Nhìn từ Giải thưởng Sách quốc gia 2023

Qua sáu mùa kể từ năm 2018, Giải thưởng Sách quốc gia luôn được giới xuất bản và người yêu sách trong nước mong đợi. Bên cạnh việc tạo ra nhiều giá trị cho cộng đồng, giải thưởng vẫn cần đổi mới để tiếp tục đồng hành cùng người làm sách và lan tỏa văn hóa đọc.
0:00 / 0:00
0:00
Bạn đọc tìm hiểu ấn phẩm đoạt giải Giải thưởng Sách quốc gia 2023. Ảnh: Việt Linh
Bạn đọc tìm hiểu ấn phẩm đoạt giải Giải thưởng Sách quốc gia 2023. Ảnh: Việt Linh

Bức tranh đa dạng của ngành sách

Năm 2023, có 33.000 xuất bản phẩm in (với 450 triệu bản) được đưa ra thị trường. Tuy vậy, số đầu sách mà công chúng biết tới chưa nhiều; lượng sách mà bạn đọc tiếp cận ngoài sách giáo khoa, chủ yếu là một số tác phẩm văn chương, sách kỹ năng, phát triển bản thân…

Thông qua Giải thưởng Sách quốc gia, công chúng được biết về bức tranh đa sắc mầu của giới xuất bản. Ở mùa giải lần thứ sáu, có 41/57 nhà xuất bản tham gia, cho thấy sức hút của giải thưởng. Mỗi nhà xuất bản lựa chọn những đầu sách đặc sắc của mình gửi tới Ban tổ chức. Có tổng cộng 312 tên sách và bộ sách được gửi tham dự giải, trong đó, 41 tác phẩm đã được trao giải thưởng.

Ngay từ đầu, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia đã xây dựng một cơ cấu giải phù hợp. Theo đó, giải thưởng gồm ba hạng mục A, B, C chia đều cho năm lĩnh vực sách: sách Chính trị-Kinh tế; sách Khoa học tự nhiên và Công nghệ; sách Khoa học xã hội và Nhân văn; sách Văn hóa, Văn học và Nghệ thuật; sách Thiếu nhi. Nhờ đó, bạn đọc không chỉ có dịp thưởng thức những tác phẩm đại chúng mà còn biết thêm về những đầu sách chuyên biệt nhưng mang giá trị thực tiễn, tính ứng dụng cao.

Chẳng hạn, cuốn sách đoạt giải A năm 2023, Cơ sở khoa học để xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam theo Công ước của Liên hợp quốc 1982 về Luật Biển của nhóm các tác giả GS Bùi Công Quế (chủ biên), Phùng Văn Phách, Đỗ Huy Cường, Trần Tuấn Dũng, Lê Đức Anh, là một công trình nghiên cứu thuộc lĩnh vực Khoa học tự nhiên. Ấn phẩm có giá trị thực tiễn cao khi xây dựng cơ sở khoa học, cập nhật và hiện đại, phù hợp các quy chuẩn quốc tế được Liên hợp quốc chính thức công nhận để xác định ranh giới thềm lục địa của Việt Nam theo công ước Liên hợp quốc 1982 về Luật Biển. Đây là căn cứ khoa học, được sử dụng trong quản lý biển đảo, phục vụ khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh và quốc phòng trên vùng biển Việt Nam.

Công trình Cây thuốc của dân tộc Vân Kiều và dân tộc Pa Kô ở Quảng Trị của nhóm các tác giả Ninh Khắc Bản (chủ biên), Phan Văn Kiệm, Ninh Khắc Thanh Tùng, trình bày một cách khái quát về tri thức sử dụng thực vật làm thuốc và giới thiệu 110 loài cây phổ biến được các cộng đồng dân tộc Vân Kiều (Bru-Vân Kiều), Pa Cô (Tà Ôi) ở huyện Đakrông và huyện Hướng Hóa sử dụng để trị bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân.

Nên có thêm hạng mục giải thưởng do bạn đọc bình chọn

Hướng tới tính lan tỏa, gần gũi với bạn đọc, Giải thưởng Sách quốc gia cũng thay đổi trong quy trình chấm giải. Trước đây, mỗi cuốn sách được chấm dựa trên ba tiêu chí: giá trị sách, tính ứng dụng, tính thực tiễn. Năm nay, Hội đồng giải thưởng đã đưa thêm tính "lan tỏa" của cuốn sách để xét giải. Tính lan tỏa dựa trên bốn tiêu chí: số bản sách phát hành của cuốn sách đó, thông tin báo chí về cuốn sách, đánh giá của những người trong giới và khả năng truyền thông của sách sau khi đoạt giải. Như vậy, sách đoạt giải thưởng năm nay không chỉ là tác phẩm giá trị, có tính ứng dụng cao, mà còn bảo đảm có thể lan tỏa tới đông đảo công chúng.

Người làm sách và độc giả cũng kỳ vọng nên có cơ chế cho độc giả hoặc tác giả có thể tự đề cử các cuốn sách hay, sách giá trị cho các hạng mục của giải thưởng. Bên cạnh giải do hội đồng chuyên môn chấm, giải thưởng có thể thêm hạng mục dành cho độc giả bình chọn, kết quả giải sẽ phản ánh nhu cầu và thị hiếu thực tế của công chúng.

Tôn vinh người làm sách là một việc mà Giải thưởng Sách quốc gia đã làm tốt trong những năm qua. Song, lan tỏa những cuốn sách đoạt giải tới bạn đọc cũng là một ý nghĩa quan trọng không kém mà đơn vị tổ chức giải cần chú trọng hơn nữa. Theo ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam đã có những phương án như số hóa nội dung, tổ chức trưng bày, triển lãm, lập trang web riêng để quảng bá sách đoạt giải.