Những con số đáng lo ngại

Văn phòng châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây công bố một báo cáo, trong đó lên án cách thức mà 4 ngành công nghiệp gồm thuốc lá, đồ uống có cồn, thực phẩm chế biến sẵn và nhiên liệu hóa thạch đang cản trở các chính sách y tế. Các ngành công nghiệp này là tác nhân khiến khoảng 2,7 triệu người thiệt mạng mỗi năm, tính riêng ở châu Âu.
0:00 / 0:00
0:00
Giới trẻ ngày càng tiếp cận thuốc lá sớm. Ảnh: THE STRAITS TIMES
Giới trẻ ngày càng tiếp cận thuốc lá sớm. Ảnh: THE STRAITS TIMES

Báo cáo gây shock

Trong một báo cáo công bố ngày 11/6, WHO cho biết, mỗi ngày có khoảng 7.400 người ở châu Âu tử vong do 4 ngành công nghiệp liên quan sản xuất thuốc lá, thực phẩm siêu chế biến, nhiên liệu hóa thạch và đồ uống có cồn. Theo ước tính của WHO, các ngành này chịu trách nhiệm trực tiếp hoặc gián tiếp cho tổng số 2,7 triệu ca tử vong mỗi năm, trong đó thuốc lá gây ra nhiều ca tử vong nhất với hơn 1 triệu ca, chiếm 10% tổng số ca tử vong ở châu Âu. Tiếp đó, nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm không khí cũng khiến 580.000 ca tử vong mỗi năm (chiếm 5% tổng số ca tử vong), trong khi việc tiêu thụ quá mức đồ uống có cồn và đồ ăn chế biến sẵn cũng khiến lần lượt hơn 430.000 và gần 400.000 người chết mỗi năm.

Phân tích của WHO cho thấy, các nước châu Âu đang đi chệch hướng trong việc đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ nhằm ngăn chặn tình trạng béo phì gia tăng hoặc cắt giảm 30% số người hút thuốc từ 15 tuổi trở lên. Báo cáo cho hay, các quốc gia châu Âu tiêu thụ rượu nhiều hơn bất kỳ khu vực nào khác trên toàn cầu. Cụ thể, gần 60% số người trưởng thành và hơn 33% số trẻ em ở châu Âu đang mắc phải tình trạng thừa cân. Dữ liệu gần đây nhất, từ năm 2017, cho thấy cứ 5 người thì có một người chết vì bệnh tim mạch và ung thư ở châu Âu là kết quả của thói quen ăn uống không lành mạnh.

Theo Le Monde, báo cáo của WHO, dựa trên 35 nghiên cứu điển hình, chứng minh những công ty trong các lĩnh vực công nghiệp này sử dụng phương pháp thực hành gần như giống hệt nhau để tiếp cận toàn bộ hệ thống y tế, chính trị, kinh tế và truyền thông nhằm phục vụ lợi ích riêng. Ngoài ra, việc hợp nhất các ngành công nghiệp này thành một số ít công ty đa quốc gia “đã tạo điều kiện đáng kể ở nơi họ hoạt động, đồng thời cản trở các quy định về lợi ích công có thể ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận của họ”. Điều này có tác động trực tiếp đến sự gia tăng các bệnh không lây nhiễm - về cơ bản là bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường và các bệnh hô hấp mãn tính, nguyên nhân gây ra 90% số ca tử vong ở châu Âu.

Báo cáo của WHO nhằm mục đích kêu gọi các nghị sĩ châu Âu và những người có khả năng đưa ra quyết định mới được bầu trong cuộc đua vào Nghị viện châu Âu (EP) ngày 9/6 vừa qua, có những chính sách thiết thực trước tình trạng đáng lo ngại nói trên. Ông Hans Kluge, Giám đốc Văn phòng châu Âu của WHO cho biết, đã đến lúc giới chức “lục địa già” cần hành động.

Những con số đáng lo ngại ảnh 1

Gần 60% người trưởng thành ở châu Âu bị thừa cân hoặc béo phì. Ảnh: UNSPLASH

Những chiêu trò lừa dối khách hàng

Theo WHO, nỗ lực nhằm giảm bớt và ngăn chặn những tác động của ngành công nghiệp gây hại tới sức khỏe con người - chẳng hạn các bệnh liên quan tim mạch, ung thư và tiểu đường - đang bị cản trở. Lý do là những ngành công nghiệp kể trên thường sử dụng thông tin gây nhầm lẫn cho công chúng và người tiêu dùng về sản phẩm của họ cũng như tác động đối với môi trường. Trong một tuyên bố, ông Kluge cũng khẳng định: “Những ngành công nghiệp này đánh lừa thế giới thông qua hoạt động từ thiện trong khi bán các sản phẩm gây hại. Họ tài trợ cho các tổ chức từ thiện nhằm nâng cao nhận thức về bệnh ung thư vú và các mối nguy hiểm khác, song lại bán rượu gây ra những tác hại này”.

