Những cạm bẫy nơi đất khách (kỳ 3)

Thực tế hoạt động của các ổ nhóm tội phạm đang đe dọa trực tiếp tới đời sống của người dân nơi có các “biệt khu”. Số vụ gây rối, thanh toán lẫn nhau, bắt cóc tống tiền, giết người diễn ra thường xuyên.
0:00 / 0:00
0:00
Bên trong mỗi khu phức hợp luôn có công dân của nhiều quốc gia đang “làm việc”.
Bên trong mỗi khu phức hợp luôn có công dân của nhiều quốc gia đang “làm việc”.

(Tiếp theo và hết)

Kỳ 3: Cảnh báo và ngăn chặn

Xu hướng dịch chuyển của tội phạm có tổ chức

Để xuống Sihanouk Ville từ Phnom Penh mất 6 giờ đồng hồ cho một quãng đường dài không đầy 200km. Tuy nhiên, “thổ địa” - một cậu lái xe người địa phương chúng tôi thuê được từ thủ đô Campuchia đã tìm cách đi tới đó bằng đường cao tốc. “Dù rằng con đường này chưa được đưa vào hoạt động nhưng nếu gặp các chốt ở trên đường thì cứ đưa tiền là sẽ được đi qua”. Thực tế chứng minh đúng y như thế. Chiếc xe ô-tô xé mưa chạy với tốc độ trung bình 140-160km/h giúp chúng tôi đi nhanh hơn nhiều.

Nhìn từ xa, thành phố Sihanouk Ville trông lổn nhổn bởi những tòa cao ốc khá tráng lệ nằm lẫn vào với những tòa nhà đang được xây dựng dở dang. Các tòa nhà xây dở ấy có lẽ đã bị dừng xây dựng cách đây vài năm bởi những rêu phong đã bắt đầu bám xanh từng tầng bê-tông trơ trọi. “Đến khu China Town, không ai được đi ra ngoài quay phim, chụp hình nếu như không muốn gặp rắc rối” lời dặn của người dẫn đường coi như thừa bởi với đám bảo vệ được trang bị tận răng ngồi chung quanh cả khu nhà được chăng dây thép gai trên những bờ tường cao chừng 5 mét, chẳng ai dại gì mà ló mặt ra kiếm chuyện.

Khu China Town là một biệt khu gồm hàng chục tòa nhà 4 tầng được bao quanh bởi các bức tường cao, phía giáp với khu đất trống bên ngoài là một hào nước sâu rộng chừng 2m. Các cánh cổng sắt bít bùng được chia làm hai lớp. Bên ngoài là barie do nhiều người canh giữ. Những cánh cửa và cửa sổ ở tất cả các tầng đều được bịt kín bằng nhiều thanh sắt lớn và dày. Ở đây luôn trong tình trạng “nội bất xuất ngoại bất nhập”. Để ra được phía ngoài, chỉ có thể là người của ông chủ. Trong quá trình đi thực địa, người dẫn đường sau khi nghe điện thoại đã lập tức yêu cầu chúng tôi thay đổi lộ trình “xong việc phải về ngay, nếu không sẽ gặp rắc rối vì dưới này đang loạn. Hầu hết các tuyến xe công cộng rời khỏi Sihanouk Ville đều đang bị dừng lại.”

Hôm ấy là ngày 18/9. Một ngày sau thì diễn ra các cuộc truy quét đối tượng hoạt động cờ bạc trái phép tại Sihanouk Ville. Con số đối tượng bị bắt giữ ở đây không được công bố cụ thể.

Ngay sau khi có các thông tin về người Việt Nam bị lừa đảo, bán sang Campuchia làm lao động cưỡng bức, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các địa phương, đặc biệt là các địa phương giáp biên giới Campuchia đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng của Campuchia xác minh thông tin, triển khai các biện pháp bảo hộ công dân. Ông Nguyễn Minh Vũ - Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao đã cung cấp thông tin tại phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày 6/9/2022. Ông Vũ cũng cho biết, đến nay, các cơ quan đại diện của Việt Nam đã phối hợp cứu thoát và đưa khoảng 600 công dân về nước an toàn cũng như hỗ trợ thủ tục cho nhiều người khác. Cho tới thời điểm hiện tại, số lượng người được cứu thoát và đưa về nước vào khoảng gần 1.000 người.

