Sụp đổ "giấc mơ xứ Hàn"
Gia đình hai anh em Nguyễn Văn Thôn và Nguyễn Văn Ðắc ở thôn Ðông Thịnh (xã Tam Dị, Lục Nam, Bắc Giang) vốn rất khó khăn. Kinh tế cả nhà phụ thuộc vào gần năm sào ruộng và chút lợi nhuận nhỏ của người mẹ tần tảo chạy chợ sớm hôm. Tốt nghiệp cấp II, cả hai đều tham gia các lớp học tiếng Hàn để mong có thể sớm XKLÐ, thay đổi cuộc đời lam lũ của mình.
Chạy vạy khắp nơi và dồn nốt số tiền tích cóp bao nhiêu năm trời của bố mẹ, hai anh em "vác" đi đăng ký học tiếng Hàn ở một trung tâm tại Hà Nội. Sau mấy tháng "dùi mài kinh sử", tiêu tốn hơn 40 triệu đồng, cả hai anh em đều đỗ vòng thi tiếng Hàn với số điểm gần như tuyệt đối. Ðang hào hứng với giấc mơ được đi làm việc ở nước ngoài thì bất ngờ phía Hàn Quốc tuyên bố đóng cửa. Tiếc tiền và công sức bỏ ra, hai anh em mất ngủ mấy đêm liền. "Chẳng biết bao giờ em mới được đi Hàn Quốc, buồn quá anh ạ, nhưng cũng chẳng biết làm thế nào. Trong lúc này, chúng em đành quay về thời máng lợn thôi" - Ðắc tâm sự. Giờ đây, hằng ngày hai anh em Ðắc đi phụ mẹ quay thịt lợn bán tại một chợ cóc ở xã Tam Dị để vừa trả nợ vừa nuôi giấc mơ một ngày nào đó có thể tiếp tục xuất ngoại kiếm tiền.
Với Phạm Anh Thái ở thôn Ðồi Mới (thị trấn Ðồi Ngô, Lục Nam) thì mỗi khi nhắc đến Hàn Quốc là bao nhiêu nỗi đau xót, uất ức lại ùa về. Hai năm trước, nghe tư vấn có "cửa" đi Hàn Quốc, anh đã thế chấp nhà đất vay gần 130 triệu đồng nộp cho một doanh nghiệp (DN) cung ứng lao động tại Hà Nội. Khi nộp tiền, phía DN cho biết ba tháng sau khi thi đỗ kỳ thi tiếng Hàn họ sẽ đàm phán với đối tác để đi sớm. Tuy nhiên, sau nhiều lần DN dùng kế "hoãn binh", nghi bị lừa, cuối năm 2010 anh đến đòi lại tiền mới hay công ty đã giải thể, điện thoại của giám đốc cũng không liên lạc được. Bị mất khoản tiền lớn nhưng không đau đớn bằng việc sau đó anh nghe tin thị trường Hàn Quốc đang rất khó khăn, cơ hội tiếp tục "chạy" để đến được đất nước này làm việc càng trở nên xa vời. Gánh nợ hàng trăm triệu đồng cứ lơ lửng hằng ngày trên đầu khiến cả gia đình ăn ngủ không yên.
Chung một cảnh ngộ, Phạm Quang Ðiệp ở xã Phương Trung (Thanh Oai, Hà Nội) đang là lái xe cho một hãng ta-xi ở Hà Nội thì "theo tiếng gọi xứ người" cũng làm thủ tục, học tiếng để đi lao động Hàn Quốc. Bỏ dở hợp đồng và những lời mời của họ hàng, Ðiệp nhất quyết chạy theo XKLÐ với hy vọng nhanh kiếm được một món tiền để về quê làm ăn. Từ ngày theo đuổi cho đến nay đã mất gần hai năm và giờ cậu cùng gia đình đứng ngồi không yên vì mọi chuyện đều lỡ dở. Ðiệp cho biết: "Cứ loanh quanh đợi chờ, em chán mọi chuyện rồi anh ạ. Bố mẹ em bực bội lắm nhưng cũng phải cố chịu. Cũng bởi gia đình em đã rất kỳ vọng, em đã phải cố gắng học rất tốt. Nhưng còn bị cán bộ dọa phải nộp thêm tiền. Em nghĩ là người ta chẳng làm ảnh hưởng được tới mình đâu nhưng nghe sợ, thế là cứ nộp vào đó. Nếu là đi được, kể cả đi theo con đường chính thống cũng chi hết hơn 100 triệu đồng". Theo lời Ðiệp, từ ngày cậu dài cổ đợi chờ đã có ba đối tượng "cò mồi" đến tận nhà vận động đi theo đường dây của họ. Họ nói, không cần chứng chỉ ngoại ngữ, để đi được thì cứ bỏ ra 170 triệu đồng là...ok (!?). Nhưng theo thông tin từ xã Phương Trung, không ít người đi theo đường của "cò mồi" đến giờ vẫn ngồi chờ. Ngay cả anh họ của Ðiệp đã chạy hết 60 triệu đồng nhưng "nhà cò" cứ khất đi khất lại, giờ lâm vào cảnh mếu dở khóc dở.
