1/Gần chục năm nay, người dân ở đây đều quen với hình ảnh hễ vào giờ tan tầm, lúc mọi nhà đang quây quần lo cho bữa cơm chiều thì anh Khánh lại dắt xe máy ra khỏi nhà. Ai cũng biết, anh đi chữa bệnh cho người nghèo. Anh Khánh chia sẻ: “Xong việc cơ quan, đã thành thói quen cứ chiều làm về, tôi chỉ kịp cắm nồi cơm cho vợ con là phải đi. Trên đó bà con đang chờ…”.
Chiếc xe máy cà tàng gắn bó với anh hơn chục năm nay, theo đường Nguyễn Lương Bằng ngược hướng Hải Vân thuộc địa phận Nam Ô. Vòng qua mấy con hẻm ngoằn ngoèo, chúng tôi dừng lại trước ngôi nhà tương đối khang trang. Anh Khánh xuống xe, giới thiệu, đây là Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn 4, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu và cũng là địa điểm khám, chữa bệnh cho bà con gần chục năm nay. Chúng tôi có mặt lúc 17 giờ 45 phút nhưng trước đó đã có mấy người chờ sẵn. Bà Nguyễn Thị Gia, ngoài 80 tuổi (phường Hòa Hiệp Bắc) bị đau khớp 8 năm nay. Ngày nào bà cũng đến đây làm vật lý trị liệu, châm cứu. Bà cho biết: “Đã thành thông lệ, bất luận nắng hay mưa, cứ 18 giờ, bác Khánh đến mở cửa. Người già, người có hoàn cảnh khó khăn mắc bệnh hiểm nghèo khắp địa bàn tìm đến đây như một địa chỉ tin cậy. Bác vô đây chữa bệnh cho người dân đỡ khổ”.
Vừa mở cửa, anh Khánh nhận được điện thoại. “Bác Khánh ơi! Hôm nay bác có lên không? Tui xuống nhé! Mấy bữa ni trở trời lại đau” - “Dạ có! Mời cô xuống đi ạ”. Người vừa gọi là bà Phạm Thị Chữ, 70 tuổi, mắc bệnh hiểm nghèo. Hơn một năm nay, bà bị thêm bệnh thoát vị đĩa đệm. Sức khỏe đã yếu lại còn bị những cơn đau hành hạ, nhiều khi cuộc sống rơi vào bế tắc. Thế rồi trong cơn tuyệt vọng, nghe giới thiệu, bà đến nhà sinh hoạt cộng đồng tìm gặp anh Khánh. Được chữa bệnh, tư vấn chu đáo, đến nay không những bệnh tình thuyên giảm mà tinh thần bà đã trở nên lạc quan, vui vẻ hơn. Bà Phạm Thị Chữ nói: “Bác Khánh không lấy đồng mô hết, giúp cho dân rất nhiều. Tui nói thiệt chứ tui chỉ biết cảm ơn bác Khánh thôi, chừ đi lại được, bà cháu tôi, gia đình tôi mang ơn bác”.
2/Năm 2014, lúc này anh Khánh đang là quân y sĩ của Đồn Biên phòng Hải Vân, được cấp trên điều động về Tổ quân y, phòng Hậu cần Kỹ thuật công tác. Bà con ở khu vực Đồn Biên phòng đã đến xin anh ở lại để chữa bệnh cho người dân. Trân quý những tình cảm của mọi người, từ đó anh đã thành lập “phòng khám không đồng” tại đây để phục vụ bà con trong giờ nghỉ, ngày nghỉ. Cô Trần Thị Tuyết, Chi hội trưởng Phụ nữ 4 (phường Hòa Hiệp Bắc) xúc động: “Bác Khánh là bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng về đây làm mô hình phòng khám không đồng hỗ trợ cho các cụ già đau ốm, bệnh tật khó khăn mà bác Khánh vẫn không lấy của hộ dân đồng bạc mô hết. Sự quan tâm, giúp đỡ của bác Khánh giúp người dân hết lòng, đó là cái tình đồng bào”.
Vừa chuẩn bị máy móc châm cứu cho người bệnh, anh ân cần hỏi thăm tình hình sức khỏe, hoàn cảnh gia đình của từng người. Với anh, được chữa bệnh cho bà con, không những là trách nhiệm, là lương tâm mà còn là niềm hạnh phúc. Anh Khánh tâm sự: “Các cụ như ông bà mình, vì thời gian gắn bó với nhau lâu rồi nên việc đi khám, chữa bệnh ở đây cũng đã thành một thói quen. Ngày có việc không lên được là cứ thấy vắng thiếu điều gì làm mình bứt rứt. Xong việc, kiểu gì mình cũng phải chạy lên một chút, mặc dù nhiều hôm không có người bệnh nhiều, nhưng lên nói chuyện với các cụ cho khuây rồi về”.
Ngoài châm cứu, anh Khánh còn làm vật lý trị liệu, xoa bóp cho các bệnh nhân mắc các chứng về cơ, xương, khớp. Tôi trò chuyện với chị Phạm Thị Vĩnh Hảo ở phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu đang đưa chồng là anh Phan Xuân Nghiêm sang đây điều trị. Anh Nghiêm bị viêm cột sống dính khớp hơn 10 năm nay. Mặc dù đã đi nhiều nơi để chữa trị nhưng bệnh tình không có dấu hiệu thuyên giảm. Thời gian vừa rồi đau quá…, được người quen giới thiệu, chị đưa anh tới đây chữa bệnh. Sau hai tuần tích cực điều trị, bệnh tình đã thuyên giảm dần. Anh phấn khởi: “đã đỡ được khoảng 60%, có chiều hướng rất tích cực, hiện tại đốt sống đã uyển chuyển hơn, nhẹ nhàng hơn. Trong quá trình làm thì bác Khánh là một người tận tình chu đáo, tận tụy với bệnh nhân, không những tôi mà còn nhiều bệnh nhân khác”.
Anh Khánh còn chăm sóc tỉ mỉ, chu đáo và ân cần căn dặn bệnh nhân tự tập phục hồi để bệnh tình thuyên giảm nhanh. 20 năm nay, ông Trương Công Chữ, phường Hà Khê (quận Thanh Khê) sống với một phần lá gan. Năm ngoái lại còn bị thoát vị đĩa đệm, chỉ nằm một chỗ, cơn đau hành hạ dai dẳng, tưởng chừng như không sống nổi. Và niềm vui đã tới khi ông tìm đến phòng khám Quân y Biên phòng Đà Nẵng. Ông cho biết: “Bệnh cũ của tôi đến thời điểm này đã 20 năm kể từ ngày cắt gan. Bị thoát vị đĩa đệm tôi cứ nghĩ là bệnh gan biến chứng. Tôi chữa chạy rất nhiều nơi và may mắn gặp bác Khánh. Tôi rất kính phục bác Khánh bởi tính tình nhẹ nhàng, chu đáo, chữa bệnh hiệu quả. Bệnh của tôi đã thuyên giảm nhiều”. Đến nay, ông Chữ không những đi lại được bình thường mà còn tự làm được nhiều việc gia đình.
3/Có nhiều ca bệnh mà anh Khánh nhớ mãi. Trong đó có trường hợp chị Lê Thị Thanh Hiền, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu. Năm 2009, chị bị tai nạn giao thông nghiêm trọng, tưởng không qua khỏi. Trước sự nỗ lực của y, bác sĩ, mạng sống của chị được giữ lại nhưng với bệnh án liệt tứ chi. Bà Phạm Thị Chung, mẹ chị Hiền cho biết: “Ngỡ như vô vọng chú ạ! Ra viện về em nó chỉ nằm một chỗ, như sống thực vật, cả nhà thay phiên trông nom chăm sóc”.
Thế rồi một hôm, anh Khánh đi qua nhà tình cờ phát hiện trường hợp chị Hiền. Thương hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại mất một lao động ở nhà chăm sóc chị. Anh Khánh quyết định thử sức mình chữa trị cho chị Hiền. Anh chia sẻ: “Thật ra lúc đó mình cũng không nghĩ là chữa được, chỉ biết cố gắng làm sao cho em nó ngồi dậy thôi cũng đỡ đi một người trông, tội lắm!”.
Rồi ngày nào anh Khánh cũng đến luyện tập cho chị Hiền. Anh cũng thường xuyên động viên bệnh nhân vượt qua những cơn đau để ngồi dậy, đứng dậy tập những bước đi đầu tiên. Kết hợp thuốc thang, vật lý trị liệu, sau sáu tháng chị Hiền đã đi lại được. Ngày chị Hiền bước ra được ngoài ngõ, hôm ấy bầu trời như thật xanh, chị nghĩ cuộc đời như được tái sinh. Niềm hạnh phúc dâng đầy, những giọt nước mắt sung sướng lăn dài trên má chứa chan niềm biết ơn người thầy thuốc biên phòng.
4/Sau những giờ làm việc căng thẳng, những giây phút bình yên hiếm hoi bên gia đình, anh Khánh lại giúp vợ nội trợ. Tổ ấm của anh luôn hạnh phúc vì có người vợ luôn biết cảm thông. Chị Nguyễn Thị Thúy Nga, vợ anh chia sẻ: “Khi biết anh đi làm từ thiện, chị rất ủng hộ bởi vì mình không có điều kiện nhiều về kinh tế thì mình giúp công sức. Hễ giúp được mọi người là thấy vui, hạnh phúc”.
Hằng năm, anh Khánh cùng Tổ quân y Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc cho hàng trăm lượt người. Nhiều bệnh nhân mắc nan y đã được chữa khỏi. Những hoạt động này thắt chặt thêm tình đoàn kết quân dân, góp phần chung tay bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới. Đại tá Hồ Sỹ Hậu, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng khẳng định: “Đồng chí Ninh Công Khánh là một đồng chí quân y điển hình, rất tích cực trách nhiệm nhiệt huyết với đồng bào, đặc biệt quan tâm những đối tượng người già, người neo đơn, người yếu thế và chăm sóc sức khỏe bất kỳ lúc nào nhân dân cần. Đồng chí được chính quyền và nhân dân trên các địa bàn biên giới biển của thành phố Đà Nẵng ghi nhận và đánh giá cao”.
Anh Khánh không còn nhớ hết số người mà mình đã giúp lấy lại sức khỏe, thứ quý giá nhất của con người. Từng ngày anh vẫn cần mẫn, chăm chút cho cuộc sống trở nên tươi đẹp hơn từ những điều giản dị. Với anh, cuộc đời chỉ trở nên có ý nghĩa khi biết cho đi.
Đến nay chị Hiền không những đi lại được mà còn tự làm các công việc cá nhân và có thể làm một số việc nhà, điều mà chị trước đó chưa từng nghĩ đến. Thành công đó ngoài sự nỗ lực to lớn của bản thân còn có công sức, những giọt mồ hôi và tâm huyết của người lính quân y biên phòng.