Chỉ thị số 29 của Bộ Chính trị đã đặt ra yêu cầu phải đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp và phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông đến năm 2030.
Rào cản nhận thức
Mới đây, Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 29 của Bộ Chính trị về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông đến năm 2030. Một trong những mục tiêu là nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, phấn đấu đến năm 2030 có ít nhất 70% số trường nghề đạt chuẩn quốc gia và quốc tế, đồng thời có 20% số thanh niên từ 15 - 25 tuổi tham gia học nghề.
Đây là quan điểm chỉ đạo quan trọng bởi hiện nay, các trường nghề vẫn chưa đủ sức hút đối với học sinh, trong khi cuộc đua vào các trường THPT công lập mỗi năm lại trở thành áp lực lớn cho hàng vạn gia đình. Dù nhiều học sinh nhận thức được sự cạnh tranh gay gắt, các em vẫn chọn con đường thi vào lớp 10 công lập thay vì hướng sang giáo dục nghề nghiệp. Trong khi đó, các trường trung cấp nghề và trung tâm giáo dục thường xuyên lại gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh.
Đóng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Trường cao đẳng Công nghệ và kinh tế công nghiệp có hơn 70% số học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số đến từ các tỉnh miền núi phía bắc. Tại đây, các em được miễn phí học tập, hỗ trợ ăn, ở, ra trường được giới thiệu việc làm phù hợp với mức lương từ 10-15 triệu đồng/tháng. Dù có nhiều chính sách hấp dẫn nhưng hằng năm, việc tuyển sinh của nhà trường vẫn gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Chí Nhân, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Có hai khó khăn trong tuyển sinh của nhà trường. Đó là, nhận thức của nhiều gia đình vẫn không muốn cho con em đi học xa nhà, cho dù trường đóng trên địa bàn tỉnh, nhưng các em khu vực miền núi rất ít theo học. Ngoài ra, đối với các hộ nghèo và cận nghèo, họ không ưu tiên cho con em học tập và thường để con đi làm từ sớm!”.
Hiện nay, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ học sinh học nghề, như miễn 100% học phí cho học sinh THCS theo học trung cấp nghề, đồng thời tạo điều kiện để các em có thể liên thông lên cao đẳng, đại học. Ngoài ra, một số ngành nghề nặng nhọc, độc hại cũng được miễn, giảm học phí ở cả bậc trung cấp và cao đẳng. Tuy nhiên, dù có nhiều chính sách ưu đãi, giáo dục nghề nghiệp vẫn chưa thật sự thu hút được đông đảo học sinh.
Đơn cử, Bắc Ninh là tỉnh công nghiệp, nhu cầu nhân lực chất lượng cao, có tay nghề là rất lớn. Song theo đại diện của lãnh đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, công tác phối hợp với các trường THCS, THPT để chủ động phân luồng, giáo dục từ sớm vẫn chưa hiệu quả. Ông Trương Văn Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Cơ điện và xây dựng Bắc Ninh cho biết: “Trường chúng tôi có mối quan hệ tốt với các trường THCS, THPT nên việc tiếp cận hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh không có vấn đề gì khó khăn. Nhưng trở ngại ở đây liên quan đến tiếp cận hướng đi của người học. Tâm lý coi trọng bằng cấp, coi nhẹ học nghề của nhiều phụ huynh vô tình tạo ra những áp lực không nhỏ cho con em họ”.
Thạc sĩ Lê Anh Tuấn, cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm và Hỗ trợ thanh, thiếu niên Hà Nội cho rằng: “Hiện nay, chúng ta đang mặc định học xong lớp 9 là theo lên lớp 10, nên dẫn đến hiện tượng thi vào lớp 10 còn khó khăn hơn thi đại học. Trong khi, các trường nghề lại khó tuyển sinh ảnh hưởng đến sản xuất của các nhà máy, điều này cũng ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vì không có đủ lao động đáp ứng yêu cầu kỹ thuật!”.
Đại diện nhiều trường nghề cũng lên tiếng về những bất cập trong công tác tuyển sinh đại học hiện nay. Đơn cử năm 2024, cả nước có khoảng hơn 773.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng vào đại học, tương đương 68,5% trên tổng số hơn 1 triệu thí sinh thi tốt nghiệp THPT. Trong khi đó, tổng chỉ tiêu vào các trường đại học tăng 10% mỗi năm. Điều đó có nghĩa là cứ đăng ký là trúng tuyển đại học. Số còn lại, hơn 300.000 thí sinh sẽ vào cao đẳng, trung cấp nghề, đi du học hoặc những con đường khác như lao động trong nước hoặc xuất khẩu lao động.
