Vai trò quan trọng
Tại đảo quốc Cabo Verde, cá giữ vai trò cực kỳ quan trọng đối với an ninh lương thực và dinh dưỡng của người dân, với mức tiêu thụ hằng năm ước tính là 11,2 kg/người. Thủy sản cũng là ngành kinh tế quan trọng nhất, đóng góp 80% kim ngạch xuất khẩu của nước này. Kết quả cuộc điều tra dân số mới nhất ở Cabo Verde cho thấy, trong tổng số hơn 593.000 người dân của đảo quốc này có tới hơn 70.000 người làm việc trong ngành thủy sản, gồm nhiều phụ nữ. Đặc biệt, 86% những người bán cá ở Cabo Verde là phụ nữ.
Theo một báo cáo của Cơ quan LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), phụ nữ chiếm gần một nửa số lao động trong ngành thủy sản trên toàn cầu. Nữ giới tham gia gần như tất cả hoạt động trong chuỗi giá trị thủy sản như đánh bắt, thu hoạch, chế biến, nhưng chủ yếu là các hoạt động sau thu hoạch. Hoạt động của họ góp phần quan trọng vào việc bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng cũng như thu nhập của gia đình họ.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của LHQ (FAO) dựa trên các thống kê cũng chỉ ra rằng, 14% trong số 59,6 triệu ngư dân tham gia hoạt động đánh bắt thủy sản là phụ nữ. Tuy nhiên, nếu xem xét toàn bộ các hoạt động trong chuỗi giá trị thủy sản thì sự tham gia của phụ nữ và nam giới gần như bằng nhau. Trên toàn cầu, trong ngành thủy sản nội địa và chuỗi giá trị của ngành này, khoảng 35 triệu trong số 60 triệu lao động là phụ nữ, tức bằng gần 60%.
Forbes dẫn một nghiên cứu do Tiến sĩ Sarah Harper, chuyên gia quản lý tài nguyên chủ trì thực hiện, với sự hợp tác của sáng kiến “Biển quanh ta”, khẳng định trong suốt chiều dài lịch sử, những công việc trong ngành thủy sản đều có sự tham gia của phụ nữ. “Họ có mặt trong toàn bộ quy trình nghề cá, từ khâu đánh bắt cho đến khi tiêu thụ”, Tiến sĩ Harper nói.
Để phụ nữ không bị bỏ lại phía sau
Đến nay, nhiều người vẫn coi nghề cá là nghề của nam giới. Phụ nữ thường chỉ được làm việc bán thời gian do còn trách nhiệm chăm sóc và làm việc nhà. Họ có rất ít quyền thương lượng nên buộc phải chấp nhận mức lương thấp hơn nam giới dù cùng làm công việc như nhau. Việc thiếu các quy định về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp cũng dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe mãn tính đối với phụ nữ.
Tại Cabo Verde, tương tự một số nước Tây Phi khác, phụ nữ chủ yếu làm các công việc sau đánh bắt, được trả lương thấp như chế biến và bán cá. Các số liệu thống kê về nghề cá thường không nêu những đóng góp và sự tham gia của phụ nữ, dẫn đến việc họ không có tiếng nói trong các quyết định liên quan trực tiếp nghề cá và cũng là đối tượng có nhiều khả năng bị bỏ lại phía sau trong các chính sách quốc gia. Bà Katya Neves, trợ lý Đại diện FAO tại Cabo Verde cho biết, ở nước này, nhiều cụ bà tuổi đã rất cao nhưng phải tiếp tục bán cá ở chợ để mưu sinh.
Theo UN Women, một phần lý do khiến công việc của phụ nữ trong ngành thủy sản nhìn chung không được công nhận và không được coi trọng là do thuật ngữ “đánh bắt thủy, hải sản” thường được hiểu là hành động đánh bắt bằng tàu, thuyền. Đây cũng được xem là hoạt động chính trong ngành thủy sản. Vì được định nghĩa hẹp như vậy nên khi nói đến “đánh bắt thủy, hải sản”, người ta thường không tính đến hoạt động liên quan khai thác thủy sản trên bờ, ở các vùng triều, sông và vùng nước nông. Trong khi đó, hoạt động đánh bắt bằng tàu và thuyền thường do nam giới thực hiện, còn các hoạt động đánh bắt, thu lượm trên bờ và chế biến chủ yếu do phụ nữ thực hiện. Vì lẽ đó, công việc của phụ nữ không được công nhận là hoạt động kinh tế và sự tham gia đáng kể của họ cũng không được thống kê đầy đủ, dù trên thực tế, phụ nữ ở Malaysia thường đánh bắt thủ công bằng câu hoặc bẫy ở gần bờ, còn phụ nữ Mauritius đánh bắt bạch tuộc ở đầm phá, phụ nữ Oman dùng tay để bắt ốc và các loài nhuyễn thể, hải sâm…, đem lại nguồn thực phẩm và thu nhập đáng kể.
