Nguy cơ từ chính sự lơ là, chủ quan

Nhiều địa phương đã tham gia vào việc xây dựng thương hiệu bằng các giải pháp như xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhưng chỉ làm tốt khía cạnh nhận diện trong nước, còn khi ra nước ngoài, thương hiệu nông sản chưa được định vị rõ ràng. Đây là hạn chế lớn cần sớm được khắc phục để giúp doanh nghiệp ngăn chặn các rủi ro pháp lý liên quan.
0:00 / 0:00
0:00
Thu hoạch cá tra ở vùng nuôi cá tra thương phẩm của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản An Mỹ (An Giang). Ảnh: CÔNG MẠO
Thu hoạch cá tra ở vùng nuôi cá tra thương phẩm của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản An Mỹ (An Giang). Ảnh: CÔNG MẠO

Trước khi xảy ra câu chuyện về gạo ST25 bị sáu doanh nghiệp ở nước ngoài (năm ở Mỹ và một ở Australia) nhanh tay đăng ký bảo hộ loại "gạo ngon nhất thế giới", đã từng xảy ra nhiều trường hợp tương tự.

Chín loại cà-phê do Trung Nguyên sản xuất và được pha chế theo cách riêng, đã nhanh chóng giúp doanh nghiệp này mở rộng hệ thống đại lý lên gần 400 quán cà-phê trong nước, theo hình thức nhượng quyền thương mại. Hình thức nhượng quyền này cũng được phát triển ra nước ngoài. Cà-phê Trung Nguyên đã xuất hiện tại Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Australia... Tháng 7/2000, Công ty Trung Nguyên tiếp xúc với Công ty Rice Field với mục đích đưa sản phẩm sang thị trường Mỹ. Khi hai bên còn đang thương thảo, chưa đi đến ký thỏa thuận hợp đồng thì phía đối tác đã đăng ký bảo hộ thương hiệu cà-phê Trung Nguyên với các cơ quan chức năng Mỹ và Tổ chức Bảo hộ Trí tuệ Thế giới (WIPO). Công ty cà-phê Trung Nguyên đã nhờ tới các luật sư tiến hành nộp đơn khiếu nại và đưa ra những bằng chứng quan trọng nhất, chứng minh sở hữu nhãn hiệu hàng hóa của mình là chính đáng. Sau hai năm thương thảo trầy trật, tiêu tốn hàng trăm nghìn USD, Trung Nguyên mới lấy lại được thương hiệu trên thị trường Mỹ.

Hay như trường hợp thương hiệu nước mắm Phú Quốc cũng từng bị Công ty Viet Huong Fishsauce (Mỹ) đăng ký nhãn hiệu độc quyền tại Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc và Australia. Để tìm lại tên cho nước mắm Phú Quốc, Hội nước mắm Phú Quốc đã thực hiện các thủ tục pháp lý cùng sự hỗ trợ của Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại EU, Bộ Công thương... Phải mất gần sáu năm, nước mắm Phú Quốc mới được EU chấp nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý sau khi chứng minh quyền sở hữu của mình. Và nhiều trường hợp khác nữa…

Thống kê từ Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho thấy: Tính đến nay, Cục đã cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho 113 sản phẩm có nguồn gốc nông, lâm, thủy sản. Cả nước cũng đã có 2.244 đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể, trong đó đã được cấp 1.734 nhãn hiệu tập thể. Một số sản phẩm có chứng nhận chỉ dẫn địa lý hoặc nhãn hiệu tập thể đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, đang xuất khẩu nhiều vào các thị trường cao cấp trên thế giới như: Nước mắm Phú Quốc, chè hữu cơ shan tuyết Phìn Hồ, chè Thái Nguyên, hồ tiêu Gia Lai, cà-phê Buôn Ma Thuột, vải thiều Lục Ngạn… Thế nhưng, nếu so tiềm năng và đòi hỏi xuất phát từ chính hoạt động xuất khẩu trong bối cảnh hiện nay, số lượng sản phẩm nông sản của Việt Nam đã xây dựng được thương hiệu và được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cả trong nước và thị trường quốc tế còn hạn chế; thậm chí còn bị xem nhẹ.

Tham gia thị trường nhiều năm nay, nhưng giám đốc của một doanh nghiệp tư nhân chuyên sản xuất sản phẩm chè ở Thái Nguyên vẫn cho rằng, sản phẩm khi ra thị trường chỉ cần bảo đảm chất lượng, được chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm là có thể cạnh tranh được. Vì vậy, doanh nghiệp chưa quan tâm chú trọng bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm. Tâm lý chủ quan của vị giám đốc này đối với việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu nông sản cũng là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã ở Việt Nam hiện nay.

Dù nhiều năm qua đi, nhưng Giám đốc chuỗi cà-phê trái cây Meet More Nguyễn Ngọc Luận vẫn không thể nào quên bài học xương máu của doanh nghiệp: "Mỗi tháng công ty xuất khẩu hơn 40 tấn sản phẩm cà-phê trái cây sang Hàn Quốc. Thế nhưng, vì chủ quan nên đã bị chính đối tác nhập khẩu của mình nhanh tay đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Tôi hết sức bất ngờ vì đây là một thương hiệu mới của mình, lại bị họ đi trước một bước".

Cục trưởng Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Quốc Toản cho hay: Hiện có khoảng 80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều sản phẩm được xuất khẩu và bán ở thị trường nước ngoài dưới thương hiệu không phải của doanh nghiệp Việt Nam.

Bàn thêm về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng: Theo luật sở hữu trí tuệ của các nước, một khi nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ tại lãnh thổ một nước thì chủ sở hữu nhãn hiệu đó có độc quyền sử dụng nhãn hiệu, có quyền ngăn cấm các doanh nghiệp khác sử dụng nhãn hiệu của mình hoặc dấu hiệu tương tự, gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của mình cho sản phẩm đăng ký. Như thế, nếu một nhãn hiệu nông sản của Việt Nam bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký thì sẽ dẫn đến nhiều bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam, như: Không thể tự do xuất khẩu sản phẩm nông sản dưới nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý của mình, nguy cơ mất thị trường, mạng lưới phân phối, bán hàng. Cùng với đó là danh tiếng, uy tín của sản phẩm có thể bị ảnh hưởng.

"Bên cạnh nguyên nhân phần lớn nông sản Việt Nam vẫn là xuất khẩu thô, thì chính sự chậm trễ, lơ là, chủ quan trong việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, cũng như không lường trước được rủi ro khiến nguy cơ bị mất thương hiệu luôn rình rập ở thị trường nước ngoài. Không phải nhà nông, doanh nghiệp nào cũng am hiểu về quyền sở hữu trí tuệ. Để giải quyết vấn đề này, một trong những giải pháp hữu hiệu đó là xây dựng và tăng cường mối liên kết bốn nhà: nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà nước để kịp thời chia sẻ, tương trợ lẫn nhau", PGS, TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.