Những cạm bẫy nơi đất khách (Kỳ 1)

Việc người lao động tìm mọi cách tìm kiếm việc làm, nhất là tìm kiếm cơ hội việc làm ở nước ngoài để mong có cơ hội đổi đời là một hiện tượng khá phổ biến hiện nay, nhất là trong bối cảnh cuộc sống còn nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh. Bên cạnh những lao động được đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, ngôn ngữ, thông qua những công ty hỗ trợ xuất khẩu lao động hợp pháp để tìm kiếm cơ hội làm việc chính thức ở nước ngoài, thì vẫn có không ít người, trong đó phần lớn là các thanh, thiếu niên còn trẻ, học vấn thấp nhẹ dạ nghe theo những lời mời “có cánh” về việc nhẹ, lương cao, không đòi hỏi trình độ để tìm việc làm bất hợp pháp tại Campuchia, Philippines, Malaysia...Vụ việc hàng chục người phải lao xuống sông Bình Di phía Campuchia, hay đồng loạt bỏ chạy khỏi khu casino ở thị xã Bavet (tỉnh Svay Rieng) bất chấp nguy hiểm để mong chạy trốn khỏi những “khu nô lệ” - (lời nhân vật) rồi hàng chục người trở về từ Philippines tay trắng với gánh nặng của những món nợ “xã hội đen” mới đây đã cho thấy những nguy cơ và hệ lụy xã hội từ tình trạng này. Phóng viên báo Thời Nay đã có bài điều tra về thực trạng nêu trên.
0:00 / 0:00
0:00
Một khu vực tập trung nhiều người làm thuê ở Sihanouk Ville.
Một khu vực tập trung nhiều người làm thuê ở Sihanouk Ville.

Kỳ 1: Giấc mơ đổi đời

Đầu năm 2022, cả nước đang gồng mình chống dịch, nhiều người lao động tự do không có công ăn, việc làm ổn định nên rất khó khăn về kinh tế. Bỗng dưng, họ như vớ được chiếc phao cứu sinh khi nhận được lời mời đi làm việc ở nước ngoài.

Sống trong sợ hãi

Những lời mời ấy tới từ những người quen và cả nhiều người lạ thông qua mạng internet. Nghe “phương án” đi làm việc nơi đất khách, mà lại khá gần và dễ dàng, nhiều người nhanh chóng bỏ qua những do dự ban đầu. V là một trong những người như thế. “Vạ vật ở Hà Nội khó làm ăn, việc làm ngày càng bấp bênh, sang đó lương 20 triệu đồng/tháng, việc nhẹ, chỉ ngồi trong văn phòng. Chờ gì nữa, đi thôi”.

Đa phần trong số chúng bạn của V tỏ ra bất ngờ khi cậu thông báo quyết định sang Campuchia khi đang trên xe ra sân bay. Khoảng một tuần sau, V thông báo về đã yên ổn “làm ăn” trong một công ty có cái tên rất đế vương là “Tam thái tử”, chủ là người Trung Quốc. Sau này, khi trốn về, V mới biết đó là một trong số các biệt khu do người ta dựng lên tại Kaldal, gần cửa khẩu Chrey Thum, giáp với cửa khẩu Long Bình, Châu Đốc, An Giang nước ta.

“Tất cả những người Việt Nam khi muốn vào công ty bên Campuchia làm đều phải qua một người môi giới đưa vào”. Điều kiện duy nhất để được làm việc cho công ty là biết đánh máy vi tính. Mỗi người môi giới khi đưa một nhân viên vào làm cho công ty sẽ được nhận khoản hoa hồng là 1.900 USD. Số tiền này, đương nhiên là do người xin việc trả. Và nếu người làm việc muốn nghỉ trước thời hạn (sau mỗi sáu tháng sẽ được gia hạn hợp đồng theo thỏa thuận) thì sẽ phải trả số tiền môi giới này lại cho công ty. Nếu làm một thời gian mà muốn chuyển sang làm ở công ty khác thì sẽ phải hoàn trả lại cho công ty sử dụng lao động số tiền 1.900 USD cùng với tiền chi phí ăn ở, sinh hoạt, “nhẹ nhất là phải nộp thêm khoảng 3.000 USD và cao thì khoảng 8.000 USD”.

