Những ước vọng bị… đánh cắp

Dù đã có nhiều cảnh báo từ các cơ quan chức năng, không ít giải pháp đã được đưa ra, nhưng tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của những người có mong muốn đi xuất khẩu lao động vẫn xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Mong muốn đổi đời bằng sức lao động của nhiều người dân nghèo đã bị những kẻ xấu tước đoạt, thậm chí, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.
0:00 / 0:00
0:00
Gia đình ông Nguyễn Huy Mẹo, Tân Hưng, TP Hải Dương đã phải làm lụng rất vất vả để trả nợ ngân hàng. Ảnh: Văn Học
Gia đình ông Nguyễn Huy Mẹo, Tân Hưng, TP Hải Dương đã phải làm lụng rất vất vả để trả nợ ngân hàng. Ảnh: Văn Học

Từ đơn giản đến tinh vi…

Vì tin đối tượng Nguyễn Thị Nhi tự giới thiệu có thể đưa người đi lao động lương cao tại Nhật Bản, chị Đỗ Ngọc Bích (quê ở Tuyên Quang) đã "dính bẫy". Nộp tổng số tiền gần 70 triệu đồng, nhưng chị Bích không nhận được biên lai. Biết có chuyện chẳng lành, chị xin rút khỏi chương trình thì chỉ được trả lại 30 triệu đồng. Chị Bích bức xúc: "Em đòi đi đòi lại, người ta nói là đã chi cho đối tác. Họ đúng là đã ăn chặn ước mơ của em. Giờ hoàn cảnh đã khó càng khó hơn". Trường hợp của anh Nguyễn Văn Công (quê ở tỉnh Bắc Giang) cũng xót xa không kém. Bị Phạm Hồng G., trú tại xã Yên Sở, huyện Hoài Đức (Hà Nội) lừa đảo, chiếm giữ số tiền 3.000USD và biến mất, đã ba năm trôi qua, anh Công vẫn chưa đòi lại được tiền, trong khi, đây là số tiền anh Công đi vay nóng với lãi suất cao.

Tìm hiểu thực tế, rất nhiều người từng đôn đáo vay nợ với hy vọng tìm được cơ hội đổi đời ở nước ngoài, nhưng tiền mất tật mang. Điển hình trong số đó là sáu người dân ở xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), bị lừa đảo số tiền gần hai tỷ đồng. Hay tại Hải Dương, gia đình ông Nguyễn Huy Chiến, Nguyễn Huy Mẹo (thôn Thanh Liễu, Tân Hưng, TP Hải Dương) đã phải làm việc vất vả từ năm 2015 đến nay để trả nợ vay ngân hàng. Ông Nguyễn Huy Chiến chia sẻ: "Chúng tôi đã nghe một số đối tượng mồi chài, mang sổ đỏ ngôi nhà đi vay tiền ngân hàng, cốt chạy cho con đi xuất ngoại. Ai ngờ chúng tôi phải nếm trái đắng. Nhà cửa bị ngân hàng niêm phong, chúng tôi phải đi thuê đất, làm trang trại ngoài đồng làng, dựng lều tạm để ở, lao động cật lực để lấy tiền trả ngân hàng. Nhờ cố gắng, giờ chúng tôi mới nhận lại ngôi nhà của mình".

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, các đối tượng lừa đảo thường tập trung vào những người thiếu thông tin về hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài, người muốn đi bằng mọi giá, hoặc người muốn đến nơi có điều kiện làm việc tốt nhưng không phải trải qua đào tạo kỹ năng nghề, thi tuyển chọn. Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước cho biết thêm: "Các đối tượng lừa đảo rất tinh vi, thường lập công ty, có văn phòng và đội ngũ nhân viên như các doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tổ chức quảng cáo trên mạng xã hội. Thậm chí, họ có cả website quảng bá về hoạt động của doanh nghiệp và hình ảnh tuyển chọn, đào tạo người lao động, cũng như nơi người lao động làm việc ở nước ngoài".

Ðể không "tiền mất, tật mang"

Những năm qua, lực lượng chức năng các tỉnh, thành phố đã nỗ lực "đánh án", xử lý nhiều đối tượng trục lợi từ người có nhu cầu đi lao động ở nước ngoài. Thời gian gần đây, tại Hà Nội, đối tượng Đào Quốc Vinh, ở phường Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm) và đồng phạm đã bị khởi tố. Cơ quan điều tra cho biết, Vinh đứng ra thành lập công ty, móc ngoặc với Lương Thị Hoài (ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) là cộng tác viên. Vinh giao việc cho Hoài tư vấn, giới thiệu, thu hồ sơ, thu tiền của các công dân để làm hồ sơ đi lao động tại Nhật Bản. Từ năm 2019 đến năm 2022, Hoài đứng ra thu hồ sơ và nhận tổng số tiền hơn một tỷ đồng của nhiều nạn nhân, nhưng không đưa được bất kỳ ai sang Nhật Bản làm việc. Tại cơ quan điều tra, Hoài khai nhận bản thân và công ty không được cấp giấy phép đưa người sang nước ngoài làm việc, không có khả năng làm thủ tục visa cho các lao động, nhưng vẫn tìm cách chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân.

Tại Hải Dương, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hải Dương vừa ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Phạm Thị Lê Thanh, trú tại xã Đại Đức, huyện Kim Thành (Hải Dương) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Theo cơ quan điều tra, Thanh từng có thời gian sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc nên nắm được quy trình và thủ tục làm hồ sơ đi xuất khẩu lao động. Từ tháng 6/2022 đến tháng 11/2022, Thanh đưa ra thông tin gian dối về khả năng đưa người lao động sang Hàn Quốc làm việc, với chi phí trọn gói là 100 triệu đồng. Đối tượng cam kết sau hai tháng, nếu người có nhu cầu đi lao động không xuất cảnh được thì sẽ trả lại tiền đặt cọc, hồ sơ và hộ chiếu. Tin vào lời dụ dỗ này, hàng chục người đã đưa tiền cho Thanh, với tổng số tiền 1,5 tỷ đồng và chẳng có ai được xuất ngoại.

Đi làm việc ở nước ngoài là nhu cầu chính đáng của người dân nhằm tăng thu nhập để cải thiện đời sống, góp phần giải quyết vấn đề việc làm. Để tránh tình trạng "tiền mất tật mang", cơ quan chức năng cảnh báo: Người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cần trực tiếp liên hệ với doanh nghiệp có giấy phép hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài. Danh sách các doanh nghiệp có giấy phép được đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước.

Cùng đó, các địa phương cần tăng cường biện pháp quản lý chặt các công ty có hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài, xử lý nghiêm hoạt động trái pháp luật, và hỗ trợ các doanh nghiệp hợp pháp tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài.