Ngày hội khóa

Quá nửa đêm, nhóm chat vẫn “ting ting”, kế hoạch họp mặt, ăn uống, vui chơi chưa chốt xong. Đêm nào cũng phát sinh thêm ý tưởng, đề xuất.
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa: ĐOÀN ĐỨC HÙNG
Minh họa: ĐOÀN ĐỨC HÙNG

Ngọc vốn khó ngủ lại càng trằn trọc. Nhắc Khải bao lần tắt chuông thông báo nhưng có vẻ chồng vẫn bỏ ngoài tai. Khải vắt tay lên trán. Hội khóa cấp ba, sau hội khóa thì tách ra họp lớp. Đa số bạn bè ở quê nhưng thống nhất tổ chức tại Hà Nội. Thế là Khải và vài người khác định cư ở đây được coi là “nòng cốt” của cuộc vui, giao nhiệm vụ rõ ràng. Lịch trình có cả tham quan di tích lịch sử, lại thêm vườn thú, công viên… “Tôi nghĩ mấy điểm này nên cắt, già cả đám rồi, có gì mà thăm vườn thú như trẻ nít”, Khải nhắn vào nhóm “nòng cốt”. “Chứng tỏ ông chả hiểu gì sất, bạn bè đã đề xuất nghĩa là thích đi, mà bạn thích là duyệt tất!”, “Phải, đằng nào cũng mất chuyến xe”… Tiếp đến phần quà cáp, đặc sản thu Hà Nội nhanh chóng được thông qua. “Tôi nghe nói, các bạn từ quê lên đã đặt giò trước cả tháng nay, làm quà cho chúng mình”, tin nhắn kèm theo icon mặt cười khoái chí. “Giò chả làm gì vất vả”. “Ông lại chả hiểu gì sất…”, lại có người phản bác Khải.

Ngày hội đến. Ai nấy xốn xang. Khải ra khỏi nhà từ sáng sớm. Anh được giao nhiệm vụ đón và dẫn bạn bè đi tham quan. Mọi người đã chờ sẵn tại điểm hẹn từ lúc nào. Tất cả ồ lên, nhớn nhác: “Khải bạch mã!”, “Nom chả khác gì!”, “Phong độ từ bé…”. Giọng bạn, giọng quê chộn rộn túa vào sáng tinh mơ phố thị. Khải xông xáo đón chào, mua vé, hướng dẫn tận tình. Bỗng ánh mắt anh khựng lại khi gặp người ở cuối hàng tay bần thần ôm cái túi xách. “Hiền, Hiền phải không?”. Người phụ nữ nở nụ cười dịu dàng, khóe mắt đã điểm nếp nhăn nhưng tươi tắn, hồn hậu. Phút chốc, như có làn gió may ùa về khuấy vào niềm bối rối trong lòng.

Hiền là hàng xóm, bạn học, cũng là mối tình đầu. Buổi liên hoan, bao nhiêu chuyện xưa thổn thức. Cùng lý giải vì sao có biệt danh Khải “bạch mã”, không chỉ bởi vẻ ngoài cao lớn bảnh bao, mà còn tư chất công tử. Cả xã ngày đó mỗi Khải vênh vang xe đạp đến trường. Thi thoảng, thầy hiệu trưởng có việc xuống xã còn phải tạt lớp học mượn xe. Hiền “hoa khôi” đương nhiên bởi xinh đẹp, ngoan ngoãn. Hiền là con gái út nhà ông giáo Độ, nổi tiếng khắt khe mực thước. Chính ông là người kịch liệt phản đối chuyện yêu đương của hai người. Ngoài dạy học, ông còn xem tử vi và dường như điều đó khiến sự phản đối ngày thêm gay gắt. Khải sao quên được đêm chia tay Hiền lên thành phố, ở nhờ nhà bác để học đại học. Đã ấp ủ một lời hứa hẹn. Đã nghĩ trước sẽ nói những gì để khiến Hiền tin và chờ đợi. Thế mà, khi bên nhau, lặng im cứ đầy dâng đến ngột ngạt. Đúng lúc Khải định nắm chặt bàn tay gầy guộc dịu dàng thì Hiền nói, rằng sẽ học cao đẳng sư phạm, rằng cha cô cũng nhận sính lễ của người làng bên rồi.

