Khổ vì chuyển tuyến
Ông Nguyễn Văn Sự ở xã Nga Yên, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa bỗng dưng bị đau tức ngực, tràn dịch màng phổi. Do có BHYT nên ông Sự khám bệnh theo đúng tuần tự: ở bệnh viện huyện Nga Sơn và bệnh viện tỉnh Thanh Hóa nhưng không chẩn đoán ra bệnh. Ông Sự xin chuyển tới Bệnh viện Bạch Mai để khám. Sau một hồi làm các xét nghiệm, chụp chiếu... Bệnh viện Bạch Mai kết luận là ông bị ung thư phổi biểu mô tuyến. Các con ông Sự sau khi tham khảo, nhờ tư vấn nhiều phương án điều trị đã quyết định chuyển bố sang Bệnh viện đa khoa Thu Cúc để điều trị vì bệnh viện này đang liên kết với một trung tâm chữa ung thư hàng đầu tại Singapore để điều trị cho bệnh nhân Việt Nam.
Tuy nhiên, "việc chuyển viện cho bố tôi quá khó khăn", anh Nguyễn Quyết, con trai ông Sự nói. Khi làm thủ tục chuyển viện lần đầu tiên tại khoa hô hấp Bệnh viện Bạch Mai, cán bộ của khoa này đưa hồ sơ cho anh Quyết đi photocopy, nhưng lại đưa thiếu hai tờ giấy xin chuyển viện của ông Sự từ Thanh Hóa ra. Anh Quyết mang bộ hồ sơ đem nộp cho Bệnh viện Thu Cúc thì được giải thích là do thiếu hai giấy đó nên ông Sự sẽ không được BHYT chi trả một số chi phí mà ông có quyền được hưởng. Anh Quyết rất khó khăn mới xin photocopy lại hai tờ giấy chuyển viện từ Thanh Hóa ra như yêu cầu và xin giấy chuyển viện từ Bạch Mai sang Thu Cúc. Tuy nhiên, trong giấy chuyển viện lại ghi phần lý do chuyển viện là: Theo nguyện vọng của gia đình.
Với lý do chuyển viện như vậy, ông Sự sẽ không được BHYT thanh toán một số chi phí, dịch vụ trong quyền lợi ông được hưởng. Anh Quyết lại thêm một lần nữa vòng về Bệnh viện Bạch Mai và bằng nhiều cách đã xin được giấy chuyển viện bỏ trống không ghi phần lý do chuyển để ông Sự được hưởng BHYT như quy định.
Những trường hợp gặp khó khăn trong việc xin chuyển BHYT từ bệnh viện công sang bệnh viện tư nhân như ông Sự không phải chuyện hiếm. Tại Bệnh viện đa khoa Hợp Lực ở Thanh Hóa, bệnh viện đã thực hiện được nhiều ca cần chuyên môn kỹ thuật khó như: mổ sọ não, mổ cột sống... cứu sống cho nhiều người bệnh, nhưng khi trao đổi ý kiến với phóng viên Báo Nhân Dân cuối tuần, ông Nguyễn Thanh Vân, Bác sĩ chuyên khoa cấp 2, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hợp Lực ngậm ngùi: Những người bệnh phải mổ các ca có chuyên môn kỹ thuật khó như vậy ở đây phải trả hoàn toàn chi phí vì hầu như họ không được BHYT thanh toán.
Giải thích về việc BHYT không thanh toán các chi phí cho người bệnh phải mổ kỹ thuật khó, ông Vân nói, đó là do quy định của Bộ Y tế là dứt khoát việc mổ những ca khó như vậy phải thực hiện ở những bệnh viện cấp 1, tức là những bệnh viện đầu ngành. Bệnh viện đa khoa Hợp Lực chỉ là bệnh viện cấp 2, tương đương với tuyến tỉnh nên người bệnh nếu mổ ở đây thì phải hoàn toàn tự nguyện và chi trả hết các chi phí. Cơ quan BHYT sẽ không thanh toán một phần chi phí cho họ như các quy định về BHYT. "Thế là quá thiệt thòi cho người bệnh", ông Vân nói.
Hiện cả nước mới có 67% số dân tham gia BHYT.
Bao giờ hết phân biệt đối xử?
