Những cạm bẫy nơi đất khách (kỳ 2)

Không chỉ lừa những người lao động sang nước ngoài để cưỡng bức họ làm việc trong khoảng thời gian dài và chiếm đoạt tiền của họ, các ông chủ của các tập đoàn (thực tế là các băng đảng xã hội đen) còn sử dụng họ như một công cụ để lừa đảo, kiếm tiền từ những người khác. Những “công nhân” này có nhiệm vụ lôi kéo càng nhiều người tham gia vào các app, nạp càng nhiều tiền càng tốt. Thủ đoạn lừa đảo qua mạng đã được nhiều cơ quan chức năng cảnh báo nhưng nhiều người vẫn sập bẫy, bị lừa với số tiền rất lớn. Qua phỏng vấn một số nạn nhân cho thấy, hình thức lừa đảo qua mạng được thực hiện rất tinh vi, chuyên nghiệp, thao túng tâm lý con mồi để từ đó đạt mục tiêu chiếm đoạt tiền của nạn nhân. Nhiều nạn nhân dù có hiểu biết nhất định nhưng vẫn rơi vào thiên la địa võng giăng sẵn mà không chút nghi ngờ. Dưới đây là một số phương thức, thủ đoạn phổ biến mà tội phạm lừa đảo thực hiện nhằm chiếm đoạt tài sản mà người dân và các doanh nghiệp cần biết để phòng, tránh.
0:00 / 0:00
0:00
Xen giữa những khu phức hợp là các casino xây dở.
Xen giữa những khu phức hợp là các casino xây dở.

Kỳ 2: Nhận diện thủ đoạn lừa đảo qua các công ty môi giới

Lừa đảo qua các trang web, app đánh bạc

Hiện nay, ai cũng có thể dễ dàng truy cập hàng trăm trang web, các app đánh bạc trực tuyến như fb88, Bong88, M88, Sbobet, 188bet... Các app này có rất nhiều hình thức chơi từ cá cược thể thao, lô đề, xóc đĩa mạng, đánh bài... đáp ứng mọi nhu cầu của giới mê đỏ đen. Để lôi kéo người chơi tham gia, những “công nhân” của các app này phải online để thường xuyên liên lạc với con mồi, quảng cáo trên các trang web, diễn đàn, mạng xã hội có đông thành viên, lập các group trên các diễn đàn, sử dụng các code thưởng... để số lượng người tham gia đông nhất. Đôi khi, các “công nhân” cũng đóng giả làm người chơi với những khoản tiền thắng lớn nhằm hấp dẫn các người chơi khác. Việc thắng thua trong các trò chơi đều nằm dưới sự kiểm soát của ông chủ các app này. Chính vì thế, ban đầu “con mồi” có thể thắng vài ván với số tiền nhỏ nhưng khi đã say máu, số ván thua sẽ tỷ lệ thuận với số tiền nạp vào. Nạp bao nhiêu sẽ thua bấy nhiêu bởi nhà cái luôn thắng. Đến khi “con mồi” tỉnh ngộ ra thì đã mất tất cả.

Để thuận lợi cho người chơi, các app có nhiều hình thức thu tiền. Nếu là con bạc thuộc dạng lâu năm, chơi nhiều, nhà cái có thể cho tín chấp, cấp tiền trên tài khoản đánh bạc trước, sau đó, con bạc sẽ đến đại lý để thanh toán thắng thua. Đối với các con bạc khác, có thể nạp tiền qua tài khoản ngân hàng, sau đó, số tiền này sẽ được quy đổi thành số tiền trên tài khoản của app đánh bạc. Hàng trăm website vệ tinh, ẩn danh được xây dựng trên các tên miền khác nhau với cùng một giao diện để thuận tiện cho người chơi truy cập. Ngoài ra, các app còn sử dụng các cổng thanh toán trung gian phục vụ hoạt động cờ bạc; chấp nhận sử dụng các đồng tiền mã hóa làm công cụ thanh toán khi đánh bạc...Với mạng lưới đại lý rộng khắp; tuyển dụng hàng ngàn “công nhân” làm cò mồi, môi giới; sử dụng công nghệ để quảng cáo, lôi kéo người dân tham gia đánh bạc đã khiến danh sách những người bị hại ngày càng nối dài và chưa biết khi nào mới có thể chấm dứt.