Bộ Công an cũng đã chỉ đạo cảnh sát hình sự, cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục An ninh mạng, công an địa phương, đặc biệt là công an các địa phương giáp Campuchia, phối hợp cùng bộ đội biên phòng tiến hành điều tra, xác minh đường dây buôn người sang Campuchia và bước đầu kết quả điều tra tương đối tốt. Trong sáu tháng đầu năm nay, Bộ Công an đã triệt phá nhiều ổ nhóm, bắt giữ nhiều đối tượng đưa người đi lao động trái phép tại Campuchia và phát các cảnh báo công dân liên quan tới vấn đề này.

Không chỉ có người Việt Nam, nạn nhân các đường dây lừa đảo “việc nhẹ lương cao” đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Việt Nam.

Một số đánh giá cho biết, sau lệnh cấm các loại hình cờ bạc trực tuyến tại Campuchia năm 2019, đã có khoảng 20 nghìn người rời bỏ Sihanouk Ville. Trong năm 2020 do dịch nên loại hình tội phạm lừa đảo qua app bị hạn chế song trở lại bùng phát sau tháng 4/2020. Nhiều nguồn tin cho biết, các khu vực tội phạm người nước ngoài tại Campuchia lựa chọn để “đóng đô” là Phnom Penh, khu vực Bavet (giáp cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh, Việt Nam), khu vực Kaldal (giáp Long Bình, An Phú, An Giang, Việt Nam). Tính riêng tại Sihanouk Ville có khoảng 30 khu phức hợp “nổi danh” như Kaibo (thuộc khu Chinatown), White sand palace; Victoria Paradise; Jincai park; Crown Hitech Incubation Center; Jingang International Intertainment City (đây cũng là nơi cơ quan chức năng tiến hành giải cứu 265 công dân Việt Nam vào tháng 4/2022).

Thực trạng cho thấy, đây là loại tội phạm hết sức nguy hiểm, có phạm vi hoạt động rất rộng trên nhiều nước/vùng lãnh thổ, thủ đoạn tinh vi và quy mô ngày càng lớn, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại các quốc gia/vùng lãnh thổ có công dân là nạn nhân của chúng. Các tổ chức tội phạm này được xây dựng hết sức quy mô và hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực game online có thu tiền, lừa đảo đầu tư tài chính trong đó có tiền kỹ thuật số, quỹ đầu tư, thương mại điện tử. Chúng cũng tổ chức dụ dỗ, giam giữ và buôn bán người cùng với nhiều hình thức kinh doanh và phạm tội khác như mại dâm, cướp bóc, bắt cóc tống tiền. Về cơ cấu tổ chức, các nhóm tội phạm này đều có sự phân công rõ ràng về chức năng (thành lập tổ nhóm, phòng làm việc tập trung, các nhóm được phân công lừa đảo công dân của từng nước).

Ngày 19/9 vừa qua, các cơ quan chức năng ở Campuchia đã tiến hành truy quét các sòng bài phi pháp ở Phnom Penh, Kaldal và Sihanouk Ville. Truyền thông tại Campuchia cho biết giới chức nước này đã tiến hành truy quét khoảng 900 tụ điểm đánh bạc trái phép ở ba địa phương. Đã có khoảng 500 người bị bắt giữ vì một số tội danh liên quan. Cho tới thời điểm hiện tại (thông tin từ Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cho biết, tới ngày 15/11/2022, đã có 1.250 người được cơ quan chức năng phối hợp với phía nước bạn đưa về Việt Nam.)

Cần sự phối hợp nhuần nhuyễn và đồng bộ

Từ thực tế đang diễn ra, các quốc gia trong khu vực cần có sự phối hợp chặt chẽ, quyết liệt, nhanh chóng vào cuộc, triển khai các giải pháp phù hợp để kịp thời ngăn chặn và cảnh báo công dân của mình, tránh khỏi cạm bẫy “việc nhẹ, lương cao”.