“Biệt khu” là một khu đất rất rộng ôm lấy khoảng 20 tòa nhà bốn tầng, mỗi tòa nhà như vậy thường có hai công ty hoạt động. Trong đó, hai tầng dành làm nơi ở và hai tầng còn lại để các nhân viên làm việc. Khu vực này có tường bao rất cao và hàng rào dây thép gai bao quanh. “Biệt khu” do các ông chủ quản lý, được canh gác hết sức cẩn mật. Bảo vệ được trang bị súng và dùi cui điện, sẵn sàng áp chế những ai dám phản ứng. Trong “biệt khu” có đầy đủ các dịch vụ cần thiết, từ siêu thị cho tới nhà hàng ăn chơi, giải trí, đương nhiên với mức giá cắt cổ và thanh toán bằng tiền USD (đồng đô-la Mỹ).

Lao động phải làm việc tại công ty từ 14-16 giờ/ngày. Lương theo hợp đồng khởi điểm là 700USD/tháng cùng với lời hứa thưởng tăng dần theo khả năng của mỗi người. Các công ty trong khu vực V làm việc đều hoạt động liên quan đến công nghệ. Các ông chủ sẽ tạo ra các ứng dụng (application-app) hoặc các website về cờ bạc, chứng khoán, giao dịch ngoại hối, hẹn hò, mua sắm... để dụ dỗ những người tham gia nạp tiền vào, sau đó chiếm đoạt.

Công việc hằng ngày của những “công nhân” như V là chạy quảng cáo, livestream để giới thiệu các app hoặc các website (gọi chung là app) trên các nền tảng mạng xã hội nhiều người dùng như Facebook, Zalo, Instagram, Tiktok... Những người Trung Quốc trực tiếp làm quản lý và thuê một vài người Việt Nam làm giám sát. Họ cũng cung cấp cho “công nhân” các thông tin “hack” được trên mạng internet của người sử dụng để những “công nhân” này liên lạc, thuyết phục những người khác tham gia dịch vụ trên các app nhằm chiếm đoạt tiền của họ. Chẳng hạn như khi livestream về app đánh bạc trực tuyến, các “công nhân” sẽ đóng vai những người chơi và mời các đối tượng khác vào xem, có thể không chơi. Vì các app hoàn toàn do chủ kiểm soát nên đương nhiên, “công nhân” đóng giả người chơi sẽ thắng rất nhiều, thậm chí người thắng còn thưởng lớn cho những người xem (cũng là “công nhân” khác đóng giả) một khoản tiền lớn, chỉ cần người xem bị kích thích lòng tham và tham gia nạp tiền là sẽ “vào bẫy”. Vài lần đầu, người chơi thật sự có thể thắng, nhưng không thể rút tiền hoặc rút được rất ít, nhưng càng chơi càng thua. Thậm chí, chủ app còn làm giả các chứng từ chuyển tiền trong trường hợp người chơi muốn rút. Khi app đã lừa được một số lượng khá lớn người chơi, bị tiếng tăm về chuyện quỵt tiền, ông chủ sẽ cho đánh sập app để tạo app khác. Mỗi app lừa đảo thường chỉ hoạt động từ ba đến bốn tháng và chỉ cần một đến hai tuần để tạo và sử dụng thành thục app mới. Các app đều sử dụng địa chỉ IP ảo hoặc ẩn IP để tránh bị tra soát nguồn gốc. Để dễ bề làm quen, các “công nhân” thường sử dụng hình ảnh những cô gái xinh đẹp, gợi cảm, sang chảnh làm hình đại diện và sử dụng nhân viên nữ để tiếp chuyện với khách hàng.

Làm việc cật lực đến 16 giờ/ngày, các “công nhân” bị quản thúc rất chặt chẽ và giao chỉ tiêu hằng ngày/hằng tuần/tháng. Mỗi tháng, một “công nhân” phải đạt chỉ tiêu lừa khoảng 300 triệu đồng do người quản lý đặt ra. Nếu không, hình phạt được… hưởng là bị bỏ đói, đánh đập, làm nhục, chích dùi cui điện. Họ bị trói vào ghế, chích điện đến ngất đi, sống lại để dằn mặt những người “công nhân” khác. V kể trong nỗi xót xa. Khi sang đến đây, tận mắt chứng kiến, biết thế nào là “việc nhẹ, lương cao”, hầu hết những “công nhân” đều rất bi quan, vì biết là đã “bị bán” và rất khó trở về. Họ dường như buông xuôi, đầu hàng số phận, chấp nhận làm “nô lệ” và không muốn gia đình biết những gì mình phải đối mặt. Nhiều người cũng muốn trở về nhưng gia đình nghèo, không có tiền chuộc cũng đành nhắm mắt, đưa chân. Hơn nữa, thông tin về những “nô lệ” này hầu như bị ông chủ bưng bít nên rất khó tiếp cận để có thể giải cứu.

“Nếu ở đây không đáp ứng được yêu cầu công việc, bọn em có khả năng sẽ bị đưa xuống biển (Sihanouk Ville). Chưa thấy ai trong số đang làm việc tại Kaldal bị chuyển xuống Sihanouk Ville rồi có thể trở về. Những người công nhân như V đều xác định nếu bị mang đi thì coi như đã bị đưa vào tử địa. “Người ta bảo nếu may mắn thì ở đó ít nhất bốn năm mới được trở về. Tồi tệ hơn, hoặc là không bao giờ gặp nữa”.

Khoảng sáu tháng trở lại đây, trên Facebook, Zalo... và trên các diễn đàn tập trung những thành phần ăn chơi như xam..., rphang... xuất hiện hàng loạt thông tin tuyển người sang Philippines làm việc “tìm kiếm khách hàng online”, cụ thể là tìm người chơi đánh bạc. Công việc được quảng cáo là ngày làm 10 giờ, thời gian từ 10 giờ đến 20 giờ, tháng nghỉ bốn ngày, lương chính khoảng 35 - 40 triệu đồng, hoa hồng từ 6% đến 15%, có ký túc xá hiện đại, chi phí sang làm việc sẽ được công ty chi trả. Lời chào mời hấp dẫn trên đã được khá nhiều thanh niên đón nhận, vì sang Philippines làm việc dù sao nghe cũng “sang” và có vẻ an toàn hơn Campuchia. Thế nhưng, những người này đã vỡ mộng ngay từ khi đặt chân đến Philippines. Hộ chiếu bị thu ngay khi đến nơi đề phòng bỏ trốn. Khu nhà ở tồi tàn, cũng vẫn là ông chủ người Trung Quốc, kiểm soát chặt chẽ không khác gì bên Campuchia. Làm việc cật lực gần như không ăn, không ngủ mới có thể đạt chỉ tiêu (tối thiểu 15 khách hàng/tháng). Nếu không có khách hàng, phải tự bỏ tiền chạy chỉ tiêu ảo (5 triệu đồng được bảy chỉ tiêu). Lương được trả 35 đến 40 triệu đồng nhưng công ty giữ 6 triệu tiền visa, phí đóng quảng cáo từ 10 đến 15 triệu đồng, phí phát code để thu hút “con mồi” tham gia từ 3 đến 5 triệu đồng, trừ tiền ăn uống thì không còn lại đồng nào. Hơn nữa, khi mới sang sẽ bị lỡ lương (do công ty giam lương 15 ngày), nếu phải trả tiền quảng cáo dự án nữa thì không có tiền nên hầu hết phải vay nóng. Nếu nghỉ việc, chuyển công ty khác thì phải đền công ty số tiền 45 đến 50 triệu đồng chi phí đưa đón, vé máy bay. Như vậy, tính ra sau nhiều tháng làm việc cật lực, sống trong sợ hãi, chỉ đủ tiền mua vé máy bay về nước và mang trên lưng thêm một khoản nợ không trả không xong.

Hành trình trốn chạy…

Trở lại câu chuyện của V. Vào TP Hồ Chí Minh giữa tháng 4/2022, V cùng với ba người đồng hành được người môi giới đón tại sân bay và xuất cảnh sang Campuchia qua cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh). Sau đó, bốn người được đưa vào một khách sạn gần đó để tiến hành kiểm tra trình độ sử dụng máy vi tính. Ai chưa biết dùng máy tính thì sẽ được “đào tạo” cấp tốc mất khoảng hai ngày. Sau khi hoàn tất các điều kiện, họ được đưa về thủ đô Phnom Penh để người môi giới trao tay cho ông chủ. Qua hai người phiên dịch, V và các bạn được biết, công việc ở đây dễ làm, cứ hết hợp đồng sáu tháng là được về. Lương khi đó cậu được thông báo là 700USD/tháng. Ở Mộc Bài, người chuyên dẫn khách vào các công ty cờ bạc được giới thiệu tên là H.

H được biết đến như là một người môi giới chuyên nghiệp bởi có mối quan hệ chặt chẽ với các ông chủ ở phía bên kia biên giới. Hễ có người xin đi làm là H giới thiệu tới các công ty, công ty này không nhận, người xin việc sẽ được đưa đi sang công ty khác đến khi tìm được việc mới thôi.

“Ở trong “biệt khu” không có tên của các công ty vì hợp đồng viết toàn bằng chữ nước ngoài. Các công ty được phân theo khu, làm ở khu vực nào biết khu vực đó”, V cho biết. Khu vực cậu làm việc nằm lẫn trong 20 tòa nhà được quây kín bằng tường cao và dây thép gai, nằm cách cửa khẩu Long Bình khoảng hơn 3km. “Đây cũng là khoảng cách để những người trốn chạy phải vượt qua để đến được bờ sông Bình Di, phía bên kia sông là Việt Nam”.

Học đánh máy xong, những người đi cùng V được kẻ môi giới đưa lên xe ô-tô tới Phnom Penh để rồi sau đó tiếp tục di chuyển tới thành phố Kaldal, cách thủ đô Phnom Penh khoảng 2 giờ đi ô-tô (chừng 80km). Đến công ty, có phiên dịch viên là người đón và sắp xếp phòng ở đó. Tại nơi ở có khoảng 30 phòng ở, mỗi phòng được để bốn chiếc giường tầng, 8 người/phòng. Mỗi công ty sử dụng lao động người Việt có khoảng 100 nhân viên. Thành phần Bắc Trung Nam đều có nhưng đông nhất là người Thanh Hóa, Nghệ An và Tây Ninh. Người phía bắc chủ yếu là người dân tộc thiểu số của Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu. Cả “biệt khu” này có khoảng 500 người làm việc.

“Sau khi sang khoảng một tháng, em thấy thực tế là tuy ký hợp đồng sáu tháng, nhưng đến tháng thứ 4 hoặc 5 thì người ta sẽ gây áp lực để đuổi việc hoặc bắt nghỉ việc để sang công ty khác làm. Có người ở tới ba năm bị đưa đi lòng vòng khắp các công ty mà vẫn không về được”.

Bị hành hạ cực khổ, V cùng với vài người bàn nhau bỏ trốn. Giờ công ty làm việc từ 12 giờ trưa tới 2 giờ sáng hôm sau. “Giờ ăn có người mang cơm suất đến từng bàn ngồi ăn tại chỗ, nghỉ một lúc rồi làm việc tiếp nên rất khó trốn thoát”. Có mỗi khung giờ nghỉ giữa giờ ăn tối (khoảng từ 22 giờ tới 22 giờ 30 phút) là được đi xuống dưới sân chung nên những người bỏ trốn quyết định chọn khung giờ này.

“Trong giờ làm việc không được sử dụng điện thoại cá nhân mà dùng điện thoại công ty phát cho nên bọn em dùng Telegram để đặt thuê xe đón ở trước cổng”. 22 giờ 15 phút khuya ngày 15/6, 23 người trong nhóm của V hẹn nhau tiến về phía cổng. Cả bọn uy hiếp bảo vệ, cướp chìa khóa mở được cổng rồi túa ra mạnh ai nấy chạy. Chiếc xe ô-tô đã thuê từ trước, cả nhóm định dùng để chạy trốn đã chạy mất nên cả bọn tản hết vào rừng. Trong số 23 người chạy trốn, có một người bị bắt lại ngay cổng, và đương nhiên, người này bị đám bảo vệ đánh đập bò lê bò càng trước khi bị đưa lại “biệt khu”. Clip đánh người này vẫn còn lan truyền trên mạng như một thứ hình thức răn đe. Còn lại 22 người băng rừng, lội bộ 4 giờ đồng hồ để tới sông Bình Di rồi vượt sông về nước.

Tại Philippines, cùng một cách thức, nhiều người cũng bị bán qua lại giữa các công ty với nhau. Bọn cò mồi, môi giới thường nắm rõ thông tin cá nhân của tất cả những người sang đây nên mọi người thường phải im lặng. Không chỉ có vậy, công ty còn nâng khống phí giới thiệu, phí ăn ở, vé máy bay khiến “công nhân” không trả nổi. Thậm chí, nếu có tiền đền thì khi nghỉ phải ký cam kết, nếu còn ở lại Philipines thì không được làm ở bất kỳ công ty nào khác trong vòng một năm, nếu không sẽ bị kiện. Sau vài tháng, nhiều người đã mất những khoản tiền lớn mới có thể trở về nhà, mang theo những thất vọng ê chề về giấc mơ đổi đời nơi đất khách.

Bên cạnh đa số các sòng bạc nằm rải rác ở khu vực biên giới, các “biệt khu” được cho rằng, đang tập trung nhiều tại Phnom Penh, Kaldal và Pear Sihanouk. Ở các biệt khu này, các công nhân đến từ nhiều quốc gia Đông Nam Á. Họ hầu như đều là nạn nhân của bọn lừa đảo, bị bóc lột sức lao động và có nguy cơ đe dọa đến sức khỏe và tính mạng nếu như không đáp ứng được nhu cầu công việc trong mỗi biệt khu.

(Còn nữa)