Tuyển sinh đại học năm 2023

Nguy cơ thêm áp lực từ các kỳ thi !

Tính đến thời điểm này, đã có gần mười cơ sở giáo dục đại học chính thức thông báo tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng nhằm mục đích tuyển sinh đầu vào đại học, sớm hơn mọi năm. Dự kiến từ tháng 3/2023, một số cơ sở bắt đầu triển khai tổ chức kỳ thi. Đành rằng công tác tuyển sinh là một trong những quyền tự chủ của các trường đại học, song xét ở góc độ toàn xã hội, việc có quá nhiều kỳ thi lại phát sinh không ít bất cập, tạo thêm áp lực cho thí sinh.
0:00 / 0:00
0:00
Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức, năm 2022. Ảnh: Thanh Tùng
Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức, năm 2022. Ảnh: Thanh Tùng

ĐÃ có tám đơn vị thông báo sẽ tổ chức kỳ thi riêng là: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường đại học Sư phạm Hà Nội, Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, Trường đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội và Bộ Công an.

Như vậy, cùng với Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 (dự kiến diễn ra vào hai ngày 7 và 8/7), và phương án xét tuyển khác ở các cơ sở giáo dục đại học, thí sinh năm nay sẽ có nhiều lựa chọn kỳ thi cho mình. Qua khảo sát thực tế, việc năm nay có thêm nhiều kỳ thi riêng tạo điều kiện chủ động cho cả thí sinh và công tác tuyển sinh của nhà trường. Tuy nhiên, không ít ý kiến lại cho rằng, việc phải cùng lúc chuẩn bị ôn luyện cho nhiều kỳ thi khiến học sinh bị áp lực, quá tải. Em Nguyễn Thị Thanh Huyền, học sinh lớp 12 một trường THPT ở quận Hà Đông (TP Hà Nội) chia sẻ: "Em phải học bán trú ở trường cả ngày, tối về còn phải tự học, làm bài tập, ôn thi nước rút. Ban đầu thấy thông báo có nhiều kỳ thi riêng, em cũng nghĩ như vậy là mình có thêm cơ hội. Nhưng thành ra, đến giờ em lại đang thấy lúng túng khi chọn trường và lựa chọn phương án, tổ hợp thi".

Trong khi đó, một số giáo viên được hỏi cũng chia sẻ rằng, áp lực mỗi mùa tuyển sinh bao giờ cũng hiện hữu, "năm nay thì đến sớm hơn với cả cô và trò". Một thầy giáo ở Hưng Yên thẳng thắn: "Tự chủ tuyển sinh, rồi các trường sẽ tự tổ chức kỳ thi hay cách thức tuyển sinh riêng, khác nào trở lại cả trước hồi "ba chung" - không khí thi cử của hơn 20 năm trước. Đáng lo ngại là các lò luyện thi dễ lại trăm hoa đua nở". Để đồng hành cùng học sinh, nhiều trường THPT cũng đã có sự phân luồng, chủ động hỗ trợ các em ôn tập, tiếp cận sớm với các kỳ thi đánh giá năng lực. Nội dung định hướng theo chương trình đổi mới, sát với cách ra đề những năm gần đây cũng được nhiều giáo viên quan tâm.

CŨNG đã có nhiều ý kiến chuyên gia khuyến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo trong vai trò cơ quan quản lý nhà nước, cần sớm có đánh giá mang tính hệ thống về quá trình các trường thực hiện quyền tự chủ, nhất là về tự chủ tuyển sinh. Nghị quyết số 29-NQ/TW năm 2013 nêu rõ chủ trương "giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học". Quy chế tuyển sinh 2020 cũng đã đặt ra các điều kiện, tiêu chí để một trường đại học tổ chức kỳ thi riêng. Vấn đề là cần làm thế nào để vừa bảo đảm tính hiệu quả của chính sách tự chủ, vừa bảo đảm chất lượng tuyển sinh và không gây thêm áp lực cho các em, như tinh thần Nghị quyết số 29 đã khẳng định: Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

Từ kinh nghiệm nhiều năm làm công tác quản lý cơ sở giáo dục đại học tự chủ, GS, TSKH Đặng Ứng Vận đặt vấn đề, công tác tuyển sinh của một trường đại học luôn có hai mục đích là tuyển đủ chỉ tiêu và bảo đảm chất lượng đầu vào. Tất nhiên, mục tiêu như thế, song việc tổ chức một kỳ thi riêng đòi hỏi rất công phu từ khâu tổ chức, ra đề cho đến khâu chấm thi và cả sử dụng kết quả để xét tuyển. Trên thực tế, không nhiều cơ sở giáo dục đại học hiện có đủ khả năng bảo đảm chất lượng cho kỳ thi đánh giá năng lực riêng của mình. Đồng tình với vị chuyên gia này, một số ý kiến đề xuất, ngành giáo dục nên "đặt hàng" cho hai đại học quốc gia triển khai kỳ thi đánh giá năng lực. Tiến tới, có thể tập trung để một đơn vị độc lập tổ chức kỳ thi này, và các trường sẽ lấy kết quả phục vụ tuyển sinh cùng với các hình thức xét tuyển khác. Nếu có quá nhiều trường cùng tổ chức kỳ thi riêng sẽ gây áp lực cho thí sinh, thậm chí lãng phí nguồn lực xã hội.

Theo lộ trình, đến mùa tuyển sinh năm 2025 sẽ có lứa thí sinh THPT đầu tiên được học trọn vẹn Chương trình đổi mới 2018. Thời gian không còn xa. Ngay từ lúc này, đòi hỏi phương thức tổ chức thi cử cần ổn định, cách ra đề cần linh hoạt, khoa học, tiệm cận với chương trình mới. Cùng với đó, đòi hỏi cách dạy và học cũng phải linh hoạt, giáo viên cần liên tục cập nhật tri thức mới, thay đổi phương pháp dạy nhằm tiếp cận xu hướng mới, định hướng học sinh bám sát yêu cầu ra đề, đáp ứng kỳ thi và nhất là hướng nghiệp hiệu quả.

• Năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo giữ ổn định quy chế tuyển sinh như năm ngoái. Song, kế hoạch tuyển sinh đại học năm nay được thiết kế với lịch trình sớm hơn năm 2022, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển đại học từ tháng 7, không giới hạn số nguyện vọng.

• Quan sát một số kỳ thi đánh giá năng lực những năm gần đây, ThS Nguyễn Viết Hiền (Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) nêu quan điểm: Bài thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy của một số trường đại học chủ yếu xem xét năng lực tư duy, khả năng vận dụng kiến thức, bởi thế, các thí sinh nếu nắm vững kiến thức chương trình trung học phổ thông thì đều có thể tham gia các kỳ thi và đạt kết quả cao.