SEA GAMES 32

Những khoảnh khắc đáng nhớ

SEA Games 32 tổ chức tại Campuchia đã bước vào những ngày thi đấu cuối cùng. Với nỗ lực, khát khao của từng vận động viên (VĐV) tại mọi nội dung tranh tài, Đoàn Thể thao Việt Nam đã giành nhiều thành công và để lại nhiều ấn tượng đẹp tại ngày hội thể thao lớn nhất khu vực.
0:00 / 0:00
0:00
Đội tuyển Aerobic Việt Nam vượt chỉ tiêu với 5 Huy chương vàng. Ảnh: ĐỨC ĐỒNG
Đội tuyển Aerobic Việt Nam vượt chỉ tiêu với 5 Huy chương vàng. Ảnh: ĐỨC ĐỒNG

Dấu ấn thể thao Việt Nam

Tròn một năm sau SEA Games 31 thành công rực rỡ trên sân nhà, Đoàn Thể thao Việt Nam lên đường tham dự SEA Games 32 với hơn 1.000 thành viên; tham gia thi đấu 30/36 môn, 487/583 nội dung và đặt mục tiêu đạt được từ 90-120 Huy chương vàng (HCV), đứng trong tốp 3 toàn đoàn.

Dù một số môn thế mạnh của Việt Nam đã bị loại bỏ khỏi chương trình thi đấu, dù SEA Games chưa kết thúc, nhưng có thể nói Việt Nam gần như chắc chắn sẽ đạt hoặc vượt mục tiêu xếp thứ 3 trên bảng tổng sắp huy chương.

Tại SEA Games 32, các VĐV Việt Nam đã xác lập bốn kỷ lục mới. Ấn tượng nhất là Phạm Thanh Bảo với thành tích 1 phút 00 giây 97 ở môn bơi, nội dung 100m ếch, phá kỷ lục cũ (1 phút 01 giây 17) do chính anh lập tại SEA Games 31. Tại nội dung 200m ếch, Phạm Thanh Bảo tiếp tục phá kỷ lục SEA Games với thành tích 2 phút 11 giây 45. Bên cạnh đó, chúng ta còn có hai kỷ lục khác ở môn lặn, nội dung 4x200m nam vòi hơi chân vịt (thành tích 5 phút 50 giây 03) và nội dung 4x200m nữ vòi hơi chân vịt (thành tích 6 phút 19 giây 69).

Tính đến ngày thi đấu 14/5, đã có bảy đội tuyển đạt số HCV vượt chỉ tiêu dự kiến. Các môn vượt chỉ tiêu gồm Aerobic với 5 HCV (vượt 2 HCV); Thể dục dụng cụ 4 HCV (vượt 1 HCV); Karatedo 6 HCV (vượt 2 HCV); Wushu 6 HCV (vượt 1 HCV); Kun Khmer 5 HCV (vượt 2 HCV) và Kun Bokator 6 HCV (vượt 4 HCV). Đáng nói, các vận động viên Việt Nam đã chơi xuất sắc ở các môn Kun Khmer và Kun Bokator, dù đây là các môn truyền thống của Campuchia và chúng ta không có nhiều thời gian tiếp cận, tập luyện.

Không thể không nhắc đến kỳ tích giành 2 HCV chỉ trong khoảng… 30 phút của VĐV điền kinh Nguyễn Thị Oanh ở các nội dung 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật nữ ở ngày thi đấu 9/5; đồng thời là VĐV duy nhất giành tới 4 HCV ở một kỳ SEA Games. Cũng ở môn điền kinh, “Cô gái vàng” Nguyễn Thị Huyền chinh phục chiếc HCV thứ 13, trở thành VĐV Việt Nam giàu thành tích nhất lịch sử tham dự SEA Games.

Những khoảnh khắc đáng nhớ ảnh 1

Anh Hoàng và Mai Ngọc giành HCV bóng bàn nội dung đôi nam nữ.Ảnh: MẠNH QUÂN

Hướng tới các sân chơi lớn hơn

Dù có nhiều VĐV thi đấu ấn tượng, tuy nhiên, các môn trọng điểm chuẩn bị cho Asiad và Olympic là điền kinh và bơi lội đều không hoàn thành mục tiêu huy chương. Điền kinh chỉ đạt 12 HCV so với chỉ tiêu 14 huy chương, đồng thời giảm 10 huy HCV so với SEA Games 31. Trong khi đó, môn bơi chỉ đạt 7 HCV, ít hơn chỉ tiêu 1 HCV.

Theo ông Đặng Hà Việt, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 32, việc giành thành tích cao tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á là nhiệm vụ quan trọng, nhưng không phải quan trọng nhất với thể thao Việt Nam. Phía trước là Asiad, Olympic, đây là những đấu trường mà thể thao Việt Nam phải tập trung tối đa, cần những tính toán riêng về chuyên môn và điểm rơi phong độ để phù hợp với chiến lược phát triển ở từng đấu trường.

Tại các môn trọng điểm ở SEA Games 32, thể thao Việt Nam cũng đã giới thiệu nhiều gương mặt mới triển vọng. Có thể kể đến màn ra mắt ấn tượng của Trần Thị Nhi Yến, cô gái mới 18 tuổi nhưng đã thi đấu khá tốt với 1 HCĐ và 1 HCB trên các đường chạy 100m và 200m nữ. Ở nội dung 800m nữ, Nguyễn Thị Thu Hà (21 tuổi) cũng đã bất ngờ mang về tấm HCV.

Trên “đường đua xanh”, Trần Hưng Nguyên (20 tuổi) tiếp tục duy trì được đà tiến bộ. Anh tỏ ra vượt trội ở hai nội dung 200m và 400m hỗn hợp cá nhân và còn góp sức giành thêm 1 HCV khác cho đội tuyển bơi ở nội dung tiếp sức 4x200m tự do. Trong khi đó, Phạm Thanh Bảo (21 tuổi) từ sở trường 50m và 100m bơi ếch đã nỗ lực tập luyện để giành vinh quang ở các nội dung 100m và 200m, qua đó chuẩn bị hướng đến các sân chơi lớn hơn. Cũng ở môn bơi, thể thao Việt Nam chứng kiến màn ra mắt của Nguyễn Thúy Hiền, “kình ngư” mới 14 tuổi nhưng đã cho thấy những tiềm năng ở những nội dung cự ly ngắn tự do.

Dự báo trong những ngày thi đấu cuối, Đoàn Thể thao Việt Nam có thể giành thêm từ 30-40 HCV, trong đó có khoảng 19 HCV ở các môn Olympic, còn lại là môn Asiad và SEA Games. Tất cả đang nỗ lực giành thành tích cao nhất tại SEA Games, đồng thời tạo bước đà hướng tới Asiad sẽ diễn ra vào cuối năm.