Như ở ngay trước mặt

Cậu bé Hoàng Hữu Phê sinh ra tại Quảng Bình năm 1954. Câu chuyện trở về tuổi thơ ấu của cậu từ ngày đầu tiên đến trường đã phải trải qua bom đạn khi giặc Mỹ bắt đầu ném bom dữ dội Quảng Bình và sau đó cả miền bắc.

Như ở ngay trước mặt

Trí nhớ non nớt của cậu bé qua kính viễn vọng - cuốn hồi ký “Nước vẫn chảy dưới chân cầu Mụ Kề” (NXB Phụ nữ) 50 năm sau cho chúng ta vẫn cảm thấy hơi thở của chiến tranh dường như sát ngay trước mặt. Ánh chớp của đạn bom. Tiếng bom nổ, tiếng pháo cao xạ, những bạn học vĩnh viễn không bao giờ đến trường nữa, cánh đồng làng xanh mướt, tiếng sóng biển rì rào và dãy Trường Sơn xanh lơ mịt mù khói làm cho bạn đọc dường như đang ngồi trước màn hình của một bộ phim tràn ngập âm thanh và mầu sắc. 

Lớn lên, 17 tuổi Hoàng Hữu Phê được chọn sang Liên Xô học Khoa Kiến trúc Đại học Xây dựng. Năm 1978, anh tốt nghiệp xuất sắc rồi trở về nước,  rồi vài năm sau tiếp tục theo học tại AIT, Học viện Công nghệ châu Á, là một cơ sở đào tạo quốc tế sau đại học dành cho các nước châu Á, có sinh viên từ 45 nước đến đây, các thứ hạng cao trong số các cơ sở đào tạo sau đại học ở châu Á. 20 tháng tại đây giúp anh tiếp xúc với những công nghệ mới, kiến thức mới ở cấp cao, đa diện hơn… Rồi những năm 90, Hoàng Hữu Phê lại có dịp sang Luân Đôn làm luận án tiến sĩ tại Trường Kinh tế Luân Đôn theo quỹ học bổng Otto Koenigsberget. Lúc đó số người làm tiến sĩ tại Anh còn rất ít. Tám năm học ở đây là một bước tiến dài giúp ông thu thập, tích lũy được nhiều kiến thức. 

Cuốn sách kể về những may mắn khi được tiếp xúc với các bậc thầy kiến trúc thế giới, kỹ sư Phê thấy mình mở mang tầm mắt ra bao nhiêu. Ông được giao lưu với các giáo sư hàng đầu của khoa học kiến trúc như: ser Peter Hall, Patrick Wakely, Steven Groak, Terry McGee… Trong thời gian này, ông đã nghĩ ra lý thuyết vị thế-chất lượng (SQTO) được thế giới đánh giá cao và được tặng giải thưởng kỷ niệm Donald Robertson 2000 của tạp chí quốc tế hàng đầu Urban Studies. Giờ đây ông đã là  một nhà khoa học nổi tiếng và nhiều kinh nghiệm. Ông trở về Hà Nội với lý thuyết của mình tham gia xây những công trình, đô thị mới cho Tổ quốc như: Trung Hòa-Nhân Chính, các khu đô thị Splendora, Thảo Điền, Hưng Điền, Hòn ngọc châu Á…

Ngoài những chặng đường đời, với khả năng văn chương, hội họa, sự cảm nhận tinh tế về thiên nhiên, con người, trí nhớ tuyệt vời và sự hài hước, tác giả Hoàng Hữu Phê qua cuốn sách của mình, còn đưa bạn đọc bước vào cuộc du lịch kỳ thú: ngược về 50 năm trước tại những làng chiến tranh ở Quảng Bình và tới thăm những vẻ đẹp của Kiev, của Băng Cốc, Luân Đôn và nhiều nơi kỳ thú khác trên thế giới.

Và khi quyển sách gấp lại, qua hình ảnh cảm động vượt khó của chú bé đồng quê, nay là một nhà khoa học tên tuổi, thấp thoáng bóng dáng dân tộc, một Tổ quốc thân thương đã trải qua những năm tháng giông bão khắc nghiệt nhất của chiến tranh, qua nghèo đói để từng bước đi lên.