Vẽ với cả tấm lòng tôn kính
Trong các tác phẩm văn học nghệ thuật, hình tượng Bác Hồ luôn là nguồn cảm hứng vô tận cho những sáng tạo của các nghệ sĩ, trong đó có giới nghệ sĩ tạo hình. Nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019), chào mừng 74 năm Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (2-9-1945 – 2-9-2019), vào ngày 30-8 tại Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khai mạc triển lãm hội họa đặc biệt mang tên Nhớ về Bác.
TS Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ, Nhớ về Bác là cuộc triển lãm chuyên đề đặc biệt được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức trong dịp cả đất nước kỷ niệm nửa thế kỷ thực hiện bản Di chúc thiêng liêng mà Người để lại. Bằng ngôn ngữ đặc thù của nghệ thuật tạo hình, 50 tác phẩm tại triển lãm khắc họa từ nhiều góc độ hình tượng giản dị mà rất đỗi thiêng liêng, vĩ đại của vị Cha già dân tộc. Triển lãm giới thiệu 50 tác phẩm nghệ thuật đa dạng về thể loại: hội họa, đồ họa, điêu khắc, áp-phích với nhiều chất liệu khác nhau như: sơn dầu, sơn mài, khắc gỗ, bột mầu, mầu nước… được 39 họa sĩ, nhà điêu khắc thuộc nhiều thế hệ sáng tác trước và sau khi bản Di chúc thiêng liêng của Bác ra đời.
Ðằng sau mỗi nét vẽ, mảng mầu, công chúng yêu hội họa đều có thể cảm nhận được tấm lòng tôn kính và tình yêu thương của những danh họa nổi tiếng Việt Nam khi vẽ về Người. Cũng theo lãnh đạo Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, trong kho tàng đồ sộ những tác phẩm hội họa, những bộ sưu tập thuộc sở hữu của Bảo tàng, sưu tập những tác phẩm hội họa về Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được gìn giữ, bảo quản nghiêm ngặt. Trưng bày Nhớ về Bác cũng là dịp hiếm hoi Bảo tàng đưa ra trưng bày một số lượng lớn các tác phẩm nghệ thuật giá trị về Người.
Ghi dấu ấn đặc biệt
Các tác phẩm thể hiện hình ảnh của Người từ khi ra đi tìm đường cứu nước, đến lúc lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi thống nhất đất nước, được các nghệ sĩ tạo hình khắc họa hết sức giản dị, gần gũi, thân thương. Người xem sẽ được chiêm ngưỡng nhiều họa phẩm đặc biệt. Chân dung Bác Hồ với vầng trán cao, ánh mắt sáng, chòm râu bạc, nụ cười hiền được các họa sĩ thể hiện chân thực, dung dị qua các tác phẩm: Chân dung Bác (họa sĩ Trần Văn Cẩn), Bác Hồ (họa sĩ Lê Lam), Hồ Chủ tịch (họa sĩ Nguyễn Thế Vinh), Chân dung Bác Hồ (họa sĩ Song Hỷ). Hình ảnh vị lãnh tụ vĩ đại với tác phong làm việc khoa học, luôn sâu sát với thực tiễn cũng được thể hiện rõ nét qua các tác phẩm: Bác Hồ làm việc ở Việt Bắc của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ, Ðêm nay Bác không ngủ của họa sĩ Nguyễn Nghĩa Duyện, Bác đi công tác của danh họa Trần Ðình Thọ…
Hai họa sĩ Nguyễn Thụ và Huy Oánh vẽ tranh cổ động Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân; họa sĩ Lê Huy Trấp vẽ Hồ Chủ tịch. Họa sĩ Phan Kế An và Trần Ðình Thọ thể hiện chân dung Bác rất có hồn với chất liệu tranh khắc gỗ. Nhiều tranh cổ động, tượng Bác cũng được các nghệ sĩ thể hiện rất thành công.
Các tác phẩm cũng khắc họa tấm lòng bao la, ấm áp và sự quan tâm, gần gũi của Người tới mọi tầng lớp nhân dân: Bác Hồ đến thăm gia đình nông dân của họa sĩ Nguyễn Văn Thiện và Mai Văn Nam, Bác Hồ với nữ chiến sĩ thi đua miền Bắc của họa sĩ Vương Trình, Bác Hồ thăm lớp vỡ lòng của Ðỗ Hữu Huề…
Ðáp lại tình cảm của vị Cha già dân tộc, nhiều bức vẽ thể hiện tấm lòng và tình cảm của đồng bào cả nước luôn hướng về Bác với nỗi nhớ mong da diết: Giải phóng quân thăm nhà Bác của họa sĩ Văn Giáo, Ðền thờ Bác Hồ trong rừng đước mũi Cà Mau của họa sĩ Nguyễn Văn Bình…
Nhắc đến những họa phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam không thể không nhắc đến bức tranh Bảo vật quốc gia Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc, danh họa Dương Bích Liên sáng tác năm 1980. Tác phẩm được ông lấy cảm hứng từ những ngày gần Bác năm 1952, khắc họa hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và con ngựa chuẩn bị băng qua dòng suối chảy cuồn cuộn với dáng vẻ ung dung. Tranh vẽ chất liệu sơn mài, kích thước 99,8 x 180 cm, gợi không gian núi rừng với mầu xanh bạt ngàn.
Thời gian ở bên Bác và những ký hoạ về Bác đã giúp danh họa có được những tác phẩm về Người, như Bác Hồ làm việc ở chiến khu Việt Bắc – chì than (1952) và nhiều tác phẩm sơn mài, sơn dầu lớn sau này, trong đó có tác phẩm Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc. Bức tranh hiện đang thuộc hệ thống trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Còn rất nhiều những tác phẩm hội họa đặc biệt giá trị khác đã ghi lại dấu ấn trong nền mỹ thuật Việt Nam với hình tượng vị Cha già dân tộc. Một điểm chung ở các tác phẩm vẽ về Người đều là những nét vẽ ân tình, xúc động. Với niềm kính yêu Bác, những họa sĩ vẽ chân dung Người luôn lột tả được tính cách, hình tượng, cá tính và nhân cách lãnh tụ.
"Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã và sẽ mãi mãi sống trong lòng dân tộc, trong trái tim của các nghệ sĩ nhiều thế hệ, luôn là đề tài tâm huyết trong sáng tác của các họa sĩ, nhà điêu khắc Việt Nam cũng như nhiều nghệ sĩ tạo hình quốc tế..." - ông Nguyễn Anh Minh nhấn mạnh.