*

“Hiền ly hôn rồi, ông biết chưa?”, ai đó trong lớp rỉ tai. Khải vờ im lặng. “Thấy ông tâm trạng lắm. Nhớ ngày xưa, phỏng?”, bạn tiếp tục rót từng lời, từng lời. Quả thật, Khải đang nhớ thương bàn tay gầy guộc, đêm chia tay đan vào nhau, ngày gặp lại vẫn bần thần đặt trên chiếc túi đã bạc mầu. Cuộc vui, hoàn cảnh riêng tư xếp lại. Chỉ có những nụ cười, những kỷ niệm và bâng khuâng tuôn trào. “Hát đi, hát đi!”, mọi người thúc giục, đẩy mạnh vào lưng Khải. Bạch mã hoàng tử năm xưa vừa bảnh bao lại có tài đàn hát, khối cô mê. Rượu vào, men lâng lâng, Khải thoát dần sự lúng túng, ngại ngần vốn dĩ. Anh cất giọng đầy sâu lắng và mê hoặc: “Sao tình yêu còn dâng trong mắt em/Cho ta nhớ một thời trai trẻ/Sao mùa thu còn vương trong mắt em/Cho ta tiếc một thời xa đến thế…”. Lời ca ngẫu nhiên mà hợp cảnh đến lạ lùng. Nhìn xuống bên dưới, tất cả đều đưa điện thoại livestream. Chỉ Hiền vẫn lặng lẽ, thoáng vẻ u buồn. Men rượu và ánh mắt nửa xa xôi, nửa trìu mến ấy khiến Khải thăng hoa.

Đêm, Khải về nhà muộn. Say tới mức không tự mở cửa được mà phải bấm chuông. Hai cây giò, một nạc, một mỡ, chẳng biết đứa nào buộc dây thòng qua cổ. Người Ngọc thoảng hương nước hoa, bộ đồ ngủ nền nã và sang trọng. Nhưng trước mắt Khải bây giờ là một lớp sương mờ. Một dòng sông mênh mang, xa vắng. Ở đó, có tiếng Hiền khỏa nước mỗi sáng mai ở ao làng. Có dáng Hiền tảo tần gánh lúa, gánh rơm đi qua con ngõ sâu nhà Khải. Ngọc phàn nàn, ca cẩm những gì, anh không còn nghe rõ và cũng chẳng có nhu cầu nghe rõ. Trong cơn láng máng, chỉ nhớ rằng đã kịp lưu số điện thoại của Hiền. Có người còn cung cấp thêm thông tin, Hiền đang làm thuê trên thành phố, bươn chải nuôi con trai vừa vào đại học.

*

Một tháng trôi qua, nhóm chat đã bớt dần tiếng “ting ting” nửa đêm, các nhóm lẻ tự tách ra gặp gỡ tùy ý. Khải chỉ muốn gặp Hiền, nhất định thế. Vậy mà bao lần mở điện thoại ra, tay lại lừng khừng, lóng ngóng. Nhưng chính cái cảm xúc khó cắt nghĩa đó cứ như thuốc gây nghiện, khiến anh không yên.

“Anh đi đâu?”, tiếng vợ, đều đều và lành lạnh như bao lần. Khải không gặp khó khi nói dối. Lùi xe khỏi cổng, vướng ngay chiếc xe khác đang vào. Khải lịch thiệp nhượng bộ, đánh xe trở lại sân. Nhưng chiếc xe bóng loáng kia đã dừng giữa cửa nhà Khải. “Chào anh, anh Khải, tôi là…”. Ngay lập tức, Khải nhận ra người đàn ông dáng vẻ trí thức, sang trọng. Dũng, bạn học của Ngọc. Nghe đồn một thuở đã “trồng cây si”. Ngày đang tán tỉnh Ngọc, đôi lần anh gặp Dũng từ nước ngoài trở về, mang tặng bố Ngọc những cuốn sách và trà. Chắc lại hội khóa, họp lớp, rồi thì… Không dưng Khải thấy khó chịu, bực dọc, dù vẫn đang chìa tay ra bắt. “Ngọc đang ở nhà, cậu cứ tự nhiên nhé, mình dở chút việc phải đi”.

Quán cà-phê ven hồ, vào thu thêm phần thơ mộng. Lá lộc vừng đã rắc vàng, khóm hoa nguyệt quế ngay cạnh bàn nước vẫn bung tỏa những chùm hoa trắng, thơm ngào ngạt, dù phút thăng hoa của loài hoa này đã từ đêm qua. Hiền nhìn ra hồ, ánh mắt vẫn long lanh, thẳm sâu, đa cảm. Cô không kể lể gì về hoàn cảnh riêng, chỉ nói hài lòng với cuộc sống hiện tại. “Nhờ hội khóa mà bọn mình gặp được nhau, bao nhiêu kỷ niệm, kể sao cho hết được”, giọng Hiền nhỏ nhẹ, cô ý tứ cho thêm đá vào tách cà-phê cho Khải. Đã định hỏi han, tâm sự, nhưng giây phút ấy mọi thứ dường như chợt đóng băng. Khải mông lung nghĩ, nhờ hội khóa mới gặp được Hiền và cái gã Dũng kia, có khi giờ này tới nhà cũng lại rủ vợ anh tụ hội. Rồi Dũng có hát không? À, có khi người hát lại là Ngọc, Ngọc thích hát mà, nhưng từ ngày sống bên Khải, Khải nói không ưa hát hò, Ngọc đành thôi. Những khúc ca còn dang dở vẫn khe khẽ vang lên bởi chất giọng đượm buồn của Ngọc mỗi khuya: “Dẫu một mai tình xa trong đắng cay/Sẽ còn mãi những phút giây này…”. Rồi tim Ngọc có nhói lên không? Lòng cô có rối bời, xao xác như Khải trong ngày hội khóa không? Ai mà biết được. Mà cũng không cấm được.