Lừa đảo thông qua hoạt động đầu tư, kinh doanh trên sàn giao dịch điện tử

Nhắm vào nhu cầu đầu tư của người dân, đối tượng lừa đảo đã xây dựng nên các app hoặc sàn giao dịch tài chính, vàng, ngoại tệ, chứng khoán quốc tế...như Bigbuy24h, Binomo, coolcat, forex,… kêu gọi đầu tư theo mô hình đa cấp có hoa hồng cho người giới thiệu, hưởng lợi trên số tiền đầu tư dựa trên chính sách khuyến mãi, chiết khấu,... Nhà đầu tư đóng tiền vào hệ thống bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản qua tài khoản trung gian để quy đổi thành tiền “ảo” trong hệ thống. Khi lượng người tham gia đạt một số lượng nhất định, các công ty sẽ đánh “sập sàn” hoặc cho thiết lập hệ thống giao dịch tự động để chiếm đoạt số tiền nộp vào hệ thống của người chơi. Ví dụ, tại hệ thống sàn forex, các nhân viên môi giới chào mời đầu tư qua điện thoại, liên hệ qua mạng xã hội Zalo, Facebook, tư vấn người chơi “đặt lệnh”. Ban đầu, thường sắp đặt để nhà đầu tư thắng một vài lần để nạp thêm nhiều tiền vào tài khoản. Sau đó, tư vấn đặt các lệnh lớn, thu mức phí lớn và không rõ ràng, dẫn đến nhà đầu tư mất hết tiền trong tài khoản. Khi đã thua hết tiền, các đối tượng môi giới sẽ tiếp tục dụ dỗ nhà đầu tư tham gia một sàn forex mới nhằm gỡ lại số tiền đã mất và tiếp tục mất thêm một lần nữa.

Tại các sàn giao dịch do các đối tượng lừa đảo lập nên, người quản trị (Admin) của sàn có thể kiểm soát hoàn toàn hệ thống, tự động đặt lệnh vào tài khoản của nhà đầu tư, thay đổi số dư tiền trên tài khoản, can thiệp vào quá trình đặt lệnh như kéo dài độ trễ của lệnh, kéo giãn khoảng giá mua và bán, “đánh cháy” tài khoản của nhà đầu tư. Trên thực tế, có rất nhiều người dân bị thua số tiền lớn lên đến cả chục tỷ đồng. Trường hợp nhà đầu tư thắng nhiều, đối tượng chủ sàn sẽ can thiệp kỹ thuật để nhà đầu tư không thể rút được tiền. Cuối cùng, khi đã chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư, các đối tượng đánh sập sàn giao dịch để tránh sự truy vết của cơ quan công an và nhà đầu tư không thể đi đòi tiền.

Giả mạo nhân viên ngân hàng để chiếm đoạt tiền trong thẻ tín dụng

Các đối tượng mạo danh nhân viên của các ngân hàng lớn của Việt Nam… nhắn tin, gọi điện, mời chào dịch vụ với rút tiền mặt từ thẻ tín dụng hoặc chuyển khoản thanh toán thành khoản trả góp với phí, lãi suất thấp hơn để lôi kéo khách hàng. Khi khách hàng đồng ý, đối tượng yêu cầu chủ thẻ cung cấp thông tin của thẻ tín dụng (bao gồm số thẻ và mã CVV), hình ảnh chứng minh nhân dân/căn cước công dân, mã hợp đồng gửi đến số điện thoại (thực chất là mã OTP của giao dịch trừ tiền từ thẻ tín dụng) và số tiền cần rút. Sau khi được cung cấp các thông tin trên, các đối tượng sẽ chiếm đoạt tiền của người sử dụng thẻ.

Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo còn giả thông báo của ngân hàng về việc tài khoản của người dùng bị khóa mà không rõ lý do. Sau đó, để mở lại tài khoản, các đối tượng yêu cầu người dùng truy cập trang web (giao diện gần giống với trang web chính thức của ngân hàng) do các đối tượng này lập ra, sau đó đánh cắp thông tin tài khoản người dùng để chiếm đoạt toàn bộ số tiền có trong tài khoản ngân hàng của người dùng.

Lừa đảo tuyển cộng tác viên bán hàng trực tuyến, nhận quà từ nước ngoài

Các đối tượng lừa đảo giả mạo là nhân viên của các sàn thương mại điện tử lớn như Tiki, Shopee, Lazada... thông qua mạng xã hội, tin nhắn đăng tin tuyển cộng tác viên bán hàng online. Khi người có nhu cầu tìm việc làm liên hệ, các đối tượng hướng dẫn cộng tác viên thực hiện đặt mua hàng online để tăng tương tác cho các gian hàng. Mỗi lượt mua hàng thành công được hoàn lại tiền gốc và hưởng thêm 10% - 20% giá trị đơn hàng. Những đơn hàng đầu tiên có giá trị nhỏ, cộng tác viên sẽ được hoàn trả tiền mua hàng kèm “hoa hồng” như đã hứa nhằm tạo lòng tin. Khi số tiền đặt hàng ngày càng lớn, các đối tượng không chuyển tiền lại và dùng nhiều chiêu trò như: thông báo đơn hàng bị trục trặc, thao tác đặt mua hàng chưa đúng...yêu cầu tiếp tục chuyển tiền để đặt hàng lại. Nhiều nạn nhân lo không lấy lại được số tiền nên tiếp tục làm theo hướng dẫn của các đối tượng. Sau khi nạn nhân chuyển tiền, các đối tượng lừa đảo tẩu tán tiền trong tài khoản và cắt liên lạc với nạn nhân.

