Những miền hạnh phúc

Nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức chương trình Người lái đò hạnh phúc, tiếp nhận nhiều hiện vật giá trị của nhà giáo, nhà văn Nguyễn Thị Mỹ Dung.
0:00 / 0:00
0:00
Những miền hạnh phúc

Tại sự kiện, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã vinh dự tiếp nhận gần 300 hiện vật, bao gồm các hình ảnh, kỷ vật, một số ấn phẩm tiêu biểu, đặc biệt là bộ sưu tập hơn 200 lá thư chứa đựng tình cảm vợ chồng, tình cảm gia đình và tình thầy trò giàu ý nghĩa. Với hơn 30 năm cống hiến trong nghề giáo, bằng tài năng và sự tận tâm của mình, biết bao thế hệ học trò của bà đã trưởng thành, có nhiều đóng góp cho đất nước. Những hiện vật là minh chứng ghi dấu những nỗ lực của bà vượt qua khó khăn để cống hiến hết mình cho sự nghiệp "trồng người" cũng như các thành tựu cả trên lĩnh vực báo chí, sáng tác thơ ca, truyện ngắn. Bên cạnh những chủ đề về lịch sử, văn hóa, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam còn mong muốn mỗi hiện vật sẽ kể những câu chuyện thú vị, mang tới góc nhìn đa chiều về phụ nữ Việt Nam cho khách tham quan.

Cùng dịp này, nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11), triển lãm thư pháp Nét đan thanh đang được diễn ra tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội). Triển lãm hội tụ 60 tác phẩm thư pháp với đa dạng thể chữ: Triện, Lệ, Khải, Hành, Thảo cùng một số lối viết của 15 tác giả, trong đó có các thư pháp gia tên tuổi, như Châu Hải Đường, Xuân Như, Mặc Sinh, Phạm Văn Ánh, Nguyễn Quang Duy, Nguyễn Văn Nguyên, Bùi Quang Tuấn... Triển lãm nhằm tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc qua những áng văn chương của nhiều bậc tài danh xưa và nay. Ấn tượng mới của triển lãm lần này còn là sự sắp đặt độc đáo các bức thư pháp, kết hợp ánh sáng trình diễn tạo vẻ lung linh huyền ảo.

Triển lãm ảnh Hà Nội đất lành chim đậu, một hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023, do mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống và Chi hội Nghiên cứu và Bảo tồn Chim Việt Nam (VBCS) phối hợp các đơn vị tổ chức, diễn ra từ ngày 17 đến ngày 26/11 tại khuôn viên nhà Bát Giác, khu vực vườn hoa và tượng đài Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm. Triển lãm giới thiệu vẻ đẹp của hàng trăm loài hoang dã, cả các loài chim di cư và chim định cư trên địa bàn thành phố, cho thấy sự cần thiết và ý nghĩa của việc bảo tồn môi trường sống tự nhiên của các loài chim, góp phần bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường Thủ đô xanh-sạch-đẹp.