Kiểm soát vận chuyển chất thải nguy hại

Công ước Basel về kiểm soát vận chuyển xuyên biên giới chất thải nguy hại và việc tiêu hủy chúng kể từ khi được thông qua đến nay đã góp phần thực hiện tốt hơn mục tiêu quản lý, tái chế và xử lý chất thải nguy hại hiệu quả, bảo đảm sức khỏe con người và môi trường.
0:00 / 0:00
0:00
Rác thải nhựa đã được bổ sung vào quy định của Công ước Basel. Ảnh: CNN
Rác thải nhựa đã được bổ sung vào quy định của Công ước Basel. Ảnh: CNN

Văn bản ràng buộc về pháp lý trên toàn cầu

Chất thải nguy hại là các loại vật liệu bị loại bỏ có thể gây hại cho sức khỏe con người hoặc môi trường, bao gồm chất thải có chứa kim loại nặng, hóa chất độc hại, chất thải y tế truyền nhiễm, đồ điện tử, nhựa và các chất ăn mòn, dễ cháy, nổ hoặc phóng xạ. Tiến sĩ Pamela Chasek, chuyên gia về quan hệ quốc tế và chính trị môi trường tại Trường đại học Manhattan của Mỹ cho biết, vào những năm 1970 và 1980, các nước phát triển đã ban hành các quy định điều chỉnh việc xử lý chất thải nguy hại, dẫn đến việc một số công ty bắt đầu tìm kiếm những địa điểm xử lý rẻ hơn. Kết quả là, hoạt động vận chuyển chất thải nguy hại xuyên biên giới gia tăng đáng kể.

Trong giai đoạn này, đã xảy ra một số vụ đổ chất thải bất hợp pháp, trong đó có vụ việc tàu chở hàng Khian Sea vào năm 1986 đã ra khơi để tìm kiếm địa điểm xử lý 14.000 tấn tro lò đốt có chứa hàm lượng chì, cadmium và các kim loại nặng khác cao có nguồn gốc từ các lò đốt ở Mỹ. Con tàu ở lênh đênh trên biển suốt gần 2 năm. Trong thời gian đó, nó đã đổ 4.000 tấn tro ở Haiti trước khi đổ 10.000 tấn còn lại tại các địa điểm khác nhau ở Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương.

Việc rác thải khi được nhập khẩu vào các nước đang phát triển không được xử lý đúng cách, thậm chí được mang đi đổ bừa bãi, dẫn đến ô nhiễm đất, nguồn nước và không khí, gây ra các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe đã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải phát triển và thực hiện các biện pháp kiểm soát việc vận chuyển rác thải quốc tế. Từ năm 1988, dưới sự bảo trợ của Chương trình Môi trường LHQ (UNEP), một thỏa thuận đa phương mang tên Công ước Basel về kiểm soát vận chuyển xuyên biên giới chất thải nguy hại và xử lý chúng (gọi tắt là Công ước Basel) được khởi động đàm phán.

Đến ngày 22/3/1989, Công ước Basel chính thức được thông qua và có hiệu lực từ ngày 5/5/1992, sau khi được 20 quốc gia phê chuẩn. Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế cho biết, là văn bản có tính ràng buộc về mặt pháp lý có phạm vi toàn cầu duy nhất ở thời điểm đó được thiết kế để bảo vệ sức khỏe con người và môi trường thông qua việc kiểm soát vận chuyển chất thải độc hại, Công ước Basel hướng đến các mục tiêu chính là giảm thiểu việc tạo ra chất thải nguy hại, bảo đảm các chất thải nguy hại được xử lý theo cách thức thân thiện với môi trường và càng gần nguồn phát sinh càng tốt, đồng thời giảm thiểu việc vận chuyển chất thải nguy hại ra nước ngoài.

Theo Công ước Basel, việc xuất khẩu chất thải chỉ diễn ra trong các trường hợp như quốc gia xuất khẩu không có đủ năng lực xử lý hoặc tái chế, quốc gia xuất khẩu không có cơ sở xử lý và tái chế có thể quản lý chất thải theo cách thân thiện với môi trường, hoặc quốc gia nhập khẩu có nhu cầu sử dụng chất thải xuất khẩu làm nguyên liệu thô cho các ngành công nghiệp tái chế, phục hồi. Công ước cũng cấm việc vận chuyển chất thải giữa các nước tham gia và các nước không phải là bên tham gia, trừ khi các hoạt động vận chuyển này diễn ra theo một thỏa thuận riêng.

Để nâng cao hiệu quả và trách nhiệm giải trình, Công ước Basel quy định việc thành lập Hội nghị các bên tham gia (COP) và Ban thư ký. Trong đó, COP là cơ quan xây dựng các hướng dẫn chính sách của Công ước, cũng là cơ quan triệu tập các cuộc họp để xem xét việc thực hiện Công ước và đưa ra các sửa đổi mới. Đến nay, có 190 quốc gia và Ủy ban châu Âu (EC) là các bên tham gia Công ước.