WHO cũng lưu ý, chiến thuật của các ngành trên bao gồm những chiến lược tiếp thị có mục tiêu, thông tin sai lệch, quảng cáo trên mạng xã hội và “bóp méo khoa học” như tài trợ cho các nghiên cứu nhằm thúc đẩy mục tiêu của họ. “Những chiến thuật này đe dọa lợi ích sức khỏe cộng đồng trong thế kỷ qua và ngăn cản các quốc gia đạt được mục tiêu sức khỏe của toàn dân”, quan chức cấp cao của WHO nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Ruediger Krech - Giám đốc Xúc tiến sức khỏe WHO cho biết: “Bên cạnh các chiêu trò gian lận tiếp thị, thiết kế của những đồ độc hại này cũng rất hợp với thị hiếu khách hàng. Nhiều sản phẩm có thiết kế đẹp mắt và đầy mầu sắc, thu hút trẻ em và thanh, thiếu niên”. Chỉ tính riêng ngành thuốc lá, ước tính hiện trên thị trường toàn cầu có hơn 16.000 hương vị thuốc lá điện tử và phần lớn đều rất hấp dẫn đối với giới trẻ. Hàng nghìn loại hương vị trái cây và kẹo như vậy cũng khiến các cơ quan chức năng trên thế giới gặp khó khăn trong việc quản lý.

Ngoài việc “núp bóng” hoạt động từ thiện, thiết kế bắt mắt, các ngành công nghiệp còn hợp tác với những người có ảnh hưởng để sản phẩm của họ đến gần với giới trẻ hơn. Trong khi những sản phẩm như thuốc lá, rượu, bia được tiếp thị rầm rộ cho giới trẻ, ngành công nghiệp này vẫn tiếp tục khẳng định rằng những sản phẩm này dành cho người lớn. “Chúng ta không thể khoanh tay đứng nhìn chuyện này xảy ra”, ông Krech cho biết.

Theo Le Monde, trước đây một số quốc gia châu Âu đã có những biện pháp nhằm giảm tình trạng sử dụng những đồ độc hại. Nga từ năm 2012 đã cấm quảng cáo đồ uống có cồn trên tivi, radio, báo in, internet, phương tiện giao thông công cộng và biển quảng cáo ngoài trời. Dù vậy, các cửa hàng và kios vẫn có thể quảng cáo. Trong khi đó, tại Pháp, quảng cáo về đồ uống có cồn (nồng độ hơn 1,2%) không được phép xuất hiện trên tivi hay rạp chiếu phim. Ở những nơi được quảng cáo, quảng cáo không được nhằm đến giới trẻ. Một số nước khác cũng yêu cầu người hơn 20 tuổi mới được phép mua đồ uống có cồn. Tuy nhiên, giới chức châu Âu cũng cho biết, những bộ luật này đã được nới lỏng trong những năm gần đây.

Do đó, qua bản báo cáo trên, WHO kêu gọi các nước cần áp dụng các quy định nghiêm ngặt hơn đối với hoạt động quảng cáo sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Trong khi đó, Quỹ Nghiên cứu ung thư thế giới khuyến khích mọi người nên ăn chay thường xuyên hơn và hạn chế uống rượu để giảm nguy cơ mắc bệnh. Giám đốc khu vực châu Âu của WHO kêu gọi tăng thuế, hạn chế về tính sẵn có và quảng cáo, cũng như cấm dùng các chất tạo hương liệu. “Việc sử dụng tràn lan các chất gây hại cho trẻ em tại nhiều quốc gia là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng”, ông Kluge đánh giá.

Tuy nhiên, các ngành công nghiệp nguy hiểm trên đều mang lại lợi nhuận khổng lồ. Nếu không có những biện pháp chế tài nghiêm ngặt, các ngành này vẫn sẽ tìm cách vận động hành lang, lách luật để tiếp cận khách hàng. Giới phân tích cho rằng, điều quan trọng là tuyên truyền tới người dân, giúp họ chủ động rời xa các tác nhân gây hại cho sức khỏe.