Cả đống tiền bỗng thành mây khói
Những trường hợp như anh Ðắc, anh Thôn ở xã Tam Dị khá phổ biến và các chứng chỉ họ có trong tay bị gọi là "thối" chứng chỉ. Và toàn xã có hàng chục người đang trong tình trạng ấy. Không ít người đã học vài khóa, mất hàng trăm triệu đồng mới thi đạt chứng chỉ tiếng Hàn nhưng bây giờ đành bỏ xó. Ðiển hình như gia đình ông Nguyễn Văn Uyển, Nguyễn Huy Thiệp... đều có hai con thi đạt chứng chỉ tiếng Hàn nhưng đang phải ở nhà làm ruộng.
Qua tìm hiểu, từ cuối năm 2011, một số DN phía Hàn Quốc "ngầm" từ chối nhận lao động ở Tam Dị. Nhiều người quyết đi cho bằng được nên đã làm thủ tục chuyển khẩu về xã khác để được tham dự kỳ thi tiếng Hàn. Bao nhiêu chi phí, công sức học hành rồi đỗ kỳ thi, giờ không được bay, cả đống tiền cũng thành mây khói... Về điều này, ông Vũ Trung Chính, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội cho biết, bình thường phải sáu người đi học tiếng Hàn mới được một người đỗ. Việc đi học cũng mất thời gian, tiền của và đa số họ rất háo hức, quyết tâm và đã dừng nhiều công việc khác như lập gia đình, mất cơ hội công việc làm ăn ở chỗ khác để hướng tới một mục tiêu. Khi không được đi làm ở Hàn Quốc thì đó là một sự thiệt thòi rất lớn cho người lao động. "Người lao động không đi được, chúng tôi cũng rất xót xa. Vào những ngày đăng ký học, người ta phải lặn lội đường sá xa xôi, rồi phải chen chúc nộp hồ sơ đăng ký. Rồi vất vả học hành, đến lúc trúng tuyển họ thấy sung sướng lắm, chỉ chờ đi học giáo dục định hướng nữa là xuất cảnh. Thế mà nay lại sụp đổ. Thêm một điều nữa, trước đây ở các trung tâm dạy tiếng Hàn nhộn nhịp lắm, nay gần như vắng hoe", ông Chính ngậm ngùi chia sẻ.
Mòn mỏi chờ... "nối lại"
Ðiều mà những người đang ngóng chờ lúc này là làm sao được "nối lại" kênh hợp tác lao động với Hàn Quốc. Thậm chí, một số người cho biết sẽ chấp nhận thi lại chứng chỉ tiếng Hàn, chỉ mong công lao và tiền của trước đây không trôi sông trôi biển. Hiện tại, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh và các cơ quan chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, thành lập các tổ tư vấn ở các xã, phường đến gia đình có NLÐ tại Hàn Quốc tư vấn, yêu cầu gia đình vận động thân nhân tại Hàn Quốc về nước đúng thời hạn. NLÐ bỏ trốn ra ngoài, không chấp hành kỷ luật lao động, sống lưu vong khi hết thời hạn là hiện tượng "con sâu làm rầu nồi canh", rất ảnh hưởng đến những người đang và sẽ có hướng theo con đường làm ăn này.
Nói gì thì nói, tình trạng trên xảy ra không chỉ là lỗi của những người "vì kiếm tiền mà bất chấp tất cả", mà còn là lỗi của cơ quan chủ quản. Và chỉ khi họ tìm ra biện pháp khắc phục hậu quả, việc hợp tác lao động với nước bạn trở lại bình thường, thì hàng nghìn NLÐ mới khỏi sống trong cảnh ngồi trên đống lửa.
* Hàn Quốc là một thị trường đầy tiềm năng. Những người dân có mong ước XKLÐ ở huyện Lục Nam đều coi đây là "miền đất hứa". Nếu không được xuất ngoại thì cũng có nghĩa hàng trăm người ở huyện sẽ phải ở nhà cày ruộng hoặc tìm việc khác, thiệt hại rất lớn cho phát triển kinh tế địa phương.