - bởi đó không chỉ là sự hỗ trợ, mà là cách để kiến tạo tương lai bền vững.

Đề cập về vấn đề thế hệ trẻ Việt Nam với việc giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trong kỷ nguyên mới, PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh: Tuổi trẻ Việt Nam cần lấy tình yêu nước, bản sắc văn hóa dân tộc làm nền tảng, nội lực và khát vọng để vươn lên trong kỷ nguyên mới. Trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, việc xây dựng con người toàn diện và nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc được xác định là động lực nội sinh quan trọng. Vì vậy, cần tạo môi trường xã hội thuận lợi để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong chính mỗi người trẻ.

Chia sẻ tại hội thảo, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, chưa bao giờ Báo Nhân Dân tổ chức một hội thảo liên quan đến rất nhiều vấn đề như vậy. Trong thời gian trao đổi khoảng ba giờ đồng hồ, hội thảo đã được nghe gần 20 tham luận, ý kiến trao đổi thiết thực, hiệu quả của đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; các nhà nghiên cứu, quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp và đại diện thế hệ trẻ. Các tham luận và ý kiến trao đổi đã làm sâu sắc hơn giá trị bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về “Tương lai cho thế hệ vươn mình”.

“Nhiều đề xuất được đưa ra trong hội thảo rất hữu ích và nêu lên việc cần những chính sách kích hoạt môi trường sáng tạo, lồng ghép văn hóa truyền thống vào chương trình học, luật hóa dinh dưỡng học đường, đẩy mạnh giáo dục thể chất, phong trào thể thao, đến ứng dụng công nghệ trong thể thao học đường, giáo dục giới tính và chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh... Đây là những tiếng nói rất quan trọng trong việc góp phần thúc đẩy chính sách”, đồng chí Lê Quốc Minh nhấn mạnh.

Trong bài viết “Tương lai cho thế hệ vươn mình”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Đầu tư và phát triển thế hệ trẻ trở thành ưu tiên chiến lược hàng đầu trong giai đoạn mới. Xây dựng và nuôi dưỡng một thế hệ thanh niên mạnh mẽ, trí tuệ và văn minh chính là nền tảng vững chắc để Việt Nam không ngừng vươn lên, trở thành quốc gia phát triển, biểu tượng của khát vọng, sức mạnh và ý chí dân tộc”.