Bộ Ngoại giao, Bộ Công an đã có những hành động thiết thực nhằm phối hợp với các quốc gia liên quan trong việc ngăn chặn tình trạng buôn bán người, giải cứu và bảo hộ công dân. Trên cơ sở đó, các cơ quan đại diện của Việt Nam tại các quốc gia cần phối hợp và trao đổi thường xuyên với các cơ quan đại diện nước bạn, cung cấp thông tin kịp thời, cảnh báo trên nhiều phương tiện thông tin đối với công dân nước mình và các nước khác về những hành vi lừa đảo buôn bán người. Triển khai đường dây nóng bảo hộ công dân cũng như hỗ trợ công dân khi họ cần sự giúp đỡ. Duy trì trao đổi thông tin thường xuyên với chính quyền địa phương, đặc biệt là các hội/nhóm đồng hương... để nắm tình hình, kịp thời bảo hộ công dân khi cần thiết.

Vấn đề quan trọng hàng đầu là nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên trong độ tuổi lao động, chưa có việc làm hoặc lao động tự do, thu nhập thấp. Trong đó, công tác tuyên truyền phải được triển khai đồng bộ và rộng khắp. Các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, trang thông tin điện tử, các diễn đàn... cần phổ biến thường xuyên các cách thức, thủ đoạn của đối tượng lừa đảo để cảnh báo, đồng thời, hướng dẫn người dân cách thức phòng, chống và cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng kịp thời. Để triển khai rộng khắp xuống từng địa phương, cần phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ... trong việc nâng cao nhận thức cho hội viên trong việc phòng, chống lừa đảo buôn bán người. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng có liên quan đến việc lao động ra nước ngoài làm việc cần có những hướng dẫn cụ thể, công khai, minh bạch để thuận tiện cho người lao động tham khảo khi có nhu cầu. Những hướng dẫn này có thể thiết lập thành trang thông tin điện tử riêng hoặc sách, cẩm nang để dễ dàng cho người lao động sử dụng.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, các lực lượng chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý địa bàn, kịp thời phát hiện, ngăn chặn tội phạm mua bán người; tập trung tại các địa bàn trọng điểm, khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối mở, đường tắt qua lại biên giới. Kiểm soát chặt chẽ việc giao dịch qua tài khoản tại các ngân hàng có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, đặc biệt là việc giao dịch nhiều tài khoản cùng một lúc tại một địa chỉ ip.

Trong trường hợp đã xảy ra sự việc, nạn nhân hoặc người nhà nạn nhân cần nhanh chóng liên hệ, cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng về đối tượng lừa đảo để điều tra, hỗ trợ nạn nhân. Đồng thời, tích cực tham gia phát hiện, báo tin về các vụ việc, đối tượng nghi vấn môi giới, tổ chức đưa người đi lao động trái phép để có biện pháp đấu tranh, xử lý kịp thời, không để hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Về một số trường hợp cụ thể, khi có nhu cầu xuất khẩu lao động, người dân cần liên hệ với các cơ quan, tổ chức có chức năng được Nhà nước cấp phép để bảo đảm quyền lợi của mình. Người dân cần biết và không tham gia đánh bạc, đầu tư trên các trang web, các app không được Nhà nước cấp phép hoạt động vì phần lớn đây là các app lừa đảo và quyền lợi của nhà đầu tư không được bảo đảm. Người dân cũng không nên cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản trên mạng internet hoặc chuyển tiền cho bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào có biểu hiện nghi ngờ cũng như có các dấu hiệu lừa đảo. Người dân cũng không nên vay tiền trên các app không được Nhà nước cấp phép hoạt động, khi có nhu cầu vay thì nên đến các tổ chức tín dụng được phép để được tư vấn, hướng dẫn thủ tục vay tiền nhằm bảo vệ quyền lợi của mình trước pháp luật. Khi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn có dấu hiệu nghi vấn, không rõ ràng, mạo danh từ các cơ quan chức năng, ngân hàng, cần liên lạc với cơ quan Công an nơi gần nhất để được hướng dẫn giải quyết...

Với các giải pháp quyết liệt và đồng bộ từ phía cơ quan chức năng và nhận thức của người dân được nâng cao, tình trạng lừa đảo “việc nhẹ, lương cao” nói riêng và các hình thức lừa đảo qua mạng, cũng như nguy cơ trở thành món hàng cho các băng nhóm tội phạm quốc tế sẽ được ngăn chặn kịp thời.

Những cạm bẫy nơi đất khách (kỳ 2)

Những cạm bẫy nơi đất khách (Kỳ 1)