Những người làm nên sứ mệnh lịch sử của Ấn Độ

Ấn Độ đã viết nên lịch sử khi tàu vũ trụ Chandrayaan-3 đổ bộ thành công tại điểm gần cực nam của Mặt trăng vào ngày 23/8 vừa qua. Hàng trăm nhà khoa học của Tổ chức Nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) và các cơ quan không gian đã làm việc trong suốt nhiều năm để có thể hoàn thành sứ mệnh đặc biệt, giúp quốc gia này ghi tên vào lịch sử chinh phục “chị Hằng”.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch ISRO Somanath. Ảnh: INDIA TIMES
Chủ tịch ISRO Somanath. Ảnh: INDIA TIMES

Theo India Times, Chandrayaan-3 đã được đưa lên bằng phương tiện phóng không gian LVM-3 vào ngày 14/7 từ Trung tâm Vũ trụ Satish Dhawan ở Ấn Độ. Đây là sứ mệnh chinh phục Mặt trăng tiếp nối từ hai dự án trước đó là Chandrayaan-1 và Chandrayaan-2, nhằm mục đích chứng minh khả năng toàn diện trong việc hạ cánh và di chuyển an toàn trên bề mặt vệ tinh duy nhất của Trái đất. Nhiệm vụ lần này mang theo modul đổ bộ và xe tự hành mang các thiết bị khoa học có khả năng thực hiện những thí nghiệm trên bề mặt tiểu hành tinh này, giúp thế giới tìm hiểu và thực hiện những nhiệm vụ trong tương lai.

Từ Chandrayaan-1 là sứ mệnh thám hiểm Mặt trăng đầu tiên của Ấn Độ năm 2008 đến sứ mệnh Chandrayaan-3, sau 15 năm nghiên cứu và phát triển với sự đóng góp công sức của hàng trăm nhà khoa học đã làm việc ở hậu trường, giúp Ấn Độ trở thành quốc gia đầu tiên hạ cánh lên cực nam của Mặt trăng. Thành công này giúp Ấn Độ củng cố sức mạnh trong lĩnh vực không gian và công nghệ. Phát biểu ý kiến sau sự kiện lịch sử trên, Chủ tịch ISRO, ông S.Somanath nhấn mạnh: “Chandrayaan-3 là thành quả công sức của các nhà khoa học, kỹ sư, nhân viên của chúng tôi thuộc nhiều lĩnh vực, cũng như các nhóm hỗ trợ trên khắp cả nước và nhiều tổ chức khác”.

Ông Somanath (60 tuổi) là một trong những “kiến trúc sư” đằng sau sứ mệnh chinh phục Mặt trăng đầy tham vọng của Ấn Độ. Bắt đầu từ một kỹ sư hàng không và trở thành Chủ tịch ISRO từ tháng 1/2022, ông là nhà khoa học được kính trọng và đã có những đóng góp đáng kể cho chương trình không gian của nước này. Với tư cách là người đứng đầu ISRO, ông Somanath chịu trách nhiệm lãnh đạo và giám sát các hoạt động của cơ quan này, bao gồm việc phát triển và khởi động các sứ mệnh không gian khác nhau. Dưới sự dẫn dắt của ông, ISRO đã đạt được một số cột mốc đáng chú ý như nhiệm vụ đưa các phi hành gia Ấn Độ vào vũ trụ (Gaganyaan), sứ mệnh Mặt trời (Aditya-L1) hay sứ mệnh tàu quỹ đạo sao Hỏa (Mangalyaan)...

Kiến thức chuyên môn và những thành tựu của ông Somanath đã mang lại cho ông sự ghi nhận trong cộng đồng khoa học vũ trụ của đất nước đông dân nhất thế giới. Với tư cách là người đứng đầu ISRO, định hướng chiến lược và chuyên môn kỹ thuật của ông đóng vai trò quan trọng trong việc định hình quỹ đạo, góp phần đưa Chandrayaan-3 đạt được cú hạ cánh “nhẹ nhàng nhưng gây chú ý” trên Mặt trăng.

Bên cạnh đó, đồng hành cùng với ông còn có những bộ não thiên tài là các nhà khoa học không gian đóng góp cho sự thành công của sứ mệnh. Đó là thành viên các nhóm thiết kế, chế tạo các phương tiện liên lạc, điều hướng, viễn thám, dự báo và thăm dò ngoài không gian. Hàng trăm các nhà khoa học, kỹ sư, chuyên gia và nhân viên các trạm trên khắp Ấn Độ đã tham gia quá trình giám sát nhiều khía cạnh khác nhau của sứ mệnh quan trọng này. Theo ông Somanath, “đây là công việc của một thế hệ lãnh đạo và các nhà khoa học ISRO. Tất cả các đội đã góp phần xây dựng Chandrayaan-1 và Chandrayaan-2 đều được ghi nhớ và cảm ơn khi chúng ta chào mừng thành công của Chandrayaan-3”.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhận xét rằng, cột mốc quan trọng này không chỉ là niềm tự hào của Ấn Độ mà còn là ngọn hải đăng soi đường cho sự nỗ lực và kiên trì của con người. Trong vài năm qua, Ấn Độ đã không ngừng thúc đẩy nỗ lực thám hiểm không gian. Quốc gia Nam Á đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc phát triển các giải pháp cũng như mở rộng chính sách không gian nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác giữa các khu vực công-tư. Với sự trợ giúp của hơn một trăm công ty khởi nghiệp về công nghệ vũ trụ, Ấn Độ trở thành quốc gia thứ tư đạt được thành tích đổ bộ Mặt trăng sau Mỹ, Liên Xô (trước đây) và Trung Quốc.