*

Đã mấy đêm, Khải để ý mà không thấy điện thoại vợ “ting ting” tin nhắn nhóm. Hay Ngọc đã kịp tắt âm thanh? Lòng Khải từng bối rối thế nào, biết đâu Ngọc cũng đang như vậy. Chả nhẽ nửa đêm dựng vợ dậy hỏi có đi hội khóa không. Rấm rứt, bức bối lan từ đêm sang ngày. Bỗng dưng thành ra ích kỷ. Vừa muốn mình thế này, lại không muốn vợ thế kia.

Chiều nằng nặng trôi qua ô cửa, nắng chiếu xiên xiên yếu ớt nhưng oi gắt, báo hiệu mưa giông có thể sẽ ập về. Khải thấy mình lặng lẽ, chậm rãi tách ra, trôi về phía một màn đêm. Yên tĩnh quá, cứ thế bách bộ trong con ngõ vắng, điểm xuyết vài chùm hoa sử quân tử đung đưa thả xuống mảng tường rêu. Từ ngày rộn ràng chuẩn bị cho hội khóa rồi mông lung nghĩ ngợi ngày xưa, anh tạm quên đi một sự thật là Ngọc đang đau ốm và câu chuyện ấy không còn thông thường như bao lần… “Trong trường hợp xấu nhất thì sẽ thế nào?”, Ngọc bình tĩnh, hỏi bác sĩ, cũng là chỗ quen thân. “Thì cô có thể quên những buổi chiều như bây giờ, quên nhanh hơn thường lệ. Ngày mai sẽ quên ngày hôm nay. Thật ra, cũng không hẳn là tệ, vì đâu phải chiều nào cũng đẹp…”.

“Có gì mà buồn bã nhỉ?”, “Mọi việc vẫn đang rất bình thường”, “Làm sao em trầm cảm được?”… Khải nhớ rõ, mình đã nhấn mạnh từng tiếng với vợ, trước khi bệnh tình được phát hiện. Những cơn đau đầu vẫn dai dẳng đeo bám. Bác sĩ biết Ngọc luôn tuân thủ quy tắc điều trị nên chẳng có gì để lưu ý, vẫn chỉ lời khuyên nên thả lỏng suy nghĩ, cơ thể, thói quen… Rồi Khải bỗng nghĩ lan man, biết đâu ngày hội khóa tốt cho Ngọc. Thậm chí, anh cũng nghĩ tới việc gọi điện nhờ Dũng đón đưa. Chỉ cần Ngọc vui, như Khải và mọi người đã từng… Chỉ cần Ngọc được cất lên giọng hát. Lòng Khải bỗng dào lên một niềm day dứt đến mông lung.

*

“Đúng là bọn mình có kế hoạch hội khóa, nhưng Ngọc từ chối tham gia. Sau ngày tụ họp, mình thay mặt các bạn tới thăm cô ấy”, Dũng điềm tĩnh trò chuyện với Khải. Thì ra, ngày anh vui vẻ với bạn bè, ngày trong lòng anh dâng lên niềm xao xác cũ xưa, cũng là ngày Ngọc có lịch họp lớp. Hôm sau, lúc tỉnh rượu, Khải loáng thoáng nghe các con khoe được mẹ đưa đi mua sắm sách vở, đồ dùng chuẩn bị cho khai giảng, mẹ còn là ủi đồng phục rất tinh tươm. “Ngọc nói, thời gian này, bọn trẻ cần mẹ nhiều hơn và Ngọc cũng cần chúng nhiều hơn. Thú thực, bọn mình có giận bởi một buổi họp lớp, thời gian đâu đáng gì!”. Dũng mỉm cười cho qua khi lòng Khải như đang có từng vết cắt ngọt và sâu. “Thời gian đâu đáng gì”, câu nói ấy găm vào đầu óc Khải, treo lửng lơ trong bài ca Ngọc hát năm nào.