Với suy nghĩ học đại học ra sẽ làm công việc nhẹ nhàng, còn học nghề ra phải làm công nhân và kiếm việc làm, lương lại thấp nên công tác tuyển sinh rất khó khăn, nhiều trường chỉ đạt 30, 40% chỉ tiêu đặt ra trong việc tuyển sinh. Nhiều trường số lượng đầu vào rất thấp, có trường phải mở những khóa đào tạo ngắn hạn để đào tạo cầm chừng. Ở một số tỉnh điều kiện kinh tế khó khăn, các khu công nghiệp chưa phát triển, nhiều người đi học nghề lo lắng ra trường khó xin việc làm. Đây cũng là một trong số những cản trở với nhiều trường khi tuyển sinh vì đầu ra là yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng tuyển sinh...
Hướng nghiệp cần thực tế
Cách đây 7 năm, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025, đặt ra các mục tiêu cụ thể về tỷ lệ học sinh theo học nghề. Theo đó, đến năm 2025, ít nhất 40% số học sinh tốt nghiệp THCS sẽ theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp và con số này ở các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn phải đạt ít nhất 30%. Đối với học sinh tốt nghiệp THPT, mục tiêu là 45% sẽ tiếp tục học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở trình độ cao đẳng, trong khi các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn cần đạt ít nhất 35%.
Số liệu thống kê tại Hà Nội cho thấy, mỗi năm có khoảng 130.000 học sinh lớp 9 tốt nghiệp, nhưng chỉ khoảng 15 - 16% trong số này lựa chọn học nghề, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu 40% đề ra. Trên cả nước, số lượng học sinh THCS vào học trung cấp từ 19-22%, tùy theo từng địa phương. Đối với sau THPT và vào cao đẳng thì tỷ lệ này chiếm trên dưới 30%. TS Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Cục trưởng Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên (Bộ GD&ĐT) cho rằng: “Nhiều khả năng, chúng ta không đạt được chỉ tiêu của Đề án phân luồng!”.
Theo ông Bình, có hai bất cập chính: Thứ nhất, phương pháp hướng nghiệp trong các trường phổ thông yêu cầu từ sớm, nghĩa là từ bậc tiểu học đến THCS đòi hỏi phải có những phương pháp đặc biệt. Đi kèm nó là đội ngũ giáo viên chuyên trách nhưng hiện nay thiếu hẳn đội ngũ làm công tác này. Thứ hai, sự kết hợp giữa trường phổ thông và doanh nghiệp, các trường nghề cũng chưa được chặt chẽ. Chỉ khi nào, các trường nghề có những định hướng đào tạo nghề nghiệp cụ thể, tiếp cận thị trường lao động đưa vào mới có thể định hướng, truyền cảm hứng yêu từng ngành nghề cụ thể một cho các em học sinh. Từ đó, các em học sinh mới lựa chọn cho mình một ngành nghề phù hợp.
Thực tế cho thấy cơ hội việc làm cho lao động có chứng chỉ nghề ngày càng rộng mở. Theo số liệu từ Bộ Nội vụ, quý III/2024, trong tổng số 240.000 người nộp hồ sơ trợ cấp thất nghiệp, có đến 63% là lao động không có bằng cấp hay chứng chỉ. Đáng chú ý, nhóm có trình độ đại học, cao đẳng trở lên chiếm 24%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm có trình độ trung cấp hoặc chứng chỉ nghề là 13%. Điều này cho thấy nhu cầu của thị trường lao động đối với người có chứng chỉ nghề cao hơn so với những người có bằng đại học, cao đẳng.
TS Phạm Vũ Quốc Bình cho rằng, trong bối cảnh xã hội thay đổi nhanh và hệ thống học tập suốt đời ngày càng mở, linh hoạt cho người dân nên cần triển khai đồng bộ các giải pháp. Trước hết, đẩy mạnh tuyên truyền từ sớm trong trường học và xã hội, giúp học sinh trải nghiệm thực tế nghề nghiệp và nhận thức rõ cơ hội việc làm. Tiếp đó, xây dựng hệ thống kết nối giữa giáo dục nghề nghiệp và thị trường lao động để các em có thể được trải nghiệm thực tế ngay trên trường phổ thông. Các em có thể nhận biết được những mô hình tốt, yêu những lĩnh vực nghề nghiệp phù hợp với khả năng, nguyện vọng của mình, thậm chí còn phù hợp với kinh tế gia đình. “Khi học ĐH đòi hỏi nhiều chi phí. Trong khi, học nghề không những được miễn giảm học phí mà còn có cơ hội kiếm được tiền từ ngay khi đi thực tập tại các doanh nghiệp. Đồng thời, các trường nghề phải nâng cao chất lượng đào tạo, hướng tới mục tiêu 70% đạt chuẩn quốc gia và quốc tế để tạo niềm tin và thu hút học sinh”, ông Bình đề xuất.
Để giáo dục nghề nghiệp thật sự trở thành một lựa chọn hấp dẫn, cần có sự vào cuộc đồng bộ từ chính sách đến truyền thông, từ nhà trường đến gia đình. Quan trọng hơn, xã hội phải thay đổi tư duy về học nghề - không còn là lối đi phụ, mà là con đường thiết thực, hiệu quả, đáp ứng đúng nhu cầu thị trường lao động hiện đại.