Những hành trình bền bỉ và sáng tạo

Họ là những người kiên trì trên hành trình sáng tạo cá nhân. Không chỉ đạt được nhiều thành quả, họ còn đóng góp nhiều ý tưởng, thời gian và năng lượng cho hoạt động cộng đồng, góp phần thúc đẩy đời sống nghệ thuật đất nước phát triển sôi động và văn minh.
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh trong phim Tro tàn rực rỡ.
Cảnh trong phim Tro tàn rực rỡ.
Những hành trình bền bỉ và sáng tạo ảnh 1
Ðạo diễn điện ảnh Bùi Thạc Chuyên

Ðạo diễn điện ảnh Bùi Thạc Chuyên

"Tro tàn rực rỡ" là bộ phim thuộc dòng chính kịch-nghệ thuật của anh vừa đạt giải thưởng cao nhất mang tên Khinh khí cầu vàng (la Montgolfière d’or) tại Liên hoan phim Ba lục địa (Festival des 3 Continents, tập trung giới thiệu điện ảnh châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ latin). Với khẩu hiệu: Le cinema autrement (Điện ảnh khác), Liên hoan phim này được tổ chức thường niên từ năm 1979 tại Nantes, Pháp, là một đối trọng uy tín về chất lượng điện ảnh (chính kịch và tài liệu) bên cạnh những liên hoan/giải thưởng điện ảnh đã được coi là tâm điểm của nghệ thuật điện ảnh thế giới như Venice, Berlin, Cannes, Oscar, Quả cầu vàng… Bùi Thạc Chuyên là đạo diễn điện ảnh Việt Nam đầu tiên đạt giải thưởng cao nhất tại Liên hoan này.

Bộ phim đánh dấu sự trở lại với vai trò đạo diễn điện ảnh của Bùi Thạc Chuyên sau 10 năm. Đây là tác phẩm thuộc dòng phim tác giả (do một cá nhân viết kịch bản, làm đạo diễn). Kịch bản phim được phát triển trên nền tảng nội dung hai truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, với sự trợ giúp của nhà văn trong hoàn thiện lời thoại của nhân vật. Bùi Thạc Chuyên cùng nhà sản xuất đã kiên trì đưa kịch bản phim này tham dự nhiều chợ phim, gọi vốn và hợp tác sản xuất trong khu vực và thế giới, kể từ năm 2017. Trước giải Khinh khí cầu vàng này, phim đã lọt vòng đề cử Giải thưởng Lớn/Tokyo Grand Prix-Liên hoan phim Tokyo 2022.

Kiên định với con đường làm phim nghệ thuật, bày tỏ cá tính sáng tạo không ngần ngại cùng mối quan tâm lớn về đời sống nội tâm của tầng lớp bình dân, Bùi Thạc Chuyên không chỉ thành công với các tác phẩm điện ảnh của mình mà anh còn là người truyền cảm hứng sáng tạo lớn đến nhiều thế hệ học viên của Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh TPD (thuộc Hội Điện ảnh Việt Nam), do anh sáng lập từ năm 2002. Đến nay, TPD là điểm đến của nhiều người trẻ yêu điện ảnh, để tìm hiểu lịch sử điện ảnh trong và ngoài nước thông qua thư viện phim, tham gia thực hành các khóa đào tạo cơ bản, nâng cao về đạo diễn, diễn xuất, viết kịch bản. Từ đây, một số tên tuổi đạo diễn trẻ giàu tiềm năng sáng tạo đã xuất hiện, như Hà Lệ Diễm, Nguyễn Ngọc Mai (phim tài liệu); Nguyễn Lê Hoàng Việt, Hồ Phước Trung, Hồ Thanh Thảo, Ostin Fam (phim truyện)...

Những hành trình bền bỉ và sáng tạo ảnh 2

Ca sĩ Mỹ Tâm

Ca sĩ Mỹ Tâm

Hơn 30 nghìn khán giả thuộc nhiều thế hệ người hâm mộ ca sĩ đã tham dự liveshow Tri Âm tại Hà Nội, đầu tháng 11/2022, cho thấy sức hút lớn của tên tuổi Mỹ Tâm trong đời sống âm nhạc giải trí Việt Nam suốt 20 năm qua. Trong năm 2020 và 2021, dù đã được chuẩn bị tới khoảng 80% khối lượng công việc nhưng chị và ekip vẫn quyết định hoãn liveshow này vì lo ngại ảnh hưởng dịch Covid-19 tới khán giả. Theo kế hoạch ban đầu, liveshow diễn ra tại TP Hồ Chí Minh (ngày 25/4/2021) và một tuần sau đó là tại Hà Nội. Hành động vì khán giả này của chị đã được công chúng ủng hộ, đánh giá rất cao.

