“Gã khổng lồ” Spotify đã tới Việt Nam
Cũng bắt đầu từ ngày 13-3, người dùng Việt Nam đã có thể tải ứng dụng nghe nhạc trực tuyến lớn nhất thế giới này về các thiết bị di động của mình. Trước đó, để sử dụng được dịch vụ nghe nhạc này, người dùng Việt phải thực hiện một số cách như làm giả địa chỉ IP, sử dụng VPN hay dùng TunnelBear để chuyển địa chỉ IP sang nước khác.
Không phải tự nhiên mà Spotify được ví như “gã khổng lồ”. Theo tìm hiểu, kho dữ liệu của dịch vụ này chứa tới gần 40 triệu ca khúc quốc tế và Việt Nam, sở hữu hơn 159 triệu người dùng trên toàn thế giới, trong đó có gần 60 triệu thuê bao trả phí vào năm 2017 (cùng thời điểm, một “ông lớn” khác là Apple Music chỉ có 25 triệu).
Ra đời vào năm 2008 và rất nhanh sau đó, Spotify thống lĩnh thị trường âm nhạc trực tuyến trên toàn thế giới. Spotify thu hút người dùng nhờ giao diện thân thiện, khả năng học hỏi theo thói quen người dùng và đưa ra các gợi ý theo ngữ cảnh (thời gian/ sở thích/ giới tính…), tự tạo playlist, chia sẻ các playlist giữa các người dùng… Chưa kể, sự tức thì được xem là điểm cộng đáng chú ý của dịch vụ này khi sở hữu kho dữ liệu khủng, người dùng chỉ cần mất vài giây cũng cập nhật được những ca khúc mới nhất, hot nhất trên toàn thế giới.
Ngoài ra, bên cạnh nền tảng lớn nhất là di động, Spotify “chạy” được trên nhiều nền tảng khác nhau như trên máy tính (Windows/Mac/Linux), console (PS4/Xbox One), Smart TV, loa thông minh (Amazon Alexa/Google Home) và đương nhiên là cả nền web.
Đặc biệt, Spotify cung cấp một nền tảng thích hợp, giúp cho việc chi trả bản quyền âm nhạc dễ dàng hơn và đồng thời công nghệ phát triển cũng giúp tăng cường việc xử lý các trang web vi phạm bản quyền trở nên dễ dàng hơn. Đây được xem là ưu thế “có một không hai” của dịch vụ này.
Thông tin trên website của Spotify cho biết, mức phí dịch vụ áp dụng cho thị trường Việt Nam sẽ ở mức 59.000 đồng/ tháng, trong đó người dùng sẽ có 30 ngày dùng thử miễn phí. Mức phí này là khá ưu đãi so với phí 9,99 USD tại Mỹ và tương đương mức phí cho dịch vụ Apple Music tại Việt Nam.
Bài học về bản quyền!
Sự “đổ bộ” của trang dịch vụ trực tuyến của nước ngoài là Spotify, hay trước đó là Apple Music, đánh dấu cuộc “đại chiến” nhằm phân chia lại thị phần nhạc số tại nước ta. Ở một cực đối lập với Spotify, sẽ là các trang nghe nhạc miễn phí trong nước như nhaccuatui, zing mp3, nhacvui, chiasenhac, keeng… Tuy nhiên, với nhiều điểm ưu việt đã được dân sành nhạc trên toàn thế giới chứng thực, nhiều người dự đoán sẽ không mất quá nhiều thời gian để Spotify thống lĩnh thị trường Việt Nam. Cùng với sự chiếm “sóng” của Spotify, nhiều trang nghe nhạc trực tuyến trong nước cũng sẽ rơi vào thế “hấp hối”, đứng trước nguy cơ “đóng cửa”.
Từ việc có thể tải nhạc “chùa”, nghe nhạc “chùa” trên nhiều trang nghe nhạc, tại sao nhiều người thay đổi thói quen, sẵn sàng trả tiền để nghe nhạc? Rõ ràng, họ muốn được hưởng một thứ dịch vụ tốt hơn, văn minh hơn. Còn về phía nghệ sĩ, nếu trước đây, khá nhiều người lo ngại khi gửi gắm sản phẩm của mình tới các đơn vị phát hành không phổ biến rộng rãi và việc thu phí được xem như một rào cản tiếp cận đại chúng của họ thì trong vài năm trở lại đây, có không ít nghệ sĩ nổi tiếng như Mỹ Tâm, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Hà Trần, Quốc Bảo… đã dần dần không đưa các sản phẩm âm nhạc mới của mình lên các trang nghe nhạc miễn phí. Mục đích của động thái này nhằm góp phần thay đổi thói quen nghe nhạc miễn phí của người Việt Nam trong suốt nhiều năm qua. Cho nên, chẳng có gì là lạ khi Spotify vào, nhiều nghệ sĩ đã tỏ ra rất hào hứng và nhanh chóng lập tài khoản của mình trên đó.
Nói về chuyện này, nhạc sĩ Phó Đức Phương từng chia sẻ với báo chí, “bảo vệ lợi ích cho nghệ sĩ cũng nhằm mục đích bảo vệ lợi ích chung cho cộng đồng, bởi tái tạo sức lao động của những người làm nghệ thuật sẽ giúp họ có khả năng sáng tác nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị”. Thị trường âm nhạc trực tuyến, theo đó, cũng “sạch” hơn.
Nhiều năm qua, vi phạm bản quyền trở thành câu chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi” mà đâu vẫn hoàn đó tại Việt Nam. Việc “gã khổng lồ” Spotify chính thức đặt chân vào, như một tiếng chuông cảnh tỉnh thói quen “cầm nhầm” và nghe nhạc “chùa” ở Việt Nam. Nếu vẫn ngồi một mình một chiếu, sớm muộn gì, người dùng cũng rời bỏ. Câu chuyện hiện nay vẫn là văn minh và dịch vụ tốt. Chỗ nào đáp ứng được, chỗ đó thắng.