Các đối tượng kết bạn qua mạng xã hội giới thiệu là người nước ngoài để làm quen với bị hại, hứa hẹn chuyển về cho bị hại một số tiền, hàng, quà có giá trị lớn. Sau đó bố trí các đối tượng giả danh nhân viên sân bay, hải quan, bưu điện, thuế... liên lạc với bị hại thông báo tiền, hàng đã chuyển về Việt Nam, phải nộp các loại thuế, lệ phí, cước phí… để có thể nhận tiền, hàng hóa từ nước ngoài gửi về, bị hại phải chuyển tiền vào tài khoản tại ngân hàng do chúng cung cấp sau đó ngắt liên lạc, chiếm đoạt tiền.

Lừa vay vốn qua mạng

Lợi dụng tâm lý muốn được vay vốn với số tiền lớn, lãi suất thấp, không cần thế chấp tài sản, thủ tục nhanh gọn, các đối tượng đã đăng tin cho vay vốn thông qua các ứng dụng, mạng xã hội như (Zalo, Facebook…). Sau khi tiếp cận được nạn nhân, chúng hướng dẫn thực hiện thủ tục vay thông qua các ứng dụng tài chính online do chúng lập ra.

Tiếp theo, các đối tượng yêu cầu nạn nhân chuyển tiền nhiều lần vào các tài khoản mà chúng cung cấp với các lý do như: chuyển tiền để chứng minh tài chính, nộp tiền thuế khoản vay, chuyển tiền để bảo đảm hồ sơ vay, tài khoản yêu cầu vay bị sai hoặc thiếu thông tin; số tiền vay vượt quá định mức vay… Sau khi nạn nhân chuyển tiền thì các đối tượng nhanh chóng rút tiền khỏi tài khoản, khóa sim, cắt đứt liên lạc nhằm chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo còn dùng trăm phương ngàn kế khác để chiếm đoạt tiền của người dân như giả mạo các chương trình khuyến mại, trúng thưởng; chuyển khoản nhầm để ép vay nặng lãi; chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội của nạn nhân để giả dạng, vay tiền những người quen nạn nhân... Một điểm chung mà các đối tượng lừa đảo thường sử dụng là số tiền chiếm đoạt được thường chuyển đến tài khoản ngân hàng, sau đó rút tiền mặt tại các ATM hoặc chuyển lòng vòng đến các tài khoản khác. Số lượng tài khoản ngân hàng được sử dụng rất lớn, thế nhưng, hầu hết những tài khoản này lại do người khác đứng tên. Để có hàng nghìn tài khoản ngân hàng phục vụ cho mục đích lừa đảo, các đối tượng đã mua bán thông tin cá nhân của người dân để mở tài khoản ngân hàng hoặc thuê một số người mở tài khoản ở các ngân hàng. Gần đây nhất, một đối tượng lừa đảo đã tổ chức hội thảo hoành tráng với hàng trăm người tham gia, tặng mỗi người một phần quà trị giá 100 nghìn đồng để thu thập thông tin cá nhân của họ, sau đó, sử dụng để mở tài khoản, vay tiền các công ty tài chính, chiếm đoạt số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Việc mở tài khoản và giao dịch online thuận tiện như hiện nay, bên cạnh những mặt tích cực, còn là kẽ hở để những kẻ lừa đảo lợi dụng, chiếm đoạt tài sản.

Giả danh “hiệp sĩ” để lừa đảo người nhà các nạn nhân

Hình thức lừa đảo này xuất hiện từ khi những nạn nhân lao động ở nước ngoài bắt đầu kêu cứu. Những đối tượng (thường có vẻ ngoài hết sức “hổ báo” có nhiều hình xăm, mặt mũi bặm trợn sẽ tìm cách tiếp cận người nhà các nạn nhân bị lừa bán để nhận dịch vụ đứng ra làm trung gian để chuộc người nhà bị hại. Hầu hết đám “hiệp sĩ” giả danh này là đối tượng nắm được tình hình ở trong các khu vực có người lao động muốn được chuộc về. Từ những thông tin ban đầu đó, chúng tiếp cận người nhà nạn nhân để hứa hẹn chuộc về và cầm tiền đi giải cứu rồi biến mất một đi không trở lại. Nhiều gia đình chấp nhận bỏ tiền chuộc con để rồi tiền mất tật mang. Cá biệt có người đã phải bỏ tới 3-4 lần tiền chuộc mà vẫn không đón được con về.

(Còn nữa)

Những cạm bẫy nơi đất khách (Kỳ 1)