Hút vốn đầu tư trong kỷ nguyên mới

Theo giới chuyên gia, Việt Nam đang phụ thuộc rất nhiều vào tín dụng ngân hàng, do đó, cần có giải pháp huy động vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư, phát hành cổ phiếu, hay huy động vốn từ các nguồn bên ngoài khác. Song, chính sách cần nhất quán, rõ ràng, minh bạch và có tính dự báo cao.
0:00 / 0:00
0:00
Dây chuyền sản xuất của Công ty Daikin Việt Nam. Ảnh: TRẦN HẢI
Dây chuyền sản xuất của Công ty Daikin Việt Nam. Ảnh: TRẦN HẢI

Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng ngân hàng

Báo cáo từ Bộ Tài chính cho thấy, năm 2024, tổng vốn huy động từ thị trường vốn đạt gần 930.000 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2023, chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt 25,4 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Những kết quả tích cực này đã góp phần giúp GDP tăng trưởng 7,09%, đưa quy mô nền kinh tế Việt Nam lên 476,3 tỷ USD, xếp thứ 33 thế giới.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cũng thừa nhận kênh huy động vốn của Việt Nam còn hạn chế, nhất là thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn gặp nhiều thách thức. Đó là, số lượng nhà đầu tư không ngừng gia tăng nhưng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 0,5% tổng số tài khoản. Hoạt động của hệ thống quỹ đầu tư chứng khoán chưa thật sự tương xứng với tiềm năng phát triển. Tổng giá trị tài sản từ quỹ đầu tư chứng khoán còn khiêm tốn so với tiềm lực khi chỉ chiếm 6,5% GDP, trong khi Thailand ở mức 21% GDP và Malaysia là 52% GDP.

Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, nhận định nền kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng ngân hàng, trong khi các kênh huy động vốn khác, như đầu tư từ các quỹ đầu tư, phát hành cổ phiếu, hay huy động vốn từ các nguồn bên ngoài… chưa phát huy đúng tiềm năng.

Thực tế, theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong những năm gần đây, tín dụng ngân hàng luôn tăng trưởng mạnh mẽ. Chẳng hạn, vào năm 2023, tổng tín dụng ngân hàng tăng khoảng 14% so với năm trước, cao hơn mức tăng trưởng GDP. Điều này cho thấy tín dụng ngân hàng vẫn là nguồn tài chính chủ yếu của nền kinh tế. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào tín dụng ngân hàng để duy trì hoạt động. Khoảng 70-80% số doanh nghiệp nhỏ và vừa đang vay vốn từ ngân hàng, trong khi chỉ một tỷ lệ nhỏ có khả năng huy động vốn từ các nguồn khác như phát hành trái phiếu, cổ phiếu hay từ các nhà đầu tư tư nhân. Một phần lớn trong tổng dư nợ tín dụng là dành cho các dự án bất động sản, chiếm khoảng 20-30%.

Những số liệu nêu trên cho thấy hoạt động đầu tư trong nền kinh tế đang phụ thuộc rất nhiều vào tín dụng ngân hàng, đặc biệt ở các lĩnh vực như bất động sản, hay sản xuất, kinh doanh ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mặc dù tín dụng ngân hàng là một nguồn vốn quan trọng cho nền kinh tế, nhưng sự phụ thuộc quá mức vào nguồn vốn này có thể tạo ra rủi ro trong dài hạn, nhất là khi hệ thống tín dụng phát triển quá nhanh, hoặc khi nền kinh tế gặp khó khăn.

Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư nước ngoài còn cho rằng, hạn chế còn bộc lộ ở một số yếu tố như thủ tục còn rườm rà, phức tạp; cơ chế, chính sách bấp bênh, ngắn hạn… khiến họ còn e dè đầu tư vào Việt Nam.

Hút vốn đầu tư trong kỷ nguyên mới ảnh 1

Các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Ảnh: NGUYỆT ANH

Quyết sách trong bối cảnh mới

Trong bối cảnh trên, ông Nitin Kapoor, Phó Chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cho rằng, điều quan trọng là chính sách cần nhất quán, rõ ràng, minh bạch và có tính dự báo cao. Đây là điều Việt Nam đang yếu và thiếu, cần khắc phục ngay.

Còn theo ông Jeong Ji-Hoon, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, Hàn Quốc vẫn duy trì vị trí nhà đầu tư số một tại Việt Nam với hơn 10.000 dự án và tổng vốn 91 tỷ USD. Tuy nhiên, để tăng sức hút, Việt Nam cần minh bạch hơn trong chính sách thuế, thống nhất thực thi giữa các địa phương và đẩy mạnh số hóa thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ.

Về việc này, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho hay, thời gian tới, việc huy động vốn vào nền kinh tế rất quan trọng khi chúng ta đang đặt mục tiêu tăng trưởng cao để bước vào kỷ nguyên mới. Do đó, Bộ Tài chính đang xây dựng những giải pháp trọng tâm đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư trong kỷ nguyên mới.

Theo đó, Việt Nam sẽ đẩy mạnh cải cách thể chế. Theo đó, tạo lập môi trường đầu tư minh bạch, thúc đẩy vai trò của đầu tư tư nhân, ưu tiên đầu tư vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu suất thực hiện các dịch vụ công, bảo đảm quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, giữa khu vực trong nước và nước ngoài.

Bộ Tài chính đang chủ trì trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội sửa tổng thể Luật Ngân sách nhà nước; Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân và sửa đổi, bổ sung 7 luật gồm: Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật PPP, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý tài sản công, Luật Hải quan, Luật Thuế xuất, nhập khẩu để khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển nền kinh tế.

Giải pháp khác là phát triển thị trường vốn cả về chiều rộng và chiều sâu. Tức là, yêu cầu nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro của các công ty đại chúng, công ty niêm yết. Đồng thời, từng bước áp dụng các chuẩn mực kế toán quốc tế, chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế nhằm tăng tính minh bạch và hiệu quả cung cấp thông tin cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện chất lượng nguồn cung hàng hóa.

Còn giải pháp đẩy mạnh phát triển hệ thống quỹ đầu tư, Bộ Tài chính sẽ thúc đẩy phát triển hệ thống quỹ đầu tư thông qua đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư, các bộ chỉ số chứng khoán và sản phẩm phù hợp với nhu cầu, khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư; đa dạng kênh phân phối, tạo động lực cho các công ty quản lý quỹ thiết lập các quỹ đầu tư mới trên thị trường. Đặc biệt, nghiên cứu xem xét các chính sách thuế đối với các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán theo đúng bản chất hoạt động của quỹ đầu tư để thúc đẩy đầu tư qua các định chế tài chính chuyên nghiệp này.

Riêng với giải pháp khuyến khích thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho hay, chúng ta sẽ đẩy mạnh hợp tác công tư với các tập đoàn, quỹ đầu tư có nguồn vốn bền vững, hoạt động hiệu quả, có kinh nghiệm quản lý và mô hình kinh doanh tốt tham gia đầu tư vào dự án hạ tầng chiến lược, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, năng lượng tái tạo. Song song đó, ban hành chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án có sức lan tỏa, tạo sự gắn kết giữa khu vực đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam để tham gia hiệu quả trong chuỗi giá trị toàn cầu…