Công ty CP Nhiệt điện Thăng Long, thành viên của Tập đoàn Geleximco vừa công bố thông tin phát hiện sai sót trong quá trình phát hành trái phiếu. Điều đáng nói, thông tin đã công bố cách đây gần 1 năm và phải đính chính kết quả kinh doanh từ lãi thành lỗ. Đây là khoảng thời gian công ty phát hành gần 1.800 tỷ đồng trái phiếu.
“Bàn tay” của các công ty chứng khoán
Vào ngày 20/3/2025, Nhiệt điện Thăng Long đã gửi công văn đến Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) để đính chính báo cáo tài chính năm 2023 mà công ty đã công bố vào ngày 27/3/2024. Công ty cho biết đã nhầm lẫn giữa cột “kỳ trước” và “kỳ báo cáo”, dẫn đến việc công bố sai kết quả kinh doanh. Cụ thể, kết quả thực tế của năm 2023 là công ty lỗ hơn 528 tỷ đồng, thay vì lãi gần 122 tỷ đồng của năm 2022 như báo cáo trước đó. Vốn chủ sở hữu thực tế của công ty vào cuối năm 2023 là 3.981 tỷ đồng, thay vì 4.509 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu thực tế cũng cao hơn, ở mức 2,46 lần thay vì 2,38 lần như báo cáo.
Sự nhầm lẫn càng khó hiểu hơn khi nó xảy ra ngay trước khi Nhiệt điện Thăng Long phát hành hai lô trái phiếu mới trị giá gần 1.800 tỷ đồng. Vào ngày 22/8/2024, công ty phát hành lô trái phiếu TLPCH2427001 trị giá 899,5 tỷ đồng, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, lãi suất 10%, đáo hạn vào ngày 22/8/2027. Đến ngày 16/9/2024, công ty tiếp tục phát hành lô trái phiếu TLPCH2427002 trị giá 900 tỷ đồng, với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu và lãi suất 10%, đáo hạn vào ngày 16/9/2027. Cả hai lô trái phiếu này đều là loại “ba không” (không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản bảo đảm), với tổ chức lưu ký là Công ty CP Chứng khoán An Bình, công ty con của Geleximco.
Hẳn nhiều người vẫn nhớ vụ việc liên quan 9 đợt phát hành trái phiếu của các công ty thành viên thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Mặc dù trái phiếu đã được bán ra và có bên mua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã quyết định hủy bỏ, vì cho rằng doanh nghiệp phát hành đã có hành vi "công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ”.
Cùng thời điểm phát hành thêm gần 1.800 tỷ đồng trái phiếu, công ty này cũng đã thực hiện nhiều lần mua lại trái phiếu đã phát hành trước đó. Đến nay, Nhiệt điện Thăng Long vẫn còn 3 lô trái phiếu đang lưu hành, với tổng giá trị trái phiếu lưu hành hơn 2.200 tỷ đồng. Trong đó, lô trái phiếu phát hành ngày 30/12/2021 đã được mua lại 717 tỷ đồng, còn lại 408 tỷ đồng.
Một chuyên gia tài chính cho rằng, việc phát hành trái phiếu sau khi công bố thông tin sai lệch về kết quả kinh doanh là vấn đề đáng lo ngại. Nếu sai sót trong báo cáo tài chính được công khai trước khi phát hành trái phiếu, có thể thấy sự liên kết giữa hai sự kiện này: công ty có thể hy vọng rằng thông tin sai lệch sẽ thu hút đầu tư mà không gây nghi ngờ về tình hình tài chính thực tế.
Dù công ty đã mua lại một phần trái phiếu trước hạn, nhưng việc phát hành thêm trái phiếu trong cùng thời gian cho thấy công ty có thể gặp khó khăn về dòng tiền và khả năng thanh toán nợ, đặc biệt khi phải huy động vốn qua việc phát hành trái phiếu mới trong khi chưa giải quyết xong các trái phiếu cũ.
Vụ phát hành trái phiếu của nhóm Tân Hoàng Minh liên quan một số công ty chứng khoán, đóng vai trò tư vấn phát hành. Các công ty này bao gồm Chứng khoán An Bình, Chứng khoán Bảo Việt, Chứng khoán Agriseco, và Chứng khoán Everest. Việc kết hợp giữa 2 bên trong các đợt phát hành trái phiếu có vấn đề không phải hiếm gặp.
Những rủi ro vẫn luôn hiện hữu
Nhìn rộng ra thị trường trái phiếu, không ít công ty chứng khoán không chỉ cung cấp dịch vụ tư vấn phát hành cho doanh nghiệp mà còn đóng vai trò phân phối thứ cấp. Các công ty chứng khoán này thường chào bán trái phiếu với thông điệp lạc quan về tiềm năng tăng trưởng và triển vọng khả quan, nhằm thúc đẩy việc bán sản phẩm, nhưng ít chú trọng phân tích sâu về "sức khỏe" tài chính của doanh nghiệp phát hành, khiến nhà đầu tư khó có thể nhận biết được những rủi ro thật sự.
Các chuyên gia cảnh báo rằng, trong nhiều năm qua, không ít sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp có chất lượng kém, lãi suất cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư. Hầu hết các trái phiếu phát hành riêng lẻ này đều có sự tham gia của các công ty chứng khoán trong tư vấn phát hành và định giá.
Phát hành trái phiếu doanh nghiệp là hình thức huy động vốn, trong đó doanh nghiệp vay nợ từ nhà đầu tư. Đơn vị phát hành có nghĩa vụ trả lợi tức cho trái chủ và hoàn trả khoản vay khi trái phiếu đáo hạn. Trong trường hợp doanh nghiệp giải thể hoặc phá sản, trái chủ sẽ được ưu tiên thanh toán trước cổ đông. Tuy nhiên, trái chủ không có quyền tham gia vào hoạt động của công ty như cổ đông. Do đó, chất lượng tài sản bảo đảm cũng là một yếu tố quan trọng để phòng ngừa rủi ro.
Thực tế, thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay vẫn tồn tại không ít sản phẩm "ba không" (không tài sản bảo đảm, không bảo lãnh thanh toán, không xếp hạng tín nhiệm). Một số doanh nghiệp nhỏ huy động vốn lớn với lãi suất cao, nhưng không có tài sản bảo đảm hoặc tài sản bảo đảm chất lượng kém, chủ yếu là các dự án đầu tư, tài sản hình thành trong tương lai, hoặc cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư, đặc biệt nếu doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và không thể trả nợ gốc, lãi trái phiếu.
Để đầu tư trái phiếu hiệu quả, nhà đầu tư cần phải là người thông thái, tự đánh giá kỹ lưỡng năng lực tài chính của doanh nghiệp trước khi quyết định xuống tiền. Để giảm rủi ro, nếu doanh nghiệp có dấu hiệu thua lỗ hoặc nguy cơ phá sản, đầu tư vào trái phiếu của Nhà nước sẽ là lựa chọn an toàn hơn.
Khoản 1, Điều 12 Luật Chứng khoán năm 2019 quy định việc “trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện hành vi gian lận, lừa đảo, làm giả tài liệu, tạo dựng thông tin sai sự thật hoặc công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin hoặc bỏ sót thông tin cần thiết gây hiểu nhầm nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, cung cấp dịch vụ về chứng khoán” là hành vi bị cấm.