Theo quy định về phân tuyến, Bộ Y tế đã phân hạng các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh và trung ương để khi người bệnh không chữa được ở tuyến dưới thì chuyển tuyến trên. Giấy chuyển viện là một trong những thủ tục bắt buộc để thanh toán BHYT. Theo Bộ Y tế, việc chuyển tuyến đang được các bệnh viện kiểm soát khá chặt chẽ nhằm phòng tránh quá tải ở bệnh viện tuyến trên và giúp cho việc kiểm soát chi phí với các bệnh viện tuyến dưới được chặt chẽ. Tuy nhiên, việc giữ chân bệnh nhân không muốn cho chuyển tuyến, nhất là ở những bệnh viện đang khám chữa bệnh bằng BHYT khoán theo định suất, lại có nguyên nhân sâu xa khác nữa. Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, khoán theo định suất có nghĩa là các bệnh viện được hưởng số tiền nhất định khi khám chữa bệnh cho người bệnh có thẻ BHYT. Số tiền đó sẽ được nhân với số người bệnh.
Do vậy, có tình trạng để bảo đảm quyền lợi riêng của mình, không ít bệnh viện đã tìm cách giữ người bệnh lại chữa trị và dùng dằng khi chuyển tuyến. Như vậy, người bệnh không chỉ khó khăn trong chuyển tuyến bệnh viện công, chưa nói gì đến chuyển từ bệnh viện công sang bệnh viện tư để điều trị theo BHYT.
Suốt thời gian dài, Bộ Y tế chưa phân hạng các bệnh viện tư nhân khiến cho việc chuyển bệnh nhân giữa các bệnh viện công và bệnh viện tư để họ đủ điều kiện hưởng BHYT là vô cùng khó khăn. Vậy nên, nếu muốn chữa trị tại bệnh viện tư, người bệnh hầu như chỉ còn cách tự nguyện chữa trị và trả toàn bộ chi phí khám mà không được hưởng quyền lợi gì từ BHYT. Tình trạng "thả" cho bệnh viện tư và người bệnh tự thu xếp khả năng chữa trị và thanh toán BHYT ở mức tối thiểu này được không ít lãnh đạo bệnh viện tư chua chát nhận xét rằng, bệnh viện tư bị phân biệt đối xử.
Nếu nhìn sâu xa hơn vào câu chuyện này có thể đặt câu hỏi: Phải chăng việc "kiểm soát chi phí" cho các bệnh viện công lập tuyến dưới giúp cho việc bảo đảm "lợi ích nhóm"? Bởi khi mà bệnh viện tuyến dưới muốn tăng thu nhờ vào con số bệnh nhân đến chữa trị thì thích hợp nhất là chọn cách giữ bệnh nhân thông qua việc đưa ra các quy định không xuất phát từ quyền lợi cho bệnh nhân, thậm chí còn gây khó dễ cho bệnh nhân?
Một dự án luật quan trọng trong việc tạo lập các thiết chế đảm bảo an sinh xã hội như Luật Bảo hiểm y tế, đang được đặt lên bàn nghị sự, người dân hy vọng những bất cập trong khám chữa bệnh BHYTsẽ được cân nhắc đến và có điều chỉnh sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu của cuộc sống. Một khi những vướng mắc cản trở người dân có BHYT tiếp cận với các dịch vụ y tế theo quy định, trong đó có các bệnh viện tư nhân, vẫn chưa được tháo gỡ, thì mục tiêu toàn dân tham gia BHYT rất khó đạt được.
Một số điểm mới của dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi, bổ sung: * Quy định bắt buộc mọi người dân tham gia BHYT. * Cả gia đình tham gia BHYT sẽ được giảm phí: UBND cấp xã lập danh sách người tham gia BHYT theo hộ gia đình. Khi tham gia theo hộ gia đình sẽ được giảm dần mức đóng từ thành viên thứ hai trở đi, người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất, từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. * Nhà nước cấp thẻ BHYT cho dân tại vùng đặc biệt khó khăn. * Trẻ em dưới 6 tuổi được hưởng BHYT đến khi bắt đầu đi học tiểu học. * Quy định gói dịch vụ y tế cơ bản do BHYT chi trả. Gói dịch vụ y tế cơ bản do bảo hiểm y tế chi trả là những dịch vụ y tế thiết yếu cho cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng, phù hợp với khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế. * Mở rộng thêm quyền lợi BHYT: lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt đối với trẻ em dưới 6 tuổi, khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp tự tử, tự gây thương tích, khám bệnh, chữa bệnh tổn thương về thể chất, tinh thần do hành vi vi phạm pháp luật của người đó gây ra cũng được BHYT thanh toán... |