Ðiểm cộng thị trường và điểm trừ chất lượng
Trong năm 2022, kết quả hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đạt được có bước vượt trội: 142.779 người, đạt 158,64% kế hoạch. Nhìn lại một giai đoạn ngắn, năm 2018 có 131.075 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tăng 10,28% so cùng kỳ năm 2017, vượt chỉ tiêu kế hoạch năm là 31%. Sau đó, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, con số này vào năm 2020 đã giảm xuống còn hơn 78.000 người và năm 2021 là hơn 45.000 người. Số lao động xuất khẩu lại tăng nhanh sau khi các thị trường hồi phục và mở cửa trở lại. Năm 2023, cơ quan chức năng đặt mục tiêu đưa khoảng 110.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, tiếp tục giữ vững các thị trường tiếp nhận lao động truyền thống và mở rộng, để tăng dần số lượng lao động Việt Nam đi làm việc tại một số quốc gia trong các ngành nghề mới, với công việc ổn định và thu nhập cao.
Số lượng lao động làm việc ngoài nước ở mức cao là điều đáng mừng, song theo Vụ Đào tạo thường xuyên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp), một trong những khó khăn hiện nay là tay nghề của lao động xuất khẩu còn thấp, hiểu biết pháp luật lao động, tác phong công nghiệp còn hạn chế, nhưng lại muốn đi làm việc ở các nước có thu nhập cao.
Ở một số nước, vẫn còn tình trạng người lao động Việt Nam bị bạo hành, đánh đập hoặc được trả số lương không đúng theo ký kết. Bên cạnh đó, nguồn vốn cũng là một trở ngại lớn khiến cho nhiều lao động có nhu cầu nhưng không đủ điều kiện về tài chính.
Đó là chưa kể, hoạt động lừa đảo của một số tổ chức, cá nhân không có chức năng xuất khẩu lao động vẫn xảy ra ở nhiều địa phương, với hình thức tinh vi, phức tạp, gây nhiều hệ lụy tiêu cực cho người lao động. Các doanh nghiệp xuất khẩu lao động được giới thiệu về các tỉnh, thành phố tuyên truyền, tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa chấp hành các quy định về thông tin, tiến độ tuyển chọn và phối hợp cơ quan chức năng để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Giải pháp thị trường và cơ chế hỗ trợ người lao động
Thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), với vai trò chuyên môn, đang nỗ lực đàm phán, tìm kiếm các thị trường chất lượng, thu nhập cao để đưa lao động ra nước ngoài làm việc, hướng tới các nước phát triển ở châu Âu. Song, theo ông Nguyễn Lương Trào, nguyên Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội, để làm việc được ở các nước thu nhập cao, chất lượng nguồn lao động phải nâng lên, phải tăng dần số lao động qua đào tạo bài bản (với thời gian ít nhất nửa năm trở lên), chứ không chỉ dừng ở mức sơ cấp như phần đông hiện nay. Tỷ lệ này phải được nâng dần từ 60% lên 80% vào năm 2025, tiến tới toàn bộ người đi làm việc phải được đào tạo bài bản. "Tôi cho rằng, Chỉ thị số 20-CT/TW đã đặt ra những nhiệm vụ trọng tâm rất đúng và trúng", ông Nguyễn Lương Trào nhấn mạnh.
Để hoàn thành mục tiêu đưa 110.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2023, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan đề nghị Cục Quản lý lao động ngoài nước tiếp tục công tác phổ biến và triển khai pháp luật, để Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các văn bản hướng dẫn luật đi vào cuộc sống. Cục cần đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến; tiếp tục công tác ổn định thị trường lao động ngoài nước, tăng cường công tác bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động làm việc ở nước ngoài.
Tiếp tục các giải pháp giữ thị trường truyền thống và mở rộng thị trường mới, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng, hoàn thiện trình Chính phủ bản Ghi nhớ lần thứ ba về hợp tác trong lĩnh vực lao động giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Malaysia; Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Australia về hỗ trợ công dân Việt Nam tham gia Chương trình lao động nông nghiệp tại Australia; Bản ghi nhớ về hợp tác lao động với tỉnh Kanagawa của Nhật Bản; Bản ghi nhớ về Chương trình thực tập sinh kỹ năng với Tổ chức IM Japan. Ngoài ra, còn có các hoạt động trao đổi, thực hiện Thỏa thuận hợp tác lao động giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Israel; Thỏa thuận về tuyển dụng lao động giữa Việt Nam và Thái Lan; Thỏa thuận giữa Việt Nam và Hungary về hợp tác đưa người lao động Việt Nam sang làm việc tại Hungary; Bản Ghi nhớ về Chương trình Hệ thống cấp phép làm việc (EPS) với Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc; Bản Ghi nhớ mới về hợp tác lao động với Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE)…
Riêng với Hàn Quốc, năm 2023, các cơ quan chức năng phấn đấu đưa 10.000 người sang quốc gia này làm việc. Ông Phạm Minh Đức, Trưởng Văn phòng EPS Hàn Quốc, cho biết: Văn phòng EPS sẽ tập trung phối hợp Ban Quản lý lao động, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc tổ chức đón và giảng bài định hướng cho người lao động Việt Nam nhập cảnh Hàn Quốc. Hoạt động này sẽ giúp người lao động hòa nhập nhanh với cuộc sống và công việc tại đây. Còn theo ông Nguyễn Du, Viện trưởng Kinh tế và Công nghệ Đông Á, nhiều nước châu Âu đang tăng cường mời gọi lao động Việt Nam bằng nhiều hình thức. Đây chính là cơ hội tốt cho người lao động Việt Nam với các ngành nghề như: điều dưỡng, xây dựng, nhà hàng-khách sạn, cơ khí ô-tô, chế biến thực phẩm...
Trong dài hạn, các nhà quản lý, nhà đào tạo, doanh nghiệp dịch vụ phải thay đổi tư duy, hướng tới mục tiêu tạo vị thế cao hơn cho người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài. Muốn vậy, ngoài các giải pháp nâng cao chất lượng công tác tuyển chọn, định hướng, đào tạo lao động, cần xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng với cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan hữu quan của các quốc gia/vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động để theo dõi sát sao tình hình của người lao động Việt Nam, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.