Tăng cường hiệu lực của Công ước

Năm 2006, một vụ việc gây sốc đã xảy ra, cho thấy rõ những nguy hiểm liên quan hoạt động buôn bán chất thải nguy hại. Cụ thể, một tàu chở hóa chất của Hà Lan chở hơn 400 tấn chất thải công nghiệp độc hại đã cập cảng Abidjan (Bờ Biển Ngà). Chất thải bị ô nhiễm sau đó đã được chuyển đến các xe bồn và được đem đi đổ tại 16 bãi rác lộ thiên chung quanh thành phố Abidjan. Khí độc tỏa ra từ các bãi rác đã khiến ít nhất 15 người tử vong, hàng nghìn người phải nhập viện và hơn 100.000 người phải điều trị y tế. Nhiều hoạt động đánh bắt cá, trồng rau và chăn nuôi nhỏ đã phải dừng lại, các doanh nghiệp liên quan phải đóng cửa vì ô nhiễm. Vụ việc gây chấn động đến mức buộc các thành viên Chính phủ Bờ Biển Ngà phải từ chức.

Để tăng cường hiệu quả trên thực tế của Công ước Basel, Hội nghị lần thứ 10 của các bên tham gia Công ước Basel (COP 10) đã thông qua một kế hoạch hành động và khuôn khổ chiến lược cho giai đoạn 2012 - 2021. Theo đó, lần đầu Công ước có một kế hoạch hành động với các mục tiêu cụ thể và chỉ số hiệu suất để đo lường việc thực hiện. Kế hoạch này cũng bao gồm việc thành lập các Trung tâm Công ước Basel khu vực để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện Công ước ở các nước đang phát triển; tăng cường hiệu quả của Công ước Basel thông qua việc xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật đối với những loại chất thải nguy hại khác nhau để hỗ trợ việc quản lý chất thải nguy hại bảo đảm thân thiện với môi trường.

Qua thời gian, Công ước Basel cũng đã có những sửa đổi để phù hợp tình hình và yêu cầu mới. Gần đây, quản lý rác thải nhựa trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu nhưng rác thải nhựa không nằm trong phạm vi phân loại ban đầu của Công ước Basel về các chất nguy hại. Để khắc phục khoảng trống này, theo CNN, COP 14 diễn ra vào năm 2019 đã bỏ phiếu thông qua các sửa đổi bổ sung đối với Phụ lục 2, 8 và 9 của Công ước để đưa nhựa vào danh mục chất thải thuộc phạm vi điều chỉnh trong Công ước, nhằm giải quyết vấn đề buôn bán rác thải nhựa.

Trong bối cảnh việc nhập khẩu, xuất khẩu và vận chuyển rác thải điện tử có thể gây ra rủi ro cho cả môi trường và sức khỏe con người, năm 2022, COP 15 cũng đã nhất trí sửa đổi phụ lục Công ước Basel, quy định áp dụng các biện pháp kiểm soát đối với việc vận chuyển xuyên biên giới tất cả chất thải điện tử để hỗ trợ cho việc quản lý thân thiện với môi trường. Những sửa đổi này sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2025.

Các chuyên gia cho rằng, một trong những đóng góp quan trọng của Công ước Basel là việc tăng cường luật pháp của các nước liên quan vấn đề quản lý chất thải nguy hại. Theo Công ước, các bên tham gia có trách nhiệm ban hành các quy định và tiêu chuẩn riêng của mình đối với việc vận chuyển rác thải xuyên biên giới. Đến đầu năm 1994, tức chỉ 5 năm sau khi Công ước được thông qua, đã có hơn 100 nước đã thông qua luật trong nước cấm nhập khẩu chất thải nguy hại.

Ngoài ra, các nước tham gia Công ước cũng tăng cường nội luật hóa, sửa đổi các quy định của pháp luật trong nước bảo đảm phù hợp các cập nhật của văn bản này. Một báo cáo mới đây của Bộ Môi trường New Zealand cho hay, là một bên tham gia Công ước Basel, nước này sẽ sửa Luật Cấm xuất, nhập khẩu năm 2004, bổ sung các quy định liên quan rác thải điện tử cho phù hợp văn bản và phụ lục mới của Công ước. Trong đó, kể từ ngày 1/1/2025, các công ty nhập khẩu rác thải điện tử vào hoặc xuất khẩu rác thải điện tử từ New Zealand ra nước ngoài sẽ phải có giấy phép từ Cơ quan Bảo vệ môi trường trước có thể vận chuyển bất kỳ loại rác thải điện tử nào qua biên giới quốc tế.

Hiện nay, sự gia tăng của các loại rác thải thuộc diện quản lý theo Công ước Basel cũng đang đặt ra cho các quốc gia yêu cầu phải xây dựng các quy định để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, thực hiện tốt hơn mục tiêu quản lý, tái chế và xử lý chất thải nguy hại hiệu quả hơn, bảo đảm sức khỏe con người và môi trường.