Trong bối cảnh lao động di cư như hiện nay, sự gia tăng của lực lượng lao động nước ngoài cũng đã dẫn đến tình trạng phụ nữ ven biển ở một số nước dần dần bị thay thế bằng lao động nước ngoài, khiến cho sinh kế của họ vốn đã không tốt càng trở nên bấp bênh.
Tăng cường các sáng kiến hỗ trợ phụ nữ
Để thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) của LHQ, các chuyên gia đều nhấn mạnh sự cần thiết chú ý tới vấn đề bình đẳng giới và tính toán một cách chính xác sự đại diện của các giới trong các ngành nghề, bao gồm thủy sản. Việc trao quyền cho phụ nữ trong chuỗi giá trị thủy sản không chỉ là vấn đề công bằng xã hội mà còn là yếu tố quan trọng để bảo đảm sự phát triển bền vững của nghề cá. “Việc công nhận những đóng góp của phụ nữ sẽ mang lại lợi ích kinh tế, xã hội và văn hóa cho cộng đồng”, Tiến sĩ Harper nói.
Hướng đến mục tiêu này, theo một báo cáo của FAO, cần công nhận, thúc đẩy và bảo vệ vai trò cũng như đóng góp quan trọng của phụ nữ trong chuỗi giá trị thủy sản. Cùng với đó, cần bảo đảm tích hợp bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong các chính sách và chiến lược thủy sản ở mọi cấp độ; thực hiện các bước để bảo đảm trao quyền kinh tế, xã hội và chính trị cho phụ nữ trong toàn bộ ngành nghề này, trong đó có các biện pháp về chính sách để thu hẹp khoảng cách lương theo giới tính, bảo đảm điều kiện làm việc cho phụ nữ…
Điều đáng mừng là hiện nay, nhiều biện pháp tích cực nhằm cải thiện sự tham gia cũng như vai trò của phụ nữ trong chuỗi giá trị thủy sản đã được triển khai, mang lại hiệu quả tốt. Tại Comoros, chính quyền đã ban hành bộ hướng dẫn, theo đó khuyến khích các bên liên quan trong ngành thủy sản áp dụng các công nghệ phù hợp ngành thủy sản truyền thống để tăng giá trị gia tăng của các sản phẩm lao động của phụ nữ, đồng thời giảm tiếp xúc của họ đối với các yếu tố có hại tới sức khỏe. Tại Kenya, Viện Nghiên cứu Thủy sản và Hàng hải Kenya cũng đã xây dựng một mạng lưới thông tin nghề cá, cho phép phụ nữ truy cập thông tin thị trường qua điện thoại di động, từ đó giúp cải thiện thu nhập lên đến 20%.
Ngoài ra, những giải pháp nhằm nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng, hỗ trợ cải thiện và mở rộng cơ hội việc làm và điều kiện sống cho phụ nữ làm nghề cá cũng đã được chú trọng, như sáng kiến nhằm trao quyền kinh tế cho phụ nữ mang tên Kudumbashree của chính quyền bang Kerala ở miền nam Ấn Độ. Dựa trên quan điểm cho rằng, trao quyền cho phụ nữ là biện pháp tốt nhất để xóa đói giảm nghèo, Kudumbashree (có nghĩa là “sự thịnh vượng của gia đình”) hỗ trợ việc thành lập các nhóm và các doanh nghiệp nghề cá siêu nhỏ do phụ nữ làm chủ, từ đó giúp họ gia tăng sản lượng và thu nhập.
Về mặt quy định, tại Senegal, với việc được công nhận chính thức, những người phụ nữ bán cá có thể tiếp cận các chương trình tín dụng vi mô và các tổ chức nghề cá chuyên nghiệp. Tại Pháp, Luật Nghề cá cũng cho phép những người phụ nữ làm việc trong doanh nghiệp đánh bắt cá gia đình đại diện cho doanh nghiệp, được bầu vào hội đồng quản trị của các tổ chức đánh bắt cá và tham gia vào các chương trình an sinh xã hội dành cho ngư dân.
Sự tham gia của phụ nữ vào quá trình hoạch định chính sách và ra quyết định chính sách được xem là chìa khóa để phát triển các chiến lược phù hợp nhằm xóa đói giảm nghèo và bảo đảm an ninh lương thực, đặc biệt là trong bối cảnh các điều kiện toàn cầu đang thay đổi như hiện nay. Sự tham gia của các cộng đồng ngư dân, đặc biệt là phụ nữ, cũng đóng vai trò rất quan trọng đối với việc quản lý nghề cá bền vững. Điển hình như tại Tây Ban Nha, phụ nữ ở Galicia đã thành lập các hiệp hội và tác động đến chính quyền để có hành động quyết đoán nhằm tránh khai thác quá mức các loài nhuyễn thể, bảo đảm nguồn lợi thủy sản cho tương lai.