Những ghi chú sự đời

“Trong và ngoài căn phòng tôi” là cuốn tạp văn gần đây nhất của nhà văn Trần Nhã Thụy (NXB Hội Nhà văn, quý III/2022). 56 câu chuyện trong cuốn sách là 56 ghi chú thật đặc biệt, nói ra những điều tưởng chừng xưa cũ, những suy nghĩ tưởng chừng nhỏ bé nhưng ẩn chứa những suy tư trăn trở của một người rất đời, yêu nghề.
0:00 / 0:00
0:00
Những ghi chú sự đời

“Gió muôn thủa là gió. Nhưng đã là gió thì luôn luôn mới” (Như những ngọn gió). “Mới” đó chẳng phải là khát khao mà chúng ta đang luôn mong chờ, hướng đến hay sao? Với những người làm công việc sáng tạo thì cái mới càng đòi hỏi quyết liệt, dữ dội hơn. Nhưng không chỉ dừng lại ở cái mới, “Trong và ngoài căn phòng tôi” còn nhiều hơn cả mới, chỉ một chi tiết chuồn chuồn ngô và quả ớt trong bài thơ Haiku, Trần Nhã Thụy có một “ghi chú” thể hiện sự day dứt của một con người phải có tâm “Bứt hai cánh chuồn ngô để thành quả ớt. Hay chắp cho quả ớt hai cánh để thành chuồn chuồn ngô. Đó, có lẽ không phải là vấn đề kỹ thuật nữa. Đó chính là Tâm thơ. Hay cái Tâm của người sáng tạo” (Tâm thơ).

Những “ghi chú” trong tập sách được tác giả viết một cách tự nhiên, bình thản nhưng lắm suy tư như sự đời vốn thế, không lên “gân”, làm màu hay sáo rỗng giáo điều mà nhẹ nhàng như một lời chia sẻ của người anh đi trước chỉ bày cho đứa em nhỏ còn đang lơ ngơ trước ngưỡng cửa vào đời trong các bài “Thư gửi các bạn trẻ”, “Thói đố kỵ như liều thuốc độc tự chuốc vào mình”. Để rồi người đọc không ngại ngần đặt câu hỏi, trong và ngoài căn phòng của tác giả có gì khác sao? Tất nhiên rồi.

Cuốn sách được chia thành hai phần rất rõ.

Trong và ngoài như một sự phân định tương đối của nội tâm soi chiếu lắng đọng hay những ồn ào vội vã thể hiện ra bên ngoài. Trước tiên được tác giả định lượng bằng những câu chữ. “Trong” sâu, ngắn, lắng đọng với những cảm xúc bất chợt cùng cái kết đột ngột nhưng trọn vẹn, thích hợp cho những người “xẹt ngang” qua với dung lượng chứa chưa đầy 1.000 chữ, với rất nhiều bài như “Chỉ có họ?”, “Chiều chiều lại nhớ”, “Trở về” “Mùi của sự yên tĩnh”…

Phía bên “Ngoài” thì dài hơn cả số chữ lẫn tầm khái quát vĩ mô cho những đúc rút từ thực tiễn cuộc sống dành cho những bạn đọc thích nhâm nhi, không vội vàng, cùng những cái kết mở, để đắm chìm trong những suy nghiệm cuộc đời. “Cũng có nhiều người than vãn “không có thời gian đọc sách”, “không có thời gian để yêu”, “không có thời gian để chơi với con”… Lạ ghê. Nếu không có thời gian thì chúng ta có gì nhỉ?” (Nếu thượng đế chơi trò rung chuông).

Đọc “Trong và ngoài căn phòng tôi” của Trần Nhã Thụy, bạn đọc như nhìn thấy mình trong đó. Để rồi chúng ta khát khao muốn sống một cuộc đời đẹp đẽ hơn, có trách nhiệm hơn với bản thân mình và cả xã hội.