Nhức nhối buôn lậu và gian lận thương mại

Từ đầu tháng 12 dương lịch đến cận Tết Nguyên đán là đợt cao điểm đấu tranh với tội phạm buôn lậu và gian lận thương mại. Các vụ việc ngày càng tinh vi, tính chất phức tạp, trong khi đó chế tài xử phạt còn nhiều bất cập.
0:00 / 0:00
0:00
Kiểm tra hàng hóa nghi vấn. Ảnh: VĂN CHUNG
Kiểm tra hàng hóa nghi vấn. Ảnh: VĂN CHUNG

Trục lợi dưới nhiều hình thức

Mỗi năm, lực lượng quản lý thị trường các tỉnh, thành phố đều phát hiện xử lý từ hàng chục, đến hàng trăm trường hợp vi phạm. Thậm chí ở Hà Nội, tính riêng trong tháng 10/2022, các lực lượng chức năng đã phối hợp, kiểm tra 3.616 vụ; xử lý 3.376 vụ. Qua nhiều vụ việc cụ thể cho thấy, đối tượng kinh doanh hàng lậu, hàng giả thường lợi dụng liên kết với các cá nhân kinh doanh trực tuyến, tập kết hàng ở những kho lưu lẩn khuất trong những khu dân cư hoặc nơi ít người qua lại.

Ở khu vực biên giới, lối mòn, lối mở, vấn đề buôn lậu cũng nhức nhối, nhất là dịp cuối năm. Mới đây, Công an tỉnh An Giang đã phát hiện và bắt giữ nhóm đối tượng vận chuyển hàng lậu từ xuồng máy lên mô-tô cùng tang vật gồm bốn nghìn bao thuốc lá lậu và nhiều tang vật khác. Tại Đồng Tháp, Cục Hải quan chủ trì, phối hợp thu giữ gần 8.500 gói thuốc lá lậu được vận chuyển về tập kết tại khu vực biên giới. Ngày 26/11, lực lượng chức năng tỉnh Đồng Tháp đã phát hiện hơn ba tấn đường cát nhập lậu, xuất xứ Thái Lan. Còn tại huyện Tân Hưng, tỉnh Long An (cách đường biên giới khoảng 12km hướng về nội địa), lực lượng chức năng đã phát hiện và thu giữ hơn 12 nghìn bao thuốc lá điếu ngoại nhập lậu đang được vận chuyển đến điểm tập kết tại chòi canh ruộng bỏ hoang.

Thời gian gần đây, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua đường hàng không và bưu chính quốc tế cũng có chiều hướng tăng do tần suất các chuyến bay quốc tế tăng cao với thủ đoạn cất giấu tinh vi; tính chất vụ việc phức tạp. Các đối tượng giao dịch qua sàn giao dịch điện tử, mạng xã hội rồi sử dụng dịch vụ chuyển phát bưu chính quốc tế và giao nhận hàng nội địa để né tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng.

Siết chặt gọng kìm

Thời gian qua, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) đã tăng cường chỉ đạo, siết chặt công tác thanh tra, kiểm tra trên tất cả các tuyến vận tải, nhất là tuyến hàng không đồng thời, cảnh báo, kiểm tra hướng dẫn nghiệp vụ đối với lực lượng chống buôn lậu trong toàn ngành. Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan triển khai xây dựng quy chế phối hợp giữa Tổng cục với các ngành, như với cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng; phối hợp lực lượng công an trong đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy…

Bên cạnh việc hỗ trợ và thông quan nhanh hành lý, hàng hóa xuất nhập khẩu cho hành khách và doanh nghiệp, toàn ngành Hải quan cũng triển khai các kế hoạch kiểm tra, kiểm soát trọng điểm nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các vụ buôn lậu. Trong đó, chú ý hành vi lợi dụng luồng xanh để cất giấu hàng lậu, hàng cấm. Cục trưởng Điều tra chống buôn lậu Nguyễn Hùng Anh cho biết: "Trong những tháng cao điểm của tình trạng buôn lậu, lượng khách xuất nhập cảnh và hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ tăng cao, lực lượng hải quan đã xây dựng kế hoạch chống buôn lậu và triển khai phương án kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ".

Mới đây, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) đã ban hành Kế hoạch tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng hàng không quốc tế, thực hiện từ ngày 1/12/2022 đến 1/12/2025. Nội dung chính của Kế hoạch là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phối hợp lực lượng, bảo đảm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng hàng không quốc tế; hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân có liên quan hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa qua cảng hàng không quốc tế.

Trung tá Lương Thị Kiển, Đội Cảnh sát kinh tế, Công an huyện Đông Anh (Hà Nội) cho biết, tình trạng hàng giả, hàng nhái đang tiếp diễn và ngày càng gia tăng theo chiều hướng tinh vi. Thậm chí, có thương hiệu uy tín, được người tiêu dùng ưa chuộng vừa ra mắt sản phẩm mới, ngay lập tức, mặt hàng đó đã bị làm giả, làm nhái. Liên quan đến vấn đề này, ở góc độ pháp lý, luật sư Phạm Hải Long (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, xâm phạm quyền sở hữu độc quyền về thương hiệu sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ. Tuy nhiên, trong thực tế, chế tài xử lý các đối tượng này vẫn còn nhẹ, đặc biệt với hành vi vi phạm có trị giá thấp hơn mức xử lý hình sự (tức là dưới 200 triệu đồng), trong khi lợi nhuận thu được từ kinh doanh mặt hàng này lại rất cao. Đây là bất cập trong chế tài xử phạt cần được sớm khắc phục.

Ngoài ra, lực lượng chức năng cần tăng cường công tác nắm bắt tình hình thị trường; đẩy mạnh điều tra, lập danh sách đối tượng, cơ sở có biểu hiện nghi vấn để có phương án ngăn chặn kịp thời. Cũng như cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông, ga tàu, bến xe, kho hàng, chợ đầu mối, trung tâm thương mại... nhằm ngăn chặn việc vận chuyển, tập kết hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng.