Ðông mà chưa tinh
Lượng hóa hiệu quả làm việc của cán bộ công chức các cơ quan hành chính là việc khó hơn nhiều so với tính toán năng suất lao động của khối doanh nghiệp.
Trả lời chất vấn trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 (kỳ họp cuối năm 2022), Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thừa nhận, bên cạnh nhiều kết quả đạt được, nhiệm vụ tinh gọn hóa, nâng cao hiệu suất làm việc của cán bộ, công chức, viên chức vẫn là một thách thức lớn. Đơn cử, ở cấp huyện vẫn đang dôi dư 48% số cán bộ. Tỷ lệ này ở cấp xã khoảng 31%...
Bà Phạm Thị Thanh Trà không đề cập đến con số tổng thể của tất cả các bộ, ngành, các cấp trên toàn quốc, nhưng gần như cùng với thời điểm nữ Bộ trưởng trả lời chất vấn, sau khi tích hợp, đồng bộ được dữ liệu của 35 bộ, ngành, địa phương vào Cơ sở Dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước, Cơ sở này đã có 2,5 triệu bộ hồ sơ điện tử về cán bộ, công chức, viên chức. Nếu chấp nhận một so sánh hơi khập khiễng thì có thể thấy, nước Mỹ có diện tích lớn xấp xỉ 30 lần nước ta, dân số gần gấp 4 lần, nhưng đội ngũ công chức của họ ít hơn ta nhiều, chỉ có khoảng 2 triệu người.
Về chất lượng làm việc, kết quả cập nhật của năm 2022, dự kiến vào đầu quý II tới đây mới có; song nhìn vào chỉ số niềm tin kinh doanh được một số tổ chức quốc tế, hiệp hội nhà đầu tư công bố cuối năm 2022 thì thấy thủ tục hành chính cồng kềnh, phức tạp và thái độ, hiệu suất làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức vẫn là một điểm trừ đáng kể. Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng thẳng thắn cho biết, trong quá trình tổng hợp từ năm 2021 và sáu tháng đầu năm 2022, đã có khoảng 60 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị xử lý kỷ luật, có trường hợp phải xử lý hình sự. Riêng đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thì đã phải xử lý kỷ luật hơn 20.300 cá nhân, trong đó cũng có không ít trường hợp phải xử lý về hình sự. Số lượng này tính trên tổng số cán bộ, công chức, viên chức, vào khoảng 1%, là con số lớn nhất từ trước đến nay.
Thế nhưng, vấn đề nổi lên gần đây, cấp bách hơn, dường như lại là tình trạng cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc. Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tính từ ngày 1/1/2020 đến 30/6/2022, số lượng xin nghỉ việc là 39.552 người, chiếm 1,94% tổng số biên chế được giao.
Trong đó, ở khối bộ, ngành có 7.102 người, chiếm 17,96% (công chức là 1.505 người, chiếm 21,19%; viên chức là 5.597 người, chiếm 78,81%). Ở địa phương có 32.450 người, chiếm 82,04% (công chức là 2.524 người, chiếm 7,78%; viên chức là 29.926 người, chiếm 92,22%).
Đáng lưu ý, có 653 tiến sĩ nghỉ việc, thôi việc, chiếm 1,65%. Bác sĩ chuyên khoa II có 133 người, chiếm 0,33%. Thạc sĩ có 4.018 người, chiếm 10,16%; bác sĩ chuyên khoa I có 1.066 người, chiếm 2,70%. Đại học có 19.637 người, chiếm 49,65%; cao đẳng có 6.027 người, chiếm 15,24%...
Theo độ tuổi, báo cáo nêu có 25.617 người từ 40 tuổi trở xuống, chiếm 64,77%; 7.861 người từ 41-50 tuổi, chiếm 19,87%... Tỷ lệ nghỉ việc ở địa phương lớn hơn ở bộ, ngành và tỷ lệ nghỉ việc, thôi việc của viên chức chiếm tỷ lệ lớn (89,8%) tập trung ở hai lĩnh vực giáo dục và y tế.
"Dụng nhân như dụng mộc"
"Trước hết phải tăng lương", nhiều Đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn nhận định như vậy trên diễn đàn Quốc hội kỳ họp thứ 4. Các ý kiến này lập luận, muốn cán bộ công chức không tham nhũng thì phải khiến cho người ta không thể, không cần, không dám tham nhũng. Về mặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, cần làm chặt; về mặt quyền lợi, phải tăng lên. Một khuyến nghị cụ thể khác là, Nhà nước nên trả lương cao cho cán bộ công chức, nhưng có thể trả bảy phần trước, giữ lại ba phần, đến khi công chức về hưu sẽ hoàn lại đầy đủ. Nếu cán bộ vi phạm, tùy mức độ mà trừ vào "quỹ bảo đảm trách nhiệm" đó. Nếu phấn đấu tốt đến lúc nghỉ hưu, người lao động được nhận lại món tiền lớn, còn nếu vi phạm trong công vụ thì phải nộp lại ngân sách.
Bên cạnh đó, để mỗi cán bộ, công chức có thể phát huy hết năng lực, sở trường thì người đứng đầu các cơ quan, tổ chức cần có sự nhìn nhận, đánh giá để phân công công việc phù hợp năng lực, tạo được không gian cho cán bộ của mình tư duy độc lập và tự quyết; xác định rõ ràng cơ chế phối hợp; có chính sách ghi nhận, khen thưởng hợp lý; đi cùng với xử phạt nghiêm minh. Mà muốn vậy, một vấn đề cấp bách hiện nay chính là cải thiện chất lượng đánh giá hiệu suất làm việc. Đây là việc rất khó, vì - như đã nêu ở trên - hiệu suất hoạt động của các cơ quan công quyền rất khác với hiệu suất của khối doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cũng như khối các đơn vị sự nghiệp công.
Cuối cùng, người đứng đầu cần quan tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhân viên, tạo sự gắn bó, đoàn kết trong công tác; giúp giải tỏa căng thẳng, áp lực, tạo ra sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Thực tế đã ghi nhận: thu nhập là yếu tố quan trọng hàng đầu, nhưng không hoàn toàn quyết định việc người tài lựa chọn gắn bó với công việc nào và ở đâu.