Trong 20 năm gắn bó với đời sống nhạc nhẹ trong nước, Mỹ Tâm sở hữu tới hàng trăm ca khúc "hit", được lan truyền qua nhiều thế hệ người nghe. Chị phát hành nhiều album, MV, tổ chức nhiều liveshow và sản phẩm nào cũng không làm thất vọng người hâm mộ trên hầu hết các phương diện: chất lượng nghệ thuật, công nghệ phụ trợ, nghệ sĩ biểu diễn khách mời, chất lượng tổ chức, hậu cần... Thực tế này cho thấy, Mỹ Tâm là ca sĩ/nhà tổ chức tài năng đồng thời là người giữ được đạo đức nghề nghiệp-yếu tố hết sức quan trọng đối với một nghệ sĩ của đại chúng.

Những hành trình bền bỉ và sáng tạo ảnh 3

Nghệ sĩ thị giác Hà Ðào

Nghệ sĩ thị giác Hà Ðào

Nhiếp ảnh đương đại vốn rất kén chọn khán giả và cũng kén chọn cả người đồng hành sáng tạo. Hà Đào (sinh năm 1995) là gương mặt hiếm hoi ở Việt Nam, kiên trì đi cùng lĩnh vực này. Hà Đào bắt đầu dành thời gian nhiều hơn cho nhiếp ảnh đương đại từ năm 2016, thực hành tại một số khóa học trong nước, tham gia các workshop chuyên ngành về nhiếp ảnh đương đại và nhiếp ảnh báo chí ở nước ngoài, cộng tác viết về nhiếp ảnh với một số nghệ sĩ tên tuổi trong khu vực. Chị còn thử thách bản thân qua các dự án giám tuyển với những người đồng hành trẻ hơn. Hà Đào thấy có lúc phải "phân thân" quá nhiều bởi chị vẫn làm một số công việc kiếm sống khác; sáng tác nhiếp ảnh đương đại hầu như không có khách hàng, phần lớn các bài viết đều xuất bản trực tuyến và hoàn toàn miễn phí truy cập. Từ 2016 đến nay, Hà Đào làm quản lý, điều phối hoạt động của Matca (số 48-phố Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội)-không gian nhiếp ảnh đương đại duy nhất ở Việt Nam cho đến hiện tại với các hoạt động chuyên biệt: triển lãm, thư viện, thảo luận, xuất bản sách hoàn toàn về nhiếp ảnh. Matca đồng thời duy trì một trang tạp chí nhiếp ảnh song ngữ Việt-Anh trực tuyến, với một lượng bài viết và giới thiệu chuyên đề nhiếp ảnh nghiêm túc về chuyên môn. Phương châm hoạt động của Matca là Mở rộng đối thoại xoay quanh nhiếp ảnh.

Những trải nghiệm, va đập nghề nghiệp trong một thời ngắn mà rất phong phú của Hà Đào đã đem tới cho chị thêm nhiều năng lượng nuôi dưỡng các dự án nghệ thuật cá nhân. Năm nay, chị đã được trao Giải thưởng dành cho nghệ sĩ nước ngoài của Liên hoan Nhiếp ảnh quốc tế Higashikawa lần thứ 38, Nhật Bản, trị giá một triệu yên (tương đương 200 triệu đồng) kèm việc hỗ trợ trưng bày một triển lãm cá nhân tại Liên hoan, từ ngày 30/7 đến 30/8/2022, tại Higashikawa, thành phố trung tâm của đảo Hokkaido. Đây có lẽ là giải thưởng nhiếp ảnh đương đại lớn nhất ở tầm mức quốc tế dành cho nghệ sĩ Việt Nam. Vừa qua, Hà Đào cũng là một trong ba nghệ sĩ trẻ Việt Nam nhận giải Seed Award-2021 của Quỹ Prince Claus (Hà Lan) hợp tác thực hiện cùng Hội đồng Anh và Quỹ tài trợ Ing Yoe Tan.